Clock-Time

Chú Giải Tin Mừng – Thứ Ba Tuần XIV Mùa Thường Niên (Mt 9,32-38)

Thiên Chúa đòi có quyền ăn nói trong mọi lãnh vực, ngay cả trong lãnh vực chính trị. Thực vật, nền luân lý cũng như hạnh phúc của loài người thường lệ thuộc vào đó. Các ngôn sứ, nhân danh Thiên Chúa, đã đưa ra cho các chính phủ những yêu sách phải thực hiện công bình xã hội và tôn trọng quyền lợi con người...

CHÚ GIẢI TIN MỪNG

THỨ BA TUẦN XIV MÙA THƯỜNG NIÊN 

NGÀY 05/07/2022



Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I : St 32,23-32
 
Cảnh tượng chúng ta sắp đọc thuộc loại có thể gợi lên trong chúng ta những thực tại bí nhiệm, vượt mọi ý niệm nghiên khắc đòi phải trong sáng. Nên để cho mình bị xâm chiếm bởi độ dày của các biểu tượng, rất gợi cảm.
 
Đối với Giacob, tình huống thật bi thảm : ông trở về quê sau hai mươi năm lưu lạc... ông biết rằng anh Esau đang sẵn khí giới chờ đợi ông… người anh đã bị ông chiếm quyền trưởng nam và thề giết  ông để trả thù.
 
Giacob trỗi dậy sớm, đem hai vợ, hai người đầy tớ gái và mười một người con đi sang qua khe suối Giabốc... ông đem tất cả của cải qua bên kia suối...
 
Vậy ông bắt đầu đặt tất cả nhửng gì ông quí mến trong sự an toàn mà con người có thể làm được. Thật là một người điên !
 
Giacob ở lại một  mình.
 
Người ta luôn đơn độc trong những chọn lựa quyết liệt nhất
 
Chúa Giêsu cũng sẽ chiến đấu một mình trong vườn cây Dầu.
 
Còn tôi ? Những lo lắng, trách nhiệm của tôi. Tôi có biết đối đầu với Chúa không ?
 
Đêm ấy có một người vật lộn với ông cho đến sáng. .
 
Đêm tối.
 
Cuộc chiến trong đêm.
 
Chống lại một “người vô danh”.
 
Sự bất định là tình trạng tồi tệ nhất của loài người.
 
Tôi có thể để cho trí tưởng tượng tái diễn lại cuộc chiến kéo dài, tiếp diễn suốt đêm.
 
Sau đó, tôi cố áp dụng vào những cuộc chiến đấu của tôi những cuộc giao tranh của tôi, của cả nhân loại. Chiến đấu cho đến sáng.
 
Người ấy thấy mình không thể vật ngã Giacob được nên đá vào gân đùi ông, và lập tức gân ấy khô bại.
 
Đây không phải một cuộc chiến giả tạo. Một cuộc chiến khắc nghiệt người ta ra khỏi với những vết thương in dấu cả đời. Từ đây Giacob thành người què ! Con người tội nghiệp ?
 
Giacob nói : “Tôi chỉ buông ông ra khi nào ông chúc lành cho tôi". Vậy người ấy hỏi : “ông tên gì ?” ông trả lời . "Tôi tên là Giacob" Người ấy lại nói : "Tên ông sẽ không còn gọi là Giacob nữa nhưng sẽ gọi là Israel, vì nếu ông có sức mạnh chống lại Thiên Chúa, ắt ông sẽ còn mạnh sức thắng được loài người".
 
Như thế , dầu ông biết, chính với Thiên Chúa mà ông đã chiến đấu. Mối tranh giành trong các cuộc chiến của chúng ta thường quan trọng hơn vẻ bề ngoài. Nhưng chúng ta, Giacob vừa mới sống cuộc vật lộn trong việc “cầu nguyện" dưới hình thức tượng trưng của một cuộc chiến đấu với Thiên Chúa: Kinh Thánh có những bạo gan thế đó! Trước khi Giacob đã nhận được từ cha mình là Isaac một "lời chúc lành   “thần thánh ", nhưng nay ông nghi ngờ tất cả như nói với ông rằng Chúa đã bỏ rơi ông. Và sự bỏ rơi này được cụ thể hóa bằng nỗi sợ phải chịu sự trả thù của Esau anh ông, sáng mai, bên bờ suối Giabốc. Thế là ông đã lấy lại sức can đảm và suốt đêm đã cầu nguyện với Chúa, ông đã phấn đấu : "Xin hãy ban lại cho con phúc lành ngày trước..Xin hãy cứu con!”
 
Giacob.. Israel…
 
Chúng ta biết rằng việc đổi tên có một ý nghĩa sâu xa.
 
"Giacob " có nghĩa là “tinh ranh”, “kẻ chiếm đoạt người khác",  thằng út đã dành chỗ trưởng nam.
 
Israel là kẻ chiến thắng .Thiên Chúa, kể đã chịu thử thách trong Đức tin và đã đứng vững khi kết thúc, dầu “bị thương tích”. Trong kinh nguyện, tôi có thể lấy lại từng biểu tượng này để cụ thể hóa chúng trong cuộc mạo hiểm thiêng liêng của tôi.
 
Bài đọc II : Hs 8,4-7.11-13
 
Sấm của Giavê. Con cái Israel đã tôn phong các vua mà không thỉnh ý Ta, chúng chọn các thủ lãnh mà Ta không hay biết.
 
Thiên Chúa đòi có quyền ăn nói trong mọi lãnh vực, ngay cả trong lãnh vực chính trị. Thực vật, nền luân lý cũng như hạnh phúc của loài người thường lệ thuộc vào đó. Các ngôn sứ, nhân danh Thiên Chúa, đã đưa ra cho các chính phủ những yêu sách phải thực hiện công bình xã hội và tôn trọng quyền lợi con người.
 
Chúng dùng vàng bạc đúc tượng thần để phải bị tiêu diệt. Hỡi Samari, Ta vất đi con bê vàng của người. Ta bừng bừng tức giận các ngươi : cho đến bao giờ các ngươi còn sống trong nhơ uế ?
 
Vị ngôn sứ nhân danh Thiên Chúa lên án sự tôn sùng ngẫu tượng đang thấm nhiễm vào tôn giáo chân chính ; nền độc thần đúng múc đã dần dần hoạ theo các nghi lễ ngoại giáo sống giữa các dân tộc Canaan, các người Hipri rất dễ làm theo các nghi thức thờ cúng Baal.
 
Baal  mệnh danh là vị thần của sự phì nhiêu thiên nhiên, tượng hình bằng con bò đực .Người ta tôn sùng nó bằng các nghi lễ dâm dật cuồng thiệt. Các quan niệm tôn giáo (theo chủ nghĩa thiên nhiên) vào thời ấy, rất thịnh hành, vì chúng tạo nên ấn tượng lời cầu xin vị thần, chủ tể nguồn phong phú cho mùa màng và súc vật, cũng như cho việc sinh sản đông con nhiều cháu trong các gia đình. Các tư tế của Gioan, Thiên Chúa thật, vị Chúa Tể độc nhất, cũng bị lôi cuốn theo xu hướng sơ đẳng nhất của dân chúng.
 
Khi đọc sách ngôn sứ Osée, ngoài những chi tiết biểu lộ một nền văn minh khác với thời đại chúng ta, chúng ta lại gặp thấy một trong các vấn đề của thời chúng ta là : Đức tin chân chính bị lây nhiễm bởi thuyết duy vật đang thịnh hành.
 
Vàng bạc, dục vọng cũng là những ngẫu tượng Ngày Nay.
 
Những ngẫu tượng hão huyền không thỏa mãn được niềm khát vọng sâu xa của con người .
 
Con bê này của Samari sẽ vỡ tan thành mảnh. Bởi chúng gieo gió thì chúng sẽ gặt bão. Lúa sẽ không có bột, và nếu có, thì ngoại nhân cũng sẽ nuốt sạch.
 
Hình phạt này nhấn mạnh rằng các ngẫu tượng chỉ là hão huyền, hư vô, chúng cũng chỉ như làn gió ! Người ta trông đợi .Baal làm cho đồng lúa đựơc phì nhiêu ! ồ, vậy mà lúa cứ xẹp lép, không có bột. Hình phạt cuối cùng là nền văn hóa mất giá, sẽ dẫn đến các thất bại quân sự cùng với hậu quả của chúng : các kẻ chiến thắng sẽ vét sạch các kho lẫm và các hầm rượu !
 
Làm sao xã hội tiêu thụ của ta, cũng là xã hội hưởng lạc, lại không mang chứa sẵn trong mình hình phạt này. Con người khi đã đánh mất lòng can đảm, không còn lý tưởng sâu xa, lần lần sẽ hóa nên đần độn, để một ngày kia bị biến mất vì nạn diệt chủng.
 
Nếu Osée sống lại, ông sẽ nói sao đây ?
 
Bấy giờ Giavê nhớ đến tội của chúng và Người sẽ phạt tội chúng. Chúng sẽ về lại Ai Cập.
 
Hôm qua chúng ta đã nghe  về sự mạc khải lạ lùng về tình thương của Thiên Chúa.
 
Ở đây chúng ta sẽ nghe một chân lý bổ sung nhưng không kém quan trọng : Israel có một ơn gọi đôc nhất giữa các dân tộc, nó phải làm chứng nhân cho Giao ước. Nó đã được cứu khỏi làm nô lệ Ai Cập để làm sứ mệnh ấy : nếu nó không  làm nhiệm vụ ấy, nó sẽ trở về làm nô lệ”.
 
Đàng khác, qua cách sống của nó, nó đã là nô lệ rồi.
 
Bài Tin Mừng : Mt 9,32-38
 
Người ta đem đến cho Đức Giêsu một người bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được.
 
Lại là một con người bất hạnh đáng thương. . . một con người đau khổ.
 
Toàn thể nhân loại khổ đau đến với Chúa…
 
Tật  câm : một bất thường. . .Thiên Chúa đã tạo dựng con người biết nói : vì lời nói là phương tiện quan trọng để liên  lạc trao đổi với anh em. Thiên Chúa muốn cho con người nói.
 
Chúng ta sẽ bị xét xử về những lời nói dư thừa.
 
Nhưng có những trừơng hợp, thái độ quá nín thinh câm lặng lại không đáng tội sao ?
 
Lạy Chúa, xin hãy đến cứu chữa con khỏi quỷ câm... quỷ thinh lặng.
 
Dân chúng kinh ngạc nói rằng : "Chưa hề thấy thế bao giờ..” Nhưng người Pharisêu bảo : "ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ".
 
Hai quan điểm đối nghịch nhau : Dân lành thì thán phục . . . Pharisêu giải thích cách khéo léo nhưng thâm độc. . .
 
Thật là cứng lòng ! Quyền lực ma quỷ khoác tấm áo chân lý bên ngoài : nhóm Pharisêu hoàn toàn ý thức họ đang bênh vực tôn giáo đích thực !
 
Đức Giêsu đi khắp các thành thị làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, loan báo Tin Mừng Nước Trời và chữa hết mọi bệnh hoạn  tật nguyền.
 
Các nhà chú giải Kinh Thánh gọi đây là một “sơ lược" : một thứ tóm kết hoạt động của Đức Giêsu, để sắp dẫn vào một diễn từ  quan trọng thứ hai của Người.
 
Thực vậy mọi hoạt động của Đức Giêsu  được tóm lược trong những từ : Người “giảng dạy” và người “chữa lành ". Đó là nghề của linh mục. Đó cũng là nghề của mọi Kitô hữu.
 
Tôi dành thời gian chiên ngưỡng hoạt động trên đây của Đức Giêsu... .từ làng này đến làng kia... Người công khai dạy dỗ trong hội đường vào những ngày tín hữu họp mặt cũng như ngoài đường phố, trên bãi biển, dưới bóng cây Người trao ban ân phúc quanh mình. . . Mọi lao khổ được Người đỡ nâng…
 
Thấy dân chúng đông đảo, Đức Giêsu chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.
 
Bài giảng quan trọng thứ hai của Đức Gíêsu đã được khởi đầu như thế. Cũng có thể gọi, đó là "Diễn từ truyền giáo” : Đức Giêsu sắp sai gửi các bạn hữu Người đi thi hành “sứ vụ” và trao cho họ những chỉ thị . . . như một thứ chuyên đề về thần học và thực hành.
 
Câu trên đây bày tỏ tâm tình đặc biệt của Đức Giêsu có thể là điểm cốt yếu giúp ta cầ nguyện. Sứ vụ của Giáo hội phát sinh từ đó, từ tâm tình Đức Giêsu cảm nhận trước nỗi khốn cực lớn lao của con người.
 
Công cuộc truyền giảng Tin Mừng cũng  phát xuất từ mối quan tâm, từ chính cái nhìn đó : “thấy” dân chúng. . .
 
Ngày nay, tình trạng lầm than vất vưởng của con người thế nào ?
 
Tôi sẽ chăn dắt anh em tôi ra sao ? Sẽ dẫn đưa họ tới đồng cỏ nào đây ? Sẽ loan báo cho họ Tin Mừng gì ?
 
Người nói với môn đệ rằng : Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin  chủ ruộng sai thợ ra gặt lúa về”.
 
Cầu nguyện : Lệnh truyền đầu của truyền giáo.
 
Chủ ruộng : Đó là Thiên Chúa kêu gọi.
 
Lúa chín : : hình ảnh của sự hoàn thành, kết thúc, chín mùi. Một cánh  đồng đã được cày cấy kỹ lưỡng, đang đến mùa gặt.
 
Thợ gặt lại ít !
 
Lúa chín qná sẽ rụng, khoai quá ngày cũng hư. Thiếu các thứa sai con người cũng hư mất. Đức Giêsu ý thức tình trạng đó sâu sắc khiến Người trăn trở lắng lo. Người thấy trách vụ của mình thật bao la : Người mong có người cộng tác. Cảm nhận đầu tiên của Người là : Xin người ta cầu nguyện cho công cuộc đó.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Chúa chữa người bị quỷ ám và câm.
 
HOÀN CẢNH :

 
Ngay sau khi hai người mù được chữa lành vừa đi khỏi (9,27-31), thì người ta lại dẫn đến cho Đức Giê Su một kẻ câm. Thời bấy giờ người ta vẫn cho kẻ câm là bởi ma quỷ ám, và ở đây kẻ câm được Chúa chữa lành.
 
Ý CHÍNH :
 
Bài Tin-Mừng hôm nay cho thấy Đức Giê Su chữa lành kẻ câm bị quỷ ám, rồi đi rao giảng cả miền , thấy dân chúng bơ vơ nheo nhóc như không có người chăn, Chúa sai mười hai Tông Đồ đi truyền giáo.
 
TÌM HIỂU :
 
32 “Họ vừa đi ra…”:
 
lời tiên tri của I-sai-a “mắt kẻ mù được thấy, được tiếp nối bởi miệng kẻ câm sẽ reo hò mừng rỡ” (Is 35,5-6). Như thế hai đoạn Tin-Mừng này (9,27-31 và 9,28-32) đã nối kết được lời tiên tri Isai-a là một với nhau, và trình bày về sứ vụ cứu thế của Chúa Giê-su .
 
33 “Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì kẻ câm nói được…”:
 
Qua sự việc này chúng ta nhận thấy ma quỷ kìm hãm con người : phần xác không nói được, phần hồn không liên hệ được với Chúa.
 
34 “ông ấy dựa vào thế quỷ mà trừ quỷ….”:
 
-Phép lạ chữa lành cho người câm bị quỷ ám muốn làm nổi bật sự đối lập giữa thái độ của dân chúng và thái độ của các biệt phái.
 
-Người dân bình thường chất phác cũng còn công nhận trong quá trình lịch sử dân tộc, chưa hề có vị ngôn sứ nào thực hiện một phép lạ như Đức Giê Su vừa làm, nghĩa là dân chúng nhìn nhận Đức Giê Su là Đấng Cứu Thế.
 
-Trong khi đó thì những người gọi là mẫu mực, là lãnh đạo tinh thần của dân lại phủ nhận sự việc, hay đúng hơn, sự việc quá hiển nhiên không thể chối cãi được, thì họ giải thích sai lệch đi. dã tâm của họ cho thấy, họ là những kẻ thù công khai của Chúa.
 
35 - 36 “Đức Giê Su đi khắp các miền thành thị, làng mạc giảng dạy…”:
 
 Mấy câu này kết thúc phép lạ kể trong hai đoạn 8 và 9 đồng thời cũng dẫn vào bài giảng thừa sai ở đoạn 10.
 
Hình ảnh dân chúng lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt, gợi lên Ed 34, theo đó Đức Giê Su trách các mục tử Ít -ra-en vô trách nhiệm, bỏ bê đàn chiên Chúa. người sẽ truất phế họ và đích thân dẫn dắt chiên của Người. Đồng thời Người hứa sẽ cho xuất hiện  Vị Mục tử lý tưởng, một Đavit mới để chăn dắt chiên. Như thế, hình ảnh này ám chỉ chính Đức Giê Su là Vị Mục Tử lý tưởng đó.
 
37 - 38 “Đức Giê Su thấy đám đông, người chạm lòng thương….”:
 
Ý thức về tình trạng dân chúng và về sự nghiệp thiết lập Triều Đại Thiên-Chúa, Đức Giê Su lo chuẩn bị một nhóm môn đệ thay thế các mục tử bất lực, để cộng tác vào công cuộc của Người đang thực hiện. Người đặc biệt lưu ý tới chuyện cần phải có thêm thợ gặt trong đồng lúa của Thiên-Chúa. Qua sự việc này, Đức Giê Su còn cho thấy trách nhiệm của người môn đệ là phải cầu nguyện cho nhu cầu đó.
 
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG :
 
1. Nhìn vào Chúa Giê-su :
 
a) Xem việc Chúa làm :

 
- Chúa Giê-su làm cho kẻ mù được thấy, kẻ câm nói được … để tỏ bày về sứ vụ cứu thế của Người. Chúng ta cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa bằng cách giúp cho người ta hiểu biết về Chúa, biết cầu nguyện …
 
- Chúa Giê-su đi khắp các thành thị làng mạc giảng dạy trong các hội đường … : Là người tông đồ, chúng ta phải biết thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi môi trường và tiếp xúc với mọi môi trường, mọi hạng người để phục vụ và rao giảng về Chúa cho họ.
 
- Chúa Giê-su thấy đám đông và chạm lòng thương xót : Chúa nhạy cảm trong việc biểu lộ tình thương trong tâm tư lời nói và việc làm :
 
+ Tâm tư : Chúa chạm lòng thương.
 
+ Lời nói : lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít.
 
+ Chúa gọi mười hai tông đồ và sai họ đi truyền giáo.
 
Noi gương Chúa, người tông đồ phải biết nhìn rộng, thấy dài và con tim nhạy bén để có thể nhận biết và tỏ bày tình thương đối với tha nhân cách hợp tình hợp lý và hợp cách.
 
b) Nghe lời Chúa nói:
 
 “ Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”:
 
 Là người tông đồ, phải biết hiệp thông với Hội Thánh, hiểu biết công việc của Hội Thánh và nhiệt tình cộng tác với Hội Thánh theo khả năng hoàn cảnh và môi trường.
 
“Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”:
 
 đòi hỏi chúng ta phải liên tục, kiên trì và sốt sắng cầu nguyện cho ơn thiên triệu tông đồ : linh mục và tu sĩ ; đồng thời nhiệt tình cổ võ và nâng đỡ ơn gọi dưới nhiều hình c khác nhau, nhưng phải cụ thể và thiết thực.
 
2. Nhìn vào người câm bị quỷ ám.
 
 Người câm này bất lực, tự mình không đến với Chúa được, nên cần có người khác giúp đỡ, nhờ thế họ đã được Chúa chữa lành. Chúng ta có thể gặp yếu đuối, bất lực  trong việc chỗi dậy sau khi sa ngã và hoàn thiện đời sống, nên cần phải cậy nhờ đến người khác giúp đỡ bằng lời cầu nguyện, bằng gương sánh và bằng những cử chỉ khích lệ và hướng dẫn.
 
Người tông đồ cần mau mắn, nhiệt tình và vị tha đem những người khô khan nguội lạnh, yếu kém đức tin, sa lầy trong tội lỗi đến với Chúa qua Hội Thánh để đón nhận ơn tha thứ và ơn cứu độ của Chúa.
 
 “khi quỷ bị trục xuất rồi thì người câm nói được” : ma quỷ là căn nguyên gây ra đau khổ  cho con người, vì thế muốn cứu giúp con người thì phải trục xuất quỷ. Điều này hướng dẫn chúng ta”
 
• giúp kẻ liệt đón nhận ơn bí tích : giải tội, xức dầu bệnh nhân và thánh thể trước khi đưa đến thầy thuốc phần xác.
 
• Khi giúp đỡ phần xác thì cần giúp đỡ phần hồn trước.
 
• Muốn được ơn phần xác thì phải thao thức được ơn phần hồn trước./.

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
 
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
 
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10