Cầu Nguyện Mang Lại Sự Giải Thoát
Bài Đọc: Tb 3, 1-11. 24-25
Trong những ngày ấy, Tôbia thổn thức và khóc lóc cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, Chúa công bình, mọi sự xét đoán của Chúa đều công minh, mọi đường lối của Chúa là từ bi, chân lý và phán quyết. Lạy Chúa, giờ đây xin hãy nhớ đến con, xin đừng báo oán tội lỗi con, xin đừng nhớ đến những lỗi lầm của con và của cha ông con. Bởi chúng con đã không vâng theo các giới răn của Chúa, nên Chúa để cho chúng con bị cướp bóc, tù đày, chết chóc, nhạo báng, và khinh bỉ nơi các dân mà chúng con bị lưu đày. Lạy Chúa, giờ đây sự xét xử của Chúa thật cao cả và công bình, vì chúng con không sống theo giới răn Chúa, và không thành tâm tiến bước trước thánh nhan Chúa. Lạy Chúa, giờ đây xin cứ đối xử với con theo thánh ý Chúa, và xin hãy cho linh hồn con được an nghỉ; vì thà con được chết còn hơn sống!"
Cũng trong ngày đó, xảy ra là Sara, con gái của Raguel, người thành Mêđi, cũng bị một đứa đầy tớ gái của cha cô lăng mạ, bởi vì cô đã kết hôn với bảy người đàn ông, nhưng khi họ vừa đến gần cô, thì bị quỷ Asmođêô giết chết ngay. Vậy khi một đứa tớ gái có lỗi, cô quở mắng nó, nó liền trả lời rằng: "Ðồ sát chồng, chúng tôi sẽ không nhìn thấy con trai con gái của bà trên mặt đất này. Nào bà muốn giết tôi như đã giết bảy người chồng của bà đó sao?" Nghe lời đó, cô liền đi thẳng lên lầu nhà cô, và trong ba ngày đêm, cô không ăn uống gì cả, cô chỉ cầu nguyện, khóc lóc than van cùng Thiên Chúa, mong Người cứu thoát cô khỏi cảnh nhục nhã ấy.
Lúc ấy, lời cầu nguyện của hai người trước tôn nhan vinh quang của Thiên Chúa Cao Cả, được chấp nhận. Chúa liền sai thiên thần Raphael đến để cứu giúp hai người trong chính lúc họ dâng lời cầu nguyện lên trước tôn nhan Chúa.
* * *
Như một thói quen mang tính bản năng, bất luận là người ta có niềm tin tôn giáo hay không, hay họ thuộc niềm tin tôn giáo nào, thì khi gặp một việc khó khăn hay một bế tắc trong cuộc sống, lập tức người ta cầu nguyện, như ông bà ta hay nói “có bệnh thì vái tứ phương”. Cầu nguyện là một nét rất riêng của linh hồn mà chỉ có ở nơi con người, nó thể hiện một mối tương quan gần gũi cha – con với Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con cái.
Trong bài đọc hôm nay có hai con người khốn khổ cầu nguyện cách khẩn thiết lên Thiên Chúa là ông Tôbia và cô Sara. Cả hai đều rơi một hoàn cảnh khốn đốn “thà chết còn hơn”, nên họ hoàn toàn bất lực và chỉ biết kêu lên cùng Thiên Chúa với niềm tin và niềm hy vọng là Ngài sẽ cứu thoát. Và đương nhiên, Thiên Chúa đã lắng nghe nỗi niềm của họ, Ngài đã “sai thiên thần Raphael đến để cứu giúp hai người trong chính lúc họ dâng lời cầu nguyện lên trước tôn nhan Chúa”.
Tất cả mọi vị thánh, mọi bậc thầy về tinh thần trong mọi thời đại đều là những con người cầu nguyện, và ngay chính Chúa Giêsu là Thiên Chúa Làm Người cũng thường xuyên lên núi cầu nguyện cùng Chúa Cha. Và Ngài luôn dạy các môn đệ của Ngài “phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn”. Từ đây, chúng ta thấy một sự thật, cầu nguyện phải trở nên như hơi thở và sự sống còn của mỗi người trong cuộc sống, chứ không phải chỉ khi nào gặp tai nạn, hoạn nạn, gian truân, khổ cực...mới cầu nguyện.
Khi đi học giáo lý, chúng ta được dạy rằng cầu nguyện là thưa chuyện cùng Thiên Chúa. Đây là cách hiểu căn bản nhất về cầu nguyện. Nhưng cầu nguyện hiểu theo nghĩa rộng chính là một tâm tình luôn hướng về Thiên Chúa trong mọi nơi mọi lúc và mọi công việc ta làm. Nghĩa là Ngài phải trở thành hơi thở thực sự của ta, là điều mà chỉ cần hơn 2 phút nếu ta hoàn toàn bị bóp nghẹt, ta sẽ chết. Cũng thế, không có Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống của ta, thì ta chắc chắn sẽ chết.
Cầu nguyện không có nghĩa là “lải nhải như dân ngoại”, nhưng là đối thoại với Thiên Chúa bằng một tâm tình đơn sơ chân thành của người con thảo. Khi ta cầu nguyện bằng niềm tin mạnh mẽ, thì chắc chắn ta sẽ được nhận lời và sẽ được ban cho mọi điều chúng ta cầu xin. Đặc biệt, đối với những ai có một mối thâm tình với Thiên Chúa ngang qua việc cầu nguyện thường xuyên mỗi ngày.
Nhiều lần trong cuộc sống, ta gặp một hiểm nguy, một tình thế bế tắc, một bệnh trạng, một sự lo lắng khủng khiếp...ta hướng lòng về Thiên Chúa ngày đêm để khẩn xin Ngài thương giải thoát và trợ giúp, và cũng như ông Tôbia và cô Sara trong bài đọc hôm nay, ta được Thiên Chúa thương nhận lời và sai thiên thần đến trợ giúp ta. Thiên thần ấy không nhất thiết phải là một thiên thần thật sự như trong bài đọc, dù có đôi khi là thế, nhưng là một tin vui, một ai đó thân quen hay xa lạ ngỏ lời trợ giúp hay xuất hiện đúng lúc để giúp ta... Tất cả những dấu chỉ ấy đều là câu trả lời của Thiên Chúa trước những sở nguyện của ta.
Cách cầu nguyện đúng đắn và đẹp lòng Thiên Chúa không phải là nài nỉ và van lơn rồi ngồi đó trông chờ kết quả diễn ra như mong đợi của ta, nếu ta làm thế thì có lẽ ta sẽ chẳng bao giờ thấy được câu trả lời từ Thiên Chúa, và ta dễ rơi vào cơn tuyệt vọng. Thay vào đó, ta phải mang lấy tâm tình phó thác hoàn toàn, đầu hàng hoàn toàn trước năng quyền và tình yêu quan phòng của Ngài, để mặc cho Ngài làm chủ tình hình, phần của ta chỉ có thế, còn phần còn lại Ngài sẽ định liệu cách này hay cách khác, nhưng thường không theo như mong đợi của ta, vì Thiên Chúa biết điều gì là tốt nhất cho ta trong mọi hoàn cảnh.
Và không phải cứ cầu nguyện và phó thác thì mọi việc sẽ diễn ra ngay như mong muốn, mà thường sẽ phải trải qua thời gian tuỳ theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa định liệu cho ta. Chính vì thế, ta phải từng ngày từng giờ hướng lòng về Ngài bằng một niềm tin và niềm hy vọng rằng Ngài sẽ ra tay, Ngài sẽ có cách, Ngài sẽ giải thoát ta. Hãy luôn luôn biết rằng lời cầu nguyện của ta chắc chắn sẽ mang lại kết quả tốt đẹp nhất, vì đó là năng quyền của Thiên Chúa.
Nếu hôm nay bạn chưa có một thói quen cầu nguyện, một thói giữ mối liên lạc thân tình với Thiên Chúa, một thói quen đầu hàng mọi gian khó trong cuộc sống cho Ngài, thì hãy thực hiện ngay từ bây giờ mà không có một sự chần chừ nào cả. Hãy cầu nguyện liên lỉ trong từng ngày sống để Thiên Chúa sẽ gìn giữ và giải thoát bạn khỏi mọi nỗi gian truân và bế tắc trong cuộc sống vốn đầy khổ ải và mệt mỏi này.
Jospeh C. Pham