Clock-Time

Chú Giải Tin Mừng Thứ Năm Tuần VII Mùa Phục Sinh (Ga 17:20-26) | Giáo Phận Phú Cường

Tòa án muốn biết đích xác người Do thái tố cáo Phaolô về tội gì, nên cởi trói cho Người và truyền lệnh cho các thượng tế và toàn thể công nghị họp lại, rồi dẫn Phaolô đến đứng trước mặt họ...

Chú Giải Tin Mừng
Thứ Năm Tuần VII Mùa Phục Sinh
TIN MỪNG: Ga 17:20-26

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I : Cv 22-30 ; 23,8-11

Vào lễ ngũ tuần năm 57. Phaolô đến Giêrusalem. Anh em báo cho Người biết rằng người Do thái tố cáo Người “thúc giục phản lại tập tục Môsê”, khi bỏ qua việc cắt bì và các thủ tục tiền nhân (Cv . 21,4) Thực sự, tại đền thờ Giêrusalem là nơi ông đến cầu nguyện. Phaolô bị vây giữa những tiếng la lối : “Đó là người rao truyền chống lại dân ta, chống lại lề luật và chống lại nơi này". Cảnh sát Rôma theo thói quen khi có dấy loạn, đã can thiệp và dẫn Phaolô vào pháo đài. Lần này tình trạng tù tội của Người kéo dài nhiều năm ở Giêrusalem,  Xêdarêa thủ đô Roma ở Palestina, rồi ở Rôma.

Tòa án muốn biết đích xác người Do thái tố cáo Phaolô về tội gì, nên cởi trói cho Người và truyền lệnh cho các thượng tế và toàn thể công nghị họp lại, rồi dẫn Phaolô đến đứng trước mặt họ.

Tôi mường tượng ra khung cảnh xiềng xích được tháo bỏ. Cuộc triệu tập các thẩm quyền cao cấp Do thái. Bị cáo. Cuộc thẩm vấn. Các nhân chứng buộc tội. Nhìn Phaolô, tôi thấy Chúa Giêsu trong cùng một cảnh huống.

Phaolô công kích : “Tôi là biệt phái, con của biệt phái.. tôi bị xét xử về niềm hy vọng vào sự sống lại".

Người biết rằng đây là chủ đề tranh cãi giữa hai luồng tư tưởng tôn giáo lớn thời đó ! phái Sađốc không tin... Biệt phái lại tin. Điều đó gây nên cảnh huyên náo trong công nghị “xảy ra sự bất đồng giữa các người Biệt phái và Sa đốc và hội đồng đâm ra chia rẽ. . . tiếng la lối inh ỏi…”

Đối với Phaolô, đó vừa là một sự khéo léo, vừa là dịp nữa để rao truyền đức tin của mình : "Chúa Kitô đã sống lại !”.

Cuộc tranh luận đã đến hồi gây cấn, viên quản cơ sở Phaolô bị phân thây, nên sai lính xuống kéo Người ra khỏi họ là dẫn về đồn.

Cuộc rối loạn khởi sự, như quanh Chúa Giêsu ngày trước.

Trong một trong các bức thư của Người, Phaolô kể lại bao nhiêu roi đòn, bao nhiêu cuộc tù tội Người đã phải chịu …( 2 Gr 11,23-24).

Lạy Chúa, xin giúp chúng con giải thích mọi hoàn cảnh nhân loại, theo ánh sáng Đức tin, dầu bề ngoài bất lợi nhất.

Đêm sau, Chúa hiện đến cùng Người và phán :

Người rất cần cuộc viếng thăm này, như Jeanne ở Arc khi bị tù.

Hãy can đảm lên !

Phaolô hẳn có những giờ chán nản, những giờ tăm tối, Chúa Giêsu thấy cần phải đến khích lệ Người, Chúa nói với Người : “Hãy can đảm lên" để nâng tinh thần Người lên.

Chủ đề “đau khổ”, là một trong những chủ đề chủ yếu trong các thư của Thánh Phaolô. Đây không phải chỉ là một chủ đề lý thuyết thuộc lí trí, một đề tài bài giảng. Đó là một kinh nghiệm sống. Công vụ các Tông đồ mà chúng ta vừa mới đọc từ bảy tuần này, cho chúng ta thấy bầu khí thường xuyên trong cuộc đời của thánh Phaolô, vào lúc Người viết các bức thư lớn. “Sự can đảm" và "đức tin" của Người đối với chúng ta rất khác thường, sự can đảm và đức tin ấy do cuộc tiếp xúc hàng ngày với Chúa Giêsu.

Con đã làm chứng về Ta tại Giêrusalem thế nào, thì cũng phải làm chứng về Ta tại Rôma như vậy.

Người được nghỉ ngơi. Chúa Giêsu ở với Người. Không phải sợ hãi gì. Để mình được dẫn đi.

BÀI TIN MỪNG : Ga 17,20-26 .

Đây là những lời cuối cùng trong Kinh nguyện của Đức Giêsu…

Con không chỉ cầu xin cho những kẻ Cha đã ban cho con, nhưng còn cho những ai nhớ lời của họ mà tin vào con.

Đây là lời cầu nguyện cuối cùng "của Đức Giêsu trước khi bước vào cuộc Thụ Khổ ; đó là ý định lớn lao hơn khiến Người sắp hiến ban mạng sống mình làm lễ vật “hy sinh" đó là điều làm cho lời hết sức quan tâm có thể nói, đó là di chúc của Người.

Xin cho tất cả nên một.

Nên một.

Tuy là nhiều, nhưng chỉ làm một.

Như Cha ở trong con và con ở trong Cha.

Không có gì sâu sắc hơn là tình yêu trên : đó là tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu của các Kitô hữu phải mô phỏng chính tình yêu của Thiên Chúa. Sự hiệp nhất, mà vì thế Đức Giêsu đã hiến ban mạng sống, chính là thứ tình yêu đó.

Nhưng chúng ta còn sống xa tình yêu ấy biết bao : trong các Giáo hội của ta, giữa các Giáo hội với nhau, trong các nhóm và các tầng lớp xã hội của ta, giữa các nhóm và các tầng lớp xã hội với nhau.

Để thế gian tin…

Đó là mối hiệp nhất, đó là thứ tình yêu mang tính truyền giáo, hướng dẫn người ta tới đức tin. Chính sự hiệp nhất có tác dụng Phúc âm hóa. Hãy nhìn xem họ yêu thương biết bao : người ta có thể nói như thế về những kẻ có đức tin, theo cách đức tin đó đã trở nên hấp dẫn.

Lạy Chúa,  xin làm cho chúng con nên "một" !

Điều đó ngầm đòi hỏi thái độ từ bỏ những tự mãn, kiêu ngạo và ích kỷ của ta.

Phần tôi, trong nếp sống hiện nay, với những con người như thế tôi đã sẵn sàng thể hiện hy sinh nào, cùng với Đức Giêsu, để lời cầu nguyện trên được thực hiện ?

Như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con... Lạy Cha, thế gian đã không biết Cha nhưng con, con đã biết Cha... Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa.

Những lời nói bất hủ. Một sự chia sẻ diệu kỳ. Như Đức Giêsu, được thông truyền tất cả không gì tốt đẹp nhất mà Người có .

Như thế, tình Cha sẽ yêu thương con, ở trong họ, và con cùng ở trong họ nữa.

Kinh nguyện của Đức Giêsu kết thúc trên những lời đó ít là cách diễn tả mà Thánh Gioan cống hiến cho ta. Ta có thể nghĩ rằng, Đức Giêsu đã tiếp tục những tư tưởng tương tự, trong những giờ phút cuối cùng của đời sống trần gian, ta còn có thể nghĩ rằng, ở trên trời, Người vẫn tiếp tục chuyển cầu như thế.

Đó là tột đỉnh của Tin Mừng. Đó là "tin vui” to lớn : Chính Tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu của Ba Ngôi, tình yêu mà nhờ đó mà Chúa Cha yêu Chúa Con, tình  yêu tuyệt đối và vô biên của Thiên Chúa, được chia sẻ cho các tín hữu. Sự kiện đang tác động giữa lòng nhân loại. Đó là mối tương quan yêu thương liên kết Ba Ngôi Thiên Chúa.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Chúa Giêsu cầu cho Hội Thánh hiệp nhất

HOÀN CẢNH:

Qua lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết chứng tá mạnh nhất và có tính thuyết phục nhất là sự hiệp nhất trong Hội Thánh.

Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại Lời Chúa Giêsu cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Hội Thánh.

TÌM HIỂU:

Tin Mừng Ga 17,20-26 có thể chia ra như sau:

17,20-23: Sự hợp nhất của những người tin vào Chúa Giêsu.

17,24-26: Nguyện ước của Đức Giêsu là những kẻ tin được ở với Người.

20-21 “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này …”:

Chúa Giêsu cầu nguyện cho những kẻ tin vào Người nhờ lời rao giảng và giáo huấn của các môn đệ, nghĩa là Chúa cầu nguyện cho hết mọi thành phần trong Hội Thánh. Mục đích Chúa Giêsu cầu nguyện là để mọi người tin vào Chúa Giêsu được hiệp nhất với nhau. Chính sự hiệp nhất này là sức mạnh và có tính thuyết phục thế gian tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.

22 “Phần con, con đã ban cho họ vinh quang …”:

Vinh quang mà Chúa Giêsu có do Chúa Cha mà đến sau cái chết của Người là chính sự hiệp thông của Người với Chúa Cha được bày tỏ ra cho loài người. Khi nhận biết vinh quang đó, các tín hữu cũng được thông phần vào sự hiệp thông ấy nhờ đức tin và lòng mến. Rồi đến lượt các tín hữu, họ cũng trở thành nơi mà vinh quang của Đức Kitô được tỏ hiện. Điều này được thực hiện cụ thể nhờ lòng yêu mến hỗ tương làm cho họ hợp nhất với nhau.

Ở đây “vinh quang” được Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu, rồi Chúa Giêsu ban lại cho các môn đệ với kết quả là làm cho các môn đệ trở nên một như Chúa Cha và Chúa Giêsu là một, vinh quang đó là bản tính Thiên Chúa. Việc các môn đệ hiệp thông với bản tính Thiên Chúa sẽ là sơ sở cho việc họ hợp nhất với nhau.

23 “Con ở trong họ và Cha ở trong Con …”:

Sự hiệp nhất giữa các môn đệ trực tiếp phát xuất từ việc đồng tham dự vinh quang Đức Kitô.

Như thế nhờ việc Đức Kitô ở trong các môn đệ như nguyên lý phát sinh sự sống thần linh và đàng khác nhờ việc Chúa Cha ở trong Chúa Con như nguyên lý sự sống và nguyên lý hành động của Người, tất cả chỉ làm thành một.

Ở giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và Hội Thánh có một sự hiệp nhất thiêng liêng rất khăng khít: “điều mà chúng tôi đã từng thấy và đã từng nghe, thì chúng tôi loan báo cho anh em nữa … để anh em được thông hiệp với chúng tôi (nhờ đức tin); nhưng sự thông hiệp của chúng ta là thông hiệp với Chúa Cha và Chúa Con, Đức Giêsu Kitô (1Ga 13). Chính sự hiệp nhất này là dấu chỉ cho người ta nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, và nhận ra tình thương yêu của Chúa Cha đối với các môn đệ.

24 “Lạy Cha con muốn rằng Con ở đâu …”:

Sau khi đã nhìn đến các môn đệ đang sống trong thế gian, Chúa Giêsu nghĩ đến tình cảnh của họ trong tương lai.

Quả vậy Chúa Giêsu cầu xin cho các môn đệ được ơn một ngày kia đi theo Người về trời, ở bên Chúa Cha (Ga 13,37 ; 14,2-3)

Ở đây muốn nhấn mạnh rằng: Môn đệ cùng chung số phận với Thầy mình là Chúa Giêsu, trong cảnh hạ mình xuống và trong vinh quang: cùng chết với Chúa Giêsu thì cũng sống lại với Người.

25-26 “Lạy Cha là Đấng công chính …”:

Thế gian không biết Chúa Cha vì họ không tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Nhưng các môn đệ biết Chúa Cha vì họ đã tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai.

- Chúa Giêsu đã mạc khải Chúa Cha cho những ai mà Chúa Cha đã đưa ra khỏi thế gian và trao ban cho Người.

- Còn Chúa Cha sẽ yêu mến các môn đệ bằng chính tình yêu Người dành cho Chúa Con. Quả vậy, người kitô hữu thuộc về Chúa Kitô bằng đức tin, cậy, mến, nên cũng được Chúa Cha yêu mến: “Ai yêu mến Thầy thì được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu mến họ và sẽ tỏ mình ra cho họ!… (Ga 14,21-23)

Đó là điều làm cho các môn đệ vững tâm khi Chúa Giêsu ra đi: họ sẽ tiếp tục hưởng sự hiện diện tình yêu và hoạt động mạc khải của Người.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Chúa Giêsu cầu nguyện cho Hội Thánh được hiệp nhất:

- Hiệp nhất trong tình yêu: Khi các kitô hữu hiệp nhất với Chúa Kitô, thì được tham dự nhờ tình yêu hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con, và trở thành dấu hiệu tuyệt vời bày tỏ cho thế gian thấy thời kỳ cánh chung đã điểm, và Thiên Chúa đã chính thức sai Con Một Người đến thế gian mới thực hiện được việc tốt đẹp như vậy.

- Hiệp nhất trong chức nghĩa tử: Qua bí tích Rửa Tội, nghĩa là qua ơn nghĩa tử, Chúa Giêsu thôngban cho các tín hữu vinh dự được làm con Thiên Chúa. Và như vậy họ được hiệp nhất với Chúa Cha, Chúa Con và với nhau.

- Hiệp nhất trong vinh quang: Chúa Giêsu ước ao cho các kẻ thuộc về Người, tức là các kitô hữu được tham dự sự sống trên trời, được chiêm ngưỡng vinh quang mà từ thuở đời đời Chúa Cha thương ban cho Người trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi,

Qua nhận thức trên đây, chúng ta có thể kết luận rằng:

Yêu thương nhau là dấu chỉ của sự hiệp nhất và cũng là chứng tá có tính thuyết phục nhất, có giá trị tông đồ.

Được làm con Chúa qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được hiệp nhất với nhau trong tình huynh đệ.

Chúng ta càng nỗ lực thánh hoá bản thân, chúng ta càng có giá trị để thánh hóa tha nhân, và đó là cách chúng ta sống hiệp nhất huynh đệ.

2. Chúa Giêsu cầu nguyện cho những ai “nhờ lời của các môn đệ mà tin vào Chúa Giêsu”. Điều này giúp chúng ta nhận ra rằng: lúc Chúa Giêsu đang cầu nguyện, thì Người cũng đã nghĩ đến mỗi người trong chúng ta hôm nay, đang lắng nghe lời Người.

3. “Chớ gì chúng con nên một”:

Đó là mục đích lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho Hội Thánh, cho mỗi cộng đoàn chúng ta. Để hiện thực lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu, chúng ta cần phải:

- Tránh mọi chia rẽ hận thù ghét ghen.

- Biết sống quảng đại và vị tha trong bất cứ hoàn cảnh và điều kiện nào.

- Nỗ lực duy trì sự hiệp nhất huynh đệ trong cộng đoàn, trong tương giao với tha nhân để làm chứng tá cho Chúa.

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN

Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10