Suy Niệm Tĩnh Tâm Linh Mục - Tháng 2/2017
Hoán cải để nhận ra ân ban. Nhận ra lòng thương yêu âu yếm của Chúa để thay đổi cuộc sống chứ không phải chỉ là vào tòa rồi quăng vài tội đã bấm đốt ngón tay và muốn chắc cú hơn thì nói thêm
“HOÁN CẢI”
KẾT QUẢ CỦA CUỘC GẶP GỠ VỚI ĐỨC KITÔ

KẾT QUẢ CỦA CUỘC GẶP GỠ VỚI ĐỨC KITÔ

Trung tâm loan báo là lời kêu mời hoán cải
Hoán cải để nhận ra ân ban. Nhận ra lòng thương yêu âu yếm của Chúa để thay đổi cuộc sống chứ không phải chỉ là vào tòa rồi quăng vài tội đã bấm đốt ngón tay và muốn chắc cú hơn thì nói thêm: khi ít khi nhiều khi nào cũng có! Chúng ta cùng nhau mở cuốn Kinh Thánh ra. Chúng ta sẽ thấy trong đó nói rằng tiếng gọi quay ngược con tim, đảo lộn cuộc đời là điều chính yếu trong lời rao giảng thông thường, tức vị ngôn sứ đề nghị cuộc quay ngược ấy như là điều chung cho mọi người, chứ không phải chỉ dành riêng cho một số ít người đặc biệt. Ngày nay chúng ta rất ít được nghe những lời rao giảng như thế mà là cả mớ hổ lốn, hằm bà lằng... làm cho chúng ta rối mù tung lên, chẳng biết bắt đầu từ đâu. Có khi toàn là những “mầu nhiệm” khó hiểu để rồi chúng ta đành chấp nhận câm miệng, hay phải ở im không nhúc nhích. Hoặc nghe ông kia bà nọ ai nói cũng hay ho, thế mà chẳng biết bắt đầu từ đâu, cái gì là chính, điều gì là phụ. Vai trò chính của việc truyền giáo là rao giảng sự hoán cải, không phải chỉ cho những người không tin, cho những người bị lầm lạc về tinh thần và phong hóa (phong tục, tập quán, văn hóa), nhưng cho cả những người đã được rửa tội, xưng mình là đạo gốc nữa. Chẳng ai hãnh diện là mình đã ngon lành, đầy đủ trong nếp sống đạo để rồi không cần ngay cả cái nội dung chính của lời rao giảng Tin Mừng nữa chăng?
Thế nhưng, cho dù chúng ta đã có lòng yêu mến ở mức độ nào, cao siêu đến đâu thì việc hoán cải, sám hối vẫn cần thiết từng ngày. Thật vậy, những người kết hợp mật thiết với Đức Giêsu Kitô lại là những người nhậy bén nhất về tội lỗi của mình, tức là người chạy đến sự thống hối cách nồng nhiệt nhất. Khoa thần bí không phải đưa ta đến chỗ không cần ơn cứu độ nữa và rồi cứ thế là xuất thần liên lỉ, trái lại khoa thần bí tháp chúng ta ngày càng kết hiệp mật thiết hơn vào trong một tình yêu và không thể không là một lòng “từ bi thương xót”. Tiến bộ thiêng liêng không phải đến một lúc nào đó có thể nói với Chúa một cách tự mãn: Ồ! Chúa ơi! sau một thời gian sàng lọc, đưa lên chảo đảo qua đảo lại, nay con có thể không cần đến sự tha thứ của Chúa nữa, con không cần đến ân ban nữa đâu. Mọi sự đâu ra đó rồi, ổn rồi nên không cần phải xin Chúa điều gì cả và con cũng chẳng làm gì cả để Ngài phải trách cứ con. Ơn cứu độ chỉ dành để cho người mới bắt đầu thôi. Rồi từ đó chúng ta thích làm những việc đền tội, hy sinh, hãm mình để dâng lên Chúa, để an ủi Ngài, để đền bù về những điều sỉ nhục mà “quân tội lỗi” đáng thương đã chụp lên đầu Ngài. Ô! cứ y như là chúng ta không phải là những kẻ tội lỗi vậy. Thánh Phaolô thú nhận điều này với giọng hoàn toàn xác tín: “Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: đó là Đức Giêsu Kitô đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi”(1Tm 1,15). Mức độ quan trọng trong việc kết hiệp với Chúa Kitô, không phải rồi cuối cùng là đã loại bỏ được Ngài, không cần Ngài. Trong lòng cuộc cử hành phụng vụ thường nhật, “lễ tế tạ ơn” vẫn bắt đầu bằng một nghi thức thống hối; và vào mùa Chay, với viêc xức tro, Giáo Hội nài xin chúng ta hoán cải, hoán cải nữa và hoán cải mãi. Chúng ta sẽ không bao giờ làm xong bao lâu còn sống trên mặt đất này. Do đó, việc hoán cải là trung tâm của người mở miệng loan báo.
Hoán cải có cần cho chúng ta không?
Chúng ta biết đấy, người ta chẳng bao giờ hết phải hoán cải ngay trong lòng đức tin. Sự hoán cải không phải chỉ dành cho những người lạc đạo, tục tằn thô lỗ hoặc đã làm nhiều chuyện ẩu tả hay tên đạo tặc đâu. Vì thế, chúng ta đừng nói là chúng ta không cần hoán cải bởi vì chúng ta vẫn đang có đức tin mà. Nếu ân sủng mà chúng ta cứ ướp như một thi hài, đặt vào trong tủ lạnh như một thứ thực phẩm vì sợ hư hoại, hoặc bỏ vào trong một viện bảo tàng nội tâm được thăm viếng mỗi ngày… tất cả cách thức đó đều là nghi ngờ lòng quảng đại thường hằng của Đức Giêsu. Người đã nói với ông Nathanaen khi mới có một dấu chỉ khởi đầu đã khiến ông này phải sững sờ: “Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn nữa” (Ga 4,50) đó sao? Người đã không bán cho chúng ta một thứ nước khoáng La Vie đựng trong chai trong vắt nhưng “Người hứa cho bà Samari một thứ nước chảy vọt mang lại sự sống đời đời” (Ga 4,14). Ân ban chính mình Người mà người ban cho chúng ta thường xuyên được đổi mới, được nhân lên cách lạ lùng, được sáng lên thật bất ngờ… chúng ta đừng hoài nghi điều đó kẻo như thế sẽ là xúc phạm đến Đấng đại lượng vô bờ.
Chúng ta cần ghi nhớ điều mà chúng ta gọi là “biến cố nền tảng”, “cái thưở ban đầu ấy”, bởi vì nó là cơ sở cho phần còn lại của công trình xây cất, bởi vì nó đưa vào đời sống những tâm tình mới mẻ và những phẩm chất được canh tân. Sự hoán cải chính là cuộc chào đời, nó bắt đầu để tiếp tục, đời sống Kitô hữu chính là sự tăng trưởng liên tục của một con người đã sinh ra một ngày nào đó và trong người ấy, sự sống không ngừng trào vọt ra.
Do đó, sự hoán cải không phải chỉ là dành cho người mới nhận ra có Thiên Chúa rồi xin ra nhập đạo; nhưng lại vẫn rất cần cho những người như chúng ta đây, đang tôn thờ sùng bái một vị Thiên Chúa, mà vị Thiên Chúa đó lại cứng ngắc, tê liệt nằm ở một góc biển chân trời nào đó như một đồ vật. Một vị Thiên Chúa mà người ta khám phá thấy Người là một tình yêu đang hoạt động. Hơn nữa, nơi các vị ngôn sứ, tôn giáo này khẳng định tính cách tuyệt đối duy nhất của một tình yêu thương âu yếm luôn luôn đang hành động. Thiên Chúa không sợ các thần tượng như những thần minh cạnh tranh, nhưng Người sợ sự sai lầm về vấn đề tương quan. Dù người ta theo tôn giáo đa thần hay độc thần, người ta vẫn có thể sai lầm về những ý hướng của Thiên Chúa: đức tin chân chính, đó là hiểu biết rằng Thiên Chúa có một trái tim và Người dùng nó để ký kết giao ước với chúng ta. Người hoán cải, đó là người khám phá ra như thế, cho dù người đó đã tin rồi. Người ấy có thể giữ lòng tri ân đối với tôn giáo mà mình đã phát xuất ra, nhưng người ấy cũng phải sững sờ bởi tính cách mới mẻ của Kitô giáo. Người hoán cải không phải chỉ là việc chuyển từ sự vô tín sang niềm tin mà thôi, nhưng đây là việc khám phá ra Thiên Chúa y như là Người đã tỏ mình ra và tự trao ban chính mình (ân ban). Người ta thường nói: Vị Thiên Chúa chân thật, để đối lập Người với những thần linh giả trá, nhưng trong thực tế, điều phải là thật, không phải là Thiên Chúa, mà là sự hiểu biết của chúng ta có về Thiên Chúa. Khi cầu nguyện, người ngoại giáo có lòng ngay chắc chắn cũng đạt tới chính Thiên Chúa, đích thực Thiên Chúa, nhưng sự hiểu biết người ấy có về Thiên Chúa thì không chính xác. Mục đích của công cuộc Phúc Âm hóa, đó là chia sẻ cho con người mặc khải Thiên Chúa đã làm về chính Người nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa thích được biết và yêu mến như thế, bởi khi Người đã phải vất vả để vén mở cho chúng ta thấy tình yêu của Người.
Như thế, chúng ta thấy rằng sự hoán cải được đề nghị cho chính người Kitô hữu là chúng ta đây, là người không hiểu biết bao nhiêu để rồi cứ im lặng chịu đựng sự sai lạc nung nấu ở trong đầu, con tim. Từ đó đưa chúng ta đến nếp sống lạc lõng, bơ vơ, hững hờ chẳng còn biết tin vào ai nữa. Đôi khi cũng bị cám dỗ, tò mò đến gõ cửa các thầy bói toán, tướng số định mệnh… Vì thế, chúng ta không ngừng hoán cải ý tưởng, tâm tình chúng ta có về Thiên Chúa. Cái ngưỡng cửa phải bước qua, đó là chuyển từ cái thần linh ta cần, từ cái chân dung ám ảnh, sang một “Ai Đó” đã gặp. Và dù ta có đọc kinh Tin Kính cách xác tín, cho dù ta tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi thật chắc nịch, cho dù ta không hề phản bội các dữ kiện của đức tin Công giáo, thì cũng vẫn còn chỗ trống cho những khoảnh khắc chan hòa ánh sáng, cho trái tim trở nên nồng ấm, cho tình yêu thương âu yếm lấp đầy. Cũng thế, ta có thể chấp nhận không nao núng những đòi hỏi của nền luân lý Kitô giáo và thực hành cách tối đa, nhưng cũng không vì thế mà ta có được niềm hân hoan sung sướng hạnh phúc. Chúng ta có thể làm nhiều điều thiện mà không thương yêu đấy, có thể chân thành nói thật với nhau như thế. Hoặc có yêu thương nhưng yêu thương ít mà chưa đến mức hóa rồ, man man, tang tang, điên dại. Cuộc sống vẫn đôi khi làm điều xấu. Vậy thì sự hoán cải vẫn là lời mời gọi cần thiết biết bao cho mỗi người chúng ta.
Hoán cải có phải chỉ cần cho người tội lỗi?
- Cần cho người tội lỗi!
Thằng em hoang đàng trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (Lc 15,11); và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện (Lc 18,13).
Người ta thường nói là người trở lại là người bỏ đi những trò lố bịch của quá khứ. Đúng là như vậy. “Hãy trở về hỡi những đứa con phản nghịch” (Gr 3,14). Thiên Chúa đã quát lên như thế với những quý tử của Người. Người muốn họ vừa quay trở lại, vừa thống hối. Đã có nhiều người có cuộc đổi đời bằng việc chạy đến với Bí tích hòa giải, bởi vì tội lỗi của họ tích lũy, chất chồng đến ngột ngạt. Sự thú nhận kéo theo sự hoán cải bởi vì nó giúp khám phá ra lòng từ bi thương xót, tức vị Thiên Chúa chân thật “với đặc tính riêng của Người là chạnh lòng thương và hay tha thứ”. Do niềm hân hoan tràn ngập tâm hồn chúng ta, sự tự thú giúp chúng ta nhận ra không những là Thiên Chúa tốt lành, nhưng còn là sự phá đổ hàng rào mà với mức sống bình thường không thể vượt qua được, tức là thân mật hơn, gần gũi hơn, yêu thương âu yếm hơn, nồng nàn bừng cháy trong tim hơn. Khi đó, lệnh truyền không phải là sự sai khiến, nhưng đó lại là lời khuyên để được hạnh phúc.
Có điều là không chỉ có những tội luân lý liên hệ đến sự ô nhơ, sự thiếu thành thật, sự lười biếng. Trước hết, tội lỗi nằm ở trong sự chán nản mà người ta cảm thấy đối với Thiên Chúa, vì Người lạnh lùng, xa vắng, không quan tâm. Có những cuộc sống đâu có lệch lạc, thế nhưng vẫn cần sự hoán cải đặc biệt. Họ nghĩ rằng họ đang sống đàng hoàng nghiêm túc, nhưng tình yêu thì đâu có bó buộc cứng ngắc. Họ không có kinh nghiệm tim đối diện với tim thật ngỡ ngàng mà Chúa đã đề nghị. Họ ngại phiêu lưu, mạo hiểm, ngại tình bác ái vô biên mà không dám đánh liều yêu thương âu yếm nên chỉ bằng lòng và an tâm với một thứ vốn liếng thiêng liêng be bé nó dễ chịu hơn. Do đó, khi họ đến Bí Tích Hòa Giải như đến phòng thu thuế để trả những món nợ nho nhỏ, đôi khi họ cũng buồn buồn về vài lần đi hoang nhưng không hề hối tiếc vì đời sống dửng dưng hững hờ lạnh nhạt. Vì thế, trong những trường hợp này, hoán cải không phải là thôi làm những tên đạo tặc, mà là ưng thuận trở nên những người biết yêu. Giao ước mà Thiên Chúa đã đề nghị là lời tỏ tình, là mối dây liên kết. Các đòi hỏi của luân lý nằm bên trong mối dây tương quan thân mật ấy, chứ chúng không phải là khúc xương để gặm mà Thiên Chúa đã quẳng ra, để rồi chúng ta không sao nuốt nổi mà có nuốt vào thì cũng làm đau dạ dày. Tóm lại, chúng ta đã thấy có khá nhiều Kitô hữu có một nếp sống trật tự đâu vào đó, giữ đạo đều đặn, kinh hạt nghiêm chỉnh nhưng sự hoán cải mà họ thiếu, đó là một sự hoán cải về với niềm vui, về với hạnh phúc.
Khi con tim tha thiết thật sự muốn bỏ đường tà sa đọa về với cuộc sống nâng cao thì tội lỗi cũng trở thành cơ hội để thống hối. Có lẽ Đức Giêsu đã gợi ý đến chuyện đó khi Người nói với các thủ lãnh Israel đang cuộn mình trong phẩm chức của mình: “Tôi nói thật các ông: những người thu thuế, các cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông đấy” (Mt 21,31). Người không dùng cách ấy để ca ngợi lối sống hư hỏng của họ, nhưng Người khoe sự cởi mở của họ với lòng từ bi thương xót. Người cảm mến sự nhạy cảm của họ với ơn tha thứ bởi họ chẳng còn gì để mà tự mãn, Hoán cải, chính là trở nên dễ thấm, là để cho mình được làn nước thấm qua. Có nhiều người không bao giờ thấm ân sủng, bởi vì họ giống như đá cẩm thạch hoa cương láng bóng trên đó nước chỉ trôi đi chứ không thấm vào được.
- Và cần cho cả người “công chính” nữa.
Thằng anh ở nhà trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” và “người Pharisêu lên đền thờ cầu nguyện”.
Vậy sự hoán cải phải được dề nghị không những cho những người tội lỗi ý thức mình như thế, mà hơn nữa còn cho những tâm hồn sống thói quen máy móc và nhất là cho những nhà khắc kỷ đã cứng ngắc trong sự “công chính” của mình. Nhân đức không bị đặt thành vấn đề. Khi đó người ta dễ quên ơn cứu độ của Thiên Chúa, coi thường ân sủng, ơn tha thứ của Người. Người ta xoay sở lấy một mình, người ta tùy thuộc cảm tính của mình mà thôi. Ở đây, hoán cải chính là sự từ bỏ tính tự mãn kiêu căng của mình, là không tự ban tặng cho mình những tấm bằng nhân đức nữa, là thôi sống đóng khung những việc mình làm được, là nhìn nhận tính cao cả của sự thống hối. Hoán cài, đối với một người lớn hay tự mãn về mình, đó chính là sống tinh thần trẻ thơ.
Chúng ta cũng gặp thấy những con người sống trong sự phẳng lặng, đều đặn, hời hợt về đời sống thiêng liêng. Khi họ có phạm tội nhưng cũng chẳng làm cho họ áy náy lương tâm, đó chính là mặt biển phẳng lặng, chính là sự thiếu vắng gió lùa vào các cánh buồm. Vâng, những lần thu gom của chúng ta rồi vận tải đến những nơi tĩnh tâm để đưa họ đến đối diện với Chúa Giêsu Thánh Thể có mục tiêu là thổi Chúa Thánh Thần cho những trái tim đã hết hơi hết sức, là gây nên trong các con tim ấy một đà lao mới, để đưa họ ra khỏi cảnh buồn rầu và cung cấp cho họ một sức năng động. Ngày xưa, trong những ngày tĩnh tâm, những vị giảng tĩnh tâm hay nhắc đến những điều mà ta gọi là “các chân lý vĩ đại”: cái chết, thiên đàng, hỏa ngục, cái rìu đã kề gốc cây, cá đã nằm trên thớt, gạo thóc đã nằm trên nia sàng lọc, loạn lạc, chiến tranh, thiên tai, song thần, núi lửa, động đất… Hầu như đã trở thành những đề tài khủng bố lương tâm. Ngày nay cần canh tân lại cách thức giảng, không cần nhấn trên những nỗi lo sợ kinh hoàng ớn gáy đó. Có một nỗi sợ hãi duy nhất có tính Kitô giáo, đó là lo sợ không yêu thương đủ. Sự sợ hãi không thay thế cho tình yêu và những hoa trái của tình yêu: “Xin đừng để con lìa xa Chúa”. Trong trường hợp này, có lẽ là trường hợp của mỗi người trong chúng ta, hoán cải chính là hồi sinh. Hôm nay cũng như hôm qua, việc cầu nguyện, các bí tích, khổ chế là những phương tiện lớn người Kitô hữu có trong tay để đón nhận “không dứt đoạn khí ôxy Thần Linh”. Như thế, sự hoán cải của chúng ta không phải là đi lên từ vực thẳm, cũng không phải trở về từ miền xa xăm, mà là hít thở đạo Kitô giáo. Vậy, chúng ta đừng sống nửa vời mà hãy khai thác cho đến cùng cái vốn truyền sinh Thánh Tẩy của mỗi người chúng ta. Thiên Chúa không phải là một thứ hơi ngạt nhưng là bầu khí mênh mông cho cơ thể. Nó nâng chúng ta lên khỏi vùng bị ô nhiễm, nghĩa là lên trên sự tầm thường vụn vặt ti tiện thường ngày. Ơn cứu độ Kitô giáo không phải là một cuộc đào thoát trốn chạy tội lỗi, nhưng là có sự thu hút bởi niềm hoan lạc của mình, là Đức Giêsu Kitô; bởi vì Đức Giêsu chuyển hành như một niềm vui đích thực, một sự hấp dẫn thực sự. Không phải là sự từ chối cho bằng là nhờ hy vọng, không phải là bằng sự loại bỏ cho bằng là nhờ tiếng gọi.
Một ơn gọi đưa đến Hoán Cải hay ngược lại...
Đối với một số người có ơn gọi làm thầy thuốc, làm kỹ sư, làm ca sĩ... và họ coi đó là một định mệnh (số mệnh), không có vấn đề thiêng liêng nào cả, không có hành vi tự do nào cả, không có công trạng gì cả, cho dù công việc rất đáng khen và nể phục. Đó là những chuyện ngoài tôn giáo. Ngay cả chức linh mục nếu chỉ giảm thiểu vào chức năng và làm việc như một công chức nhà nước không hơn không kém... Đức Gioan Phaolô II khi đến Ars, ngài đã nài xin các linh mục đừng giảm thiểu mọi sự vào phương diện chức năng. Dĩ nhiên, Giáo Hội cần người linh mục để thực hiện một chức năng chính yếu là đứng vào vị trí Đức Kitô như đầu của Giáo Hội. Nhưng khi công việc loan báo tình yêu, ban tặng tình yêu, thì chỉ có người bạn mới có thể giúp đỡ tốt (Ga 15,15), bạn của ân ban và bạn của nhau. Chúng ta có thể đăng ký vào một xí nghiệp để có công ăn việc làm nhờ vào sự tốt bụng của ông giám đốc xí nghiệp mà không cần phải có sự thôi thúc bên trong, mà cũng chẳng cần biết ai trong nhóm công nhân ô hợp đó; hoặc ký hợp đồng có thời hạn rõ ràng với một ông chủ hãng thầu nào đó để có tiền mà không cần thân thiện... Nhưng còn Tin Mừng thì giả thiết phải có những người say mê yêu mến. Chính vì thế trong Kinh Thánh, các ngôn sứ, các tông đồ, những người có trách nhiệm truyền giáo, đều nhận được một ơn gọi đặc biệt, chứ không phải là có một thiên thần mang đến một bản dự thảo với một chương trình được in sẵn cứ việc ký tên và đóng dấu. Nhưng với một lời đáp lại bằng miệng và thưa với Thiên Chúa một tiếng xin vâng vô điều kiện. Đó là dâng hiến trọn vẹn bản thân, chứ không phải là chuyện giao dịch, chuyện thuê mướn. Chính vì thế, không có ơn gọi nào mà lại không hoán cải, cũng không có cuộc hoán cải nào mà không kèm theo ơn gọi. Đời tông đồ không phải là một chuyện thuê mướn, nhưng là một tình trạng luôn luôn sẵn sàng lên đường với Một Ai Đó. Vậy việc hoán cải này không liên hệ gì đến tội lỗi nhưng nó liên hệ đến việc đánh cá người.
Đừng để ơn Hoán Cải phai nhạt mất...
Có thể chúng ta đã có một cuộc hoán cải: Cuộc gặp gỡ tình yêu và việc đảo lộn con tim. Nhưng chúng ta đã không làm cho nó phong phú thêm lên, dồi dào thêm lên, bừng sáng thêm lên, mà chỉ làm công việc bảo trì, gìn giữ vậy thôi... Rồi cũng có thể có người làm phai nhạt đi, tê liệt đi, nguội lạnh đi lòng nhiệt thành qua một lần gặp thử thách hoặc bị hiểu lầm nào đó. Rồi sự liều lĩnh đã trở nên rụt rè vì những dư luận chung quanh, những lời ì xèo làm cho cuộc sống chịu chấp nhận âm thầm lặng lẽ một mình. Khi đó Thánh Thần nói với chúng ta, không phải làm cho chúng ta khiếp sợ, nhưng để lại phóng chúng ta đi cách mãnh liệt: “Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi... Nhưng ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thưở ban đầu” (St 2,2-4)
Việc cầu nguyện, tĩnh tâm, đọc Lời Chúa, kinh nguyện, sách thiêng liêng, xét mình để biết mình biết Chúa, loan báo... Đó là những phương tiện tốt để nuôi dưỡng, để gìn giữ và nhất là để ân ban được lớn lên. “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành...” (2Cr 4,7)
VẤN TÂM
Như đã nói ở trên, việc cầu nguyện, tĩnh tâm, đọc Lời Chúa, kinh nguyện... phải đưa chúng ta đến việc gặp gỡ Thiên Chúa. Và quanh năm suốt tháng, người Kitô hữu, và đặc biệt là các linh mục chúng ta luôn quan tâm tới việc thờ phượng Thiên Chúa, đọc kinh cầu nguyện, dâng lễ, rước lễ, chịu các phép bí tích, với những nghi thức rất long trọng, sốt sắng. Siêng năng với những công việc đầy tính tôn giáo ấy là một đức tính rất tốt, nó có thể nuôi sống đời sống tâm linh và lòng đạo đức của ta. Tuy nhiên, tất cả những nghi thức đó đều chỉ là những phương tiện để đi đến mục đích này là: gặp gỡ Thiên Chúa. Vậy thì chúng ta cùng nhau suy gẫm xem những việc làm đó có giúp chúng ta gặp gỡ Chúa hay chưa?
Muốn sống đạo một cách chân thực và hữu hiệu, chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng đâu là mục đích, đâu là phương tiện. Nếu không, chúng ta rất dễ dừng lại ở phương tiện, coi phương tiện là mục đích, để rồi chẳng đạt được mục đích mà những phương tiện đó nhắm tới.
Thử hỏi, nếu những nghi thức tôn giáo mà chúng ta thực hiện quanh năm ấy mà không dẫn chúng ta đến mục đích của chúng là gặp gỡ Thiên Chúa, thì việc thực hiện ấy có ích lợi gì? Chỉ khi nào thực sự gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta mới thật sự có sức mạnh và mới thật sự được biến đổi. Vì thế, chúng ta cần phải thực hiện cho bằng được trong đời sống mình công việc tối quan trọng này: gặp gỡ Thiên Chúa. Gặp gỡ Ngài ngay trong chính bản thân ta, đó chính là bản chất của cầu nguyện, là lương thực nuôi dưỡng tâm linh ta.
Muốn sống đạo một cách chân thực và hữu hiệu, chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng đâu là mục đích, đâu là phương tiện. Nếu không, chúng ta rất dễ dừng lại ở phương tiện, coi phương tiện là mục đích, để rồi chẳng đạt được mục đích mà những phương tiện đó nhắm tới.
Thử hỏi, nếu những nghi thức tôn giáo mà chúng ta thực hiện quanh năm ấy mà không dẫn chúng ta đến mục đích của chúng là gặp gỡ Thiên Chúa, thì việc thực hiện ấy có ích lợi gì? Chỉ khi nào thực sự gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta mới thật sự có sức mạnh và mới thật sự được biến đổi. Vì thế, chúng ta cần phải thực hiện cho bằng được trong đời sống mình công việc tối quan trọng này: gặp gỡ Thiên Chúa. Gặp gỡ Ngài ngay trong chính bản thân ta, đó chính là bản chất của cầu nguyện, là lương thực nuôi dưỡng tâm linh ta.
HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU
Việc gặp gỡ với Đức Kitô làm thay đổi cuộc đời của một con người, như câu chuyện của Giakêu dạy cho chúng ta. Và sự việc đó cũng xảy ra với những người tội lỗi đã gặp gỡ Chúa Giêsu trên con đường của họ. Trên thánh giá một cử chỉ tha thứ tuyệt đối và hy vọng đã được ban cho người tử tội vì anh ta thực hiện sự hoán cải lúc đi tới bờ cuối cùng giữa sự sống và sự chết và đã nói với bạn mình, “chúng ta chịu thế này là đích đáng, vì xứng với tội ác đã làm” (Lc 23,41). Anh ta nài xin: “Khi ông vào nước của ông xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu trả lời: “Quả thật, tôi bảo anh, hôm nay anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng”. Vì thế, sứ vụ trần thế của Đức Kitô được bắt đầu bằng một lời mời gọi hoán cải để đi vào Nước Thiên Chúa, kết thúc bằng một cuộc hoán cải và một cuộc bước vào nước của Ngài.
Trong sách Khải Huyền, chính Đức Kitô không ngừng khuyên bảo hoán cải (Kh 2,5), nhưng điều này được kèm theo những lời hứa kỳ diệu về tình thân với Đấng cứu độ (Kh 3,20-21). Vì thế, đối với mọi người tội lỗi, cánh cửa của niềm hy vọng luôn luôn mở ra. “Con người không bị bỏ rơi một mình trong nỗ lực, qua trăm nghìn cách thường gây nản lòng, làm một cuộc lên trời vô vọng. Có một nhà tạm vinh quang, đó là ngôi vị cực thánh của Chúa Giêsu, nơi mà Thiên Chúa và con người gặp nhau trong một vòng tay âu yếm mãi mãi không hề phân ly. Ngôi Lời đã trở nên xác phàm, giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Ngài đổ tràn thiên tính vào trong tâm hồn bệnh hoạn của nhân loại, và khi làm cho thấm đẫm bằng Thánh Thần của Chúa Cha, làm cho nó trở nên Thiên Chúa nhờ ân sủng”.
Giuse Nguyễn Văn Phán
Phó xứ Phước Vĩnh
Trong sách Khải Huyền, chính Đức Kitô không ngừng khuyên bảo hoán cải (Kh 2,5), nhưng điều này được kèm theo những lời hứa kỳ diệu về tình thân với Đấng cứu độ (Kh 3,20-21). Vì thế, đối với mọi người tội lỗi, cánh cửa của niềm hy vọng luôn luôn mở ra. “Con người không bị bỏ rơi một mình trong nỗ lực, qua trăm nghìn cách thường gây nản lòng, làm một cuộc lên trời vô vọng. Có một nhà tạm vinh quang, đó là ngôi vị cực thánh của Chúa Giêsu, nơi mà Thiên Chúa và con người gặp nhau trong một vòng tay âu yếm mãi mãi không hề phân ly. Ngôi Lời đã trở nên xác phàm, giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Ngài đổ tràn thiên tính vào trong tâm hồn bệnh hoạn của nhân loại, và khi làm cho thấm đẫm bằng Thánh Thần của Chúa Cha, làm cho nó trở nên Thiên Chúa nhờ ân sủng”.
Giuse Nguyễn Văn Phán
Phó xứ Phước Vĩnh