Chú Giải Tin Mừng Mừng - Chúa Nhật XIV Thường Niên B
KINH THÁNH
CHÚA NHẬT 14 MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B
Mc 6,1-6
Học Viện Piô Giáo Hoàng - Chú Giải
ĐỨC GIÊSU TẠI NADARÉT (Mc 6,1- 6)
CÂU HỎI GỢI Ý
- Đọc kỹ bản văn, ta thấy có những gì không chỉnh?
- Có nên tổng hợp Marco và Luca (4,16-30) để xây dựng lại biến cố không?
- Phải nghĩ sao về ý kiến của R. Bultmann cho rằng trình thuật này là một bài biên soạn tán rộng một châm ngôn đương thời và sau đó được truyền thống áp dụng cho Chúa Giêsu?
- Bản văn này thuộc văn thể nào? Một thức dạng (paladigme)? Một lời tuyên phán lồng trong một trình thuật (apophtegme)? Một câu chuyện lịch sử? Một toát yếu?
- Hay nó là một kết cấu thần học phối hợp hai chủ đề "bí mật thiên sai" và "sự cứng lòng tin"?
- Nghiên cứu tự diện bản văn, ta thấy có hai điểm nào đáng lưu ý?
- Đâu là những chi tiết cho biết trình thuật có một nền tảng lịch sử?
Chúa Giêsu mang đến cho người đồng hương sứ điệp cứu rỗi, nhưng họ từ chối và Người phải lấy làm ngạc nhiên. Câu chuyện này, được kể lại trong Mc 6,1-6, xem ra lạ lùng, và chúng ta không mấy hiểu tại sao thánh sử đã muốn nhắc đến giai thoại ít vẻ vang ấy, không những đối với dân làng Nadarét, mà còn đối với chính Chúa Giêsu nữa: Người đã chẳng biết tạo sự kính nể và thừa nhận ngay trong quê hương của mình. Ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt, Người đã không thể làm phép lạ tại đó, và lấy làm ngạc nhiên cách khá ngây thơ về sự cứng lòng tin của những kẻ đồng hương với Người. Thinh lặng về biến cố bất hạnh này phải chăng không tốt hơn ư? Tại sao tường thuật một câu chuyện kết thúc xui xẻo và nhắc lại một thảm kịch trong đó người anh hùng không thành công? Ta sẽ trả lời một cách chí lý rằng thảm kịch nói đây biểu hiệu cho thảm kịch của toàn thể Tin mừng mà kết cục là thất bại của thập giá. Sự từ chối của dân làng Nadarét loan báo mầu nhiệm khổ nạn. Nỗi kinh ngạc của Chúa Giêsu, bị đóng đinh trên thập giá rối, là nỗi kinh ngạc của một vì Thiên Chúa mang đến tất cả và thấy mình bị từ chối tất cả, là nỗi kinh ngạc qua cao thế kỷ, của các sứ giả Tin mừng mà, vì lời nói và hành động, đã đều lượt trở nên đối tượng bất bình và cơ hội vấp ngã cho những kẻ nghe và chối từ lời Thiên Chúa. Không ai ở trên Thầy: Marco đã cảm nghiệm điều đó: ngay từ đầu trình thuật, ông đã loan báo sự hiện diện của các môn đồ thông phần vào nỗi khổ tâm của Chúa Giêsu. Giáo hội cũng sẽ đụng phải lòng thiếu tin như thế. Chúng ta hãy đi sâu hơn vào trình thuật đầy bí ẩn này và hãy vắn tắt nhắc lại những khó khăn nó khơi lên trước khi phác họa một câu trả lời trên bình diện văn chương và lịch sử. Tuy nhiên, phải cẩn thận: thà để bản văn này trong tính cách kỳ quái của nó hơn là san bằng cách độc đoán những gồ ghề của bản văn. Nếu không, chúng ta sẽ trở nên như dân Nadarét tin rằng giải nghĩa được tất cả nhưng quên mất điều thiết yếu. [Ngoài những công trình chú giải nổi tiếng của H.B. Swete, H.J. Lagrange, V. Taylor, E. Lohmeyer, S.E. Johnson, F.M. Uricchio, Gl. Stano và Haenchen (Der Weg Jesu, Berlin 1968), chúng ta chỉ cần lưu ý hai bài quan trọng: F. Van Segbroock, Jésus rejeté par sa patrio, trong Biblica 49 (1968) tr.167-198; E Graesser, Jesus in Nazareth (Mark 6, 1 -6a). Notes on the Redaction and theolo gy of St Mark trong New Testament Studies 16 (1969) tr.1-23 và được lấy lại bằng Đức ngữ trong Jesus in Nazareth, E. Graesser, A. Strobal, RC Tannaehill, W. Ellester xb, Berlin 1972, tr.1-37. Vấn đề do Luca 4,16-30 đặt ra hoàn toàn khác biệt. Xem bài khảo cứu của A. Bajard, La structure de la péricope de Nazareth, trong Ephemelides Theologioe Lovani enses 45 ( 1969), tr. 165-171 và H.Schuermann, Zur Tradition goschichte der Nazareth-porikopo c. 4,16-30 trong Mélanges Bibliques en homnage au R.P. bé da Rigaux, Gembloux 1970, tr. 187].
I- TÀI LIỆU VĂN CHƯƠNG
Cách kết cấu trình thuật này quá kỳ lạ, đến nỗi ngay cả lý do hiện hữu của bản văn - ý nghĩa và vai trò của nó trong toàn bộ Tin mừng Marco - cũng làm cho chúng ta không hiểu. Chúng ta có thể chồng chất nhiều câu hỏi về nó. Tại sao có sự biến đổi đột ngột từ cảm phục ngạc nhiên (Mc 6,2: họ lấy làm ngạc nhiên, như trong Mc 1,12) sang phản đối căm thù (6,3: họ đã bị vấp phạm) nơi cử tọa trong hội đường Nadarét như thế? Đâu là ý nghĩa chính xác của câu hỏi dân trong xứ đặt ra? Tại sao Chúa Giêsu ngạc nhiên về lòng cứng tin của họ (6,6), trong lúc Người vừa mới cho biết lý do: một ngôn sứ chỉ bị khinh rẻ nơi quê hương mình (6,4)? Tại sao quả quyết đồng thời và hầu như mâu thuẫn rằng Chúa Giêsu đã không thể làm phép lạ nào hết và dầu sao cũng có chữa trị vài kẻ ốm hệt (6,5ab)? Tóm lại, trình thuật bé tí này xem ra chạy tứ tung, và các yếu tố của nó choảng nhau rầm rập. Bản văn lạ lùng này, mà cách cấu tạo văn chương không có song song trong truyền thống Nhất lãm (dĩ nhiên trừ Mt 13,53-58), đã hơn một lần khêu gợi sự tò mò của các nhà chú giải. Trước tiên ta hãy mau chóng nhắc qua các câu trả lời của họ, những câu trả lời khác nhau tùy theo cách đọc mà mỗi người theo.
- Cách đọc duy lịch sử.
Cách đọc nguy hiểm nhất, là ngày nay vẫn còn được dùng nhiều, là loại trừ mọi khó khăn bằng cách bóp méo ý nghĩa tự nhiên nhất của các từ ngữ, hòa hợp một cách quá dáng các dữ kiện rời rạc, nói là soi sáng bản văn nhờ những dữ kiện tâm lý. Hãy nêu lên một vài ví dụ (lấy ra từ nhiều bài chú giải khác nhau). Tại sao Chúa Giêsu đến Nadarét? Người ta lập tức trả lời: để viếng thăm bà con. Chúa Giêsu đã nói gì trong nhà hội? Khi tất cả các bài giảng được ghi lại trong lúc 4,21-27 đó. Rồi nhà chú giải thông thái kể cho chúng ta nghe chi tiết câu chuyện. Sau diễn từ của Chúa Giêsu, cử tọa chia làm hai: nhiều người khen ngợi Thầy, nhưng có kẻ bất bình chống đối. Hay hơn nữa: mặc dầu đã nghe nói về lắm phép lạ diệu kỳ của Chúa Giêsu, tất cả vẫn đột nhiên nổi cơn ghen với Người, vì họ không thể hiểu làm sao một thiên tài như thế lại phát xuất từ thôn xóm quá tầm thường của họ được. Ngoài ra ngay từ đầu, thái độ ngạc nhiên có vẻ như khen ngợi được đề cập ở c.2, thật ra chất chứa nhiều ác ý ẩn tàng tiên báo sự công phẫn của bọn giả hình nói trên v.v. Vừa thấy đó, nhà chú giải đặt mình một cách quá dễ dàng và giả tạo trên bình diện biến cố, và "bằng cách bịt lỗ" bản văn, ông hớn hở tạo nên một bản văn khác in chồng lên bản văn đầu. Thật ra, ông đã đi ra khỏi mặt chữ bản văn và đã xây dựng lại biến cố theo cách của ông để làm cho nó dễ hiểu hơn theo sức ông lý hội, mà chẳng ngờ rằng lúc ấy ông đã loại bỏ lịch sử tính đích thực của biến cố.
- Cách đi tìm nguồn liệu để giải thích bản văn.
Cách đọc thứ hai, đứng đắn hơn, hệ tại việc giải thích bản văn nhờ nguồn liệu của nó, bằng cách tái dựng lại bước hình thành văn chương của nó. Chẳng hạn như R. Bultmann cho rằng trình thuật này chỉ là một bài biên soạn tán rộng ra một châm ngôn quen thuộc đương thời (6,4: Một ngôn sứ chỉ bị khinh...) và sau đó được truyền thống Kitô giáo áp dụng cho Chúa Giêsu. Hay hơn nữa, cho bản văn là kết quả của hai nguồn khác nhau hợp lại: 6,2b.3c.5.6a (theo K.L. Schmidt). Phương pháp này đạt đến tột đỉnh trong công trình gần đây của M.E: Boismard (Synopse des qua tre évangiles, II, Paris 1972, tr.200-205).
Chắc rằng cách đọc này có lợi ích của nó trên phương diện lịch sử văn chương của bản văn, nhưng người ta sẽ lầm to nếu muốn từ đấy giải nghĩa bản văn hoàn toàn theo tự diện (littéralité) của nó. Hơn nữa, lúc đó việc phê bình chỉ là tìm ra các bản văn "khác" tiềm ẩn, như cách người chơi cờ nhớ lại các nước đã đi trước cử chỉ quyết định và hoàn toàn đổi mới ván cờ, vai trò của mỗi con cờ. Chẳng hạn như từ một so sánh đi Mt 13,53-58, người ta có thể tưởng tượng một bản văn tiền Marco trong ấy thiếu các chi tiết có vẻ vô ích là các môn đồ (6,2), cũng như cho rằng Mc 6,6b ("Tuy nhiên, Người có chữa một vài người bệnh") là do Marco thêm vô. Hay hơn nữa cho bản văn Mt 13,54b-56, với cơ cấu nhị cú chuyển hoán của nó, đáng ưa chuộng hơn bản văn Mc 6,2b-3, và từ ngữ "chú thợ mộc con bà Maria" trong Mc 6,ba không đúng bằng từ ngữ con bác thợ mộc" của Mt 13,55 v.v. Những suy đoán như vậy không làm cho bản văn Marco mất đi ý nghĩa riêng của nó, ý nghĩa mà một cuộc nghiên cứu về sự hình thành không thể làm lộ ra. Vì chúng ta không (chỉ) phải đọc những bản văn "có trước'', nhưng là bản văn hiện thời; và chẳng có chi chứng minh rằng các bản văn giả thiết xuất hiện trước lại đủ "tính cách lịch sử" hơn bản văn hiện nay.
- Cách tìm hiểu vai trò bản văn trong cộng đoàn để giải thích nó.
Cách đọc thứ ba là xác định văn thể của bản văn và tự hỏi tại sao nó đã được viết, vì nhu cầu rõ rệt nào của cộng đoàn. Rất khó giải đáp trong trường hợp Mc 6,1-6; câu trả lời thay đổi với từng tác giả, tùy định kiến lịch sử và thần học của mỗi người. M. Dibelius cho rằng trình thuật này là một thức dạng (paradigme) chưa thuần túy lắm; thế nhưng nó thực sự là kiểu mẫu và là thức dạng ở chỗ nào? R. Bultlnanu lại xếp nó vào số các lời tuyên phán (apophtegme: một câu nói được lồng trong một trình thuật; nhưng đến mức độ nào câu nói Mc 6,4 là cái nút của trình thuật? Bởi vì trong thực tế ta có thể bỏ hẳn câu tục ngữ này mà không phá hủy cơ cấu của toàn bộ bản văn. V. Taylor thì cho đây là một thứ "lịch sử về Chúa Giêsu; nhưng khó xác định đấy là một văn thể lịch sử vì trong đó xen lẫn quá đáng phương pháp bình văn và phương pháp bình sử. Đối với chúng tôi, trình thuật ngoại hạng này đúng hơn thuộc về loại "toát yếu", một bảng toát yếu tiêu biểu về mầu nhiệm Chúa Giêsu xét như người đã vấp phải thất bại. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này.
Còn về lý do ghi lại bản văn giữa cộng đoàn sơ khai thì càng khó mà biết một cách đích xác. Phải chăng trình thuật chỉ muốn là một lời khích lệ kín đáo cho những kẻ rao giảng Tin mừng để họ khỏi thất vọng khi gặp một vài kinh nghiệm đau thương? Nhưng tại sao lại sáng tác một câu chuyện lạ kỳ như thế để biện minh cho một kinh nghiệm rốt cuộc quá thường tình? Hay ở đây Marco muốn trả lời một vấn nạn của người Do Thái tha hương, một vấn nạn mà ta hôm nay vẫn tiếp tục đặt: bởi đâu một giáo huấn và nhiều phép lạ diệu kỳ do Chúa Giêsu thực hiện như thế lại đã không thể làm cho con cái Israel lũ lượt tin vào người? Nếu vậy thì trong viễn tượng này, trình thuật muốn cho thấy phép lạ chẳng có nghĩa gì nếu trước đó không có đức tin, và sự cứng lòng của những người "đồng hương" đã như là một lợi khí cho việc bành trướng Kitô giáo, là điều kiện để Tin mừng đến với mọi dân tộc. Những cách giải thích khác nhau này, dù khó kiểm chứng, vẫn có lẽ là xác đáng nhất [E. Trocmé, trong La formation de l'evangile de Marc, Paris, 1963, có lẽ đã đi quá xa trong việc tìm kiếm những nguyên động khi xem trình thuật này là một bài châm biếm gia đình Chúa Giêsu, và như thể châm biếm Giacôbê giám mục Giêrusalem]; tuy nhiên chúng không mấy giải thích được tính cách phức tạp và những mâu thuẫn của bản văn. Ngoài ra, người ta cũng không thể tách rời Mc 6,1-6 khỏi văn mạch của nói ví dụ như đã làm đối với bản văn Mc 10,13-16. {Để nghiên cứu cách có phương pháp một trình thuật Tin mừng, chúng tôi xin phép lời độc giả tham chiếu bài báo của chúng tôi: (... Perrot, La lecture dun texte evangéliclt le. Issai médlodologique à partir de Marc 10, 13- 16, trong le poinl théologiquc II, lnstitut at-holiqt.le, paris, 1972, (r.51-130} do đấy, những cách giải thích trên, vì quan niệm bản văn như một khối có thể tách rời, nên không đi thẳng vào vấn đề được.
- Một kết cấu thần học của Marco.
Cách học thứ tư, rất thịnh hành ngày nay, là rút ra những ý hướng của tác giả dựa vào nền thần học đặc biệt của ông, nền thần học suy diễn từ văn tập mà người ta gán cho ông, là đặc biệt từ những yếu tố không có song song trong Tin mừng Nhất lãm, như F.Van Segbroeck đã làm đối với bản văn Mt 13,53-58 và E. Grasser đối với bản văn Mc 6, 1-6. Thành thử trong cái khung của quan niệm thần học thập giá (theologia crucis) của ông có lẽ Marco đã khởi khảo kết cấu của trình thuật này (6,1-6) bằng cách phối hợp hai chủ đề thần học mà ông đặc biệt lưu tâm đến: a- trước phục sinh. Những người thân Chúa Giêsu chỉ có thể thấy Người như một người thường, một nhà giảng thuyết và một vị thần thông (thần học về bí mật thiên sai"); b- vì không thể được nhận biết trong thực thể thần linh của Người, nên cho đến cuộc Phục sinh, mầu nhiệm Chúa Giêsu phải được cấu ẩn đối với "những kẻ ở ngoài" và đối với những người "bà con cũ" (thần học về sự cứng lòng tin, x. Mc 4,11-13). Nhưng ngược lại, trình thuật thức dạng" này xem ra hé lộ đức tin phục sinh của các môn đồ vào Đấng mà họ "nhận biết" vừa là người thật vừa là Thiên Chúa thật. Tóm tắt cách thứ tư này cho rằng Mc 6,1-6 là một kết cấu thuần thần học mà tác giả Hy Lạp dùng để biểu lộ đức tin của mình vào Thiên Chúa, vào Chúa Giêsu Thiên Chúa, đồng thời nhấn mạnh sự từ chối chấp nhận chân lý này của Israel.
Mấy lời tóm tắt đơn giản trên không có tham vọng trình bày hoàn toàn công trình nghiên cứu rất phong phú của E. Grasser. Nhưng chúng tôi cũng phải thú nhận sự dè dặt của chúng tôi đối với lý thuyết thần học mệnh danh là "bí mật thiên sai" mà W.Wrede mới khởi xướng (xem tình trạng vấn đề trong G. Minette de Tillesse, Le secl:ét messianique danh l'evangile de Marc, Paris, 1968), và cách chung hơn nữa là chuỗi ngạc nhiên của chúng tôi trước tham vọng dùng phương pháp chú giải để gỡ ra mớ chủ ý, ý thức hay không, của bất cứ một tác giả nào. Ở đây, chúng ta chỉ có một bản văn suông. Hãy nghiên cứu nó trên tự diện của nó bằng cách xét xem những yếu tố khác nhau tạo nên nó đã hoạt động" như thế nào.
- Đi đến một nghiên cứu về tự diện của bản văn.
Mục đích của việc nghiên cứu này không phải là tìm những bản văn có trước, hoặc khám phá xem bản văn có nói thật hay không và có ý nghĩa gì, nhưng chú ý là tìm ra "guồng máy hoạt động" của nó và đi vào nguyên tắc phải đọc nó: đây là một chương trình lớn lao mà những dòng sau đây chỉ sơ thảo việc sử dụng các kỹ thuật ngữ học hiện đại chắc chắn có thể giúp ta một phần nào. Có hai điểm liên quan với nhau đáng chúng ta lưu ý: một là cách cấu tạo văn chương lạ lùng của trình luật này, hai là tương quan giữa bản văn với văn mạch.
Một bản văn lạ lùng.
Trước tiên chúng tôi muốn nhấn mạnh đến hiện tượng sau đây: không thể xem Mc 6,1-6 như một khối duy nhất có thể tách rời khỏi văn mạch của nó. Vẫn biết trình thuật này tạo nên một khối duy nhất (các lối đóng khung văn chừng như mấy chữ "trong quê tiếng Người" (6,1.4) hay động từ "giảng dạy" (6,2.61) chứng tỏ điều này; tuy nhiên ta không thể tách trình thuật khỏi một toàn bộ rộng lớn hơn. Và điều này chẳng phải vì các câu liên kết do thánh sử biên soạn như "Chúa Giêsu bỏ nơi đó" (6,1), nhưng thiết yếu là vì chính dáng dấp chung của trình thuật. Trong cơ cấu bên ngoài, bản văn ghi lại câu chuyện về một tình thế trở nên suy đồi kể từ khi Chúa Giêsu về giữa bà con. Nguyên do của quá trình suy đồi này là những chất vấn phủ quyết của dân làng Nadarét về nguồn gốc Chúa Giêsu (sự suy đồi được chính Chúa Giêsu xác nhận: một ngôn sứ chỉ bị khinh dể...). Cuối cùng, sự suy đồi trở thành suy sụp: Chúa Giêsu bị khinh dể, đồng hương không còn tin ở Người, và hoạt động cứu rỗi của nhà thần thông bị đình trệ. Trừ phi điên rồ, không một người kể nào có thể thuật một câu chuyện như thế mà không giả thiết nơi thính-độc-giả của mình khả năng lật ngược bản văn theo một nghĩa tích cực, mà không cho thính độc giả phương tiện để làm công việc ấy nhờ một văn mạch chung. Bị tách rời một cách độc đoán khỏi văn mạch vốn là chìa khóa để hiểu nó và khỏi niềm tin vốn lật được các dữ kiện của nó, trình thuật về sự thất bại này sẽ trở nên khó nghe vô cùng.
Và khi gợi lên "nỗi ngạc nhiên" của Chúa Giêsu, người kể chỉ muốn nhấn mạnh đến tính cách khác thường của hoàn cảnh? Mọi sự lẽ ra phải xảy đến cách khác. Thay vì nghe người Nadarét tuyên bố "ông ấy không phải (chỉ) là bác thợ mộc đó sao…?", độc giả cả tin thấy được mời gọi để tuyên xưng thay thế họ: "Người không phải (còn hơn) là bác thợ mộc sao?", điều mà Chúa Giêsu đã nhìn nhận khi tự giới thiệu mình như một "ngôn sứ ", và một ngôn sứ được tôn phục ngoài quê hương mình. Về Chúa Giêsu ngôn sứ, xem Mc 6,15; 8,28; Lc 1,33; 24,19; Ga 4,19; 6,14; 7,40; Cv 3,22; 7,37. Nhất là xem F. ils Jésus Prophète d'après le evangiles synoptiques, ouvain, 1957. Hơn nữa, khi nói đến việc từ chối tin của người Nadarét (Hy ngữ: apistia: Mc 6,6), người kể muốn mời gọi độc giả tuyên xưng đức tin vào Con Thiên Chúa (Mc 1,1; 15,39). Tiếng apistia cũng gặp trong Mc 9,24: cha đứa bé bị quỷ ám đã khiêm nhượng thừa nhận sự thiếu lòng tin của mình. Ngoài ra chủ đề "cớ vấp phạm" cũng được liên kết chặt chẽ với chủ đề "đức tin". Xem G. Stahlin, trong Theologisches voltertuch zum N.T. Vll, tr. 348 và A. llumbert, rssai d'une théologic du scanclale danh les synoptiques trong Iiblica 35 (1954), tr.128]. Trái lại, sự không tin hệ tại chỗ đặt vấn đề để nguồn gốc thần linh này, dầu người ta đã nhìn nhận nơi Chúa Giêsu một sự khôn ngoan được Thiên Chúa ban cho (6,2) và một quyền thần thông ngoại hạng, tức có lẽ là một quyền bính thiên sai (Sự khôn ngoan Thiên Chúa ban và quyền lực là hai ưu phẩm của Đấng Messia, x. Is 11.2; Tv Sal. 17,24-25. So sánh với 1Cr 1,24: Chúa Kitô là khôn ngoan và quyền lực của Thiên Chúa).
Cuối cùng, ta hãy để ý đến lược đồ kỳ lạ của trình thuật Marco: trước tiên là sự ngạc nhiên tán thưởng của những người nghe lời giáo huấn của một "Rabbi'' vị tôn sư có môn đồ vây bọc; rồi câu vấn nạn về nguồn gốc của Người, và cuối cùng là phản ứng không tin. Thế mà, không kể bản văn Lc 4,16-30, lược đồ này cũng gặp lại nơi Gioan và trong một văn mạch hoàn toàn khác (x. Ga 7,14-15,19.24-29). Đó là lược đồ về mầu nhiệm sự không tin: "tin" vào vị giảng thuyết và nhà thần thông chưa đủ, phải tiến lên một cấp cao hạn nữa là tin vào chính con người Chúa Giêsu (x. F.M. Braun, Jean le théologien III, Paris, 1972, tr. 121t về hai bậc của đức tin). Nhưng bấy giờ Chúa Giêsu, viên đá đỉnh góc của người tín hữu, lại có cơ trở thành viên đá vấp phạm cho những ai có vẻ đến gần Người nhất, như Ga 1,11 nói: "Người đã đến nơi nhà người, và thân nhân đã không tiếp rước Người", vì lời Người xét xử con tim và ép buộc mỗi cá nhân trả lời câu hỏi căn bản: Chúa Giêsu là ai? Dưới hình thức đối khúc, Marco trước hết đã tập trung vấn đề chủ yếu này trong cái trình thuật trình bày chủ đề đức tin cách tiêu cực hôm nay, trước khi đi đến lời tuyên xưng long trọng của viên bách quản: kẻ bị đóng đinh thật là Con Thiên Chúa.
Bản văn và văn mạch của nó.
Bây giờ ta hãy cứu xét bản văn trong văn mạch của nó cái văn mạch đem lại ý nghĩa, nghĩa là vai trò cho nó trong toàn bộ. Hầu như mọi hạn từ của trình thuật đều là tiếng dội của một từ ngữ hay một chủ đề đã được nêu ra trước, và đòi một khai triển về sau: dưới khía cạnh này, người ta có thể xem Mc 6,1-6 như một trình thuật chuyển mạch. Dĩ nhiên không nên gán cho Marco một lược đồ với nhiều phần khác nhau được chia loại và đánh số cách hệ thống. Tuy vậy giáo lý của ông vẫn theo một thứ tự nào đó trong việc khai triển tiệm tiến mầu nhiệm Chúa Giêsu, Đấng Messia và Con Thiên Chúa. Phần nhất của giáo lý không có tính cách tiểu sử này - từ việc kêu gọi các môn đồ đến Mc 8,26 - chủ yếu đặt ra vấn đề lai lịch Chúa Giêsu, một vấn đề mà sau đó sẽ được trả lời cách tiệm tiến, từ việc tuyên xưng ở Kaisara đến cuộc Khổ nạn. Vấn đề căn bản này được nêu rõ cách đặc biệt trong cái mà ta thường gọi là thời gian khởi đầu sứ vụ Galilê (Mc 1,12.21-6,13). Lúc ấy những câu hỏi được đặt ra thế này: "Cái gì vậy? Thật là một giáo huấn mới..." (Mc 1,27); "Tại sao y dám nói thế kia?" (2,7); "ông này là ai vậy?" (4,41); "Bởi đâu ông ta được như thế? " (6,2). Sau đó vấn đề sôi nổi lại và với những lời lẽ tương tự trong Mc 6,14-16 và 8,27-29. Nhưng ta có thể đưa ra nhiều nhận xét chính xác trơn nữa.
- Mc 6,1-2 nhắc lại những chữ và ý tưởng chính của nhóm trình thuật thường được gọi là "ngày đầu tiên ở Capharnaum", một ngày kiểu mẫu trong đó Chúa Giêsu được trình bày như một nhà giảng thuyết và là một vị thần thông (Mc 1,2l-39) [Về việc nghiên cứu những nhóm trình thuật trong Mc, xin xem V. Taylor trong sách chú giải Tin mừng Marco của ông; W.I~ Knox, The sources of the Synoptic Gospels I, Cambridge, 1953; B. Rigaux, Témoignage de Evangile de Marc, Louvain, 1965]. Đặc biệt cần phải đọc lại Mc 1,21-22: "Vào hội đường, Chúa Giêsu giảng dạy. Họ ngạc nhiên" (động từ Hy Lạp ekplessomai chỉ tìm thấy ở 1,22 và 6,2). Mc 6,1-6 có dáng như là đoạn song đôi với ngày khai mạc này.
- Thắc mắc về nguồn gốc của Chúa Giêsu và câu nói của Người về sự từ chối của bà con Người (bà con Người: chữ riêng của Mc 6,4) hiển nhiên gợi lại cùng một câu hỏi đã được phát biểu trong nhóm trình thuật Mc 3,20-35. Ở đấy, họ hàng của Chúa Giêsu được trực tiếp đả động.
- Sau cùng, nhóm phép lạ của Mc 4,35-5,43 được kết thúc ở Mc 6,1-6. Thật vậy, ý tưởng chính của nhóm này nằm trong tương quan giữa phép lạ và đức tin. Tiếng "đức tin được tìm thấy trong phần lớn các đoạn văn của toàn bộ này: Mc 4,40 (bão táp yên lặng); 5,34 (người phụ nữ băng huyết); 5,36 (Giairô), đó là chưa kể đến anh lương dân tại Gêrasa đã muốn theo Chúa Giêsu và loan truyền kỳ công của Người. Mc 6,1-6 cũng lấy lại ý tưởng chính ấy, nhưng đảo ngược: nếu chẳng có đức tin, Chúa Giêsu không thể làm phép lạ nào. Ngoài ra, cũng nên lưu ý rằng chủ đề thiếu lòng tin xuất hiện ở đầu và cuối giáo huấn nói trên (Mc 4,40 và 6,6).
Tóm lại, so vai các trình thuật đi trước, Mc 6,1-6 có vẻ như một bảng tóm lược, nhưng là một tóm lược "tiêu cực" về vụ mà cuối cùng đi đến thất bại của Chúa Giêsu. Ta thấy đó bản văn mới thoạt xem có vẻ không đáng kể này, quả đóng một vai trò rất quan trọng trong kết cấu văn chương và thần học của Marco. Như vậy phải chăng nên kết luận rằng Marco không kể lại một biến cố lịch sử nào chính xác?
- BIẾN CỐ LỊCH SỬ
Dù thoạt nghe có vẻ kỳ lạ, kết cấu được gọt dũa khéo léo trên phương diện văn chương và thần học này có những bảo đảm lịch sử rất vững chắc. Thần học và lịch sử không nghịch nhau. Thật vậy, trên bình diện lịch sử, ta không thể phủ nhận giá trị của những chi tiết, những chỉ dẫn đưa ra: Chúa Giêsu đã gặp phải thất bại, đặc biệt là ở giữa bà con của Người (x. Mc 3,21) đến nỗi bề ngoài như mất cả quyền năng làm phép lạ. Chúa Giêsu có một nghề thủ công, là con của Maria, có anh chị em chú bác; Người giảng dạy trong các hội đường và tự giới thiệu như một nhà thần thông, trừ quỷ v.v. [Bản văn Hy Lạp của Mc 6,3 hiện đặt ra một vấn đề phê bình quan trọng. Một vài chứng bản (chứ không phải nhiều chứng bản như chú thích của TOB) trong đó có chỉ cảo quan trọng P45, viết là "con bác thợ mộc" thay vì "con Maria". Nhưng chắc hẳn đó là một sự hòa hợp theo Mt 13,55. Thành ngữ con của Maria (con của mẹ Người) không gặp mấy khi và, theo Tl 11,1 phải coi như một lời lăng mạ. Tuy nhiên có thể Marco hoặc người duyệt lại cuốn Tin mừng của ông đã coi thành ngữ trên là âm vang của niềm tin vào sự thụ thai trinh khiết. Những điểm đó là chắc chắn, và giá trị lịch sử của mỗi một chi tiết này, dù tách rời khỏi nhau, vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, xét trên toàn bộ, phán quyết lịch sử cần phải điều hòa hơn. Các yếu tố của trình thuật, được người kể nối kết, bề ngoài không cống hiến một bức ảnh xác thực về một biến cố đã định; hay đúng hơn cái kỷ niệm thực sự về những bạc đãi Chúa Giêsu đã chịu ở Nadarét trong quê hương Người, đã tìm được chỗ đứng trong một khung cảnh tiêu biểu, thức dạng của sự thiếu lòng tin. Cũng luôn luôn trên bình diện lịch sử, có cần phải thêm rằng mối liên quan với trình thuật phục sinh con gái Giairô hoàn toàn là do thánh sử tạo ra không? Hay hơn nữa, câu nói của Mc 6,4 (Một ngôn sứ chỉ bị khinh dể...) chỉ là một yếu tố từ trên rút xuống trình thuật (6,5 khá theo sát 6,3) và được đưa vào nhờ câu chắp nối do thánh sử viết thêm "và Người phán cùng họ" (x. 2,27; 4,11.21.24...)? Biết truyền thống đã truyền bá câu ca dao danh tiếng đương thời này độc lập với trình thuật hiện tại, như đã được chứng thực trong Ga 4,44; Tin mừng theo Tôma 31; Chỉ cảo Oxyrhúlque 1,6 và ngay cả Lc 6,24. xem các bản văn trong P. Benoim.E. Boismald, Synopse I, tr. 126. trong Lc 4,24, châm ngôn mở đầu bằng tiếng amen, một tiếng ít gặp trong Lc và có lẽ ông đã lấy từ một nguồn khác với Marco. Chú thích thêm của người dịch: một số nhà chú giải hiện đại cho rằng câu châm ngôn của Luca hoàn toàn khác: "Không một ngôn sứ nào ưu đãi quê hương mình". Xem bài chú giải câu này trong Chú Giải Phúc âm năm C tập 2]. Ngoài ra, Lc 4,16-30 trình bày một câu chuyện khác hẳn câu chuyện của Marco, đến nỗi ta không thể hòa hợp các dữ kiện và càng không thể nói đó là hai cuộc viếng thăm liên tiếp nhau của Chúa Giêsu tại Nadarét.
Thật ra, điểm thiết yếu không nằm chỗ đó. Ích gì khi chiều theo một khuynh hướng duy lịch sử trong việc tái dựng cách chi tiết cái biến cố! Chắc chắn Marco không nói trên mây. Ông biết rõ những thất bại của Chúa Giêsu ở Nadarét, nhưng cũng hay rằng biến cố ngày trước vẫn luôn giữ tính cách thời sự. Sự từ chối ở Nadarét vẫn còn tiếp diễn. Hôm nay chính chúng ta là những người Nadarét mà Chúa Giêsu vẫn còn là một nguyên nhân gây ngạc nhiên, một viên đá vấp phạm. Và việc thiếu lòng tin của chúng ta chẳng tránh khỏi gây kinh ngạc cho Đấng đã ban tất cả cho chúng ta. Vì chúng ta từ chối, nên công cuộc cứu rỗi của Người đối với chúng ta như bị cằn cỗi. Nhưng, nhờ ơn Thiên Chúa, Chúa Giêsu vẫn có thể làm một vài phép lạ mặc dù người Nadarét thiếu tin; và dù chúng ta cứ chối từ, Người vẫn còn tiếp tục tuôn ban ân diễn của Người cho chúng ta.
Charles perrot, Assemblées du Seigneur 45, tr.40-49.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
- Phẩm chức thiên sai của Chúa Giêsu không phải là điều dễ chấp nhận đối với những ai đã biết thời thơ ấu của Người, và nhất là đã cùng chia sẻ niềm tin Do Thái về nguồn gốc bí ẩn của Đấng Thiên Sai: "Chẳng ai biết Người ở đâu mà đến" (x. Ga 7,27). Các kẻ đồng hương với Chúa Giêsu đã có thái độ khinh miệt Người. Những gì thiên hạ nói về Người và những gì họ chứng kiến chẳng có giá trị gì đối với họ cả: họ biết cha mẹ Người mà, tầm thường lắm. Họ từ chối không tin Người. Thái độ của họ cũng là thái độ của chúng ta, của bao nhiêu người chỉ phớt qua Tin mừng mà không suy gẫm và đem ra thực hiện, chỉ tìm hiểu Tin mừng với bao định kiến, bao ý đồ tối đen, bao đam mê bất chính.
- Những người Nadarét đã đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo trong các thành kiến hẹp hòi, vụ lợi và trần tục của họ, vì thế họ không thể thấy được những chân trời rộng lớn và mới mẻ của Ngài. Thí dụ nhân danh tinh thần tôn giáo sẵn có, họ không thể nào chấp nhận Chúa Giêsu là hiện thân Nước Trời và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì thành kiến về Thiên Chúa và đường lối Ngài, họ không thể chấp nhận rằng Thiên Chúa có thể hiện thân nơi con người đơn giản, khiêm tốn là Giêsu. Thiên Chúa bất ngờ và không thể ngờ của tổ tiên họ, Thiên Chúa của những hành tinh dài đằng đẵng và tôi luyện trong đêm tối cùng thử thách, Thiên Chúa mà càng biết Ngài thì càng phải đi tìm Ngài và không bao giờ nắm được Ngài, họ đã thay thế bằng một hình ảnh khác. Nên đến khi hình ảnh hoàn toàn của Chúa Cha ở trước mắt họ, thì họ không thể nhận ra. Ta cũng vậy. Ta thường có nhiều thành kiến tiên thiên về những đường lối mà ta tưởng Thiên Chúa phải dùng để đến với ta và đưa ta đến với Ngài. Chúng ta quên rằng đường lối của Thiên Chúa khác với đường lối của ta và tư tưởng của ta khác tư tưởng của Ngài. Bao nhiêu con đường ân sủng đã đóng lại, bao nhiêu ân huệ đã phải vô ích, chỉ vì ta không cởi mở đón nhận cái bất ngờ của Thiên Chúa.
- Tính cách khiêm tốn, kỳ lạ, bất ngờ của các phương thế Thiên Chúa sử dụng là: Giáo hội thánh thiện mà lại có những tội nhân, Giáo hội siêu việt mà lại được quản lý bởi các thừa tác viên yếu đuối, thực tại ân sủng cao quý mà lại tiềm ẩn trong các dấu chỉ đơn sơ, hữu hình, chân lý sự sống, chân lý ngàn đời mà lại tỏ hiện trong các điều xem ra khó chấp nhận... Vượt qua được những thử thách đức tin đó, ta mới khám phá ra con người đích thực của Giêsu Nadarét và của Giáo hội Người.
- Chúa Giêsu đã không thể làm phép lạ vì người Nadarét thiếu niềm tin. Thiên Chúa không ép buộc ai phải nhận lấy ân huệ của Ngài, chẳng cưỡng bức con người phải để Ngài cứu rỗi hay ân thưởng Thiên đàng cho kẻ không muốn. Vì yêu thương và tôn trọng, Ngài để con người tự do chọn lấy Ngài, chọn thiên đàng, chọn hạnh phúc. Và cuộc sống hôm nay của ta không gì khác hơn là một cuộc tập chọn lựa Thiên Chúa.
Noel Quession - Chú Giải
Mc 6,1-6
Đức Giêsu ra khỏi đó và trở về quê nhà, có các môn đệ đi theo.
Bây giờ Chúa Giêsu. trở về Nazarét, làng quê, xứ sở của Người.
Sinh tại Bêlem, vì một cuộc kiểm tra dân số Chúa Giêsu đã trải qua thời thơ ấu và niên thiếu tại Nazarét, nơi xa xôi cách trở giao thông. Ở đó có lẽ chỉ có khoảng 150 gia đình. Người ta sống rất đơn giản, trồng ô liu và nho, cùng với một ít lúa đại mạch và lúa mì. Mỗi gia đình có một vài con dê. Hằng ngày, mỗi người tự làm bánh mì cho mình tại nhà. Ngày thứ Bảy, tất cả đều đến hội đường để cầu nguyện. Nơi Đức Giêsu, tất cả đều phản ảnh gốc gác của Người, là một nông dân, một người sống bằng đất đai một người "của quê hương".
Tin mừng hoàn toàn mô tả cuộc sống đồng quê, một tường thuật do những người "nông dân" ghi lại, nói về một "nông dân" sống gia những người "nông dân" và đã diễn tả ý nghĩ của mình bằng nhượng ẩn dụ của "nông dân". Như vậy đâu là đặc tính của một người thợ mộc trong kiểu sống này? Làm bàn ghế, giường, cửa? Tại sao vậy? Mỗi người tự làm những thứ ấy. Người ta ngồi ăn dưới đất, ngủ trên chiếu trải dưới đất. Anh thợ mộc Giêsu, một nông dân trong số những nông dân khác; có thể có một vài sự khéo léo đặc biệt học nơi ông Giuse, một người "sửa chữa" tầm thường, có thể làm hay chữa những cái ách hay những chiếc cày bằng gỗ. Giêsu, một con người không có gì khác biệt với người khác. Tôi hãy suy niệm về điều này.
Đến ngày Sabát, Người vào giảng dạy trong hội trường.
Về điểm này cũng thế, Đức Giêsu cũng như mọi người. Chúng ta đừng lầm lẫn. Đức Giêsu không phải là người cử hành nghi lễ. Người không đóng vai trò tư tế. Người chỉ là một trong những tín hữu đi dự lễ. Trong dân Israel bất cứ một người nam trưởng thành nào, kể từ tuổi thành nhân (12 tuổi) đã là "tư tế", thuộc về "dòng giống tư tế", đều có quyền đọc Thánh kinh và chú giải Thánh kinh. Đấy là việc Đức Giêsu đã làm ngày hôm đó, khi Người rời chỗ ngồi để lên "đọc" và "diễn giảng". Thánh Marco không cho chúng ta biết đề tài của bài giảng hôm đó là đề tài nào.
Đa số thính giả rất ngạc nhiên. Họ nói: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?"
Danh tiếng của Đức Giêsu đã về đến làng của Người. Nhưng thay vì hãnh diện, những người đồng hương của Người lại bất bình. Tất cả những điều đó không phù hợp với những gì họ biết về Người. Họ biết rõ Người hơn ai hết. Họ đã thấy Người lớn lên, họ đã cùng đi đến trường học với Người. Người không có quyền trở thành "một người khác" hơn là những gì họ biết về Người.
Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng tự giới hạn mình trong một hiểu biết nào đó, từ chối tiến xa hơn, không chịu khám phá những điều mới mẻ. Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi sự bảo thủ, khỏi những tư tưởng cũ mòn, khỏi sự đóng khung về trí tuệ và tâm linh. Xin đẩy chúng con ra khỏi những tập quán thích tiện nghi, khỏi thế giới quá bình lặng của chúng con.
Ông ta không phải là bác thợ con bà Maria, và anh em họ hàng với các ông Giacôbê, Gioan, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?
Tin mừng của Thánh Marco rất cụ thể, đến nổi chúng ta cảm thấy rất gần với Đức Giêsu trong đời thường. Chúng ta hiểu rất rõ những suy nghĩ tầm thường của những nông dân trong một xóm nhỏ hẻo lánh miền quê. Đó là cuộc sống thôn dã: Chân trời dường như dừng lại ở những cánh đồi vây quanh làng. Và người ta kể ra nhiều tên... một danh sách anh chị em bà con. Theo cách thức của phương Đông, người ta gọi họ là "anh em", không kể họ bên ngoại, vì truyền thống không dành chỗ đứng cho người phụ nữ. Người này là ai mà dám phá đổ những tục lệ của chúng ta, hủy bỏ tổ chức của thế giới nhỏ bé này, nơi đó người ta xác định con người theo một hộ tịch cứng nhắc, những tương quan xã hội được ấn định một lần thay cho tất cả. Cuối cùng, mỗi người phải ở tại vị trí của mình, đóng trong vai trò của mình. Không được thay đổi đột ngột.
Và đó là chướng ngại làm cho họ không tin vào Người.
Ba Tin mừng nhất lãm Mát-thêu, Luca và Marco đã kể lại cho chúng ta "sự thất bại" của Đức Giêsu. Người đã sống những biến cố đau thương. Đức Giêsu bị chối từ. Ngày nay, nhiều người vẫn có cùng một thái độ như người dân Nazarét lúc bấy giờ. Nhiều người nói "Tin Chúa", đồng ý? Nhưng tin Giáo hội, thì không. Vâng, Giáo hội, cũng như Chúa, có một khía cạnh con người, rất nhân bản. Các giám mục, linh mục, Kitô hữu... là những người mà người ta biết quá. Ngày nay cũng như ngày xưa, nhiều người "bất bình" với Giáo hội, cũng như người ta đã bất bình với Đức Giêsu. (Đó là đúng nghĩa chữ Hy Lạp éscandali Zonto").
Trang Tin mừng này là một thử thách nghiêm trọng đối với lý tưởng của chúng ta. Chúng ta phải chấp nhận sự không hoàn hảo của Giáo hội. Đó là thực tế của việc nhập thể: Thiên Chúa ở trong làng, Thiên Chúa ở góc đường, Thiên Chúa tập đọc ở nhà trường, Thiên Chúa là anh em của một người nào đó.
Đức Giêsu bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi".
Đức Giêsu bị "khinh miệt" nhất trong nhóm thân nhân của Người: Người ta đã hiểu lầm về Người. Thái độ quá thân quen có thể che khuất đi tính chất thâm sâu của những liên hệ. Giản lược Đức Giêsu trong nhiều kích nhân loại đó là khinh miệt Người. Sự gần gũi đích thực với Đức Giêsu không phải là một sự gần gũi thể lý, vật chất: Và chúng ta cũng có thể quan niệm sai lầm về dấu chỉ" như khi nghĩ rằng: Chỉ cần làm những cử chỉ bên ngoài là đương nhiên thuộc về "gia đình" của Đức Giêsu. Tuy nhiên chúng ta vẫn biết, điều làm nên "gia đình" thực sự của Người, không phải là những liên hệ huyết thống, mà chính là đức tin - "Kẻ nào làm theo ý Thiên Chúa, đó là anh em Thầy, chị em Thầy và là mẹ Thầy" (Mc 3,35). Đức Giêsu đã tự tạo cho mình một gia đình mới: Đó là những người nghe! Chúa và đem ra thực hành.
Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ.
Đây là một sự mặc khải lạ kỳ, làm- đảo lộn những khuôn khổ sẵn có của chúng ta. Một sự chữa lành, dù là bằng cách đặt tay, không thể là một phép lạ được? Đức Giêsu đã chữa lành nhiều bệnh, nhưng đó không thuộc loại những phép lạ? Như thế, muốn nói lên điều gì? phải có đức tin mới có phép lạ thực sự. Một sự chữa lành không đưa đến việc đón nhận Đức Giêsu trong đức tin, không phải là một phép lạ thật, vì thiếu ý nghĩa cốt yếu của nó.
Điều này có thể chứng minh cho chúng ta rằng: Phép lạ không đủ để ban đức tin. Những người ở Nazarét nói: Bởi đâu tay ông làm được những phép lạ phi thường... trong những làng lân cận?" - Hoạt động của Đức Giêsu không rõ ràng, cả những phép lạ vĩ đại nhất cũng không đủ để làm cho chúng ta hiểu mầu nhiệm của bản thân Người. Và chúng ta tiếp tục xin Chúa can thiệp để chứng minh "Người là ai". Tuy nhiên, chúng ta đã được khuyến cáo: "Người ta có thể nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu" (Mc 4,12) và "mặc dù Đức Giêsu đã làm những dấu lạ rất lớn trước mắt họ, họ đã không tin Người" (Ga 12,37) Điều đó cho chúng ta hiểu, tại sao một số Kitô hữu nghi ngờ những phép lạ, và Giáo hội phải thận trọng thế nào... khác với những hạng người "buôn thần bán thánh".
Người lấy làm lạ vì họ không chịu tin.
Sự khước từ đức tin dường như là một đặc điểm trong suốt giai đoạn hai của tác vụ Đức Giêsu. Giờ đây Đức Giêsu đối diện với hiện tượng không tin. Đôi khi chúng ta cũng có cảm tưởng rằng đó là một hiện tượng tiêu biểu của thế giới ngày nay, như thể chỉ có những thời đại trước mới là thời đại của đức tin. Vẫn thường xảy ra là người ta lên án Giáo hội: "Người ta không còn dạy tôn giáo nữa, người ta không dạy giáo lý nữa". Vì thế khi Đức Giêsu đích thân giảng dạy trong làng của Người, là nơi thanh sạch và dành riêng cho Người cư ngụ, thế mà Người cũng không khơi dậy được đức tin. Ngày nay, biết bao bậc cha mẹ đứng trước một hiện tướng như thế, trước con cái của họ. Chính Đức Giêsu, dù là Đấng chí thánh cũng đã gặp những người không tin trong thân nhân của Người. Sự bất lực của Đức Giêsu trước thái độ không tin của những người đồng hương, biểu lộ sự hoàn toàn tôn trọng tự do của con người: Đây là hình ảnh biểu lộ thái độ tôn trọng của Thiên Chúa đối với tự do mà Người đã tạo ra. Sự bất lực bí nhiệm "thần thiêng" này, phải làm chúng ta suy nghĩ sâu xa: Đức tin của chúng ta có thể không vững chắc như chúng ta tưởng, Đức tin là một thực tại mỏng giòn và thường bị đe dọa.
Rồi Đức Giêsu đi khắp các làng mà giảng dạy.
Ở đây tôi nhận được bài học quý giá cho những thất bại của tôi. Đứng trước thất bại chua cay mà Đức Giêsu đã gặp tại Nazarét, thay vì chịu thua, Người lại lên đường tiếp tục Người lấy làm ngạc nhiên vì sự cũng lòng của họ". Thánh Marco ghi lại vắn tắt như thế? Thật khó mà đón nhận thất bại, và chân thành rút ra từ đó những hệ quả tích cực, nếu không chịu ngã thua.
Ba bài đọc Chúa nhật hôm nay đến với chúng ta về một thứ "linh đạo của thất bại" Chúa ra lệnh cho ngôn sứ Êdêkiel (2,15) phải đứng vững đương đầu với một dân tộc đang khước từ sứ điệp của Người. Còn thánh Phaolô (2Cr 22,7-10) ngài thú nhận đã bị một "mũi dằm đâm vào thịt", một thất bại mà Ngài đã không chiến thắng được. Trước một nỗ lực hoán cải mà không tiến bộ, hay trước một tình huống đau thương nào đó chúng ta có vượt thắng được sự chán nản không?
Giáo Phận Nha Trang - Chú Giải
"Không một Tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương"
BÀI TIN MỪNG: Mc 6,1-6
- Ý CHÍNH:
Bài Tin mừng hôm nay kể lại câu chuyện Chúa Giêsu trở về Nagiarét để rao giảng cho người đồng hương. Những phản ứng của những người đồng hương trước những lời giảng giải của Chúa Giêsu đã nói lên rằng hiệu quả của Tin mừng Chúa Giêsu rao giảng tuỳ thuộc vào thái độ của người nghe: tín nhiệm, hoài nghi hay thống hối.
- SUY NIỆM:
1/ "Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ theo Người":
Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu trở về Nagiarét (Lần thứ nhất Lc 4,16-30). Lần này có các môn đệ cùng theo Người trở về quê không phải chỉ để thăm thân nhân, nhưng còn để thi hành sứ vụ là rao giảng Tin mừng nữa.
2/ "Đến ngày Sabát Người vào giảng trong Hội đường":
Những buổi giảng thuyết tại hội đường Do Thái vào những ngày lễ nghỉ, thường có thói quen, ngoài những người có trách nhiệm giảng giải như các thầy thông luật, người ta còn mời những thính giả có uy tín đứng lên giảng Thánh kinh. Lần này Chúa Giêsu là người được tín nhiệm và được mời đứng lên giảng Thánh kinh cho cả hội đường nghe.
Nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người. Người ta đã được nghe nói về Người, nghe về các phép lạ Người làm như phép lạ mới xảy ra tại Capharnaum, trước khi về quê (Mc 5,21-43), họ đã ngạc nhiên. Nay trực tiếp được nghe chính lời Người giảng, họ lại càng ngạc nhiên hơn (Lc 4,22).
3/ "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thế ấy?":
Những câu vấn nạn này của đám đông dân chúng tại Nagiarét biểu lộ một thái độ kinh ngạc trước việc làm và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Nhưng sự kinh ngạc này không giống như sự kinh ngạc của những người được chứng kiến Chúa Giêsu làm phép lạ cho con gái ông Giairô sống lại. "Họ sửng sốt kinh ngạc" (Mc 5,43). Vì một đàng kinh ngạc về việc làm và lời giảng dạy của Chúa Giêsu nhưng còn ẩn chứa một sự hoài nghi về chính con người của Người, nên không dẫn họ đến đức tin (Lc 6,6). Một đàng kinh ngạc về chính con người của Chúa Giêsu vì họ nhận ra uy quyền của Người và vì vậy sự kinh ngạc này dẫn họ đến đức tin (Lc 5,35-43).
4/ "Ông này chẳng phải con bác thợ mộc con bà Maria":
Ở đây diễn tả tâm trạng hoài nghi về nguồn gốc Đức Giêsu. Sự hoài nghi này nói lên tính cách phủ nhận uy quyền của Chúa Giêsu, vì "Ông là con bác thợ mộc con bà Maria".
"Bác thợ mộc": diễn tả con người tầm thường.
"Con bà Maria": con của một người đàn bà cũng giống như bao người khác.
"Anh em với": mối liên hệ bình thường như bao người khác. Chữ anh em ở đây phải hiểu là bà con chứ không phải là anh em ruột vì Giuse và Giacôbê là con của Clêopa và bà Maria (Mt 27,56; Ga 19,23). Giuđa là con của Giacôbê (Lc 6,16).
5/ "Và họ vấp phạm vì Người":
+ Vì Chúa Giêsu là một người có nguồn gốc có vẻ tầm thường như họ thấy, nên họ nhìn sai lệch về con người của Chúa Giêsu. Họ khinh thường về nguồn gốc nên đã không nhận ra uy quyền của Chúa Giêsu. Vì thế "họ bị vấp phạm vì Người".
+ Họ vấp phạm vì họ đã quên những tấm gương trong Kinh thánh rằng:
* Abraham là kẻ thờ tà thần mà đã được Thiên Chúa chọn làm "cha" những kẻ "tin".
* Đavit xưa đang đi chăn chiên, chúa sai đến sức dầu để làm vua (x. 1Cr 1,27-29; Lc 1,52).
6/ "Không có một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ nơi quê hương":
Chúa Giêsu lấy câu châm ngôn này để ám chỉ rằng: Người là vị Tiên tri thật (Lc 6,15; 8,28; Lc 13,33) nhưng lại không được người đồng hương chấp nhận ( Lc 4,26-27).
7/ "Ở đó Người không làm phép lạ nào được":
Mỗi lần Chúa Giêsu làm phép lạ chữa bệnh cho người ta, Người thường đòi hỏi đức tin: "Hỡi con, đức tin con đã chữa con" (Lc 5,34). Vì người đồng hương không tin vào người nên người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân. Ở đây muốn nói tuy số đông không tin vào Người, nhưng vẫn có một số người biết đón nhận những việc Người làm và những lời Người giảng.
8/ "Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin":
Người đồng hương biết sửng sốt về giáo lý của Người, mà lại không tin chính con người của Người quả là một điều khác thường đáng ngạc nhiên. Biết nhận ra những việc làm và lời nói của Chúa Giêsu là lạ thường, là khôn ngoan mà lại không biết chấp nhận uy quyền của Người thì thực là cứng lòng.
9/ "Người đi rảo qua các làng xung quanh mà giảng":
Vì bị khước từ ở quê hương Nagiarét, nên Chúa phải lên đường trở về Capharnaum. Trên đường đi Chúa Giêsu rao giảng Tin mừng cho các dân làng Người đi qua.
III. ÁP DỤNG:
A/ Áp dụng theo Tin mừng:
* Qua bài Tin mừng hôm nay, Giáo hội muốn nhắn nhủ chúng ta là những người đã có niềm tin vào Thiên Chúa, đã được quan phòng đầy đủ những phương tiện siêu nhiên và tự nhiên để duy trì và làm phát triển đức tin. Chúng ta đừng sống như kiểu "quen quá hóa nhàm" hay "gần chùa gọi bụt bằng anh" nhưng cần phải nỗ lực đào sâu đức tin bằng cách học hỏi tìm hiểu về Thiên Chúa mỗi ngày một hơn.
* Giáo hội cũng muốn dùng câu chuyện người đồng hương từ chối Chúa Giêsu để cảnh tỉnh những người đã tin vào Chúa mà còn phải bội lại Chúa, đã ở trong Giáo hội mà còn chống đối, bực tức giận hờn Giáo hội.
* Khi nhắc đến việc người đồng hương từ chối Chúa Giêsu vì hồ nghi về nguồn gốc của Người, thánh sử Mac cô muốn mời gọi chúng ta phải tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa (Mc 1,1;15-39 ) và tin vào Giáo hội là duy nhất, là thánh thiện, là công giáo và tông truyền mặc dầu thấy Giáo hội ở trong hoàn cảnh nào đi nữa.
* Sự thất bại của Chúa Giêsu ở Nagiarét cũng là sự thất bại của Giáo hội chúng ta trên con đường tông đồ truyền giáo mà ta thường gặp.
B/ Áp dụng thực hành:
1/ Nhìn vào Chúa Giêsu:
* Chúa Giêsu gắn bó với quê hương vì Người đã trở về quê hương để giảng dạy cho dân làng. noi gương Chúa, chúng ta gắn bó với quê hương không phải chỉ bằng những cuộc thăm viếng, nhưng bằng chính việc tông đồ qua đời sống gương sáng, chứng tích bác ái đối với gia đình, người thân cũng giống như những người chung sống với gia đình mình.
* Chúa Giêsu bị người đồng hương coi rẻ vì những hình thức bên ngoài có vẻ tầm thường. Chúng ta cũng thường bị những người xung quanh, nhất là những người đang sống với chúng ta coi rẻ, coi thường chỉ vì "quen quá hóa nhàm".
* Họ vấp phạm vì Người: trong đời sống chung vì quá quen thuộc, nên đôi khi thi hành tinh thần Tin mừng chúng ta thường nên cớ cho người ta bàn tán, chê bai, coi thường...
2/ Nhìn vào những người đồng hương của Chúa Giêsu:
* Họ đã có thái độ khinh rẻ Chúa Giêsu chỉ vì thấy nguồn gốc họ hàng, gia cảnh của Người có vẻ tầm thường. Đó là thái độ chúng ta khi chúng ta giảm sút lòng đạo đức sốt sáng chỉ vì chúng ta coi thường những việc đạo đức có vẻ nhỏ mọn tầm thường hàng ngày.
* Những người Nagiarét đã đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo trong các thành kiến hẹp hòi, vụ lợi và trần tục của họ. Vì thế họ không thể thấy được giá trị và uy quyền của Chúa Giêsu. Ta cũng vậy, ta thường có nhiều thành kiến và đường lối mà ta tưởng Thiên Chúa phải dùng để đến với ta và đưa ta đến với Người. Chúng ta quên rằng đường lối Thiên Chúa khác với đường lối của ta, tư tưởng của Người khác với tư tưởng của ta. Bao nhiêu ân sủng đã phải vô ích chỉ vì ta không cởi mở đón nhận cái bất ngờ của Thiên Chúa, tức là những giá trị cao cả nấp sau những vẻ tầm thường.
3/ Cách nhìn bất ngờ khiêm tốn và kỳ lạ của các phương thế Thiên Chúa sử dụng:
Là Giáo hội thánh thiện mà lại có tội nhân. Những thực tại ân sủng cao quý mà lại tiềm ẩn trong các dấu chỉ đơn sơ hiền lành, việc cao cả lại trao cho những con người yếu đuối...
Cần phải vượt qua những thử thách đức tin đó ta mới khám phá ra Thiên Chúa và Giáo hội của Người.
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10