Clock-Time

Chú Giải Tin Mừng - Thứ Năm Tuần XXVIII Thường Niên Năm B

Biết bao tội giết các tiên tri và người công chính trong lịch sử dân Do Thái. Từ vụ sát hại Abilê đến việc sát hại sứ ngôn Giacaria được ghi ở đầu và cuối sách (St 4: 8-10; Chr 24: 20-22). Được hiểu là toàn bộ các việc giết người trong lịch sử dân Thánh. Những tội đó sẽ đổ hình phạt trên thế hệ này, vì theo tư tưởng của Kinh Thánh về liên đới trách nhiệm qua các thế hệ: thì họ sẽ chịu hình phạt về tất cả các tội lỗi của cha ông họ, vì họ đã tỏ ra đồng lõa với tiền nhân...

CHÚ GIẢI TIN MỪNG

THỨ NĂM TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM B

NGÀY 14/10/2021

Lc 11: 47-54

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Ep 1: 3-10

Được viết trong lúc bị cầm tù ở Rôma, bức thư gửi tín hữu Êphêsô, là một trong các thư chứa đựng nhiều giáo lý nhất của Thánh Phaolô. Đương đầu với một số Kitô hữu, quá dành uy quyền cho các thiên thần và ma quỷ, trên vũ trụ, Phaolô bày tỏ uy quyền tối thượng căn bản của Đức Kitô.

Chúc tụng Thiên Chúa là thân phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, từ cõi trời. Người đã thi ân giáng phúc của Thánh Thần trong Đức Giêsu Kitô.

Tâm hồn của Người tràn đầy niềm vui và tạ ơn

Mỗi lần cử hành Thánh Thể là một "cuộc tạ ơn" về những ơn lành của Thiên Chúa. Tôi có dùng thời giờ, trong thánh lễ, để hồi tưởng lại các lý do mà tôi có thể có để nói: "Chúc tụng Thiên Chúa không?". đó cũng là một lời cầu nguyện tốt tôi nên làm vào giờ nguyện gẫm của tôi.

Người cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc… Người đã chọn ta… Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô. Người đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu… người đã cho ta thiên ý nhiệm mầu… người đã định từ trước.

Thiên Chúa đã khởi xướng mọi sự. Và chúng ta, chúng ta được đầy tràn. Các từ nóng bỏng và đơn sơ này nói lên một cuộc mạo hiểm, trong tương quan với Thiên Chúa và con người.

Con người không phải là kẻ mồ côi… không phải do tình cờ mà có… họ đã được Thiên Chúa yêu thương từ trước.

Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngờ, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu.

"Lòng nhân ái… của Thiên Chúa cho tôi và cho mọi người". "Việc lạ lùng… của Thiên Chúa cho tôi và cho mọi người". "Ơn nhưng không của Thiên Chúa cho tôi và cho mọi người".

Tặng phẩm cao cả chính là Đức Kitô. Việc lạ lùng tuyệt diệu chính là Đức Kitô.

Nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được tha thứ tội lỗi.

Đây là bằng chứng của ơn nhưng không.

Chúng ta đã là người có tội và còn có tội, nhưng Thiên Chúa, yêu thương, cứu chuộc, tha thứ cho chúng ta… và đặt giá máu của Người làm giá cứu chuộc.

Lạy Chúa thay vì xét lại các tội con cách cay đắng và nhờm gớm theo tính tự ái, tại sao, con không biết nhìn xét chúng như Chúa: Tội là dịp để giúp con tin vào tình thương và lòng tha thứ của Chúa.

Theo lượng ân sủng rất phong phú của Chúa?

Có những ngày mà chúng ta cần phải bám víu hơn nữa vào những xác tín như thế? có những ngày mà chúng ta có cảm tưởng mình luôn luôn là tội nhân cứ sa lầy trong tội lỗi không thể thoát khỏi được. Ân sủng "không hề khô cạn".

Người quy tụ muôn loài trong trời đất, dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô.

Đây là "dự định" của Thiên Chúa, ngày xưa còn giấu ẩn và bây giờ được "vén mở" lên: để thu nhập tất cả… để quy tụ tất cả… Biết như thế, giờ đây, tôi có thể tham gia vào đó cách nào không? tôi có là người xây dựng sự hiệp nhất không? tôi có tin rằng đó là vận may cho nhân loại đang bị chia rẽ không?

Bài đọc II: Rm 3: 21-29

Không người phàm nào được nhìn nhận là công chính (luật chỉ giúp cho người ta nhận biết là mình có tội). Nhưng hiện giờ sự công chính của Thiên Chúa đã tỏ hiện (không tuỳ thuộc vào lề luật).

Quan điểm của Phaolô và nhân loại có thể tỏ ra là bi thảm: cả thế gian bị sự dữ giam hãm. Nhưng đó là để làm nổi bật ơn cứu rỗi phổ quát được ban cho mọi người.

Sự công chính của Thiên Chúa nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, sẽ ban cho mọi kẻ tin vào Người.

Khuynh hướng sâu xa trong tư tưởng Do Thái lượng định rằng, con người có thể "đáng" được cứu rỗi nhờ việc tuân giữ các giới lệnh của luật. Theo hạn mức, người ngay thẳng âu là có thể hoàn thành cuộc sống mình cách tốt đẹp mà không cần đến Thiên Chúa. Trọn nỗ lực của Phaolô nhằm chứng tỏ con người không thể "tự cứu" nhờ công nghiệp, nhờ nỗ lực riêng của mình. Ơn cứu rỗi sự thánh thiện không phải là đối tượng của một cuộc chinh phục… đây là một "ân tặng nhưng không" người ta nhận lãnh.

Không có gì phân biệt: Vì mọi người đều phạm tội và đã thiếu mất vinh quang của Thiên Chúa, họ được công chính hóa cách nhưng không, do ơn nghĩa của Người.

Những câu văn này đã làm nảy sinh cuộc tranh luận thời danh nghĩa những người theo "thệ phản" và "công giáo", về phần của Thiên Chúa và phần của con người, trong việc cứu rỗi… về phần của ơn thánh và về phần của tự do. Thực sự ơn Chúa được trao ban cho mọi người. Nhưng phải có sự cộng tác của con người, và đây là Đức tin, con người không tự cứu được nhờ sức riêng mình. Nhưng Thiên Chúa không cứu họ mà bất kể đến họ (cách miễn cưỡng).

Nhờ sự cứu chuộc nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng Thiên Chúa đã đặt làm của lễ đền tội, nhờ tin vào máu của Người.

Như thế, chính Chúa Giêsu cứu chúng ta, chứ không phải chúng ta. Phần chúng ta, chúng ta phải bám vào Người, thông hiệp với Người "tin vào Người". Thánh giá Chúa Giêsu vừa là mạc khải về sự rộng lớn và tính nặng nề của tội lỗi của toàn thể nhân loại, vừa tỏ bày sự bao la của tình yêu Thiên Chúa.

"Hiến tế máu mình". Đây gợi lên lễ toàn thiêu để đền tội được dâng tại đền thờ Giêrusalem. Nhất là nó gợi lại đồi Canvê và thánh lễ. Từ "máu Chúa Giêsu". Trong tính hiện thực trọn vẹn của nó phải giúp chúng ta cầu nguyện. Nó nhắc nhở chúng ta khía cạnh nặng nề. Cái giá mà Chúa Giêsu phải trả vì chúng ta.

Để tỏ ra chính Người là Đấng công chính và công chính hóa những người tin vào Đức Giêsu Kitô.

Luôn luôn cùng một ý niệm tích cực về sự công chính của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, con có thuộc về Chúa không? Con phải làm gì để thuộc về Chúa hơn? Để liên kết với Chúa? Để thông hiệp với Chúa?

Vậy đâu là việc tự hào của ngươi? hay là Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của người Do Thái thôi? Người cũng là Thiên Chúa của dân ngoại nữa.

Không có gì để khoe khoang. Quan niệm Do Thái về ân thưởng (con người được cứu rỗi nhờ các việc lành của mình), quan niệm ấy hoàn toàn bị tiêu tan. Từ đó dẫn đến thái độ khiêm tốn thẳm sâu, ngược với thái độ biệt phái. Và một sự rộng mở tâm hồn, vui mừng thấy các lương dân gia nhập Hội Thánh. Đây là trọn công trình truyền giáo của Thánh Phaolô. Đây luôn là lý do thời sự của nhiều thái độ trong Hội Thánh hôm nay.

Lạy Chúa, con cầu nguyện cho các lương dân mà Chúa yêu mến, và Chúa muốn cứu rỗi. Con hiến dâng Người đời sống và những nỗ lực nghèo nàn của con để cộng tác vào việc cứu rỗi này.

BÀI TIN MỪNG: Lc 11: 47-54

Khốn cho các ngươi, các người xây lăng cho các Ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết các vị ấy! Như vậy, các ngươi vừa làm chứng, vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng.

Thực tế, thật là dễ hiểu biết bao khi căn dựa vào quá vãng để tạo cho mình một lương tâm an ổn: "Cha ông, tổ tiên chúng tôi, họ là những Kitô hữu tốt… ít ra họ đã xưng tội… đi dự giờ kinh chiều… đã có những buổi lễ trang trọng trong Giáo hội thời đó… các Ngôn sứ thời xưa, đó mới là các vị Ngôn sứ đích thực, luôn bày tỏ thái độ và đánh bại sự dữ… các Đức Giáo hoàng thời xưa… Các Đức Giám Mục thời xưa…".

Nhưng thử hỏi chúng ta có biết lắng nghe các Ngôn sứ thời nay không?

Ta có tham dự các bí tích mà ta được quyền sử dụng không?

Ta có đáp lại những lời mời gọi của Giáo hội hôm nay, thường được trình bày cho ta… như lời mời gọi trước các mùa phụng vụ, các ngày lễ không?

Thay vì sống hôm nay những đòi hỏi của Giáo hội hiện thời, tôi không thường tỏ ra tự mãn để "xây lăng" cho những người quá vãng, cho những tập tục quá khứ sao?

Giáo hội là một "lăng tẩm", một viện bảo tàng, một "nghĩa trang", hay là một dự phóng tương lai?

Tôi có là người vọng tưởng các Ngôn sứ thời xưa không?

Vì thế mà đức khôn ngoan của Thiên Chúa đã phán: "Ta sẽ sai Ngôn sứ và Tông đồ đến với chúng: chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia".

Thời Đức Giêsu, người ta dễ luyến tiếc các Ngôn sứ xa xưa.

Còn chính Người đang ở đó, là vị Ngôn sứ cao cả và duy nhất, thì họ lại không nhận ra. Và người ta sắp giết Người để ngăn cấm Người không thể hiện vai trò Ngôn sứ.

Lạy Chúa, xin giúp con trở nên bé mọn và khiêm nhường để lắng nghe "các dấu chỉ thời đại".

Xin cất khỏi chúng con đầu óc bè phái và những quyết đoán quá khích: đã có nhiều Ngôn sứ bị bịt miệng và không được người đời lắng nghe… vì họ gây phiền hà cho chúng con.

Trong mọi thời đại, các Ngôn sứ đều gây phiền hà như thế cả! người ta lúc nào cũng muốn tiêu trừ họ.

Tôi có muốn triệt hạ ai không? tiếng nói mà tôi muốn làm cho im bặt là tiếng nói nào?

Như vậy, thế hệ này sẽ phải trả nợ máu tất cả các Ngôn sứ đã bị giết từ tạo thiên lập địa, từ máu ông Abel…

Chắc chắn lời cảnh cáo trên đặc biệt nhắm đến những người đồng thời với Đức Giêsu, là những kẻ kết án tử hình Đấng công chính tuyệt hảo.

Nhưng một lần nữa, ta nên phòng ngờ chính mình, có thể dễ tạo ra một thứ lương tâm yên ổn cùng với khuynh hướng giả hình ở trong ta, và coi trách nhiệm trước mọi điều xấu ác của "xã hội" hay của "Giáo hội" như ở ngoài ta, không ăn nhằm gì đến ta.

Mỗi "thế hệ" đều dự phần vào sự dữ thế gian!

Mỗi "thế hệ" đã kết án Đức Giêsu Kitô!

Người ta sẽ đòi nợ máu Đức Giêsu đã đổ ra cho mỗi thế hệ.

"Từ Aben", con trai đầu tiên cho đến ngày nay, máu của biết bao Ngôn sứ đã đổ ra trên trái đất.

Khi Đức Giêsu ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu căn giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói gì sai chăng?

Đúng, Đức Giêsu đã bị loại bỏ, bị từ chối!

Lạy Chúa, có thể như thế được sao? Chúa là vị Ngôn sứ cao cả nhất trong tất cả các Ngôn sứ, là Đấng đã ban những lời giáo huấn đạo đức hoàn hảo nhất.

Thế gian thời nào cũng vậy, đều phủ nhận sự mạc khải của Thiên Chúa.

Chính "tôi" cũng nằm trong số những người chối từ sự mạc khải của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin thương xót thế gian! Xin thương xót mọi người có thái độ từ chối! Xin thương xót con!

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Lc 11: 47-54

HOÀN CẢNH:

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục ghi lại những lời Đức Giêsu khiển trách các thầy luật sĩ về tội giả hình.

Ý CHÍNH:

Bài này ghi lại hai tội: bách hại các tiên tri (C. 47) và tội độc quyền về tri thức (C 49).

TÌM HIỂU:

47-48 "Khốn cho các ngươi…":

Kiểu nói "khốn" ở đây không có nghĩa như một lời nguyền rủa, nhưng có ý than trách như một lời than tiếc. Chúa khiển trách các luật sĩ xây mộ cho các tiên tri để tỏ ra bất đồng ý với cha ông về việc giết chết các tiên tri.

49 "Vì thế mà Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã phán…"

Kiểu nói của Luca: Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa: có ý nói đến như chính Thiên Chúa gửi các ngôn sứ và Tông Đồ đến. Đức Giêsu khiển trách cha ông của họ. Vì họ đã giết Đức Giêsu và những người kế vị là các Tông Đồ. Quả vậy thời Chúa Giêsu, các nhà lãnh đạo Do Thái, cũng như cha ông họ xưa đối xử với các tiên tri, không nhìn nhận những người mà Thiên Chúa sai đến với họ: hầu hết các luật sĩ và Pharisêu từ chối không nhìn nhận Gioan Tẩy Giả (Lc 7: 30); Hội đồng tối cao Do Thái sai đại biểu đến hạch sách quyền hành của Chúa Giêsu (Lc 20: 1-8) trước mặt tổng trấn Philatô, các đầu mục Do Thái từ chối Chúa Giêsu và xin quan lên án xử tử Chúa (Lc 19: 15), họ sẽ tiếp tục bách hại các Tông Đồ của Chúa, đúng như lời Chúa tuyên bố với họ ngày hôm nay (Lc 11: 47-49).

50-51 "… thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu…":

Biết bao tội giết các tiên tri và người công chính trong lịch sử dân Do Thái. Từ vụ sát hại Abilê đến việc sát hại sứ ngôn Giacaria được ghi ở đầu và cuối sách (St 4: 8-10; Chr 24: 20-22). Được hiểu là toàn bộ các việc giết người trong lịch sử dân Thánh. Những tội đó sẽ đổ hình phạt trên thế hệ này, vì theo tư tưởng của Kinh Thánh về liên đới trách nhiệm qua các thế hệ: thì họ sẽ chịu hình phạt về tất cả các tội lỗi của cha ông họ, vì họ đã tỏ ra đồng lõa với tiền nhân.

52 "… Hỡi các luật sĩ…":

Đức Giêsu khiển trách các luật sĩ về tội thứ ba là họ giữ độc quyền giảng nghĩa Kinh Thánh, nhưng sự thông minh của họ không làm ích gì cho họ, và lại còn ngăn cản người khác vào Nước Trời, vì họ đặt ra những điều kiện khó khăn, nặng nề khiến người ta khó lòng giữ được.

53-54 "Khi Đức Giêsu ra khỏi đó…":

Kết cục, các luật sĩ và Pha-ri-sêu ra về lòng đầy căm tức. Từ đây họ tìm cách rình mò bắt bẻ Chúa và tìm kiếm lỗi để tố cáo Người.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khiển trách giới trí thức Do Thái về những thứ tội giả hình:

- Họ nuối tiếc các tiên tri ngày xưa, nhưng lại từ chối Chúa Giêsu là vị tiên tri cao cả mà họ đang sống với

- Họ độc quyền giải thích Thánh Kinh theo ý riêng để đòi hỏi người khác tuân giữ, nhưng họ lại không giữ; thành thử chẳng những họ không được vào Nước Trời, mà lại cản trở người khác vào Nước Trời nữa.

2. Lời Chúa hôm nay cũng cảnh giác chúng ta:

a. Bám vào những thành công trong quá khứ để rồi quên mất bổn phận trong hiện tại: nại vào đạo gốc, để rồi lơ là với việc sống đạo trong hiện tại. Ỷ lại danh nghĩa người công giáo năng đi nhà thờ nhưng lại sao lãng về việc công bình, bác ái đối với tha nhân.

Rất nhiệt tình tổ chức những thánh lễ quan thầy, những lễ trọng, nhưng lại sao lãng việc chuẩn bị tinh thần và đời sống để mừng lễ.

Rất nhiệt tình với những công việc đạo đức, nhưng lại không sống tinh thần đạo đức trong đời sống hôn nhân, gia đình, nghề nghiệp, xã hội.

b. Tự mãn về những kiến thức tôn giáo nhưng lại không thực hành tinh thần tôn giáo. Ỷ vào những hiểu biết về Tin Mừng nhưng lại không thành tâm thiện chí sống theo Tin Mừng.

Là người kitô hữu, đã không thành tâm sống đạo đức để vào Nước Trời, lại còn cản trở người khác vào Nước Trời vì những gương xấu của mình.

3. Thái độ bực tức của Pharisêu và các thầy luật sĩ đã nói lên tính cố chấp và tự mãn của họ, khiến họ không tin nhận lời Chúa Giêsu giảng được. Kẻ đau mắt thường ghét ánh sáng như vậy.

Chúng ta nghe lời Chúa hàng ngày, nhưng không sống lời Chúa được là vì chúng ta tự mãn về mình, hoặc là chúng ta sợ lời Chúa làm xáo trộn cuộc sống của mình. Vì muốn thực thi lời Chúa thì phải từ bỏ chính mình.

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10