Clock-Time

Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Chiên Lành - Cầu Nguyện Cho Ơn Thiên Triệu (Ga 10:1-10) | Giáo Phận Phú Cường

Chuồng cừu đối với Đức Giêsu không phải là một nơi ngọt ngào và thơ mộng mà là một nơi phải tự bảo vệ chống lại trộm cướp. Chúng ta chớ quên rằng bài giảng này của Đức Giêsu rất bút chiến. Đây là phần tiếp nối cuộc đối đầu bi đát khi Người chữa lành một người mù từ thuở mới sinh. Anh này bị đối xử tệ hại như một con chiên đáng thương bị người ta đánh đập chỉ vì nó tật nguyền... 

Chú Giải Tin Mừng
Chúa Nhật Lễ Chúa Chiên Lành
Cầu Nguyện Cho Ơn Thiên Triệu

TIN MỪNG: Ga 10:1-10

Noel Quesson - Chú Giải

Trong Chúa nhật IV Phục Sinh này, Giáo Hội mời gọi chúng ta “cầu nguyện cho các ơn gọi” và mỗi năm đề nghị chúng ta đọc một đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan về “Vị mục tử nhân lành”

"Thật, tôi bảo thật các ông : Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên. nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp". '

 Trên những đồi núi vùng Galilê và Giuđê, người ta thấy khắp nơi có những người chăn chiên, những mục tử . Ban ngày họ cho đàn chiên ăn cỏ trên những đồng cỏ hiếm hoi mọc ở giữa những đống đá của các ngọn đồi. Ban đêm, nhiều mục tử đồng ý với nhau tập họp đàn chiên của họ vào chung một khu đất có vây tường, làm bằng những tảng đá nhỏ ở đây, Đức Giêsu giới thiệu với chúng ta hai nhân vật rất tương phản . mục tử và... kẻ trộm... Chính cách họ vào ràn chiên mà người ta phân biệt được họ ! Kẻ trộm trèo qua rào. Còn người mục tử đi qua cửa mà vào. Ngay từ đầu chúng ta không thấy những hình ảnh thơ mộng nào cả như vẫn thoáng thấy ở các đề tài về đồng quê !

Chuồng cừu đối với Đức Giêsu không phải là một nơi ngọt ngào và thơ mộng mà là một nơi phải tự bảo vệ chống lại trộm cướp. Chúng ta chớ quên rằng bài giảng này của Đức Giêsu rất bút chiến. Đây là phần tiếp nối cuộc đối đầu bi đát khi Người chữa lành một người mù từ thuở mới sinh. Anh này bị đối xử tệ hại như một con chiên đáng thương bị người ta đánh đập chỉ vì nó tật nguyền.

"Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là Mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào và chiên nghe tiếng của anh".

Vậy, Đức Giêsu đặt đối lập những "mục tử giả hiệu” kẻ trộm cướp, khoe rằng mình hướng dẫn những người khác nhưng không được ủy nhiệm chân chính.. . với "mục tử chân thật" đi qua cửa để vào một cách quang minh chính đại, được người gác đã cho vào. Chúng ta chớ vội bỏ qua người gác cửa này. Tất cả Tin Mừng nói với chúng ta về người đó ! Đó là Chúa Cha, Đấng đã sai Đức Giêsu đến (Gioan 8,16-42), Đấng đã giao mọi sự trong tay Người (Gioan 3.35 -5,22-26). Đấng đã ban cho Người những con chiên của người (Gioan 17,6-9).

"Anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ”.

Được tập trung vào chung một chỗ có vây tường ban đêm để được các mục tử bảo vệ, buổi sáng các mục tử thu hồi các con chiên của họ, vì các con chiên nhận biết tiếng của mục tử của chúng. Những con chiên này theo bản năng biết được mục tử yêu thương chúng từng con một : Chúng đi theo và lắng nghe mục tử Người tín hữu chân chính, là người. Lắng nghe" tiếng Đức Giêsu và “đi theo" Đức Giêsu. Động từ "lắng nghe" được lặp lại năm mươi tám lần trong Tin Mừng của Thánh Gioan : Đức Giêsu là "lời" là "Ngôi lời” sự "mạc khải" được nói vào lỗ tai chăm chú của các bạn hữu Người "điều mà Người đã nghe từ Chúa Cha" (Gioan 3,31 - 8,40 - 15,15). Bạn đang Buy niệm bài Tin Mừng này, bạn có biết lắng nghe Lời Chúa, tiếng nói của Tình Yêu và Chân Lý ?

Đức Giêsu kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

Họ không hiểu bởi vì họ không muốn hiểu... bởi vì họ cảm thấy mình bị chỉ trích. Là những người Pharisêu, họ tự hào hướng dẫn những người khác, nhưng mà người ta chạy trốn bởi vì họ là những mục tử xấu, những kẻ trộm cướp.

Vậy Đức Giêsu lại nói : 'Thật, tôi bảo thật cho các ông : Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp, nhưng chiên đã không nghe họ".

 Những sự tự phụ của Đức Giêsu nếu Người chỉ là một Con người quả là thái quá ! Người tự giới thiệu như người hướng dẫn duy nhất của nhân loại ! "Tất cả những ai đến trước tôi" đều là trộm cướp. Con người nói điều đó là một người điên.. hoặc giả người ấy mang trong người một sứ điệp triệt để nhất, tuyệt đối nhất, siêu việt nhất, cách mạng nhất mà nhân loại chưa bao giờ nghe thấy. Than ôi, chúng ta có thể đi theo những người hướng đạo khác nếu chúng ta chịu nổi họ và nhiều người tự giới thiệu với chúng ta như những "cứu tinh do Thiên Chúa an bài"... nhưng Đức Giêsu đã mạnh mẽ báo trước cho chúng ta biết : Các kẻ ấy đều là trộm cướp và phá hoại... mọi người đưa ra những lời hứa hẹn hay đẹp đều là những kẻ trộm cướp. Một thứ tuyệt đối thuyết như thế chỉ có thể đụng chạm đến tâm thức của thời đại chúng ta, mong muốn sự khoan dung, lo lắng đến "tính đa nguyên". Vậy ai là người dám nói với một sự bảo đảm và một sự loại trừ như thế ? còn Đức Giêsu vốn khác với "mọi người khác, Người hứa hẹn chúng ta điều gì?

"Tôi là cửa".

Đức Giêsu thích trình bày tư tưởng của Người dưới những hình ảnh. Người đã tự giới thiệu Người như vị Mục tử độc nhất, ở đây, sử dụng những ý nghĩa tượng trưng như các nhạc sĩ thường làm khi các chủ đề của họ đan kết với nhau. Đức Giêsu đưa vào một hình ảnh thứ hai, tinh tế hơn, mầu nhiệm hơn. Người nói : "Tôi là cửa"... cái cửa duy nhất, cái cửa độc nhất! Những tác giả Phúc âm nhất lãm cũng đã đặt vào miệng Đức Giêsu sự so sánh ấy khi nói về cái “cửa hẹp" dẫn đến Nước Chúa (Mát-thêu 7,13-14 ; Luca 13.24). Nhưng ở đây từ ngữ chứa đựng một ý nghĩa thần học sâu xa hơn... theo nghĩa mà Đức Giêsu không bao lâu nữa sẽ nói ; "Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy..."

(Gioan 14,6). Trong Kinh Thánh đã có một thứ thần bí về cái cửa. Gia-cóp ở giữa sa mạc đã nhìn thấy một cầu thang là cửa của thiên đàng (Sáng Thế 28,17). Những cái cửa của Giêrusalem được mô tả như những con đường đưa vào nơi bình an, công bằng, đến nhà của Thiên Chúa (I-sai-a 60,11 ;

Thánh Vịnh 122,2 – l18,19-20).

“Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ”.

Như thế, Đức Giêsu có ý thức Người là một con đường đi qua, một cái cửa, dẫn đến một nơi mới, một không gian mới ! Để cảm nhận ân huệ của đề nghị này nơi Đức Giêsu, chúng ta phải cảm nghiệm mình đang bị giam hãm trong một thứ "căn hầm đóng kín" như Jean Paul Sartre đã mô tả. Vâng, nhân loại như bị cầm tù bởi những điều tất định khắc nghiệt nào đó : Sinh ra rồi chết đi, sản xuất rồi tiêu thụ, ăn, làm, ngủ rồi lại bắt đầu lại!”. Viễn cảnh của con người lẽ nào lại dừng lại ở vòng tròn chật hẹp này ? có phải nhân loại bị kết án quay vòng tròn như thế trong khi chờ đợi cơn đắm tàu sau cùng ? Có chăng một lối thoát cho con người ?

Chính tại đây Đức Giêsu can thiệp và nói với chúng ta rằng Người là một cái cửa, một lối thoát. Những hình ảnh nói lên nhiều điều : "Các bạn có thể ra vào, lui tới"...đây là hình ảnh của sự tự do ! Các bạn sê tìm thấy một đồng cỏ"... hình ảnh của sự sống và sự tươi trẻ !

Tại sao chúng ta không thử mượn cái cửa mầu nhiệm ấy để đi một vòng hít thở khí trong lành, trong những đồng cỏ tắm nắng mặt trời ? Đức Giêsu nói với chúng ta rằng nhân loại không thể khép kín lại với chính mình một cách tuyệt vọng : Trước mắt nhân loại, một không gian được mở ra, một không quan vô tận, một sự sống còn ở phía trước. Thiên Chúa đề nghị dành không gian của Người cho con người. Tại sao chúng ta không muốn cái cửa ấy để đến đó mà hít thở ? Cánh cửa này mở ra vô tận và không chỉ mở vào ngày sau cùng, vào giờ lâm tử của chúng ta, điều đó tùy thuộc vào mỗi người chúng ta. Cánh cửa ấy hướng về Thiên Chúa, tại sao chúng ta không bước qua nó ngay từ bây giờ ?

“Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ”

Đức Giêsu trở lại những viễn cảnh tiêu cực này để giúp chúng ta hiểu rõ hơn đề nghị tích cực của Người. Trong các lãnh vực kinh tế, chính trị. kỹ thuật, con người đã thực hiện nhiều cuộc giải phóng mà chúng ta không thể coi thường và mọi Kitô hữu phải tham gia. Nhưng Đức Giêsu nhắc chúng ta chỉ có duy nhất một cuộc giải phóng triệt để mà Thiên Chúa đề nghị với chúng ta. Mọi lời hứa khác về giải phóng, về hạnh phúc đều là lừa bịp, một thứ trộm cắp. Nhân loại được dựng nên không phải để bằng lòng với không khí ngột ngạt của mọi thứ chủ nghĩa duy vật Các chủ nghĩa vô thần chỉ đem lại cho con người một hình ảnh bị cắt xén. Đối với Đức Giêsu, nếu chỉ đưa ra cho con người các viễn cảnh hạn chế thì đó chính là "giết chết và Phá hủy" con người chỉ sống viên mãn khi con người mở ra với Thiên Chúa. Và Đức Giêsu là cái cửa ! Nếu người nào đi qua cửa đó, người ấy sẽ được cứu !

Không đi qua lối đó, con người sẽ hư mất... Môi trường sống tuyệt đối duy nhất của con người, chính là môi trường của Thiên Chúa. Chỉ có nơi đó mới là không gian của con người. Chỉ có nơi đó, con người thật sự được tự do. Chỉ có nơi đó con người thật sự hít thở và phát triển đến vô tận.

"Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào".

Ở đây chúng ta gặp lại một chủ đề mà Thánh Gioan ưa thích. Rượu nho ở tiệc cưới Cana được ban cho một cách dồi dào : 600 lít ! (Gioan 2,6-7). Nước sự sống ban cho người phụ nữ Samari vọt lên để sau cùng làm mọi cơn khát phải chấm dứt (Gioan 4,14). Bánh được hóa ra nhiều và rất dồi dào và còn dư lại mười hai giỏ đầy (Gioan 6,10-12). Sự đánh cá mầu nhiệm làm chiếc thuyền đầy cá (Gioan 21,6). Nhưng đó chỉ là những hình ảnh. Thực tế còn đẹp hơn nhiều. Có một sự sống "dồi dào" : Sự sống của Thiên Chúa !

Quả thật, rõ ràng chỉ có Đức Giêsu mở ra một không gian vô cùng, vô tận cho con người. Bên ngoài Người, nhân loại hoàn toàn "bị giam hãm" trong chính mình : không một ý thức hệ, một lãnh tụ chính trị hay xã hội, một khám phá khoa học nào giải thoát chúng ta khỏi số phận "Chỉ là những con người và vì thế phải chết". Nhưng chính Đức Giêsu, vừa là người vừa là Thiên Chúa, lôi kéo ta ra khỏi sự bất lực của chúng ta để đưa chúng ta vào lãnh địa của Thiên Chúa. Cái Cửa ấy mở ra cái vô cùng vĩnh cửu.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

"Ta là cửa chuồng chiên"

BÀI TIN MỪNG : Ga 10, 1 - 10

I / Ý CHÍNH :

Qua dụ ngôn về " Cửa chuồng chiên" trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã giới thiệu vai trò độc đáo của Người và phải qua Người mới được ơn cứu độ, vì Người là Đấng ban sự sống và nuôi dưỡng nhân loại .

II / SUY NIỆM :

Để giúp hiểu ý nghĩa dụ ngôn này, chúng ta nên biết rằng :

- Cựu ước đã báo trước Đấng Thiên sai sẽ đến như một mục tử Người sẽ chăn dắt ( Mk 5, 3 ) " Ta sẽ cho chỗi dậy một mục tử duy nhất, Người sẽ chăn dắt chúng" ( Ed 34, 23 ) .

- Trong Tân ước, Chúa Giêsu đã áp dụng hình ảnh mục tử cho mình . Ngài tự xưng là chủ chăn được sai đến với các chiên lạc của Israel ( Mt 15, 24 . 10, 26 ; Lc19, 10 ) . Riêng trong Tin Mừng thánh Gioan, bài giảng về người chủ chăn nhân lành đã mở đầu Giáo Hội để rồi sau này thánh phêrô tiếp tục sứ mệnh chăn dắt đó . ( Ga 21, 16 ) .

1 / " Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi" :

Đây là một kiểu nói mà thánh Gioan thường dùng, để nhấn mạnh tính xác thực của một điều gì đã có trước, thực vậy, dụ ngôn " cửa chuồng chiên" là nối tiếp câu chuyện người mù từ bẩm sinh được Chúa Giêsu chữa lành, là để minh chứng Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian, vì vậy phải qua Người mới được ơn cứu độ .

- Ai không qua cửa mà vào chuồng chiên ..." :

+ Chuồng chiên là hình ảnh quen thuộc của đời sống dân Do thái du mục . Ơ đây Chúa Giêsu nói đến Giáo Hội ở trần gian và nước Chúa ở trên trời, tức là nước siêu nhiên .

+ Cửa chuồng chiên : mỗi chuồng chiên chỉ có một cửa chính để chiên ra vào, ai muốn được vào Giáo Hội để hưởng Nước Trời là ơn cứu độ thì phải qua duy một cửa chính mà thôi, cửa này chính là Chúa Kitô như Người đã tự nhận : " Ta là cửa chuồng chiên" . Ơ đây khi nói đến các mục tử giả hiệu, và theo toàn thể mạch văn, Chúa Giêsu có ý nhắm tới các người Biệt phái và Ký lục là những kẻ từ lâu đã tự đặt mình làm thủ lãnh và linh hướng của dân chúng mà không qua vị canh giữ tối cao, không lãnh nhận từ Thiên Chúa một uỷ nhiệm nào để thi hành sứ mệnh mục tử, như bọn trộm cướp, họ đã chiếm đoạt đám tín hữu vì háo danh và óc thống trị hơn là quan tâm đến thiện ích thiêng liêng của tín hữu .

2 / " Còn ai qua cửa mà vào là kẻ chăn chiên" :

Ở đây có ý nói đến những mục tử chân chính vào cửa đàng hoàng vì đã lãnh sứ mệnh .

+ " Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mổ cho ..." :

Người mục tử chân chính là người đã được uỷ nhiệm chính thức . Ơ đây Chúa Giêsu muốn nói đến chính sứ mệnh của Người, vì Người chỉ đến theo lệnh và uỷ nhiệm thần linh mà Người đã nhận từ Chúa Cha khi chịu phép rửa ( Ga 1, 31 - 34 ) .

+ " Và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy ..." :

Chỉ có chiên là những tín hữu đích thực, mới biết ngoan ngoãn nghe theo tiếng vị mục tử của mình là Đức Giêsu, vì " Phàm ai nghe và học nơi Cha thì đến với Đức Giêsu bằng đức tin " ( Ga 6, 45 . 8, 47 ) .

+ " Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên"

Ở đây muốn nói đến những kẻ thực sự thuộc về chủ chăn và đáp theo tiếng Người gọi và chỉ theo một mình Người, điều này được biểu lộ qua ơn gọi của các vị tông đồ ( Ga 1, 35 - 49 ) như khi Chúa gọi Philipphê " Hãy theo Ta" ( 1, 43 ) . Qua tiếng gọi đặc biệt này Người " Dẫn ra" tức là kéo họ ra khỏi thế gian ( Ga 15, 19 ) .

+ " Khi đã lùa chiên mình ra ngoài ..."

Khi đã kéo họ ra khỏi thế gian, Người tiên phong dẫn họ tới đồng cỏ là Giáo Hội và tới Chúa Cha . Đặt trọn niềm tin tưởng vào Người, các con chiên " theo Người " " Làm tông đồ " Người và họ biết tiếng Người : tức là đức tin cho họ một nhận thức thiêng liêng, nhờ đó họ phân biệt trong tiếng nói của vị mục tử, Chúa Giêsu, một âm vang trung thực của tiếng nói Cha trên trời, và biết rằng qua miệng của Chúa Giêsu, chính Chúa Cha đang nói(Ga 14, 10) .

+ " Chúng sẽ không theo người lạ ..." :

Chính sự nhận thức thiêng liêng này, tức là đức tin, khiến họ không làm môn đệ những kẻ chăn chiên xa lòng, chẳng hề được Thiên Chúa uỷ nhiệm vì không nhận ra nơi họ giọng nói của những kẻ này âm vang của lời Thiên Chúa, nên họ chạy trốn, họ chạy trốn vì những kẻ chăn chiên giả này đến để mưu sát trộm cắp và tiêu diệt đàn chiên . Ơ đây muốn ám chỉ đến những người lãnh đạo dân Do thái như các Biệt phái Luật sĩ đã gieo rắc tai hại cho dân vì những gương xấu và lầm lạc của họ .

3 / " Chúa Giêsu phán dụ ngôn này ..."

Những người Biệt phái mà dụ ngôn này nhắm tới không nhận ra được bài học Chúa Giêsu dạy họ : bởi vì chiên lạ không nghe tiếng của mục tử chính danh " Các ngươi không tin vì các ngươi không thuộc đàn chiên của Ta" ( Ga 10, 26 ) .

4 / " Ta là cửa chuồng chiên" :

Vì những người nghe không nhận thức được bài học dụ ngôn nên Chúa Giêsu nói thêm và Ngài giải thích bằng cách Ngài tự nhận mình là cửa chuồng chiên để nêu lên chân lý phải tin nhận vào Ngài mới được cứu độ, vì chỉ có Ngài là cửa duy nhất của chuồng chiên .

5 / " Tất cả những kẻ đã đến trước ..." :

+ " Đến trước " ở đây không có ý nhắm tới thời gian cho bằng nhắm tới thái độ của việc làm, bình thường thì sáng sớm người chăn chiên đi thăm chuồng chiên, nếu có ai đến trước đó, nghĩa là khi còn ban đêm, thì đích thực họ là kẻ trộm cướp, tìm những lúc tăm tối để là những việc ám muội .

+ Dùng kiểu nói " Những kẻ đến trước " ở đây Chúa Giêsu có ý nói đến các Tiên tri Cựu ước vì theo thời gian, họ đã xuất hiện trước Chúa Giêsu . Nhưng có thể Chúa nhắm những người Do thái hoặc dân ngoại tự phụ dùng sức mình mà đem lại cho nhân loại sự hiểu biết về Thiên Chúa và ơn cứu độ . Nhưng cũng có thể Chúa nhắm tới những người Biệt phái ( Mt 23, 1 - 36 ; 9, 36 ; Mc 6, 34 ) và các thủ lãnh tôn giáo Israel đã gạt dân của họ xa con đường sống, tức là các Do thái đã tàn sát các Tiên tri, các Tiến sĩ thời Chúa Giêsu để ngăn chặn không cho thế hệ của họ đáp lại lời mời gọi Nước Trời .

6 / " Ta là cửa, ai qua Ta mà vào ..." :

Chủ đề cửa là một chủ đề rất phổ thông trong truyền thống Do thái ( St 28, 17 ; Tv 78, 23 ; Mt 7, 13 - 14 ) .

+ Kiểu " Ta là cửa" ở đây Chúa Giêsu muốn nói đến tính cách của ơn cứu độ vì Ngài nói " Ta là cửa" chứ không nói " Ta là cửa chuồng chiên" như ở trên .

+ Chữ " Cửa" ở đây muốn nói lên ý nghĩa như một lối dẫn đưa vào các thực tại Thiên Quốc . Khi mở thì chữ " Cửa" diễn tả một thái độ mời gọi, đón nhận . Khi đóng, đối với bên trong thì diễn tả một sự che chở bảo vệ, đối với bên ngoài thì diễn tả sự từ chối, thanh lọc .

+ " Người ấy sẽ ra vào" ; " Ra vào" là kiểu nói Do thái có nghĩa là đi lại tự do.

Ở đây muốn nhấn mạnh sự cần thiết và quan trọng của việc phải tin vào Chúa Giêsu Kitô mới đem dân Chúa vào sự sống bằng cách cho họ tái sinh bởi nước và Thánh Thần ( Ga 3, 16 - 17 ) .

Dân Chúa được cứu thoát nhờ Đức Giêsu giải phóng họ khỏi ách nô lệ của tội lỗi và Maria qủy, họ được vui hưởng tự do đích thực của con cái trong nhà Cha ( Ga 8, 33 - 34 ) . Cũng trong Chúa Kitô dân chúng tìm được thức ăn nói thoả là bánh và Nước Hằng Sống, có dập tắt vĩnh viễn cơn đói khát thiêng liêng của con người ( Ga 6, 35 ; 4, 14 ) .

7/ “Kẻ trộn có đến thì chỉ đến để ăn trộm…”

+ Ở đây Chúa Giêsu có ý nhắm tới các Ký lục và Luật sĩ. Họ là những mục tử giả hiệu, dù không được Thiên Chúa uỷ nhiệm, họ vẫn tự cai trị dân Chúa vì họ ưa tìm vinh quang và quyền lợi bản thân hơn là ưu tiên đến tiện ích cho dân Chúa (Mt 23,4-7).

+ Họ sát hại và phá huỷ dân Chúa vì những gương xấu của họ, như chính Chúa Giêsu đã tuyên bố với họ “khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, vì các ngươi khóa Nước Trời, chận người ta lại…” (Mt 23,3-13).

8 / " Còn Ta, Ta đến để chúng được sống ..." :

Chúa Giêsu được sai đến để cứu chuộc dân Chúa và ban cho dân Chúa của nuôi là Bánh và Nước Hằng Sống .

* Cần lưu ý :

a) Từ Chúa Giêsu mục tử đến các tông đồ mục tử .

Sau khi về trời công việc chăn dắt đoàn chiên của Chúa vẫn được tiếp tục " Chúa là mục tử hằng hữu không bỏ rơi đoàn chiên Chúa, nhưng nhờ các tông đồ Chúa luôn che trở giữ gìn, để đoàn chiên được hướng dẫn nhờ các vị lãnh đạo Chúa đã đặt làm mục tử coi sóc đoàn chiên thay thế Con Chúa ( Kinh tiền tụng lễ các tông đồ ) .

b) Ngày Chúa nhật IV phục sinh còn gọi là Chúa nhật Chúa chiên lành ( Lý do là vì các bài Tin Mừng đều trích từ Ga 10 , nội dung nói về Chúa chiên lành ) được chọn làm ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu .

III / ÁP DỤNG :

A/ Áp dụng theo Tin Mừng :

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội muốn dậy chúng ta phải tin tưởng vào sự nuôi dưỡng che trở và giữ gìn của vị mục tử tối cao là Chúa Giêsu Kitô, và đồng thời phải biết tuân phục sự hướng dẫn và chăm sóc của các vị lãnh đạo Chúa đã đặt làm mục tử coi sóc đoàn chiên thay thế Con Chúa .

B/ Áp dụng thực hành :

* Nghe Lời Chúa nói :

1 ) " Ai không qua cửa mà vào chuồng chiên" : Chúa dạy chúng ta phải biết phân biệt những người chăn chiên " Không qua cửa mà vào" tức là những người không được Giáo Hội chính thức uỷ nhiệm như những giáo sĩ giả, những giáo sĩ không tuân phục Giáo Hội, hoặc những vị phá giới, đồng thời cũng cần phân biệt những lý thuyết những ý thức hệ ngược với đường lối Chúa .

2 ) Vị mục tử đích thực là người được Giáo Hội chính thức bổ nhiệm đồng thời phải có tư cách như tận tâm chăm sóc yêu mến đoàn chiên, sẵn sàng hy sinh cho đoàn chiên và nhất là biết hướng dẫn đoàn chiên theo giáo huấn của Chúa .

3 ) " Ta là cửa chuồng chiên" Chúa đòi hỏi ta phải tin và sống theo Chúa Kitô mới được cứu độ . Chỉ có Chúa Kitô là con đường duy nhất dẫn ta vào sự sống đời đời .

4 ) Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ . Những ai hướng dẫn ta, lôi kéo ta, cai trị ta mà không theo đường lối của Chúa, không thông hiệp với Giáo Hội, thì đều là những kẻ nguy hại cho phần rỗi của ta, nên phải đề phòng và canh chừng những người đó .

5 ) Hãy tin tưởng và phục tùng những người lãnh đạo đã được Chúa uỷ thác trong Giáo Hội để chăm sóc đoàn chiên Chúa .

6 ) Cầu nguyện trong ngày ơn thiên triệu .

+ Xin Chúa cho nhiều người quảng đại đi theo tiếng Chúa gọi .

+ Xin Chúa cho Linh mục, Tân ước chỉ trung thành với ơn gọi .

+ Xin Chúa hướng dẫn lớp trẻ về với ơn gọi.

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10