Clock-Time

Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Năm A (Ga 20:19-23) | Giáo Phận Phú Cường

Trong Tin Mừng  theo Thánh Gioan, chính vào buổi chiều của ngày Phục Sinh, tiếp bước sự sống lại, Chúa Thánh Thần được ban cho các tông đồ, và Giáo Hội được khai sinh bởi cùng một sự thổi hơi của Đức Giêsu...

Chú Giải Tin Mừng
Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Năm A
TIN MỪNG: Ga 20:19-23

Noel Quesson - Chú Giải

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần...

Trong Tin Mừng  theo Thánh Gioan, chính vào buổi chiều của ngày Phục Sinh, tiếp bước sự sống lại, Chúa Thánh Thần được ban cho các tông đồ, và Giáo Hội được khai sinh bởi cùng một sự thổi hơi của Đức Giêsu. Trong tường thuật này, có thể so sánh với bản văn của Luca trong sách Công vụ Tông đồ, Đức Giêsu  dường như chiếm nhiều chỗ hơn Chúa Thánh Thần . Thánh Gioan đã tập cho chúng ta quen với việc tìm trong Tin Mừng một sự cô đọng cao cả về thần học dưới lớp và bọc của các biểu tượng Kinh Thánh.

“Ngày đầu tiên trong tuần", một thế giới mới bắt đầu, một tạo vật mới. Đó là một sự Sáng thế mới. Thiên Chúa cầm lấy con người và nhào nặn lại trong một thứ đất sét hoàn toàn mới. Và các Kitô hữu, từ ngày đó, không ngừng tụ họp  vào ngày thứ nhất trong tuần này đến Chúa nhật sau. Giáo Hội khai sinh từ sự hội họp đều đặn đó theo dòng thời gian cho đến ngày nay vẫn còn tiếp tục. Cần phải có những ngày Chúa nhật để hình thành một Kitô hữu , tuần tự tiến lên…theo nhịp điệu các lần Đức Giêsu đến giữa cộng đoàn. Chúng ta không sống với bổn phận tẻ nhạt phải giữ ngày Chúa nhật về khía cạnh quá pháp lý : Vấn đề là một nhu cầu sống ! “Bắt  buộc phải hô hấp, phải hít thở" . Vậy không thể đi lễ ngày Chúa nhật mỗi ngày, một lần là đủ.

Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái.

Sự sợ  hãi ! Thế giới chúng ta luôn luôn xây dựng trên nỗi sợ hãi. Sự ngăn chặn tấn công nguyên tử cũng bằng vũ khí nguyên tử , điều đó gây ra sự sợ hãi.

- Trước khi đi xa hơn trong kinh nguyện, tôi phải nhìn trực diện trong đời sống của tôi những nỗi sợ hãi của chính mình. Nơi mà Phục Sinh xuất hiện lại là nơi các môn đệ khép kín để tự vệ vì sợ hãi.

Nơi mà Thần Khí Thiên Chúa có thể xuất hiện trong đời tôi lại chính là điểm đau của vết thương nội tâm là nơi dễ bị tổn thương, có nguy cơ và chịu nhiều đau khổ. Tình trạng đóng kín của tôi là gì ?

Trường hợp nào, tội lỗi và mối lo nào đang nhốt kín tôi ? thánh Phaolô đã có ý thức về thực tại ấy như về một thứ chết chóc : "Như thế sự chết hoạt động nơi chúng tôi...cho nên chúng tôi không chán nản: Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của  chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện đại sẽ mang lại cho chúng ta cả khối vinh quang vô tận tuyệt vời" (2 Cô-rin-tô 4,12-16-17).

Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói : "Bình an cho anh em..".

Không phải là ngẫu nhiên mà Thánh Gioan liên kết sự sống lại của Đức Giêsu và việc ban cho Thần Khí. Tụng Kinh Tin Kính. chúng ta khẳng định rằng Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Trước tiên, chính Đức Giêsu đã nhận được ơn sự sống ấy : Khi kéo Đức Giêsu ra khỏi quyền lực của cái chết, Thần Khí của Thiên Chúa vừa hoàn thành tốt đẹp một công trình của bậc thầy !

Trong hữu thể thụ tạo của chúng ta, vì chúng ta không phải là Thiên Chúa, chúng ta mang dấu ấn của sự hữu hạn. Tinh thần và thân xác chúng ta được liên kết vì điều tốt nhất và điều xấu nhất Nhưng dù có mạnh mẽ đến đâu, tinh thần của chúng ta phải biết đến sự suy nhược sau cùng, không cho phép nó giữ lại thân xác của nó : làm người" cũng có nghĩa là phải chết ! Nhưng trước vũ trụ được tạo thành ấy và do đó phải chết, Đức Kitô không chỉ có những khả năng hạn chế của tinh thần con người mà thôi. nhưng Người còn có những khả năng vô hạn thuộc về Thiên Chúa. Đức Kitô có trong mình một Thần Khí hoàn toàn khác hẳn với thần khí (tinh thần) của con  người  luôn bị cái chết áp đặt : Người có sẵn Chúa Thánh Thần như chủ tể và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống !

Đức Giêsu phá vỡ mọi rào cản. Sự xâm nhập thình lình của Người vào giữa các môn đệ đóng kín cửa có nghĩa là Người bị bất cứ trở ngại nào giữ lại để đến đứng giữa các người thân yêu của Người. Sáng hôm ấy, Người đã nhận một "hơi thổi" đặc biệt mới làm cho Người có một "thân thể tinh thần", môt thân thể mà sự Sống của Chúa Thánh Thần làm cho sống động (1Corintô 15,44). Trước khi ban Chúa Thánh Thần cho bạn hữu Người ngay sau đó, Đức Giêsu đã được Thiên Chúa Cha làm cho sống lại, ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa (Công vụ 2,33). Chính Thánh Phêrô đã công bố sự mạc khải tuyệt vời ấy, trong ngày Hiện Xuống. Phải  sự sống lại là một công trình của Thần Khí. 

Nói xong Người cho các ông xem tay và cạnh sườn.

Bạn tìm kiếm nơi sự sống lại xuất hiện chăng ? Bạn  thấy tìm ra sự hiện diện của Thần Khí  là khó khăn ? Vậy  thì ngày hôm nay; bạn hãy thử khám phá ở đâu có các dấu đinh, các vết thương... Có thể ở trong lòng bạn, trong đời sống cũng như  trong thế giới hoặc trong Giáo Hội.

Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói : "Bình an cho anh em!”

Các môn đệ từ nỗi sợ hãi đi qua sự bình an đi đến niềm vui"

“Như Chúa  Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em".

Họ đã tự giam hãm trong căn phòng mà các cửa đều đóng kín, còn giờ  đây, họ được sai đi...

Việc sai đi để thực hiện sứ mạng hoàn toàn không được quan niệm dưới góc độ một tổ chức nào đó : Đó không phải là một "công việc" quảng cáo được khéo dàn dựng... và Đức Giêsu hoàn toàn không nhắm đến các phương tiện thực hành mà Giáo Hội phải tìm kiếm để trở thành "thừa sai"... Đối với Đức Giêsu , chỉ có một điều đáng kể : Nguồn gốc của sứ mạng ấy... và đó là "mối liên hệ thân mật liên kết Đức Giêsu với Chúa Cha”. Thật ra, chỉ có một sứ mạng : Sứ mạng của Chúa  Cha, cũng là sứ mạng của Đức Giêsu và trở thành sứ  mạng của Giáo Hội.

Nói xong. Người thổi hơi vào các ông và bảo :

Ở đây Gioan sử dụng một ngôn ngữ Kinh Thánh, ám chỉ đặc biệt hai bản văn nổi tiếng :

- Sự  sáng thế đầu tiên : "Thiên Chúa thổi hơi vào mũi một luồng hơi đem lại sự sống" (Sáng Thế 2,7).

- Sự sáng thế sau cùng : “Hơi thổi trên những bộ xương khô, và họ sống lại" (Ê-dê-ki-en  37,9).

Đã có sự sáng thế của quá khứ, sự sinh ra của sự sống lúc bắt đầu thời gian... Sẽ có sự sáng thế của tương lai, sự sống lại lần cuối vào ngày sau hết... Nhưng luôn luôn có sự sáng thế trong hiện tại. Hơi thổi của Thiên Chúa đang hoạt động hiện nay. Tôi tin vào Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống ? Hơi thổi ban sự sống ! Các bạn không thấy là hoàn toàn tuyệt diệu khi mô tả sự Hiện diện của Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống !

Hơi thổi ban sự sống ! các bạn không thấy hoàn toàn tuyệt diệu khi mô tả sự hiện diện của Thiên Chúa và hoạt động của Người trong trần gian bằng một sự việc phổ biến nhất và nền tảng nhất : sự hô hấp, mọi sinh vật, từ vi trùng cho đến loài dã thú to lớn đều cùng hít thở  khí ôxy được ban cho mọi sinh vật ở xung quanh hành tinh của chúng ta …và tôi cũng hít thở hơi thở của mọi sinh vật. Đó chính là hình ảnh cảm động của Thiên Chúa duy nhất, làm tất cả chúng ta được sống ! Đức Giêsu  cũng đã dùng hình  ảnh đơn giản ấy để nói với Ni-cô-đê-mô rằng gió muốn thổi đi đâu thì thổi và đó là thần khí làm cho sống ! (Ga 3,6-8)

 "Anh em hãy nhận lấy..."

Tôi cầu nguyện trên chỉ mỗi từ này thôi. Tâm thức hiện đại không thích "nhận" : Ngày nay, người ta từ  chồi phụ thuộc vào người khác. Đó là tội lỗi tiêu biểu nhất : Tự mãn về mình  như những thần linh. Nhưng điều đó không thuộc quyền con người ! Dù muốn hay không muốn, con người  phải sống phụ thuộc, hoàn toàn phụ thuộc : Để  sống, con người  phải nhận sự sống... Tôi nhận sự sống từ cha mẹ tôi. Tôi nhận sự sống từ không khí mà tôi thở . Tôi nhận sự sống từ  mặt trời ban cho tôi lương thực. Tôi phụ thuộc vào cả ngàn thứ , cả ngàn con người, vào rất nhiễu điều kiện. . .

“ Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thầy..."

Phải nhận Mình Thánh đó thôi !

"Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần..." Phải nhận lấy Thánh Thần ấy !  Lạy Chúa, xin ban cho chúng con biết tiếp đón,  chấp nhận và nhận lấy ơn mà Chúa ban cho con.

Nhân loại phải nhận sự cộng hữu Thánh Thần ở giữa Chúa Cha và Chúa Con. Tuy nhiều nhưng chỉ có một . Như  thế chúng ta khám phá ra rằng trong sứ mạng của Giáo Hội không chỉ có Chúa Cha và Chúa Con mà Chúa Cha sai đi, nhưng là mầu niệm của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Công Đồng Vatican II  nói Giáo Hội là sự mở rộng nơi các nhân vị cộng đoàn tình yêu đã kết hiệp Ba Ngôi

“Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

Vai trò của Giáo Hội, sứ mạng của Giáo Hội là loan báo sự tha thứ, sự cứu chuộc ! Sự phát triển ý tưởng của bài đọc này trong Tin Mừng của Gioan làm xúc động : một cộng đoàn của những con người đã có kinh nghiệm về Đấng Phục Sinh...Sự sai đi truyền giáo của cộng đoàn ấy  xuất phát

từ kinh nghiệm nói trên.

- sự ban cho Thần Khí sẽ làm cho sứ mạng truyền giáo trở thành có  thể. .

- sự truyền giáo ấy, là truyền đạt sự Cứu chuộc, Tha Thứ và Thánh Thiện...

Như thế, vai trò của Giáo Hội là sự giải phóng ! Đó là ban tặng tình yêu vô cùng của Thiên Chúa. Công thức song Song, ở thể phủ định, rõ ràng khống có  nghĩa là Giáo Hội có thể thực hành một thứ quyền độc đoán. Câu hỏi không bao giờ là : "Có phải Thiên Chúa sẽ tha thứ cho tôi?”. Thập giá của Đức Giêsu  đã trả lời cho câu hỏi ấy. Nhưng than ôi, vẫn còn lại câu hỏi : "Có phải tôi sẽ "nhận lấy" sự tha thứ ấy khống ?" .

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

BÀI TIN MỪNG : Ga 20,19-23

 I. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ CỦA BÀI TIN MỪNG HÔM NAY :

1/ Phụng vụ chọn lựa bài Tin Mừng này trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống cho cả ba năm A, B, C là trong bài này thánh sử Gioan đã kể lại việc Chúa Giêsu ban Thánh Thần xuống cho các Tông đồ “các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.

2/ Việc ban Thánh Thần biểu lộ ý nghĩa : Chúa Thánh Thần là căn nguyên sự sống và hoạt động của các Tông đồ.

3/ Vì thế qua việc mừng lễ này Giáo Hội muốn cho chúng ta xác tín hơn về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội và đời sống của mỗi người chúng ta, để chúng ta thiết tha hơn trong việc cảm tạ và cầu xin với Chúa Thánh Thần trong đời sống hàng ngày.

 II. Ý NGHĨA THỜI GIAN ĐỐI VỚI VIỆC MỪNG LỄ CHÚA THÁNH THẦN

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Gioan kể lại việc Chúa Giêsu ban Thánh Thần cho các Tông đồ vào “buổi chiều ngày thứ năm trong tuần” điều này có ý nói lên rằng  sau khi phục sinh. Chúa Giêsu không còn bị lệ thuộc vào thời gian và không gian nữa, nên ngay sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã về trời ngự bên hữu Thiên Chúa Cha và được tôn vinh và vì vậy ngay sau khi hiện ra với các Tông đồ lần đầu tiên này. Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ rồi. Điều này hợp với thánh Gioan  nói trước rằng : “Thánh Thần chưa được ban xuống vì Chúa Giêsu chưa được tôn vinh (Ga 7,39).

- Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống 50 ngày sau khi Chúa Giêsu phục sinh vì những lý do sau đây : 

* Ngày lễ Hiện Xuống đầu tiên kể từ Thăng Thiên nhằm vào ngày lễ  50 của người Do thái (Cv 2,1-13). Ngày lễ 50 của người Do thái có ý nghĩa liên quan đến vai trò của Chúa Thánh Thần.

 Ngày lễ 50 : kỷ niệm việc Thiên Chúa ban bố luật trên núi Sinai và cảm tạ Thiên Chúa ban mùa màng tốt đẹp.

Ngày lễ Hiện Xuống mừng việc Chúa thiết lập dân mới tức là Giáo Hội và trao ban sứ mệnh truyền giáo cho Giáo Hội.

 * Ngày lễ phục sinh Chúa Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ (Ga 20,21-23). Nhưng ngày lễ Hiện xuống Chúa Thánh Thần đến một cách long trọng và là ngày phát sinh Giáo Hội (Cv 2, 1-13). Cũng như qua Bí tích Rửa tội, chúng ta nhận lấy Chúa Thánh Thần rồi, nhưng qua Bí tích Thêm sức, chúng ta nhận al4nh Chúa Thánh Thần cách long trọng để trở thành người chiến sĩ của Nước Trời vậy.

III. Ý NGHĨA CHÚA THÁNH THẦN HOẠT ĐỘNG TRONG CHÚNG TA :

Khi chịu Bí Tích Rửa tội, nhất là Bí tích Thêm sức, Chúa Thánh Thần đã đến hoạt động trong ta, Chúa Thánh Thần thông ban cách dồi dào sự sống của Thiên Chúa cho ta, biến đổi ta nên người Kitô hữu trưởng thành và mạnh mẽ, kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần cho ta hiểu biết về giáo lý của Chúa Kitô : “Thánh Thần sẽ nhắc nhở chúng ta” và các điều cần thiết để giữ  nghĩa cùng Chúa và để tiến lên trong đời sống hoàn thiện.

Chúa Thánh Thần cho ta được tham dự vào sứ mệnh của Chúa Kitô là cùng rao giảng, thánh hoá và cai quản dân Chúa (tiên tri, tư tế và vương giả). Chúng ta làm chứng nhân của Chúa Kitô qua đời sống lời nói và việc làm của ta và phải hoạt động cho Chúa được nhiều nhận biết và yêu mến.

Người hoạt động trong ta bằng 7 ơn gọi là 7 ơn Thánh Thần với mục đích soi sáng, hướng và giúp ta nên thánh. Đó là những ơn : Khôn ngoan, hiểu biết, thông minh, lo liệu,  đạo đức, kính sợ Chúa và ơn can đảm.

IV. MẤY Ý NGHĨA THỰC HÀNH :

1/ Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là cơ hội thuận tiện và để ta xác tín hơn về vai trò Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội và mỗi người chúng ta, và nhờ đó chúng ta biết tha thiết hơn trong việc ngợi khen, cảm tạ và xin ơn Chúa Thánh Thần. Để giúp nhắc nhở điều đó, mỗi ngày chúng ta nhớ đọc kinh Chúa Thánh Thần lúc đầu ngày hay khi khởi sự một công việc quan trọng trong ngày, trong đời mình. 

2/ Chúa Thánh Thần là Đấng Bầu Chữa (ga 14, 15. 15,26. 16,7)

Tin tưởng Chúa Thánh Thần như vậy, chúng ta năng cầu xin Chúa Thánh Thần trong mỗi công việc, đặc biệt trong những lúc gian nan thử thách và những lúc khó khăn trong đời sống.

Khi bị thử thách vì danh Chúa, chúng ta hãy can đảm và tin tưởng vào hoạt động của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy tin vào hoạt động của Chúa Thánh Thần trong ta vì “Thánh Thần sẽ nói thay cho các con”.

3/ Chúa Thánh Thần là Đấng đem lại sự hiệp nhất (1Cr 12,13)

Có nhiều thứ ân sủng nhưng chỉ có một Chúa Thánh Thần (1Cr 12,7).

Vì thế khi thực sự biết đón nhận Chúa Thánh Thần mà chúng ta không còn nghi kỵ, ganh tỵ, buồn giận, ghét, gây bè phái nữa, nhưng sống hiệp nhất vui vẻ, yêu thương, bác ái huynh đệ, phục vụ và tương trợ lẫn nhau.

4/ Thân thể của ta là Đền thờ Chúa Thánh Thần (1Cr 3,16. 6,19)

Tôn trọng thân thể của ta bằng cách giữ trong sạch về thể xác và tránh những cử chỉ hành vi lỗi đức trong sạch và đức công bình đối với bản thân.

Tôn trọng thân thể tha nhân bằng cách tránh những cử chỉ và hành vi lỗi đức trong sạch đối với thân xác tha nhân, đồng thời tránh những cử chỉ và hành vi gây thiệt hại cho thân xác tha nhân như đánh đập hay khinh bỉ tha nhân. 

5/ Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong phép Thánh Thể. Ngay trước lúc truyền phép, linh mục xin Chúa Thánh Thần thánh hoá các của lễ được dâng hiến “chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hoá lễ này…” (Kinh nguyện Thánh Thể II). Khi đọc lời này Linh mục đặt tay lên lễ vật : cử chỉ tượng trưng việc Chúa Thánh Thần chiếm hữu các hiến vật đó.

Qua cử chỉ và lời đọc trên, linh mục cũng mời gọi ta nhận ra hành động nhiệm mầu của Chúa Thánh Thần trong phép Thánh Thể và trong đời ta. Chính nhờ Thánh Thần mà ta nhận biết Mình và Máu Chúa Kitô hiện diện trên bàn thờ, chính nhờ Thánh Thần mà ta có thể tuyên xưng Đức Giêsu trong cuộc đời ta.

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10