Clock-Time

Muối Men Cho Đời 254 | Bài Giảng Chúa Nhật XVI Mùa Thường Niên - Năm A | Mt 13:24-43 | Lm. Giuse Nguyễn Văn Thân

Nước Trời là một mầu nhiệm, con người chỉ có thể biết, nhờ được Chúa mạc khải cho. Khi giảng dạy về mầu nhiệm Nước Trời, Chúa Giêsu đã cẩn thận diễn tả mầu nhiệm ấy bằng các dụ ngôn. Chúa Nhật 16 thường niên, năm A hôm nay, Chúa kể 3 dụ ngôn: cỏ lùng, hạt cải và men trong bột. Kính mời quý ông bà và anh chị em cùng lắng nghe Tin Mừng...

MUỐI MEN CHO ĐỜI
BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT XVI MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM A
Tin mừng: Mt 13:24-43
LINH MỤC Giuse Nguyễn Văn Thân


 

DỤ NGÔN CỎ LÙNG, HẠT CẢI VÀ MEN TRONG BỘT

Kính thưa quý ông bà và anh chị em

Khi giải thích dụ ngôn người gieo giống cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã cho biết số phận các hạt lúa gieo bên vệ đường, trên đá sỏi và giữa bụi gai, bản chất hạt lúa giống là tốt và tràn đầy sức sống, nhưng hạt thì bị quỷ dữ cướp mất, hạt thì không trụ nổi trước những gian nan ngược đãi, hạt thì bị vinh hoa phú quý bóp nghẹt; chỉ có hạt rơi vào đất tốt mới sinh hoa trái gấp trăm, sáu chục hoặc ba mươi.

Với dụ ngôn cỏ lùng, Chúa cho thấy, hạt lúa tốt lành, ngay cả khi được gieo vào đất tốt, vẫn luôn bị kẻ thù tìm cách phá hoại, chúng có mưu đồ và kế hoạch phá hoại rất tinh vi. Không chỉ gian manh cướp đi từng hạt giống riêng lẻ, mà còn hòng tiêu huỷ cả cánh đồng đang hứa hẹn mùa màng tươi tốt. “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa rồi đi mất” (Mt 13, 24-25). Kẻ thù gieo cỏ lùng vào mảnh đất tốt, khiến mảnh đất tốt vô tình chỉ phục cho sự phát triển vô ích của cỏ lùng. Tình trạng cỏ lùng, lúc đầu non xanh như lúa, thoáng nhìn, xem ra cũng thích mắt, nhưng nó ngày càng mọc nhanh lan mạnh, nhiều hơn mức bình thường vì có bàn tay kẻ thù hỗ trợ, khiến cây lúa bị o ép lấn át trông rất xót xa. Các đầy tớ thắc mắc và nóng lòng đến xin chủ nhà sai đi nhổ cỏ lùng. Nhưng chủ nhà đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt” (c 29-30). Cỏ lùng không bị nhổ bỏ ngay; còn cây lúa thì ngày ngày phải chống trọi với nhiều áp lực mưu mô của quân thù. Đồng lúa đã tràn lan cỏ lùng. Phải chờ đến mùa gặt, chủ mới tách biệt giống loài. Thân phận của hạt lúa được gieo vào đất tốt, giờ đây, phải vui lòng chấp nhận và kiên nhẫn sống bên cỏ lùng. Quả là một thách thức nặng nề đối với thân phận cây lúa mong manh yếu mềm. Cây lúa cần sáng suốt, không được để mình bị thoái hoá hay bị khuất phục bởi cỏ lùng, nhưng phải kiên trì tự sức vươn lên cho đến mùa gặt. Tình trạng vàng thau lẫn lộn, lành-dữ, sáng-tối, tốt-xấu, sống-chết, thánh thiện- tội lỗi, hạnh phúc- khổ đau … trong Giáo Hội và xã hội hiện nay, đòi hỏi người môn đệ của Chúa, một đàng, phải có tình bác ái khoan dung yêu thương hết mọi người, quảng đại chấp nhận nhau, như bản chất cây lúa tốt nhẫn nại sống bên cỏ lùng; nhưng đàng khác, phải mạnh mẽ tìm cách giới hạn và đẩy lui sự ác; nỗ lực canh tân bộ mặt trái đất, tích cực thánh hoá ngôi nhà chung, Tin Mừng hoá môi trường chung sống và làm cho sự thiện ngày càng thắng thế để Nước Chúa sớm hiển trị.

Đức Thánh Cha Phanxicô, đã viết trong thông điệp Fratelli Tutti, số 95 đã viết: “Tình yêu thúc đẩy chúng ta tiến tới sự hiệp thông phổ quát. Không ai có thể trưởng thành hoặc tìm thấy sự viên mãn bằng cách tự cô lập mình. Tự bản chất, tình yêu đòi một tính cởi mở ngày một tăng tiến, một khả năng lớn hơn đón nhận người khác, trong cuộc phiêu lưu liên tục, một cuộc phiêu lưu hướng mọi vùng ngoại vi tới một cảm thức thực sự thuộc về nhau. Đức Giêsu nói với chúng ta: “Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23, 8)”.

Trách nhiệm trên đây quả là một thách thức vượt quá sức tự nhiên của con người. Nhưng qua dụ ngôn hạt cải, Chúa cho biết sức mạnh phát triển nội tại của Nước Chúa. Hạt cải nhỏ bé nảy nở thành cây rau to lớn, không thể cân đo bằng các phương tiện phàm trần, nhưng bằng tầm ảnh hưởng rộng lớn đến độ, chim trời muôn phương, đến nương náu trên cành cây rau đó. Hạt cải nhỏ bé đó là chính Chúa Giêsu, một hài nhi mới sinh, được đặt nằm trong máng cỏ, sống nghèo khó ẩn dật tại làng quê Nazarét chẳng ai biết đến, chết cách cô đơn tủi nhục trên thập giá, rồi được mai táng trong ngôi mộ mượn của ông Giuse Arimathê. Chúa Giêsu là hạt giống nhỏ bé được Thiên Chúa gieo vào ruộng. Hạt giống nhỏ bé này sẽ thành cây toả bóng mát tình thương cứu độ bao phủ cả địa cầu.

Chúa cũng dùng dụ ngôn men trong bột để nói về sức biến đổi của Nước Trời. Một nắm men có thể làm cho ba thúng bột dậy men. Nước Trời khởi đầu nhỏ bé với Chúa Giêsu, nhưng sẽ biến đổi cả thế giới.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em

Nước Trời quả là một mầu nhiệm! vượt xa điều trí khôn con người có thể hiểu được. Giáo Hội là hình Nước Trời. Giáo Hội cũng là một mầu nhiệm, một thực tại thần- nhân. Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội để tiếp tục yêu thương hết mọi người. Ngài nhẫn nại chờ đợi con người cải thiện đời sống. Ngài nhập thể và nhập thế, tìm kiếm các tội nhân. Ngài nhẫn nại chịu đựng, tha thứ không giới hạn.

Thánh Phaolô thường đồng nhất Giáo Hội với Chúa Kitô, khi gọi Giáo Hội là thân mình Chúa Kitô (Rm 12, 2). Vì thế, Giáo Hội cốt yếu là mầu nhiệm hiệp thông. Mỗi người tham dự vào mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội vừa theo chiều dọc, vừa theo chiều ngang: Hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa, và hiệp thông giữa các tín hữu với nhau trong thân mình Chúa Kitô. Sống hiệp thông bao hàm một tương quan sâu sắc trong hiểu biết và thương yêu.

Giáo Hội hoạt động theo sự thúc đầy của Chúa Thánh Thần, nên mặc dù những yếu đuối lỗi lầm, những mâu thuẫn xáo trôn, chống đối hay xung đột có thể xảy ra giữa các phần tử của mình, Giáo Hội vẫn luôn đừng vững, vì chính Chúa Thánh Thần không ngừng hướng dẫn Giáo Hội thi hành sứ vụ, nhất là sứ vụ truyền giáo và cầu nguyện cho toàn thể nhân loại. Đây không phải là vấn đề biết cầu nguyện, cũng không phải vấn đề biết nói ra những điều cầu nguyện, mà là vấn đề cầu nguyện thế nào cho đúng đắn phải phép. Điều này, chỉ có Thánh Thần có thể làm vì Ngài biết ý định của Thiên Chúa, như Thánh Phaolô đã xác tín: Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên xiết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đứng ý Thiên Chúa”.

Do đó, đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu có phát triển như hạt cải hay mạnh mẽ như nắm men, chính là nhờ ảnh hưởng ngày càng nhiều của Thánh Thần.

Nước Trời được Chúa vì như

Người gieo lúa tốt đầy dư ruộng mình

Chẳng nề vất vả hy sinh

Nhưng luôn hy vọng với tình mến yêu

Thế rồi vào một buổi chiều

Mọi người say ngủ thả diều trong mơ

Kẻ thù lợi dụng thời cơ

Đem ngay cỏ dại gieo vô ruộng vườn

Từ nay lúa, cỏ cùng vươn

Tranh giành quyền sống trong vườn nhân sinh

Thợ vườn nóng nảy tâu trình

Xin chủ cho phép triệt tinh cỏ lung

Nhưng chủ nhẫn nhịn ung dung

Đợi cho đến ngày cánh chung rồi bàn

Bây giờ ở khắp trần hoàn

Cỏ lùng đang mọc tràn lan thế này

Nếu vội vã nhổ cỏ ngay

E rằng là sẽ lung lay lúa lành

Vì cỏ và lúa đều xanh

E rằng lầm lẫn người lành kẻ gian

Đợi ngày thu hoạch mùa màng

Sẽ nhổ cỏ trước rồi sàng lúa sau

Cỏ bị thiêu lửa cháy mau

Lúa được bảo dưỡng đẹp màu vàng tươi.

Chúa còn sánh ví Nước Trời

Như hạt cải nhỏ được người đem gieo

Nắng mưa sương gió vui reo

Hạt cải nảy mậm lớn theo từng ngày

Vững mạnh như một loài cây

Chim trời nương náu vui say an bình

Lạ thay hạt cải nhỏ xinh

Trổ sinh hình ảnh tôn vinh Nước Trời.

Chúa lại đem ví Nước Trời

Như men được trộn vào nơi bột đầy

Âm thầm ấp ủ đêm ngày

Bột say men tốt thành ngay rượu hồng

Tỏa lan hương vị thơm nồng

Tràn dâng sức sống như dòng nước thiêng

Loại men này thật thiêng liêng

Chan hòa nội lực thần thiêng Nước Trời.

Quý thay mầu nhiệm Nước Trời

Chúa đem mạc khải cho người trần gian

Đoàn con xin Chúa khấng ban

Cho toàn trái đất hồng ân Nước Trời.

Lm. Quý Báu