Chú Giải Tin Mừng - Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông Đồ
NGÀY 29/06 - LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ
Noel Quesson - Chú Giải Tin Mừng
LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ
Mt 16: 13-19
Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê...
Các miền phụ cận thành Tia và Xi-đôn, trên bờ biển Li-băng. . . Mát-thêu được Đức Giêsu và các môn đệ Người đi bộ từ núi Héc-man với những đỉnh núi có tuyết bao quát vùng hồ Ga-li-lê. Gần vùng thượng lưu sông Gio-đan, trong một vùng phong cảnh lôi cuốn, khí hậu mát mẻ, chim hót líu lo giữa những tiếng rì rào của cây cỏ. Gần hang động của thần Pan (ngày nay là Banian). Hê-rô-đê Phi-líp II đã cho xây dựng thành phố nghỉ mát của nhà vua vào năm 2 trước Công nguyên. Để tôn kính ông chủ Đế quốc La Mã, ông ta đã cho thành phố này một cái tên hoàn toàn mới Xê-da-rê!
Ngày nay thành phố này không còn lại gì... ngoại trừ dòng suối tiếp tục phun nước từ "tảng đá" dưới chân núi.
Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?"
Xa khỏi các đám đông, để tránh khỏi mọi nguy cơ khuấy động vi Đấng Mê-si-a, một cách rất rõ ràng Đức Giêsu đặt câu hỏi về "căn tính" của Người.
Đối với mỗi người, dù đàn ông hay đàn bà mà chúng ta sống gần, than ôi chúng ta chỉ có thể biết được mặt ngoài của nhân cách người ấy. Trong mỗi con người, có một thứ bí mật, giấu kín đằng sau những thứ mặt nạ mà người chỉ khám phá được với thời gian.
Nhân cách sâu thẳm của Đức Giêsu cũng cắm sâu trong điều không thể nói được: Người là ai?
Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ".
Dư luận quần chúng được thuật lại trong từng chi tiết nhưng về cơ bản đều đồng thanh cho rằng Đức Giêsu không phải là một con người bình thường. . .
Ngôn hành của Người làm cho Người thành một nhân cách tôn giáo đặc biệt. Người ta kể ra những vị ngôn sứ nổi danh của quá khứ khi nói về Người...
NGÀY NAY cũng thế, phần lớn nhân loại đều thừa nhận trong Đức Giêsu một nhân cách siêu phàm: Người đã đánh dấu lịch sử hoàn vũ như rất ít người tiếng tăm đã có thể làm.
Đức Giêsu lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo thầy là ai?
Đức Giêsu yêu cầu các môn đệ của Người nhiều hơn dư luận chung. Phản ánh những ý tưởng thông thường chưa đủ. Phải có lập trường của bản thân mình.
Anh Minh Thành . . . Anh Thuyết. . . Chị Mỹ Dung. . . Chị Thanh Xuân... Anh chị nói gì về Đức Giêsu? Đối với anh chị Đức Giêsu là ai?
Ông Simon Phêrô thưa: 'Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".
Tất cả các nhà chú giải đều lưu ý sức mạnh của cách diễn tả mà Mát-thêu nhấn mạnh bằng thác nước của bốn danh từ: "Đấng Kitô, Con, Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống".
Dĩ nhiên là vào ngày hôm đó trong đầu của Phêrô không chắc đã có mọi xác quyết về thần học mà những từ ấy chuyên chở sau khi Đức Giêsu sống lại và sau một thời kỳ suy gẫm lâu dài bằng trí tuệ của các Công đồng ba thế kỷ đầu tiên. Tuy nhiên, người ta không có quyền "thu hẹp" lời "tuyên xưng đức tin" của Phêrô theo nghĩa thông thường có trong cách diễn tả "con của Thiên Chúa" "ben Elohim". Thật vậy, trong Cựu ước, danh hiệu này được áp dụng cho Đấng Mê-si-a, nhưng cũng áp dụng cho mọi "con trai của ít-ra-en" (Xuất hành 4;22; Đệ nhị luật 14,1; Khôn Ngoan 2,16-18,13; Giê-rê-mi-a 31,20; Sa-mu-en 7,14; Thánh Vịnh 2,7- 89,27). Đối với Phê-rô, rõ ràng là Đức Giêsu không chỉ là một "con trai của Thiên Chúa", như mọi người khác: Mà nói như thế thì không nói được điều gì. Phê-rô đã nhìn thấy Đức Giêsu không chỉ là một ngôn sứ như bao ngôn sứ khác, một người được sai đến như bao người khác được Thiên Chúa sai đến... nhưng là Đấng Thiên Sai, Đấng Mê-si-a, Chúa Con... trong một ý nghĩa chỉ thuộc về Người.
Đức Giêsu nói với ông: "Này anh Simon, con ông Giô-na anh thật là người có Phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.."
"Phàm nhân" hay "huyết nhục" . . . cách diễn tả rất lâu đời trong Kinh Thánh để chỉ tính chất xác thực của lời nói... một công thức rất đẹp gợi hình để nhắc đến sự yếu đuối tự nhiên của con người nếu chỉ được soi sáng bằng những ánh sáng của trí tuệ. Trong ngôn ngữ thông thường của ngày nay, chúng ta sẽ nói rằng: "không phải óc phán đoán nhỏ bé của anh, cho anh nói được điều đó!" Vâng, để đạt đến những thực tại thánh thiêng, cần phải có một "mạc khải". Trí thông minh của con người tuyệt đối không thể định nghĩa được Thiên Chúa, bên trên mọi sự như lời ca ngợi của Thánh Grê-gô-ri Na-di trong một bài thánh ca rất hay: "ôi, lạy Chúa, Đấng trên hết mọi sự, đó chẳng phải là tất cả những gì Người ta có thể ca ngợi Chúa đó sao? Ngôn ngữ nào sẽ nói với Chúa? Không một từ nào có thể diễn tả được Chúa. Trí tuệ sẽ bám víu vào đâu? Chúa vượt qua mọi trí tuệ. Duy chỉ Chúa không thể diễn tả được; bởi vì mọi sự vật được diễn tả đều xuất phát từ Chúa. Duy chỉ Chúa không thể nhận biết được, bởi vì mọi sự được suy nghĩ đều xuất phát từ Chúa ... Chúa là cùng đích của mọi sự vật. Chúa là tất cả mọi sự vật, và không phải là sự vật nào cả. Chúa có tất cả mọi tên và con sẽ gọi tên Chúa như thế nào đây? Duy chỉ Chúa là người ta không thể gọi tên. Ôi lạy Chúa, Đấng trên hết mọi sự, đó chẳng phải là tất cả những gì người ta có thể ca ngợi Chúa đó sao?"
Phải, với sự đơn giản táo bạo, khó mà chống chế, Đức Giêsu khẳng định rằng không một ai có thể biết căn tính của Người nếu không có sự mạc khải của Thiên Chúa. "Không ai biết rõ người Con trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết rõ Chúa Cha trừ người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho" (Mt 11,27). Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh sự bất lực của con người khi nói về Thiên Chúa "Đấng đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người... Người đã đoái thương mạc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên" (Ga-lát 1,15-16) "Nhưng Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời . . . " Hai từ nhỏ bé "Cha Thầy" cho chúng ta thoáng thấy vực thẳm vô tận mà Đức Giêsu đã ý thức, trong bản thân Người. Và Đức Giêsu tuyên bố là "có phúc" tất cả những ai thấy được điều bí mật của bản thân Người (thêm một mối phúc thật mới).
Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết; anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy..."
Máccô (8,27.30) và Luca (9,18-21) đã thuật lại lời tuyên xưng đức tin của Phêrô. Chỉ có Mát-thêu kéo dài thêm với lời tuyên bố của Đức Giêsu về những trách nhiệm của Phêrô đối với Giáo Hội. Kiểu chơi chữ với từ Phêrô của Đức Giêsu rất xác thực bởi vì Người sử dụng ngôn ngữ Sê mít, và tất nhiên gần ngôn ngữ Ara-men hơn ngôn ngữ Hy-lạp, thật vậy từ "Đá" ngôn ngữ Ara-men là Kê-pha thuộc về giống đực)... Quả thực, câu nói sẽ không chỉnh lắm trong tiếng Hy-lạp và trong tiếng Pháp: "Anh là Phêrô (Pétros: giống đực) và trên tảng đá này ("pétra": giống cái Thầy sẽ xây . Vậy chúng ta thử suy nghĩ về lời "tuyên bố" của Đức Giêsu với Phêrô. Có năm hình ảnh, theo rất sát ngôn ngữ Sê-mít, cấu tạo thành lời hứa đó.
- Tảng đá: biểu tượng cho sự vững chắc, biểu tượng cho Thiên Chúa.
- Giáo Hội: có nghĩa là cuộc "hội họp" do Thiên Chúa triệu tập.
- Cửa biểu tượng cho quyền lực của một thành trì kiên cố thời cổ đại.
- Chìa khóa: biểu tượng cho "quyền bính".
- Cầm buộc và tháo cởi: biểu tượng cho toàn thể thống nhất các mối mâu thuẫn . . .
Có nhiều đoạn trích dẫn Kinh Thánh để khẳng định Thiên Chúa là Tảng đá. Chúng ta chỉ cần trích dẫn một trường hợp "Chúa là tảng đá của tôi, thành trì của tôi ( Tv 71,3) Chúng ta thấy trước mắt mình những hình ảnh của các pháo đài hay các ngôi làng có tường thành vững chắc trên mọi núi đá. Như thế, Đức Giêsu có ý định xây dựng một công trình, thật vững chắc!
Từ "Giáo Hội" dịch một từ tiếng A-ra-men "Qahal" có nghĩa là "Cuộc hội họp, hội chúng". Vậy điều Đức Giêsu muốn xây dựng là một "cộng đoàn" gồm đàn ông và đàn bà có những điểm chung, quy tụ lại để cùng nhau làm một số việc. Công đồng Vatican II đã định nghĩa Giáo Hội là dân Thiên Chúa. Không thể là một Kitô hữu "đơn độc". Bi kịch của người Kitô hữu không hành đạo, tức là không tham dự thánh lễ ngày chủ nhật để thờ phụng Thiên Chúa chính là đức tin của người ấy teo lại dần và chết.
"Và quyền lực của tử thần sẽ không thắng nổi..."
Bản văn dịch sát cho thấy một hình ảnh: "Những cánh cửa hỏa ngục (Hadès) không đủ sức để chống lại". Nếu chúng ta hiểu công thức này trong mọi sức mạnh của nó, vấn đề không phải chỉ là sự vững chắc của Giáo Hội để phòng thủ hiệu quả trước những cuộc tấn công của sự chết. . . nhưng là khả năng tấn công "ngục tù của sự chết" để giải thoát những người bị giam cầm ở đó.Tranh thánh của phương Đông về sự sống lại cho chúng ta thấy Đức Giêsu chiến thắng đứng trên hai cánh cửa của âm phủ bị phá vỡ thành hình thập giá và cho Ađam và Eva tham dự vào chiến thắng sự chết của Người. Đó là mục tiêu của Giáo Hội: Cứu độ! Đức Giêsu đã thật sự nhắm đến điều đó: một "đoàn thể" của những người được sống lại với Người?
"Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời..."
Đây cũng là một hình ảnh rất lâu đời, dấu chỉ sự chính thống (I-sai-a 22,22). Ai giữ chìa khóa căn nhà có mọi quyền bính trên căn nhà ấy.
"Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy".
Ngày nay, người ta thấy nhiều người sẵn sàng nói: "Đức Giêsu, được... Giáo Hội, không...". Sau một thời kỳ tập quyền thái quá các Giáo Hội cũng như các quốc gia khắp nơi cảm thấy muốn vỡ tung: người ta xem ra chỉ bằng lòng với "những cộng đoàn nhỏ sống động và nhiệt thành mà không cần đến những cơ chế to lớn... Người ta tương đối hóa những quy phạm của học thuyết không cần đến những điểm quy chiếu khách quan. . . Tác vụ của Thánh Phêrô mà Đức Giêsu mong muốn nhắc chúng ta rằng đức tin là một ơn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta và chúng ta không thể nghĩ ra một cách tùy tiện: Đức Kitô thật sự đã ban cho Phêrô các "quyền bính". Phải lắng nghe Phêrô.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải Tin Mừng
Lễ vọng Ga 21: 15-19
Lễ chính Mt 16: 13-19
Xem lại CN 21 TN A, CN 3 PS C.
Thứ năm tuần 18 TN và thứ sáu tuần 7 PS.
Lịch sử của ngày lễ:
Thánh Phêrô và Thánh Phaolô đều tử đạo tại Rôma: Phêrô tử đạo dưới thời hoàng đế Nêrô khoảng năm 64-67; Phaolô tử đạo vào năm 67.
Lễ hôm nay không phải là người ngày tử đạo của thánh Phêrô và thánh Phaolô, nhưng có thể là ngày di chuyển hài cốt của hai vị vào hang toại đạo trên đường vua Appia, gần nhà thờ San Sê-bát-ti-a-nô ngày hôm nay.
Hội Thánh tôn kính mộ các ngài và mừng lễ kính hai vị cùng ngày. Vì thế Hội Thánh đã dành ngày 29/6 hằng năm để mừng trọng thể lễ kính hai vị. Xưa Hội Thánh lấy ngày 30/6, sau ngày kính trọng thể Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, để kính nhớ đặc biệt thánh Phaolô, nhưng lịch mới năm 1970 không còn nữa, ngược lại Hội Thánh nâng lễ kính thánh Phaolô trở lại ngày 25/01 lên bậc lễ kính.
- Suy niệm các bài đọc trong thánh lễ:
- a) Thánh lễ vọng:
Cv 3,1-10:
Hai vị Tông Đồ không có tiền, nhưng các ngài lãnh nhận được sức lực của thánh thần để làm chứng bằng lời nói và bằng hành động rằng: Đức Giêsu vẫn đang sống (cv 1,8;2,43;5,12). Nhờ danh của Chúa Giêsu thành Nadarét, thánh phêrô đã chữa lành người bại liệt. Đây không phải ảo thuật hay phù thuỷ nhưng là sự tin tưởng vào Chúa Giêsu: niềm tin vào sự hiện diện đầy quyền năng của Thiên Chúa mà đã nâng lên "Làm Chúa và làm Đấng Kitô" (Cv 2,36).
Chúng ta hãy tập làm mọi việc vì danh Chúa để biến mọi việc thành lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa.
Gl 1,11-20:
Phaolô xác tín về sứ vụ và giáo lý của mình: tất cả bắt nguồn từ Chúa Giêsu và cuối cùng thì tất cả nằm trong ý định muôn thuở của Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa đã gọi ngài từ muôn thuở và xác định ngài làm Tông Đồ dân ngoại.
Tin tưởng vào ơn gọi và ý định của Thiên Chúa, chúng ta nỗ lực hết mình chu toàn bổn phận trong giây phút hiện tại để làm vinh danh Thiên Chúa.
Ga 21,15-19:
Chúa Giêsu xác nhận địa vị ưu tiên của phêrô, nhưng lại hướng dẫn ông về những điều kiện căn bản mà người giữ chức vụ mục tử phải có: đó là lòng trung tín và tình yêu mến.
Khi nhận lãnh sứ mệnh Chúa ban, chúng ta ta cần trung thành trong công việc và trung tín với Chúa, đồng thời tỏ ra nhiệt tình sốt sắng với mọi công việc và keo sơn gắn bó với Chúa bằng tình yêu mến để hiệp thông và vâng phục.
- b) Lễ chính kính thánh Phêrô và Phaolô
Cv 12,1-11:
Đoạn sách công vụ Tông Đồ này ghi lại việc bắt giam và giải thoát phêrô để trình bày về ơn cứu độ của Thiên Chúa, vì giải thoát phêrô là công việc hoàn toàn của Thiên Chúa .
Những công việc con người không làm được thì Thiên Chúa làm được. Vì thế chúng ta tin tưởng và hết lòng trông cậy vào Chúa trong khi cầu nguyện.
2 Tm 2,6-8.17-18:
Bài này ghi lại lời thánh Phaolô giải thích cho Timôthê về ý nghĩa các đau khổ của người Tông Đồ. Ví như "người nông dân làm việc vất vả , thì phải là người đầu tiên được hưởng phần hoa lợi", cũng vậy mỗi người Tông Đồ "cùng chết với Đức Kitô thì cũng cùng sống lại với người". ý nghĩa này dựa trên chân lý: "Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết".
Điều này gợi lên cho chúng ta: có làm mới có ăn; có khó mới có công; có chiến đấu mới có chiến thắng và vinh quang. Vì vậy chúng ta cần chịu khó trong mọi việc, nỗ lực trong mọi công tác, kiên trì và bền đỗ trong mọi gian lao, thử thách và vất vả vì lòng mến Chúa và tuân phục ý Chúa.
Mt 16,13-19:
Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại câu chuyện Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu: "Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống" để trình bày cho chúng ta rằng người Tông Đồ không những cần phải hiểu giáo lý của Chúa, mà còn phải có những cái nhìn chính xác về con người của Chúa nữa. Chính những câu hỏi của Chúa Giêsu buộc các Tông Đồ phải xác định rõ ràng về con người của Người.
Muốn làm Tông Đồ cho Chúa, thì không chỉ biết thông thạo về giáo lý của Chúa mà còn phải học hỏi, tìm hiểu và suy niệm về Chúa để xác tín về Chúa cách rõ ràng, hầu có thể truyền đạt về Chúa cách vững chắc. Thánh Phê-rô và Thánh Phaolô là mẫu gương cho chúng ta về điều đó.
- Nhận thức và áp dụng:
Mừng kính Thánh Phê-rô và Phaolô Tông Đồ hôm nay, chúng ta có thể nhận thức rằng:
- Thánh Phê-rô và Thánh Phaolô: tuy khác nhau về tính tình, về trình độ, về khuynh hướng nhưng hai ông đã gặp nhau:
- Trong một ơn gọi: Tông Đồ.
- Do một Đấng kêu gọi: Đức Giêsu.
- Để cùng chia sẻ một bận tâm: đó là xây dựng Hội Thánh trần thế.
Điều này nêu gương cho chúng ta khi thi hành sứ mệnh Tông Đồ, cần phải biết: thống nhất giữa những cái đa dạng và hiệp nhất giữa những cái khác biệt để xây dựng Hội Thánh.
- Nhìn vào những yếu đuối của Phêrô cũng như Phaolô mà được Chúa trao sứ mệnh cao cả trong Giáo Hội, chúng ta nhận ra rằng:
- Các Tông Đồ ngày xưa, cũng như các Đấng Bậc trong Hội Thánh ngày nay: các ngài đâu có tự mình đảm trách công cuộc cứu rỗi trần gian, mà chỉ làm công việc thừa nghĩa là Chúa sai họ, với lời hứa yểm trợ họ trong công tác và đảm bảo giá trị sau cùng, chứ không hứa siêu đẳng họ, để mọi người biết rằng chỉ có một vị Thầy đích thực là Đức Kitô. Họ chỉ là quản lý các mầu nhiệm (1Cr 4,1) chứ không phải phát sinh các mầu nhiệm ấy. Họ thi hành nhân danh Đấng chọn họ và sai họ, chỉ có Đấng đó mới hoàn hảo, mới thông suốt mọi bí ẩn, mới là bảo đảm cuối cùng giá trị của các việc họ làm.
Đó chưa kể khía cạnh yếu đuối của họ giúp họ dễ cảm thông với những yếu đuối loài người, của anh em, như chính Đức Kitô đã nêu gương (Do Thái 4,15).
- Trong quá trình làm việc thừa sai, thay vì phục vụ, các Tông Đồ có thể thiên về hưởng thụ, họ để cho tư lợi, những ý riêng cho phối hướng dẫn họ … những thứ khiếm khuyết ấy lẽ ra theo thói thường là đưa Giáo Hội đến chỗ suy vong, sụp đổ … nhưng Hội Thánh vẫn tồn tại: như vậy càng chứng tỏ cách hiển nhiên cho thấy Thiên Chúa mới là người trách nhiệm cuối cùng của Hội Thánh Người.
- Nếu trong số những người hướng dẫn chúng ta trong Hội Thánh có những gương xấu trì trệ như Simon hoặc có gốc bách hại như Sao-lô hay bất cứ một khiếm khuyết bất toàn nào đi nữa, chúng ta cũng vẫn yên tâm và tin chắc rằng Hội Thánh là của Chúa và Chúa có thể làm mọi sự vì "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế".
- Mừng lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô hôm nay, chúng ta thiết tha nguyện xin Chúa qua lời bầu cử và gương mẫu của hai vị thánh Cả vĩ đại, ban cho mọi thành phần trong Hội Thánh, cách riêng mỗi người chúng ta:
- Biết tích cực góp phần mình vào công cuộc xây dựng Hội Thánh trần gian và xây dựng nước Chúa.
- Đồng thời xin ơn thêm lòng yêu mến Chúa Phục Sinh, yêu mến gắn bó với Hội Thánh của Chúa phục sinh và ơn trung thành để hoàn tất ơn gọi của Chúa đến cùng.