Clock-Time

Suy Niệm Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Phú Cường

Giáng sinh là một lễ để làm nổi lên một khía cạnh của mầu nhiệm Phục sinh quá phong phú, nhờ việc nhắc lại cuộc giáng sinh trần gian của Chúa Giêsu.
TRẺ THÁNH - SUY NIỆM MÙA GIÁNG SINH
 
Kitô giáo chỉ có một lễ mà mọi lễ khác đều phải chiếu mắt vào, đó là Phục sinh, một lễ thật huy hoàng.

Tuy nhiên, có nhiều lễ khác, và phải có như vậy, vì Phục sinh là một lễ quá phong phú và không thể ôm đồm một lần. Phải có lễ riêng thứ Năm, thứ Sáu tuần Thánh, phải có lễ Thăng Thiên, Hiện Xuống, Chư Thánh. Bởi vì, dù đã được dạy dỗ về mầu nhiệm Phục sinh, tâm trí chúng ta vẫn không thể lĩnh hội trong một ngày tất cả mầu nhiệm cứu chuộc, thật độc đáo và đa diện, cùng với tất cả những ơn phong phú của nó, nên chúng ta phải mừng riêng lễ Giáng sinh, cũng là một khía cạnh của mầu nhiệm Phục sinh. Đó là việc nhập thể cứu độ của Chúa Giêsu Cứu Thế.

Giáng sinh là một lễ để làm nổi lên một khía cạnh của mầu nhiệm Phục sinh quá phong phú, nhờ việc nhắc lại cuộc giáng sinh trần gian của Chúa Giêsu.

 

I. GIÁNG SINH LÀ SINH NHẬT

 
Trong lễ Giáng sinh, điều làm cho tâm hồn Giáo Hội chan chứa tình yêu êm ái, không phải là cuộc quang lâm của ngày phục sinh, cuộc vinh thăng của Chúa đến trên mây trời để phán xét các quyền lực của sự chết và của địa ngục, nhưng là cuộc quang lâm ở trong một cuộc giáng sinh thánh thiện. Trong lễ Giáng sinh, lời sứ thần ở Bêlem đã nói với chúng ta: “Nay ta loan cho anh em một tin mừng trọng đại: hôm nay Chúa Cứu Thế đã giáng sinh cho anh em” (Lc 2,10). Chúng ta đến đó để chiêm ngưỡng Chúa vinh quang cùng với mầu nhiệm của Người qua kỷ niệm của ngày giáng sinh.

Bốn tuần lễ chờ đợi đã chuẩn bị cho chúng ta, chờ đợi không phải là không sợ, bởi vì việc Chúa đến luôn bao hàm lời đe dọa xét xử. Nhưng thật dễ thương làm sao: Chúa đến trong một cuộc giáng sinh thánh thiện!

Nhiều bản văn phụng vụ đã mô tả sự gấp rút việc Chúa đến: “Này Chúa đến trên mây với uy quyền vĩ đại… năm này nữa Chúa sẽ đến… ngày mai tội lỗi sẽ được xóa bỏ. Sáng sớm anh em sẽ thấy vinh hiển Ngài”. Và đến ngày kì diệu ấy, chính lời sau đây đã đưa Chúa Kitô đến với chúng ta: “Con là con Ta, hôm nay Ta đã sinh ra Con”. Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử “trong ngày vĩ đại và kinh khủng” (Mal 3,23) bằng cuộc giáng sinh thánh thiện này. Ơn cứu rỗi đến với ta trong một cuộc giáng sinh: Vua vinh hiển đến bằng cách sinh ra, và niềm hân hoan quang lâm làm cho trái tim Giáo Hội chan chứa lại là chính niềm hân hoan khiến trái tim loài người phải kêu lên ở trước một hài nhi mới sinh: “Chúa đã làm cho sự vui mừng thật vĩ đại… một hài nhi đã sinh ra, một trẻ thơ đã được ban cho chúng ta” (Is 9,2-5).

Khi nói “một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta”, phụng vụ nhắc lại một kỉ niệm, cuộc giáng sinh của Chúa Cứu Thế. Giữa đêm khuya trang trọng, khi đọc lại lời “Con là Con Ta, hôm nay Ta đã sinh ra Con”, phụng vụ có ý nói đến việc Chúa Con giáng sinh làm Chúa Giêsu cứu thế: “Hôm nay Chúa đã sinh ra cho ta và Ngài sẽ được tuyên xưng là Đấng tuyệt diệu”. Chính cuộc giáng sinh làm người của Con Thiên Chúa, mà chúng ta đã nức lòng chờ đợi trong mùa Vọng. Trong lễ Giáng sinh, phụng vụ kỷ niệm việc giáng sinh của Chúa Giêsu ở trần gian và đưa vào trong ngày hôm nay của ta, cái “ngày hôm nay” vĩnh cửu mà con người Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, hằng sinh ra.

 

II. CUỘC GIÁNG SINH ĐỜI ĐỜI CỦA CHÚA KITÔ

 
Bởi vì ở trong con người Chúa Giêsu, có một mầu nhiệm Giáng sinh đời đời, một mầu nhiệm làm con mà Giáo Hội trong đêm nay muốn kinh nghiệm một cách khác thường, và đó cũng là mầu nhiệm của ơn cứu độ chúng ta.

Chúa Kitô vẫn gọi các môn đệ của Nước Trời là “trẻ nhỏ” (Mt 10,42; 18,6; Mc 9,42; Lc 17,2); Người gọi họ bằng danh xưng khiêm tốn và âu yếm đó, vì tất cả họ đều giống như con trẻ. Các tác giả Phúc Âm biết như thế, nên đem những lời Người đã nói với các “trẻ nhỏ” kia, đặt liền với những lời nói về trẻ con. Một hôm, Người đặt một em bé vào giữa đoàn môn đệ và lấy nó làm gương mẫu cho những ai muốn thuộc về Nước Trời: “Nếu chúng con không trở nên trẻ nhỏ, thì…” (Mt 18,3). Thế mà Chúa Giêsu lại biết rõ mình chính là Nước Trời đã đến trong thế gian và là mẫu mực của tất cả mọi môn đệ của Nước Trời. Theo lời thánh Phaolô, thì chính Chúa Kitô là người mà chúng ta phải mặc lấy. Đòi hỏi đó phù hợp hoàn toàn với đòi hỏi mà Chúa đã đưa ra, bởi vì con trẻ được đặt ở giữa loài người để tất cả phải khiêm nhường lấy làm mẫu mực, chính là Con Thiên Chúa, là Chúa Giêsu “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).

Đối với Chúa Cha, Chúa Giêsu vẫn giữ một cái gì rất trẻ nhỏ. Người thường nói về cha “mình”; quyền lực của Người khiến Người tự phụ một cách hiếu thảo: “Chúa Cha đã ban cho Ta cái gì… thì chẳng ai có thể lấy được khỏi tay Cha Ta” (Ga 10,29). Người tin tưởng hoàn toàn vào Chúa Cha: “Lạy Cha, Con biết bao giờ Cha cũng nghe lời Con” (Ga 11,42). Ở trên Thánh giá, Người ngạc nhiên một cách đau đớn: “Sao Cha lại bỏ Con?” (Mt 27,46). Và vào giây phút cuối cùng của cuộc đời trần gian, hiếu thảo hơn bao giờ hết, Ngài đặt mạng sống mình ở trong tay Chúa Cha. Phải, bao giờ Người cũng là Con.

Và Chúa Cha đã nhận Người vào trong mình. Và khi đưa tất cả con người của Người vào trong hiện hữu sâu thẳm của mình, vào trong cung lòng mình, Chúa Cha đã hủy bỏ hoàn toàn thân phận nô lệ của Người, đưa cả bản tính loài người trước đây hay chết của Người vào tận nguồn sống đời đời hằng sinh ra Chúa Con, để sinh Ngài ra làm Con Chúa một cách hoàn toàn, đọc trên Ngài lời sau đây trong lúc vinh thăng Ngài: “Con là Con Ta, hôm nay Ta đã sinh ra Con” (Act 13,33).

Chẳng bao giờ Chúa Giêsu còn có thể đi xa hơn giây phút giáng sinh thánh thiện này nữa. Cả con người toàn diện của Người đã được cố định ở trong giây phút khởi nguyên này, tức là giây phút nhận được sự hiện hữu thần linh. Ađam xưa càng sống càng già đi; và ở nơi ta con người ấy càng đi càng lụm khụm, ở nơi Chúa Giêsu thì khác, con người cứ trẻ và mới mãi, luôn luôn nằm ở nguồn mạch của sự mới mẻ: hôm nay và mãi mãi con người ấy hằng được Thiên Chúa sinh ra.

Thiên Chúa đã đón nhận Con Người, người Con đã yêu Người hết tình đến nỗi chẳng còn muốn ở đâu nữa ngoài ra ở nơi Người. Người đón nhận người vào chính tình yêu của Ngài là Thánh Thần, bao bọc, xâm nhập và làm cho Người sống bằng Thánh Thần (x. 1Cor 15,45), và như vậy đã phục sinh Người (Rom 8,11). Thế mà ở trong Thánh Thần thì được sinh ra bởi Chúa. Cựu ước đã công nhận Thánh Thần là nguyên lý phong phú của Thiên Chúa và Tân ước coi Thánh Thần là suối nước ban sự sống làm Con. Chính Thánh Thần đã thiết lập Trinh nữ Maria thành Mẹ Thiên Chúa: “Vì vậy, con trẻ sinh ra bởi bà sẽ được xưng là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở Giođan, biến cố báo trước và biểu tượng cho việc tử nạn phục sinh, Thánh Thần đã xuống trên con người chịu phép rửa bằng tử nạn, và sự hiện xuống của Thánh Thần đã khiến Chúa Cha tuyên bố: “Con là Con Cha”. Thế nên ai muốn được tái sinh làm con cái Chúa đều phải dìm mình vào trong Thánh Thần và trong nước biểu tượng Thánh Thần “Nếu ai không sinh lại bởi nước và Thánh Thần…” (Ga 3,5). Thánh Thần là lòng Thiên Chúa để sinh ra con cái Chúa; Chúa Giêsu đã đi vào trong đó ở nơi Chúa Cha để “được thiết lập làm con Thiên Chúa toàn năng nhờ việc phục sinh từ kẻ chết” (Rom 1,4).

Chính nhờ Thánh Thần mà Chúa Phục sinh được luôn luôn mới mẻ, tươi mát, bởi vì Thánh Thần là tuổi trẻ của Thiên Chúa, là sức mạnh hiện thân của Ngài, là định nghĩa về mầu nhiệm Thiên Chúa. Quả vậy, Ngài chẳng là thần trí của sự sống sao (Rom 8,2), vì Thiên Chúa là Đấng hằng sống? Trong suốt cả bộ Kinh Thánh, Ngài chẳng phải là sự toàn năng hành động của Thiên Chúa sao, vì Thiên Chúa chính là Đấng toàn năng? (Mt 26,64). Thiên Chúa còn là thánh thiện và siêu việt, nên ở trong Kinh Thánh, Thánh Thần cũng được coi là Thần Trí sự thánh thiện, là hiện thân của Đấng siêu việt. Thiên Chúa là tình yêu, thì Thánh Thần cũng là tình yêu của Thiên Chúa được đổ xuống cho tâm hồn ta (Rom 5,5). Thiên Chúa là tình thân (Jn 4,24), nên Thánh Thần là hiện thân của Thần Trí Thiên Chúa. Vì Ngài diễn tả bản tính Thiên Chúa, nên ai được Ngài làm cho sống động, cũng được sự trẻ trung của Thiên Chúa, cũng mang sắc thái của Thiên Chúa, cũng được trở nên hình ảnh người con của Thiên Chúa.

Khi phục sinh, Chúa Giêsu là Đấng mà thế giới thiên thần, loài người và hỏa ngục đều phải quỳ gối thờ lạy.

 

III. ƠN CỨU ĐỘ CỦA TA NẰM Ở TRONG CUỘC GIÁNG SINH NÀY

 
Cuộc giáng sinh thánh thiện của Đức Kitô là việc Chúa đến như mùa Vọng đã hứa. Còn việc Người sinh ra làm Con Thiên Chúa là hành vi Thiên Chúa can thiệp để cứu độ, là ơn cứu độ con người ra khỏi già nua và suy nhược. Hành vi Chúa Cha sinh Chúa Con ra trong sự sống vinh hiển và sung mãn là để cho ta, vì Chúa Kitô đã phục sinh cho ta. Khi ta kết hợp với Người, ta cũng được đưa vào chính cuộc giáng sinh này, được đưa lên khỏi sự suy nhược của con người cũ và được cố định ở trong chính nguồn mạch phát sinh ra sự sống, ở trong chính lúc Chúa Cha sinh ra Chúa Con từ đời đời, ở trong chính lúc Chúa Cha vinh thăng Chúa Giêsu, vì “chúng ta cũng đã được sống lại với Ngài”. Trong Chúa Kitô, mọi tín hữu đều là con trẻ, sinh bởi Thiên Chúa trong Thánh Thần. Những người càng thánh thiện nhất lại càng là những con trẻ kỳ diệu. Vẫn biết, bao lâu còn sống ở đời này, họ chỉ là tạo vật thật mới ở trong cội rễ, ở trong nguyên lý là Chúa Kitô thôi. Họ còn phải chịu định luật suy nhược do tuổi tác ở trong con người cũ mà họ chưa thể giũ bỏ hoàn toàn (2 Cor 4,16). Nhưng vì càng ngày càng đi gần tới nguyên lý và biến hóa sang Ngài, nên càng ngày họ càng trẻ lại. Tham dự nhiều hơn vào cuộc giáng sinh thánh thiện ở trong Đức Kitô. Một ngày kia, khi mầu nhiệm giáng sinh của họ mà đêm nay họ cử hành, hoàn tất thành quang lâm vinh hiển, thì họ sẽ được vinh thăng toàn diện và mãi mãi ở trong sự giáng sinh của Chúa, nhờ hành vi vinh thăng độc nhất và đời đời của Thiên Chúa ở trong Chúa Kitô.

Bấy giờ mọi tạo vật sẽ trở thành hiếu thảo, tham dự vào sự trẻ trung muôn thuở của con cái Chúa (Rom 8,21). Chính vì linh cảm sâu xa và mãnh liệt ràng buộc giáng sinh của Chúa Giêsu có một âm vang hoàn vũ, mà trong lễ Giáng sinh, toàn dân Thiên Chúa đem kết hợp vào niềm hân hoan của mình, nào là ánh sáng của các vì sao, nào là cảnh trời mùa đông, nào là tiếng súc vật, nào là giọng ca của các thiên sứ.

Lúc đầu đã có con người cũ, đã có tội lỗi và sự chết, nhưng sau cùng ơn cứu độ đã đến, ở trong một trẻ thơ thánh thiện, ở trong Chúa Kitô, là “con người mới” mà Chúa Cha đã sinh ra cho chúng ta.

Đó là ơn cứu độ và là can thiệp của Thiên Chúa vào “thời kỳ sau hết” đó là ơn của lễ Giáng sinh: Thiên Chúa cứu chuộc loài người, Ngài cứu họ khỏi già nua, bằng cách sinh họ ra ở trong Con Ngài là Chúa Giêsu.
Là lễ phục sinh và quang lâm, là lễ vinh thăng và hiện đến cứu chuộc, Giáng sinh là tất cả những sự đó bởi vì là lễ của cuộc giáng sinh thánh thiện, là nội dung cốt yếu của mầu nhiệm vinh thăng và hiện đến phục sinh.

Giáng sinh gợi lại cuộc giáng sinh ở trần gian, khai mạc cho việc Chúa Cứu Thế đến. Giáng sinh hiện đại hóa Chúa Kitô trong cuộc giáng sinh sung mãn vĩnh cửu ở trong Thiên Chúa, tức là trong vinh hiển phục sinh, nơi hoàn tất việc nhập thể và kiện toàn việc Chúa Cứu Thế đến: hôm nay, Chúa Giêsu sinh ra một cách mầu nhiệm ở giữa ta, thông ban cho ta sự sống mà Người được sinh ra cho ta, để phục sinh ta. Cuộc giáng sinh lại nằm trong sự chết, uy quyền toàn năng lại nằm trong một Hài nhi Thánh, lòng yêu hiếu thảo lại ở trong một bi kịch vĩ đại, tất cả những sự đó làm cho hình ảnh Chúa Kitô vừa có một vẻ uy nghi sâu thẳm lại vừa có một vẻ dịu dàng khôn tả; tạo nên ở trong lòng Giáo Hội một tình yêu thật tin tưởng, thật âu yếm và một thờ lạy thật vô cùng, liên kết với nhau một cách rất hài hòa.

Là sinh nhật nhờ kỷ niệm được gợi lại và nhờ thực tại được hiện đại hóa, lễ Giáng sinh đối với Dân Chúa như là một ngày lễ gia đình, và in trên lòng đạo đức của tín hữu một dấu hiệu đặc biệt: đó là một niềm vui thờ lạy pha trộn với một sự thân mật. Lòng chúng ta yêu mến Chúa Kitô mặc một hình thức âu yếu. Thiên Chúa bằng lòng để cho con Ngài được yêu thương như thế ở trong ngày hôm nay, bởi vì nếu Ngài đã căng lên ở trong tâm hồn ta sợi dây tình cảm âu yếm mà một cái nhìn của trẻ thơ cũng đã làm bật lên cung, thì Ngài cũng muốn cho sợi dây đó, cũng như một sợi dây khác, rung lên cho con Ngài.
 

VẤN TÂM

 
Khi suy tư về đời sống của Đức Kitô trong chúng ta, ta thường suy nghĩ về 3 cuộc sinh ra:

1. Từ đời đời Ngôi Lời đã do Cha sinh ra, xuất phát từ Cha, được sinh ra do tình yêu của Cha và luôn trước mặt Cha với tâm tình biết ơn và ngưỡng mộ. Tuy không phải là một hành động diễn ra trong lịch sử, cuộc sinh ra từ đời đời này chính là ơn nghĩa đầu tiên của mọi ơn nghĩa được ban cho thế gian. Chúa Cha sinh ra Con do tình yêu của mình và chia sẻ với Con tất cả trong Thánh Thần: hỡi Con, tất cả những gì của Cha là của Con!

2. Cuộc sinh ra trong lịch sử của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người có ý nghĩa là nhờ cuộc sinh ra từ đời đời kia. Cả hai cuộc sinh ra đều phát xuất từ cùng một tình yêu. Chúa Cha đã sinh ra Ngôi Lời từ đời đời do tình yêu tuyệt đối, Con cũng yêu quý ý muốn của Cha và ở lại giữa loài người để cứu độ họ bằng cách mặc khải cho họ thấy quyền năng vô hạn của Thiên Chúa.

3. Còn trên bình diện sống đạo, khi Đức Giêsu hiện diện trong chúng ta là mọi sự đã hoàn thành. Đây là cuộc sinh ra nhiệm mầu thứ ba, và mầu nhiệm đó đang được thực hiện: “Không còn phải là tôi sống nữa, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Ngôi Con nhập thể sinh ra tại Belem và rồi tiếp tục được sinh ra nơi tâm hồn những ai tiếp nhận Ngài, những ai muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.

Chúng ta có thực sự luôn mang trong lòng khao khát nên đồng hình dạng với Chúa không? Có mang ước mong đem Chúa đến với người khác không?

Nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu đến độ cũng có thể nghe được lời này: “Con là Con Ta, ngày hôm nay Cha sinh ra Con” (Tv 2,7) và họ cố gắng đáp lại như Con Thiên Chúa đã làm: “Lạy Cha, này Con đến để thực thi ý Cha” (Dt 10,9). Tôi có ý thức tìm thánh ý Chúa trong cuộc sống không?
 

HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU

 
GIÁNG SINH LÀ MỘT LỄ CÓ TÍNH CÁCH PHỤC SINH VÀ QUANG LÂM

Trước khi từ giã đời này, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ta ra đi và Ta sẽ đến” (Ga 14,28). Chúa Giêsu đã đến ngự trên mây trời ở bên hữu Thiên Chúa ngay từ ngày phục sinh, trở thành người nắm giữ vận mạng của thế giới và thiết lập Nước Trời, như Chúa Giêsu trong Phúc Âm nhất lãm đã loan báo ở trước toà án Do Thái. Ngày đó Ngài cũng đã đến ở trong nơi thâm sâu lòng trí của Giáo Hội, ở đó bằng sức mạnh Thánh Thần, xét xử thế gian và trục xuất thủ lãnh thế gian và phục sinh kẻ chết, như Chúa Giêsu ở trong Phúc Âm thứ tư đã loan báo về việc Đấng Thiên Sai đến để cứu Dân Chúa, về việc phục sinh và xét xử kiện toàn thế giới.

Cuộc vinh thăng phục sinh lập tức đưa Chúa Giêsu vào giai đoạn cuối cùng của việc Người đến, giai đoạn tột đỉnh của việc Người đến, giai đoạn tột đỉnh của việc Người hiển linh và cứu thế. Tất cả các mầu nhiệm “Chúa đến” được hoàn tất tức khắc ở trong con người của Người: Nước Trời đã đến một cách đầy đủ ở trong con người Chúa Giêsu; Thiên Chúa ngự trị một cách trọn vẹn ở trong con người Người và thể hiện ở nơi Người ý chí quyền năng của Người cũng là chính Thánh Thần; Thiên Chúa ban cho Người sự cứu độ của ngày sau hết khiến Người được sống trong sức mạnh đời đời là chính Chúa Thánh Thần. Ngày ấy, Chúa Giêsu đã trở thành “Chúa” của ngày quang lâm, nơi tập hợp tất cả sự sung mãn thần linh của thế giới mai sau. Người trở thành cứu thế cho những ai mở lòng đón nhận ơn cứu độ; và trở thành án phạt cho những ai từ chối. Người là vị thẩm phán phân chia người ta vì Người là cứu thế, thiết lập ở giữa thế giới tội lỗi nước công chính và thánh thiện của Chúa. Biến cố phục sinh là hành động can thiệp tối hậu của Thiên Chúa thể hiện một cách hoàn toàn ở trong con người Chúa Giêsu, để từ Người, sẽ ảnh hưởng tới tất cả nhân loại.

Bổn phận của Giáo Hội là phải đi về ngày cuối cùng, là ngày đang thể hiện giữa lòng lịch sử của mình. Giáo Hội phải biến đổi mình sang Chúa Kitô phục sinh, càng ngày càng phải trở nên thân thể của Người. Bằng sự chết đi cho mình và nhờ tình yêu sống động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội phải chấp nhận để cho cuộc chiến thắng quang lâm, đã thể hiện hoàn toàn nơi Chúa Kitô, cũng thể hiện và phát huy lên ở nơi mình.
Mỗi năm, lễ Giáng sinh lại cử hành và bằng mầu nhiệm hiện đại hóa công việc Chúa đến - một biến cố vừa có tính cách thế mạt và có tính cách phục sinh, để công việc ấy thể hiện ở nơi ta. Giáng sinh là một lễ quang lâm vậy.
 
LM. Giuse Nguyễn Ngọc Đức
Chánh xứ Thala