Chú Giải Tin Mừng - Thứ Sáu Tuần IX Thường Niên
Tin mừng Mc 12: 28b-34: Nghe đây, hỡi lsrael, Đức Chúa, Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí và hết sức lực ngươi?"...
THỨ 6 – TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Mc 12: 35-37
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: NĂM LẺ: Tb 11: 5-17
Hôm nay chúng ta sắp đọc cảnh Tôbia con trở về nhà cha mình, sau cuộc viễn du lập gia đình. Vài chi tiết rõ rệt khiến phải nghĩ là Chúa Giêsu có thể đã dùng những ký ức về đoạn văn này để kể dụ ngôn "đứa con trở về nhà".
Mỗi ngày bà Anna đến ngồi ở vệ đường bên sườn núi nơi đó, có thể nhìn xa được... nhận ra con bà từ đàng xa đi đến, bà chạy báo tin cho chồng.
Vợ ông Tôbia, người đã nguyền rủa chồng mình trước kia, nay chia sẻ niềm trông mong mãnh liệt của ông già.
Mọi sự đều tốt đẹp khi kết cuộc trôi chảy. Thời gian tới giải đáp mọi sự!
Trong cuốn sách lạc quan này, tất cả được dàn dựng hướng về kết cuộc "càng hay càng tốt" lời ta sẽ cố nói thế. Nếu như luôn được như vậy!
Nhưng thực sự, niềm xác tín tích cực này đã không được chuẩn nhận thường xuyên hơn, nhất là khi người ta gặp âu lo. Đây là một trong những khía cạnh nhỏ của niềm cậy trông không hoàn toàn từ bỏ được và thường đúng, ta thừa nhận như vậy!
Raphae - nói với Tôbia rằng: "Lúc bạn vào nhà rồi, lập tức bạn hãy thờ lạy Chúa là Thiên Chúa bạn, và cảm tạ Người, rồi bạn đến gần mà hôn cha của bạn.
Hơn là một chuỗi những thực hành có hình thức lời cầu nguyện, đó là một trạng thái tốt đẹp thường xuyên, biết làm vọt lên "việc tạ ơn" vì mọi sự. Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa đáng chúc tụng.
Tôi vừa tới nhà ai, tôi đợi ở cửa, sau khi nhấn chuông: một kinh nguyện trong khi chờ đợi!
Tôi vừa xong cuộc hành trình, bước trên đường một lời kinh!
Có người gõ cửa, tôi ra mở: một lời kinh khi ra cửa! Bấy giờ, con chó đi theo Tôbia, chạy trước, nó vui mừng vẫy đuôi như báo tin. Người cha mù lòa của Tôbia trỗi dậy, loạng choạng đi ra cửa đón con mình. Ông đón lấy và hôn con ông và vợ nó, cả hai òa lên khóc vì vui mừng.
Đây là một nghệ thuật kể truyện rất hay, ý nghĩa của chi tiết cụ thể được quan sát kỹ.
Việc nhập thể của Con Thiên Chúa trong một gia đình thực sự trong các điều kiện nhân sinh hoàn toàn, sắp nói với chúng ta rằng cuộc mạo hiểm thần linh diễn ra giữa những thực tại khiêm tốn nhất, thường nhật nhất.
Sau khi thờ lạy và cảm tạ Thiên Chúa, họ cùng ngồi xuống. Bấy giờ Tôbia lấy mật cá xức lên mắt cha mình… ông liền thấy được.
Đừng chỉ dừng lại ở tầm mức của sự lạ (làm vui lòng hay làm phật lòng ta!), bởi vì chúng ta biết rằng, qua Tin Mừng chủ đề về sự mù lòa và về việc chữa lành góp phần vào một biểu tượng sâu xa biết bao!
Trong sách Khải huyền, Thánh Gioan sẽ nói rõ về một loại "nhỏ mắt" mầu nhiệm và thần linh, có thể mở mắt người mù lòa (Kh 3,18).
Việc chữa lành người mù từ sơ sinh đã được chính Chúa Giêsu giải thích như là biểu tượng của "ánh sáng Chúa chiếu soi, giúp cho nhìn rõ các biến cố theo cách nhìn của Chúa" (Ga 9,40-41).
Phải, ánh sáng là hình ảnh Chúa, là Đức tin, là hạnh phúc.
Và trái lại, tội lỗi là tối tăm, và bất hạnh!
Lạy Chúa, xin mở mắt chúng con... cho chúng con nhìn rõ và thông suốt... Xin soi chiếu cuộc đời chúng con.
Rồi ông, vợ ông, và những người quen thuộc ca tụng Chúa. Còn Tôbia thì cầu nguyện rằng: 'Tôi chúc tụng Chúa, vì Chúa sửa phạt tôi, và lại cứu chữa tôi.
Việc chúc tụng có phải là tâm thức thường xuyên trong đời tôi không? Những hạnh phúc niềm vui, thành quả của tôi có làm tôi quên Chúa không?
Bài đọc II: NĂM CHẴN: 2 Tm 3: 10-17
Con thân yêu, con đã theo sát đạo lý, cách sống dự định, đức tin của Cha... Hãy giữ vững những gì con đã học được.
Phaolô thấy trước sẽ có nguy hiểm tà giáo, bội giáo, sai lạc. Ngài yêu cầu đệ tử phải nắm vững giáo lý với bất cứ giá nào.
Vào thời chúng ta, với các thay đổi nhanh chóng ta cần nghe lại lời nhắn nhủ này. Rõ ràng là có dao động trong tâm trí nhiều người. Điều gì thật hôm nay? Điều gì thật ngày mai, ở đâu cũng nghe bàn tán các câu hỏi như thế.
Trước tiên phải cố gắng phân tích cái gì là đức tin căn bản không thể thay đổi, và cái gì là những chi tiết phụ thuộc đã thay đổi, và cái gì là những chi tiết phụ thuộc đã thay đổi nhiều theo biến chuyển của lịch sử Giáo hội … Có người cảm thấy bối rối về Đức tin bởi có những thay đổi hình thức khi dùng lại các tập tục xa xưa, và nay người ta cho là mới lạ. Một ví dụ điển hình là rước lễ với hai hình bánh rượu mà Công đồng Vatican II tái lập.
Rõ ràng là Đức Giêsu đã truyền "ăn bánh này và uống chén này" mà các Kitô hữu xa xưa đã thực hành trong thời gian lâu dài. Điều ta cho là mới lạ này là một truyền thống lâu đời, vững chắc.., nay được tái xuất hiện sau khi đã bỏ qua nhiều thế kỷ.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con tin cậy vào Hội Thánh Chúa.
Từ thời thơ ấu, con đã biết sách Thánh.
Timôtê đã được giáo dục theo truyền thống Do Thái, dựa vào việc học hỏi Lời Chúa. Quả thực, đó là nguồn gốc, là nơi phải quy chiếu.
Thế nào, tôi có mộ mến Kinh thánh không? Tôi có sẵn sàng tham gia cuộc canh tân kinh nguyện phụng vụ và cá nhân hiện nay, khởi sự từ một nguồn lương thực Kinh thánh to lớn nhất không? Ba bài đọc của Thánh lễ Chúa Nhật có trở nên bánh nuôi dưỡng lời cầu nguyện trong tuần của tôi không?
Tôi đã bắt đầu dùng các thánh Vịnh làm đề tài cầu nguyện riêng không?
Sách thánh có thể dạy con nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ như lòng tin vào Đức Giêsu Kitô.
Suy niệm Kinh Thánh đem lại một kết quả khác hơn là một kiến thức triết lý. Nó thông ban một sự khôn ngoan là chính Đức tin. Nghĩa là có "một tập quán" suy tưởng như Thiên Chúa và chấp thuận các quan điểm của Người.
Sự “khôn ngoan" "ơn cứu độ" "đức tin".
Lạy Chúa, xin ban cho con được ơn này.
Tất cả những gì viết trong sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng.
Các lời trong Kinh thánh không phải chỉ là lời của loài người. Các lời ấy mang sắc thái nhân loại đặc biệt (vì chúng được các người bằng xương bằng thịt, có kiến thức và tâm trạng hạn hẹp, chép ra). Nhưng chúng đều do Thiên Chúa linh hứng. Đàng sau tác giả, là văn sĩ thánh có một tác giả độc nhất.
Sách Cựu Ước, Sách Tin Mừng không phải là loại sách thường. Tác giả chính của các sách ấy ở đó, hiện diện trong chúng ta tận đáy lòng và trí khôn chúng ta để qua các lời chép ra, Ngài có thể trực tiếp nói với ta về các điều Ngài muốn nói Hôm Nay, Thiên Chúa là một người đồng thời.
Các bản văn xưa còn đó, để làm chúng ta nghe "lời hiện tại " mà Thiên Chúa kiên trì nói với thế giới thời nay.
BÀI TIN MỪNG: Mc 12: 25-37
Đức Giêsu giảng dạy trong Đền thờ.
Chúng ta thường thấy Tin Mừng đề cập đến vai trò giảng dạy mà Đức Giêsu thể hiện ở đây.
Đó là một nhiệm vụ cao cả.
Tôi cầu nguyện cho những người ngày nay đang thi hành nhiệm vụ này trong xã hội và trong Giáo hội.
Bằng cách này hay cách khác, đó là vai trò mà tất cả chúng ta đều phải nắm giữ.
Đức Giêsu lên tiếng hỏi: "Sao các luật sĩ lại nói Đấng Kitô là con vua Đavid".
Giờ đây đến lượt Đức Giêsu chất vấn.
Chính vua Đavid được Thánh thần soi sáng đã nói: "Đức Chúa ngỏ cùng Chúa thượng tôi: Bên hữu Cha đây, con lên ngự trị".
Đức Giêsu trích dẫn Thánh Vịnh 110.
Chúng ta đã ghi nhận, Người có thể thuộc lòng các Thánh Vịnh. Đó là kinh nhật tụng của cộng đoàn và là câu điệp khúc của các bài thánh ca thường được sử dụng trong các hội đường.
Tôi yêu mến Thánh Vịnh thế nào?
Khi đọc Thánh Vịnh, tôi có nhận ra đó là một kinh nguyện của Đức Giêsu, một kinh nguyện mà Người đã chắc chắn xướng lên và có thể nói, Người còn lặp lại qua môi miệng của tôi không?
Chính vua Đavid gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì làm sao Người lại là con vua ấy được?
Ở đây ta thấy một mẫu tiêu biểu sử dụng luận chung của các kinh sư: người ta so chiếu hai bản văn Kinh thánh, rồi rút ra một tổng hợp mới mẻ.
Luận chứng của Đức Giêsu như sau: Không thể quan niệm được việc một người cha trong gia đình lại trao tặng tước hiệu vĩ đại "Chúa Thượng" cho một trong những người con của ông, lại chấp thuận gọi tôi là "con vua Đavid", nếu như tôi có tư thế đó thôi? Nếu là "Chúa Thượng", thì 'làm sao Người có thể là con được?
Qua cách chất vấn trên, Đức Giêsu muốn người ta chú ý đến mầu nhiệm nơi Ngôi vị của Người.
Đức Giêsu biết rằng, Người không chỉ là con vua Đavid, mà còn là "con Thiên Chúa" nữa.
Người xác quyết điều đó bằng các từ bí ẩn nhưng chắc chắn.
Tư thế của Đấng Mêsia không thể lẫn lộn với dòng dõi Đavid được, nhưng vượt trên nó. Chính Đavid được Thánh thần soi sáng mới có thể tuyên bố: Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng tôi.
Lạy Chúa, xin giúp con người thuộc thời đại chúng con đừng giảm thiểu mầu nhiệm phi thường của việc Chúa nhập thể chỉ vì nại cớ rằng khó có thể tưởng tượng nổi một Người Thiên Chúa như thế. Cho dù không hiểu, con cũng muốn thờ lạy Chúa.
Bên hữu Cha đây, con lên ngự trị. Để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con.
Các Kitô hữu tiên khởi thường trích dẫn đoạn văn của Thánh Vịnh 110 trên đây, để áp dụng cho quyền Chúa Thượng của Đức Giêsu, được măc khải cách đặc biệt trong cuộc Phục sinh của Người ( Cv 2,34 - 7,55; Kh 3,2.1: Cl 3,1.; Dt 1,3; 1 Pr 3,22).
Ngự bên hữu Thiên Chúa, nghĩa là thông phần vào quyền năng của Người. Vương quyền của Đức Giêsu hoàn toàn vượt trên vương quyền có tính dân tộc của Đavid. Nó thuộc trật tự khác.
Chính sự Phục sinh của Đức Giêsu là vương quyền của Người: và cái chết là địch thù đã bị Người đặt làm bệ dưới chân, vì chúng ta.
Chúng ta cần Đấng Kitô đó, với hình tượng như thế đó. Một con người, dù phi thường đến đâu, một siêu nhân đi nữa cũng không đủ đáp ứng cho ta. Người phải là Thiên Chúa để cứu thoát chúng ta khỏi vực sâu tăm tối, khỏi địch thù cuối cùng.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Mc 12: 35-37
Mc 12: 35-37
Đức Giê-su vừa là con,vừa là Chúa củ a Đa- vít.
TÌM HIỂU:
Đức Giê-su nêu lên vấn đề dưới hình thức một câu hỏi kép:
Trước hết, Người hỏi về dòng dõi Đa-vít của Đấng Cứu Thế và lập tức Người đưa ra lời đáp khi trích dẫn Thánh Vịnh 110,1. Rồi Người nêu câu hỏi thứ hai giải thích cách mặc nhiên câu hỏi thứ nhất.
Giải thích Thánh Vịnh 110, Đức Giê-su cho thấy rằng chức năng Đấng Cứu Thế không lẫn lộn với địa vị Con vua Đa-vít, nhưng vượt trên địa vị này. Cách lý luận này giả thiết:
- Thánh Vịnh 110 là do vua Đa-vít sáng tác.
- Thánh Vịnh trực tiếp nói về Đấng Cứu Thế. Quả thật, truyền thống Do Thái xưa vẫn nhìn nhận như vậy.
-Thánh Vịnh này trình bày tư tưởng Đấng Cứu Thế có một phẩm giá và một bản tính siêu phàm. Vì thế, một mặt Người là con cháu vua Đa-vít, mặt khác Người là Chúa của vua.
Qua lời giải thích này, Đức Giê-su muốn tỏ mình là một nhân vật có hai bản tính: bản tính nhân loại (con vua Đa-vít) và bản tính Thiên Chúa (Chúa Thượng của vua Đa-vít). Như vậy Đức Giê-su là người với cả hồn lẫn xác như mọi người, trừ tội lỗi; tuy nhiên Người cũng là Thiên Chúa, Chủ Tể mọi loài.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Chúa Giê-su giảng dạy trong Đền Thờ:
Qua sự việc này, Chúa Giê-su muốn tỏ ra:
- Người chính là Đấng Thiên Sai: Người đến trần gian để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
- Người chính là Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc muôn loài, trong đó có mỗi người chúng ta.
Nhìn ngắm Chúa Giê-su, chúng ta nhận thức:
- Năng vào nhà thờ, đặc biệt trong các giờ cử hành phụng vụ để được Chúa qua Hội Thánh giáo huấn, được đón nhận sức sống của Chúa qua các Bí Tích.
- Trân trọng nhà thờ là nơi Thiên Chúa ngự, bằng cách góp công, góp của, góp tài năng vào việc xây dựng, bảo vệ và làm đẹp nhà thờ.
- Trân trọng thân xác và tâm hồn bản thân cũng như tha nhân là đền thờ của Chúa Thánh Thần.
2. Nhìn ngắm Chúa Giê-su là con vua Đa-vít:
- Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Giê-su đã mang thân phận con người, trở nên giống con người, quá gần con người, khiến những ai sống cạnh Người không nhận ra tư cách thật của Người.
+ Người Do Thái không hiểu về Chúa Giê-su vì chỉ nhìn nhận Người dưới vẻ bên ngoài tầm thường: con bác thợ mộc, con bà Ma-ri-a …
+ Ngày nay, vì quen quá hoá nhàm, chúng ta không tôn trọng đúng mức, không ý thức tính cách linh thiêng sự hiện diện của Chúa Giê-su nơi bí tích Thánh Thể, nơi nhà thờ khi cử hành phụng vụ … Cũng như chúng ta ít quan tâm đến tha nhân nhất là những người nghèo, bệnh hoạn tật nguyền, khi chúng ta không nhận ra họ là hình ảnh của Chúa là đối tượng tình thương của Chúa.
3. Nhìn ngắm Chúa Giê-su là Chúa của Đa-vít:
Chúa Giê-su là con của Đa-vít, chúng ta có thể nhận thấy và kiểm chứng được, vì Chúa Giê-su đã trở nên người như mọi người chúng ta qua mầu nhiệm Nhập Thể; nhưng Chúa Giê-su là Chúa của Đa-vít, chúng ta không thể nhìn thấy bằng con mắt xác thịt được mà chỉ nhìn thấy qua con mắt đức tin thôi.
Vì thế, Chúa muốn chúng ta đừng có dừng lại nguồn gốc nhân loại của Chúa Giê-su, nhưng qua nguồn gốc đó, chúng ta nhìn thấy Chúa Giê-su là Chúa bằng cái nhìn của con mắt đức tin.
Trước những dấu chỉ diễn tả các thực tại thuộc bình diện đức tin, chúng ta phải mở rộng con mắt đức tin để đón nhận. Điều này cũng đòi hỏi chúng ta phải vận dụng đức tin, cậy, mến để tham dự các việc phụng vụ nhất là phụng vụ Bí Tích …
Hành Trang Mục Vụ - Khoá 10 ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn