Chú Giải Tin Mừng - Thứ Ba Tuần V Mùa Thường Niên
Thiên Chúa tỏ ra cao cả khi Người hành động theo ý muốn của dân, khi người liên kết với họ và lập giao ước với họ. Thiên Chúa siêu việt trở thành kẻ thân cận. Người vừa là Đấng Cao vời vừa là Người gần gũi nhất ! Đó chính là mầu nhiệm lớn lao của Đền thờ...
CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BA TUẦN V MÙA THƯỜNG NIÊN
NGÀY 08/02/2022
Bài đọc I : NĂM LẺ : St 1,20-24
Việc sản sinh những sinh vật..những cá lớn..gia súc…loài bò sát và dã thú…Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng : “hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều”.
Các sinh vật được Thiên Chúa chúc phúc, và phúc lành chứng nhận lãnh, chính là sự phát triển và việc sinh sôi nảy nở. Sống hoàn toàn giản dị là sống. Đây là ơn ban cho tình yêu Chúa.
Các tiền nhân đã có linh cảm về điều đó. Khoa học hiện đại, dầu cho mọi cuộc chinh phục khác, vẫn chưa hiểu được sự sống là gì. Đây là một kỳ quan nhiệm lạ, có cơ cấu phức tạp và tế vị. Sự sống lại được hiến trao cho sự tan biến sao? Thánh sử sẽ cố giải đáp vấn nạn nền tảng này trong chương hai cuốn sách sáng thế mà chúng ta sẽ đọc trong những ngày này.
Chúa phán : “chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta”.
Ngày nay khoa thiên văn vô tuyến điện (Radioastronomie) cho chúng ta biết được những tinh thể ở xa chúng ta cả triệu năm ánh sáng. Trái đất dưới quan điểm khoa học, không chiếm ngự một chỗ đặc biệt nào : Đây chỉ là một hạt buị nhỏ nhoi, và chúng ta sẽ mỉn cười với xác quyết của Kinh Thánh cho rằng con người là tuyệt đỉnh, hay là tâm điểm của thế giới !Dầu vậy, như Pascal noí, con người dường như là thực tế duy nhất “biết” được vũ trụ cả tỉ tỉ lần lớn hơn nó và nghiền nát nó. Chỉ có con người, đặc ân duy nhất trong các tạo vật, được nói là “hình ảnh của Thiên Chúa”. Khuôn mặt Thiên Chúa vô hình hiện diện trên nét mặt của con người dòn mỏng.
Kiểu nói cốt yếu này muốn nói gì. Hình ảnh Thiên Chúa là gì?
1.Đàn ông, đàn bà trong chính ý định của Thiên Chúa đối với xác thân họ, lại là những hình ảnh của Thiên Chúa sao ? phải, từ ngữ Do Thái “hình ảnh " gợi nên “nét đẹp”, “khuôn mẫu " để người ta tạc tượng.
2. “Lứa đôi" có phải là hình ảnh của Thiên Chúa không ? Như bản văn sách thánh gợi ý: “giống hình ảnh Chúa, Người tạo thành họ có nam có nữ” . Như Thiên Chúa là tình yêu, con người là tình yêu, có khả năng thực hiện những “tương quan” sự “thông hiệp liên vị”.
3.Nhưng theo Thánh kinh, con người là “hình ảnh Thiên Chúa”, nhất là uy quyền của họ trên, vũ trụ, do trí khôn sáng tạo giống như trí khôn của Thiên Chúa : thống trị vũ trụ và biến đổi nó.
Hãy sinh sôi nẩy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống trị nó, hãy bá chủ cá biển chim trời, và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất... Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cây cỏ.
Phải, từ khi con người xuất hiện, trái đất thay đổi bộ mặt : con người in dấu mình trên đó, và “nhân hóa" nó. Việc tạo đựng chưa hoàn thành đã được trao cho con người. Và Thánh Vịnh 8 ngây ngất vì trách nhiệm này : “Ngắm trời xanh tay Ngài sáng tạo, muốn trăng sao Chúa đã an bài. Thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm ? So với thần linh ngài không thể thua là mấy, ban kinh dự huy hoàng làm mũ triều thiên kiệt tác của ngài, Ngài cho làm bá chủ. Muôn loài muôn sự ngài đặt cảdưới chân ". "Con người " vua vũ trụ “Chúa vũ trụ”, đại diện của Thiên Chúa”, “giữ chỗ của Thiên Chúa”. Sinh sản con cái. Sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật. Làm mọc lên cây mì, cây lúa. Chế tạo một cái máy chụp hình hay một máy điều chỉnh. Xây dựng các thành thị. Linh hoạt một làng hay một hiệp họi. Hoạch định kinh tế. Làm cho thiên nhiên nhân bản hơn. Thiện Chúa trao cho vai trò này cho con người, tuyệt tác của Chúa.
Ngày Nay, chúng ta có làm được tất cả những việc đó mà không bôi nhọ thiên nhiên không? Chúng ta khơi dậy mọi vấn đề thời sự, về môi sinh, về môi trường.
Ngày nay, tôi sẽ tham dự thế nào vào vai trò đã lãnh nhận từ Thiên Chúa?
Bài đọc II : NĂM CHẴN : 1 V 8,22-23.27-30
Trong ngày cung hiến Đền thờ, Salômon đứng trước tế đàn Yavê, trước mặt toàn dân, ông giơ tay lên trời và cầu nguyện thế này...
Tôi đặt mình trước nhan Thiên Chúa.
Lạy Chúa, Chúa ở đó. Và con đây, con ở trước mặt Chúa.
Tôi dùng các khả năng thể xác để giúp tôi cầu nguyện.
Vì người ta không chỉ cầu nguyện nguyên bằng tinh thần.
Lạy Yavê, không có Thiên Chúa nào như Ngài ngay ở chốn trời cao, cũng như ở dưới mặt đất…
Đây là lời tuyên xưng sự cao cả của Thiên Chúa, tính siêu việt của Người!
Lạy Chúa, con hoàn toàn bé nhỏ trước mặt Chúa.
Ngài giữ lời giao ước và tình thương đối với các tôi tớ Ngài.
Thiên Chúa tỏ ra cao cả khi Người hành động theo ý muốn của dân, khi người liên kết với họ và lập giao ước với họ. Thiên Chúa siêu việt trở thành kẻ thân cận. Người vừa là Đấng Cao vời vừa là Người gần gũi nhất ! Đó chính là mầu nhiệm lớn lao của Đền thờ.
Họa chăng là Thiên Chúa lại ở dưới đất? kià trời và các thượng đỉnh tầng trời không thể nào chứa nổi Ngài, huống hồ là Đền thờ tôi mới xây.
Vâng, Salômon nói không sai.
Thiên Chúa ngự trời cao, nghĩa là bất khả đạt, bí ẩn, khó mà biết được, không thể nắm bắt, ngoài tầm tay và mọi hiểu biết của ta. Nhưng con người cần có "trung gian" để đạt tới Thiên Chúa. Cần có “môi giới" để gặp gỡ Thiên Chúa.
Đền thờ là một phương tiện "biểu thị" để “gây cảm hửng" về sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta đều biết rằng, Thiên Chúa ở khắp nơi, nhưng khó gặp được Người.
Chúng ta cần những nơi chốn thánh thiêng, để giúp ta cầu nguyện, để cụ thể hóa và làm cho cuộc gặp gỡ được dễ dàng biết sử dụng những nơi thánh này theo ý nghĩa đó không ? Đức Kitô cùng với Nhiệm Thể của Người, là Đấng trung gian đích thực là độc nhất, Người cụ thể hóa và làm cho cuộc gặp gỡ Thiên Chúa được dễ dàng. Đó là Đền thờ duy nhất được xây dựng lại trong ba ngày.
Cộng đoàn thánh thể, các Kitô hữu tập hợp cũng là Thân Thể hữu hình của Đức Kitô Hôm Nay. Thực sự cộng đoàn này cụ thể hóa và làm cho cuộc gặp gỡ Thiên Chúa được dễ dàng. Chúng ta được anh em được Hội Thánh giúp đỡ trong việc kiếm tìm Thiên Chúa. Tôi có tham dự Thánh lễ theo cách đó với niềm xác tín như thế không?
Thiên Chúa không chỉ hiện diện trong Thánh lễ thôi. Người còn hiện diện khắp nơi trong cuộc đời chúng ta. Nhưng trong Thánh Thể chúng ta có dịp nhận ra dẫn chứng mạnh mẽ nhất về sự hiện diện này, để chúng ta biết nhận ra Người khắp nơi.
Lạy Yavê, xin Ngài đoái đến tiếng con kêu, lời con khấn nguyện, lời con cầu xin...
Trong bản văn Hipri, có ba từ khác nhau để chỉ rõ lời cầu nguyện của Salômon. "Tephilah” là tiếng kêu van thống thiết người ta thốt ra trong cơn đau khổ.
“Tehinanh" là lời khấn xin tín thác vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
"Rinah” là lời cầu xin hoan hỉ vì tin chắc đã được nhận lời.
Lời cầu nguyện, tùy theo mỗi lúc, sẽ mang đầy đủ sắc thái như thế trong tâm hồn ta.
Lạy Chúa, nguyện xin mắt Ngài mở ra đêm ngày trên đền thờ này.... Và từ trời cao, nơi Ngài ngự trị, xin đoái nghe và tha thứ...
Một Thiên Chúa như thế cũng luôn ngắm nhìn tôi!
Ngay trong giây phút này, Chúa đang để mắt nhìn…
Bài Tin Mừng : Mc 7,1-18
Những người Biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem đến.
Đối với thánh Marcô, các địa danh có một giá trị biểu tượng. Luôn có sự đối kháng giữa xứ “Galilêa” và thành “Giêrusalem” . Cho đến chương 11, Marcô diễn tả phần đầu của sứ vụ Đức Kitô. Mỗi lần nhắc đến Giêrusalem, ông đều gợi lên ý nghĩa thù nghịch. Những cuộc công kích ác độc đều phát xuất từ Giêrusalem, thủ đô tôn giáo và chính trị. Chính ở đó mà các nhà hữu trách đất nước sẽ kết án Chúa và phó nộp Ngài cho dân ngoại.
Họ tụ tập giại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Ngài dùng bữa với nhữrng bàn tay “không trong sạch”, nghĩa là “không rửa trước". Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, các người biệt phái và mọi người Do Thái không dùng bữa mà không rửa tay trước. Và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa : như rửa chén rửa bình.
Đây là cách đặt vấn đề. Họ không chỉ nhắm tới vấn vệ sinh, mà còn về cách thực hành nghi thức liên hệ đến “sạch" và “nhơ ”, theo luật Môsê quy định (Lc 11 ) và còn được tập truyền quảng diễn và xác định thêm.
Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân?
Đức Giêsu bị hạch tội vì các môn đệ của Người.
Dần dần, người huấn luyện các môn đệ đảm nhận vai trò truyền giáo tương lai . Người mở ra cho họ một thế giới phổ quát. Dần dần họ nhận rạ rằng, các khuôn khổ của tôn giáo cổ truyền không còn đủ khả năng đáp ứng được các nhu cầu trước mắt : được kêu gọi tới hoạt động truyền giáo trong các xứ sở có nền văn hóa rất khác biệt với môi trường Do Thái họ cần phải chú ý đến cái “cốt yếu” hơn, và không nên bận. tâm tới các tục lệ có thể gây cản trở vô ích cho các người ngoại giáo thành tâm thiện chí, là những người không giữ tập tục ăn uống như họ.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết nhận ra cái “phổ quát”.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con phân biệt được điều cốt yếu trong sứ điệp Chúa với mọi tục lệ cổ truyền, với tất cả tập quán riêng tư.
Lạy Chúa, đúng trước một thời đại văn hóa đổi thay, xin làm cho chúng con thấy được cái gì là bất biến, và điều gì có thể thay đổi: . để các thế hệ tương lai không tự đóng khung chống lại Tin Mừng, Chỉ vì chúng con có thể đã để cho Tin Mừng quá lệ thuộc vào các “tập tục của tiền nhân”.
Đức Giêsu đáp : “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chi lý về ngươi”, như lời chép rằng : “dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người" . (Is 29,13) .
Lời đáp trả của Đức Giêsu thật cứng rắn, Người dựa vào Kinh thánh để trả lời cho những kẻ tấn công mình. Y nghĩa tổng quát của bản văn này, cũng như của nhiều bản văn khác đều dựa theo các giời tuyên sấm của các ngôn sứ, chính là để chống lại hình thức chủ nghĩa. Đối với Thiên Chúa, những cử chỉ bề ngoài không quan trọng, những "tấm lòng" mới đáng kể: Sự thờ tự cho có vẻ thờ tự sẽ không có giá trị gì. Việc thờ phụng cần phải diễn tả những tâm tình thâm sâu.
Các ngươi đã khéo bỏ các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người.
Đức Giêsu đưa giới răn về tình hiếu thảo đối với cha mẹ làm mẫu mực : “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ” . Giới răn này đã bị các tập tục của Biệt phái coi nhẹ và xếp sau một số quy luật về phụng tự. Đức Giêsu Lặp lại bản chất đúng thực cho các sự việc. Theo đó, việc thảo kính cha mẹ trong mọi dân tộc là một điều tất yếu, không luật lệ tế tự nào có thể huỷ bỏ được ! Đức Giêsu chuẩn bị các môn đệ của người như thế, để trở thành những nhà truyền giáo phổ quát biết thoát bỏ, những tập quán quá cục bộ của dân tộc nơi mình phát xuất... và sẵn sàng tiếp nhận các giá trị phổ quát.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con. sự sáng suốt để hiểu biết chân lý này.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Chúa khiển trách việc giữ luật vụ hình thức.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Bài Tin Mừng hôm nay, qua việc tranh luận với các biệt phái và kinh sư về việc rửa tay trước khi ăn, Hội Thánh muốn nhắn nhủ chúng ta đừng quá lo lắng tuân giữ những tập tục loài người mà sao lãng tuân giữ các giới luật của Chúa.
2. Cuộc tranh luận nhắm về hai tục lệ : phải rửa tay trước khi ăn : và của để dành nuôi cha mẹ, nếu dâng cho Chúa thì khỏi phải giúp đỡ cha mẹ. Như vậy, những tập tục loài người giết chết tinh thần của lời Chúa:
- Chăm chú rửa tay bên ngoài mà không quan tâm tẩy rửa tâm hồn qua việc sám hối.
- Cặn kẽ giữ việc dâng của lễ cho Thiên Chúa mà sao lãng điều răn Chúa dạy phải thảo kính cha mẹ.
Những hình thức bên ngoài : các tục lệ, thói quen và nghi thức thường tác động khiến chúng ta sao lãng về tính chất của sự việc. Ví dụ : Những việc đạo đức bên ngoài thì nghiêm trang, đúng việc, đúng giờ, nhưng trong lòng thì chia trí lo ra, thiếu niềm tin, cây, và mến Chúa.
3. Khi truyền giáo cho lương dân, cần chú trọng đến cái cốt yếu của lề luật của đời sống đạo, không nên qúa bận tâm tới các tục lệ có thể gây cản trở vô ích cho những người ngoại giáo thành tâm thiện chí.
4. Lời khiển trách của Chúa Giê-su đối với các biệt phái và kinh sư cũng là những lời cảnh giác chúng ta:
- Chuộng bề ngoài hơn là ý thức bên trong.
- Vụ hình thức hơn là nội dung và bản chất của công việc, nhất là những việc đạo đức.
- Mau mắn và nhiệt tình trong những luật lệ của loài người hơn là tuân giữ luật Chúa.
5. Sạch và nhơ bẩn bên ngoài không những chỉ nhắm đến vấn đề vệ sinh, lịch sự và xã giao trong xã hội, nhưng nó còn là dấu chỉ nhắc nhủ chúng ta phải sạch trong tâm hồn nữa, và đó là điều Chúa mong muốn cho chúng ta là con cái Chúa , phải thực hiện.
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10