Chú Giải Tin Mừng – Thứ Sáu Trước Lễ Hiển Linh (Mc 1,7 – 11)
Được thanh tẩy trong Thần Khí. Điều đó gợi lên ý tưởng “môi trường sống” : như con cá sống trong nước. Sống “trong Thần Khí” : là để cho Thần Khí mang dẫn, như kẻ bơi lội để cho nước chuyển đưa. Đúng, đó chỉ là một hình ảnh, nhưng cần biết sử dụng trong sức mạnh của nó để gợi lên một biểu tượng...
THỨ SÁU TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
NGÀY 06/01/2023
Noel Quesson - Chú Giải
Mc 1,7-11
Gioan rao giảng trong hoang địa rằng : “Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi. Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người”.
Cử chỉ được diễn tả ở đây là cử chỉ của kẻ tôi đòi. Cúi xuống. Hạ mình dưới chân ai đó.
Gioan tự cảm thấy mình không xứng đáng thi hành cử chỉ được coi như thấp hèn. Kiểu diễn tả của ông có vẻ nhấn mạnh lạ thường. Thật sự nó hơi quá đáng, nếu đề cập đến một con người, và ông tôn thờ trong Con Người Đó, tính không dò thấu, đời đời và độc nhất. Tôi có cố gắng đủ để khám phá ra sự hiện diện không thể diễn tả khác được, thường theo sát tôi, một cách vô hình khó nhận diện, nhưng có thật và luôn tác động không ?
Lạy Chúa, xin giúp con sống dưới sự Hiện diện của Chúa.
Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.
Người ta quen dịch là “Phép rửa”, thay vì muốn nói là “tắm”, “dìm xuống”.
Được thanh tẩy trong Thần Khí. Điều đó gợi lên ý tưởng “môi trường sống” : như con cá sống trong nước. Sống “trong Thần Khí” : là để cho Thần Khí mang dẫn, như kẻ bơi lội để cho nước chuyển đưa. Đúng, đó chỉ là một hình ảnh, nhưng cần biết sử dụng trong sức mạnh của nó để gợi lên một biểu tượng.
Lạy Chúa Thánh Thần, con được dìm ngập trong Chúa, con luôn sống động trong Chúa … Con thường lãng quên môi trường sống của con biết bao. Thường con không thèm quan tâm đến đó và muốn thoát khỏi ! Tuy nhiên, không có “Sự sống” thiêng liêng nào lại có thể ở ngoài Thần Khí : nếu người ta từ bỏ “môi trường” này, người ta sẽ ngộp hơi ngay. Con người được tạo thành để sống “trong Thiên Chúa”, “trong Thần Khí”.
Và đã xảy ra trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nagiarét xứ Galilêa đến, và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan.
Đó là hành động đầu tiên khai mở cuộc đời công khai của Chúa, khi Người rời bỏ làng thôn để bắt đầu sứ vụ.
Chúa Giêsu khiêm tốn biết bao : trước hết, Người tự hạ làm môn đệ của Gioan Tẩy Giả, Người nhận chịu phép rửa của ông.
Người tự đặt mình vào hàng các tội nhân, đứng chờ đợi, bên bờ sông … như một “con người nào đó” !
Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình.
Isaia đã loan báo bằng những câu như trên (Is. 63,11 ; 19) sự ủy thác cho Đấng phải đến giải phóng Israel. Bầu trời phải mở ra, và Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống. Con người đến từ Nagiarét, mà người biết rõ như bác thợ mộc ở làng thôn, lại hoàn toàn khác với điều người ta tưởng nghĩ : có một mầu nhiệm nơi Người … Người thông hiệp với Thiên Chúa … Người nhìn bầu trời mở ra ! Thần Khí ngự trên Người …
Tôi thử tưởng tượng ra thực tại mà những người trên diễn tả. Chúa Giêsu hướng lên Thiên Chúa. Người được Thiên Chúa xâm chiếm. Người đàm thoại với Chúa Cha, trong Thần Khí.
Và có tiếng từ trời : “Con là Con yêu quý của Cha, Con đẹp lòng Cha mọi đàng”.
Đó là điều Chúa Giêsu nghe hoài. Đó là cuộc đối thoại của Người với Chúa Cha. Đó là điều Người luôn ý thức : Người biết mình là “Con”. Người biết mình “được yêu mến”.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Chúa Giê-su chịu phép rửa
Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại các chứng nhân về Chúa Giêsu :
1. Gio-an Tẩy Giả :
a) Làm chứng về Chúa Giê-su bằng lời nói :
- So sánh về nhân thế : “ Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi”.
- So sánh về sự nghiệp : “ Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Chúa Thánh Thần “.
b) Làm chứng về Chúa Giê-su bằng việc làm :
- Đức Giê-su được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan, và được giới thiệu là Con Thiên Chúa.
- Câu chuyện Chúa Giê-su chịu phép rửa nhằm làm nổi bật về mối tương quan giữa Người với Chúa Cha.
- Biểu tượng chim bồ câu được hiểu tùy theo trường hợp sử dụng :
- Dc 2,14; 5,2 : được hiểu là tình yêu Thiên Chúa đến với trần gian.
- St 1,2 ( Thần Khí Chúa bay lượn trên mặt nước ) và biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa ( Mc 1,10 ) được hiểu là khởi đầu của tái tạo mới.
- Thánh Thần xuống trên Đức Giê-su là để tấn phong và xác nhận Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ Thiên Chúa đã hứa ( Is 11,2; 42,1; 63,11 ).
2. Chúa Cha làm chứng về Chúa Giê-su :
- “ Lại có tiếng từ trời phán rằng : Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.
Tiếng từ trời vọng xuống ở đây được ám chỉ ba đoạn Cựu Ước :
- Con là Con của Cha : Tv 2,7
- Con là Con yêu dấu của Cha : St 22,2
- Cha hài lòng về Con : Is 42,1.
Như vậy, câu trên đây làm nổ bật dung mạo của Đức Giê-su :
- Người là Quân Vương được xức dầu tấn phong để cai trị muôn dân : Vương Đế.
- Người là Con Một yêu dấu của Chúa Cha được dâng hiến làm lễ vật trong hy tế : Tư Tế.
- Người là Tôi Trung của Thiên Chúa có nhiệm vụ rao giảng, thực hiện công cuộc giải thoát và cứu độ : Ngôn sứ.
3. Nhìn vào Gio-an :
- Chúng ta không những làm chứng về Chúa bằng lời nói : giảng dạy, nhưng còn bằng việc làm là chứng tích của đời sống nữa.
- Người tông đồ của Chúa phải biết quên mình để làm vinh danh Chúa. Vì thế khiêm nhường là đặc tính của người tông đồ.
4. Hiểu về dung mạo của Đức Giê-su như vậy, người ki-tô hữu chúng ta qua bí tích Rửa Tội, được diễm phúc tham dự vào sứ vụ cứu thế của Chúa Ki-tô trong chức : vương đế, tư tế, ngôn sứ.
- Với chức Vương Đế : người ki-tô hữu sống cuộc đời phục vụ trong tinh thần khiêm nhường.
- Với chức Tư Tế : người ki-tô hữu tự hiến mình làm của lễ phục thờ Thiên Chúa.
- Với chức Ngôn Sứ : người ki-tô hữu thực hiện công cuộc giải thoát và cứu độ tha nhân bằng nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng.
Trong tâm tình của mùa Giáng Sinh, người ki-tô hữu chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập Thể của Hài Nhi Giê-su làm chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống thường ngày./.
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10