Clock-Time

Hành trình 14 ngày vượt sóng dữ của đại gia đình F0

Mình liên hệ với Khánh khi “chiếc thuyền” của cả gia đình đã vượt qua rất nhiều cơn sóng lớn và bão táp. Nhưng vẫn với một giọng nói rất lạc quan, bạn đùa:“Em cứ nghĩ đi cách ly cũng nhàn, chỉ ăn ngủ rồi chữa cho mau lành bệnh để về thôi”. Mình hình dung câu chuyện của đại gia đình Khánh là “hành trình ra khơi cùng Đức Kitô”. Hành trình ấy liên tục gặp bão táp, mưa giông. Nhưng ngẫm nghĩ kĩ, ta sẽ nhận ra, luôn có bàn tay Thiên Chúa quan phòng và nâng đỡ. Dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, dù tăm tối nhất, con người ta cũng luôn giữ vững niềm tin và sự lạc quan để tiếp tục chiến đấu.

Mục vụ giáo dân
Hành trình 14 ngày vượt sóng dữ của đại gia đình F0

Xuân Mai

Mình liên hệ với Khánh khi “chiếc thuyền” của cả gia đình đã vượt qua rất nhiều cơn sóng lớn và bão táp. Nhưng vẫn với một giọng nói rất lạc quan, bạn đùa:“Em cứ nghĩ đi cách ly cũng nhàn, chỉ ăn ngủ rồi chữa cho mau lành bệnh để về thôi”. Mình hình dung câu chuyện của đại gia đình Khánh là “hành trình ra khơi cùng Đức Kitô”. Hành trình ấy liên tục gặp bão táp, mưa giông. Nhưng ngẫm nghĩ kĩ, ta sẽ nhận ra, luôn có bàn tay Thiên Chúa quan phòng và nâng đỡ. Dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, dù tăm tối nhất, con người ta cũng luôn giữ vững niềm tin và sự lạc quan để tiếp tục chiến đấu.

Khánh là chàng thanh niên 19 tuổi, hiện đang là sinh viên năm nhất, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, TP HCM. Bạn là con út trong một gia đình Công giáo thuộc TGP Sài Gòn. Mọi sinh hoạt của gia đình vẫn diễn ra bình thường cho đến ngày 8/8, một ngày chủ nhật khó quên.

Anh hai của Khánh bắt đầu có triệu chứng mất vị giác. Cả nhà liền test nhanh, kết quả chỉ có anh hai dương tính và lập tức tự cách ly tại phòng riêng. Cả gia đình vẫn tạm thời bình an nhưng vẫn không thôi lo lắng. Chị dâu của Khánh đang mang thai, trong nhà cũng có một cháu nhỏ vừa tròn 18 tháng, nên ba mẹ con được chuyển sang nhà ngoại để an toàn hơn.

Trước đó, cả nhà cũng hay tin bà ngoại ở xa nhiễm Covid và đang dần trở nặng. Bà cũng điều trị tại nhà riêng chứ không được nhập viện. Tuy thế, cả nhà Khánh cũng chỉ biết thăm nom, lo lắng cho bà từ xa chứ không có cách nào khác. Ngày 10/8, diễn biến của bà ngoại càng xấu hơn và có lẽ không qua khỏi.

Mình cảm nhận rất rõ nỗi buồn sâu thẳm cùng sự bất lực của Khánh khi kể lại khoảnh khắc ấy. Và bà mất! Bà ra đi vì Covid, ngay giữa tâm dịch. Con cháu của bà, dù ở gần cũng không thể về với bà lần cuối. Cũng chính tối hôm ấy, Khánh bắt đầu sốt, một điềm báo chẳng lành ập đến ngay lúc cả nhà vẫn đang ngập trong buồn đau.

Sáng hôm sau, anh hai của Khánh được chuyển đến bệnh viện dã chiến. Mẹ của Khánh phải đồng thời đón nhận những sự thật khó chấp nhận: mẹ của mình vừa mới lìa đời, con trai cũng phải đi cách ly để điều trị. Tất cả những nỗi đau ấy đều xuất phát từ một nguyên nhân: Covid-19.

Sau đó, cả nhà cũng lần lượt test nhanh và PCR. Một lần nữa, nước mắt của người mẹ lại rơi. Cả gia đình, chỉ trừ ba và anh ba là âm tính (sau đó hai người cũng dương tính nhưng ở mức nhẹ nên vẫn tự chăm sóc tại nhà). Còn lại tất cả: mẹ, Khánh, chị dâu đang mang thai, đứa cháu nhỏ và hai bác sui gia đều dương tính.

Một trận cuồng phong ập đến với gia đình ngay lúc này. Cả nhà phải đi cách ly tập trung. Giờ đây, con thuyền không người lái, chênh vênh và chao đảo giữa sóng dữ, gồm đủ cả người già, phụ nữ đang mang thai và trẻ nhỏ, chỉ có Khánh, một chàng trai trẻ, nên bạn phải cố gắng hết sức để bình tĩnh thay họ gánh vác và làm điểm tựa cho tất cả.

Giọng kể của bạn vẫn luôn rõ ràng, rành mạch, dù có những lúc trầm ngâm, hơi ngắt quãng, nhưng thật sự mình thấy ngưỡng mộ vì bạn rất bản lĩnh và mạnh mẽ. Phải chăng trải qua những đợt sóng dữ, con người ta lại càng thêm kiên cường?

Ngày đầu tiên tại bệnh viện dã chiến số 6, mọi thứ như rối tung. Ngay tối hôm ấy, bố của chị hai sốt cao và mê sảng. Mọi người đều lo lắng và hoảng sợ. Bác vốn đã có nhiều bệnh nền nên tất cả lại càng thêm hoang mang. Anh hai của Khánh đang điều trị bệnh viện khác cũng xin để được qua cùng bệnh viện để tiện lo cho cả nhà. Những tưởng mọi thứ sẽ ổn định hơn, nhưng không, “chiếc thuyền” tiếp tục bị nhấn chìm bởi những đợt sóng lớn dữ dội hơn.

Ngày thứ ba, chị dâu bắt đầu khó thở, chuyển biến xấu hơn nên được đưa xuống khu cấp cứu. Anh hai đi cùng chị, Khánh ở lại, vô cùng bối rối khi phải xoay sở trước nhiều tình huống bất ngờ xảy đến. Đứa cháu nhỏ không được gần mẹ nên cũng quấy khóc. Mẹ của Khánh cũng sốt cao liên tục. Một mình Khánh, vừa lau mát cho mẹ, vừa dỗ đứa cháu nhỏ, vừa lo cho bác trai. Những đám mây đen xám xịt báo hiệu một cơn bão lớn sắp ập đến.

Trong câu chuyện của Khánh, mình cùng lặng với bạn, cùng đau, cùng thương và cũng cùng cười với bạn. Nhưng có những lúc tất cả những cảm xúc ấy hòa làm một. Chúng xuất hiện cùng lúc bởi những tình huống rất éo le. Mớ cảm xúc phức tạp ấy chính xác xuất hiện vào thời điểm, anh hai sẽ ở lại để lo cho đại gia đình đang chới với, Khánh phải thay anh trai đưa chị dâu chuyển sang bệnh viện Chợ Rẫy. Cái tên bệnh viện Chợ Rẫy lướt qua khiến Khánh như đứng hình.

“Một mình mình sẽ đưa chị dâu đến đó ư?”

“Đi ngay trong đêm chưa kịp chuẩn bị gì ư?”

“Mình còn chưa đến đó bao giờ.”

“Bệnh viện Chợ Rẫy, nghe tên thôi cũng đủ hoảng. Đó là nơi tiếp nhận và điều trị những ca nhiễm covid rất nặng. Đã rất nhiều người đến đó trong tình trạng bệnh nguy kịch và mãi không trở về. Nhưng đó cũng chính là bệnh viện tuyến đầu chống dịch, nơi có nhiều trang thiết bị y tế hiện đại nhất để chữa bệnh.”

Hàng loạt những suy nghĩ ấy ùa về, bủa vây trong tâm trí Khánh. Bạn vừa lo cho tình trạng chị dâu lại vừa lo cho chính mình: “Liệu có bất trắc nào xảy ra không, mình có chăm sóc cho chị dâu được chu toàn hay không?”

Khánh nhớ như in: “Em như kiểu bị hoảng trong tim, dù đang rất đói vì chưa kịp ăn tối, nhưng em vẫn không thể nuốt trôi tô mì vừa pha vội”. Mình thấy thương thiệt sự. Nghe theo sự thu xếp của anh, Khánh lên đường. “Lần đầu tiên em lên xe cấp cứu và cũng là lần đầu tiên em vào bệnh viện Chợ Rẫy”, theo một cách không ngờ tới, Khánh đã có những trải nghiệm đầu đời như thế. Đêm ấy, chiếc xe cấp cứu lao nhanh, chở theo người chị dâu đang chuyển biến nặng, chở theo bao bộn bề, lo lắng, bỡ ngỡ của một đứa em cũng đang là F0, nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh và mạnh mẽ để đi theo chăm sóc chị dâu.

11 giờ rưỡi khuya, một mình Khánh loay hoay với những tình huống hỗn loạn và nguy hiểm. Tay xách nách mang quần áo, vật dụng cá nhân, giấy tờ,… Khánh phụ giúp điều dưỡng đưa chị lên băng ca vào khu cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẫy. Khi lo xong thủ tục nhập viện cho chị, Khánh nhận ra tình cảnh trớ trêu của mình, chẳng khác nào vừa bị… “đem con bỏ chợ”.

Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ tiếp nhận bệnh nhân nặng, nên Khánh không được ở lại với chị. Chiếc xe cấp cứu lúc nãy cũng đã vội vàng rời đi ngay khi bàn giao xong ca bệnh. Giữa không khí khẩn trương, gấp gáp của khu cấp cứu, Khánh bơ vơ, hoảng hốt, không phương hướng, không ai trợ giúp, càng không dám tiếp xúc với ai vì chính mình cũng đang dương tính.

12 giờ đêm, ngồi một mình giữa dãy ghế đá trước căn tin bệnh viện, những cơn sóng lòng trỗi dậy, bao vây, xô đẩy, dập vùi tinh thần đang rất hoang mang, lo lắng, bất an của chàng trai trẻ. Khánh bắt đầu nhắn tin cho Cha phó giáo xứ, cho một người anh, liên lạc thêm nhiều người quen khác và gọi điện thoại về cho anh hai để nhờ trợ giúp.

Đêm khuya thăm thẳm, anh tài xế trên xe cấp cứu lúc nãy, sau khi được anh hai liên lạc để báo tin, đã vội vã quay lại đón Khánh. Chiếc xe lại lao đi, chở theo những lo lắng không nguôi về người chị đang nằm lại một mình trong bệnh viện cùng những cảm xúc ngổn ngang Khánh vừa trải qua.

Nhớ lại khoảnh khắc ấy, Khánh cảm thấy mình được Thiên Chúa gìn giữ và gửi đến những người hỗ trợ. Chính điều đó cũng giúp mình nhận ra rằng, một người trẻ Công giáo như Khánh luôn có những điểm tựa thật vững chắc.

Là Cha phó xứ đã an ủi và cho Khánh lời khuyên “Hãy luôn thầm thì với Chúa mọi khó khăn vất vả” để bạn luôn bình tâm và mạnh mẽ đối mặt với mọi thứ. Bình thường, giữa lúc đêm khuya như vậy Cha đã đi ngủ rồi nhưng hôm ấy, Khánh nhắn tin và được Cha trả lời ngay. Ngài còn dâng lễ với ý cầu nguyện cho cả nhà Khánh được bình an vào sáng hôm sau.

Là người anh lớn luôn kiên nhẫn trước những dòng tin nhắn rất lộn xộn và khó hiểu của bạn trong lúc mất bình tĩnh. Hẳn việc có người luôn lắng nghe bạn, dù chỉ là từ xa qua những đoạn tin nhắn như thế, cũng đủ giúp bạn bình tâm và bớt hoang mang hơn. Anh ấy còn giúp Khánh tìm cách liên lạc với chị dâu vào sáng hôm sau.

Là người bạn làm bác sĩ của anh hai, hay người chị học y dược của Khánh đã luôn nhiệt tâm giúp đỡ và đưa ra lời khuyên về cách chữa trị. Không có họ, chắc cả gia đình sẽ bối rối nhiều lắm. Họ không chỉ đem đến sự động viên mà còn là nguồn rất đáng tin cậy để cả nhà bạn hỏi thăm, muốn tư vấn tình trạng sức khỏe.

Là cô điều dưỡng tốt bụng đã hỗ trợ và chăm sóc chị hai khi chị ấy chỉ có một mình ở Chợ Rẫy. Cô điều dưỡng cũng là người trực tiếp gọi điện cho anh hai của Khánh để thông báo tình hình, còn chuyển máy để hai anh chị nói chuyện với nhau sau đó.

Là các anh chị em giáo lý viên trong xứ, những bạn bè, người thân quen luôn luôn hỏi thăm động viên cả nhà bằng cách này hay cách khác. Có lẽ trong cuộc chiến này, cả nhà Khánh không hề đơn độc.

Tất cả họ đều sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ chỉ cần Khánh và gia đình lên tiếng. Thiên Chúa luôn hiện diện nơi những người xung quanh Khánh. Để yêu thương, ủi an và nâng đỡ cả nhà bạn trong những tình huống khó khăn nhất.

Thiên Chúa chẳng ở đâu xa. Ngài vẫn đang hiện diện trong những người thân quen hay thậm chí trong cả những người lần đầu Khánh tiếp xúc và biết đến như thế.

Có quá nhiều kinh nghiệm và bài học, nhưng với Khánh, điều quan trọng nhất bạn có được chính là “sự phó thác”. Hãy cứ phó thác vào Chúa, tin tưởng nơi Ngài, Ngài sẽ ra tay.

Sau 14 ngày đối diện với thử thách, ngày 24/8 vừa qua, Khánh cùng gia đình đã được trở về nhà sau khi nhận kết quả âm tính. Người chị dâu ở bệnh viện Chợ Rẫy cũng có những chuyển biến tích cực hơn. Cả gia đình quay trở về mái ấm thân thương, dù trong tim đều có những mất mát, tổn thương, nhưng vẫn đủ đầy tình yêu và hạnh phúc.

Bà ngoại Khánh mất đi, nhưng để lại bóng râm và hoa trái là những đứa con, đứa cháu hiếu thảo, luôn luôn mạnh mẽ và không khuất phục trước giông bão cuộc đời.

Trong những ngày này, mình nhận được rất nhiều tin buồn vì Covid. Câu chuyện của gia đình Khánh những tưởng chỉ có những mảng màu xám đen, lại mang ánh sáng và màu hồng rạng rỡ của niềm tin, sự lạc quan trong đời, luôn lấp lánh tình yêu thương, sự tử tế của mọi người xung quanh, luôn tỏa sáng bản lĩnh, sự bình tĩnh của Khánh trong mọi hoàn cảnh.

Mong rằng hành trình vượt sóng, vượt gió của gia đình Khánh sẽ cập bến bình an. Sau này, dù có phải bước lên một con thuyền nào khác trong đời, mình vẫn tin, Khánh sẽ giữ vững tay lái, nhớ về hành trình vừa qua như một động lực để tiếp tục mạnh mẽ tiến lên.

Hình ảnh: Khánh
Nguồn: Trang Tin Uỷ Ban Mục Vụ Giới Trẻ