Muối Men Cho Đời 256 | Bài Giảng Chúa Nhật XXIV Mùa Thường Niên - Năm A | Mt 18:21-35 | Lm. Antôn Hà Văn Minh
Bài Giảng Chúa Nhật XXIV Mùa Thường Niên - Năm A . Mt 18:21-35. Suy Niệm: Lm. Antôn Hà Văn Minh...
MUỐI MEN CHO ĐỜI
BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT XXIV MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM A
Tin mừng: Mt 18:21-35
LINH MỤC ANTÔN HÀ VĂN MINH
Sự thứ tha nảy sinh từ lòng thương xót
SUY NIỆM
Anita Smith và chồng Ronnie Smith đã quyết định chuyển đến Libya bởi vì như Ronnie nói: "Chúng tôi đã nhìn thấy sự đau khổ của người dân Libya, nhưng chúng tôi cũng thấy niềm hy vọng trong ánh mắt của họ, và chúng tôi muốn hợp tác với họ để xây dựng một tương lai tốt hơn", Anita nói trong một bức thư được công bố trên VergeNetwork.org. Ronnie là một giáo viên hóa học tại một trường học Benghazi. Ngày 05 tháng 12 năm 2013, điều khủng khiếp nhất đã xảy ra, khi Ronnie đang chạy bộ vào buổi sáng thì ông bị một kẻ lạ mặt bắn chết. Sau đó, kẻ lạ mặt bị bắt, trong bức thư của Anita gửi cho kẻ tấn công chồng mình, cô viết: "Tôi rất yêu chồng tôi, làm thế nào tôi có thể tha thứ cho bạn nhưng Chúa Giêsu đã dạy chúng ta "hãy yêu thương kẻ thù" chứ không phải giết hoặc tìm cách trả thù họ".
Một câu chuyện trong muôn vàn câu chuyện nói về sự thứ tha, điều mà Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã dạy: “Các con hãy tha thứ”. Vào 13/9/2020 trong bài huấn từ của buổi đọc kinh Truyền tin, đã nhận định rằng trong cuộc sống, không phải mọi việc đều có thể giải quyết bằng công lý; tình yêu thương xót có thể ngăn chặn được bao đau thương, đổ vỡ, chiến tranh. Ngài mời gọi các tín hữu hãy có tình yêu thương xót trong mọi tương quan, từ gia đình đến cộng đoàn, xã hội và chính trị. Ngài nói: “Bao nhiêu đau khổ, đổ vỡ rách nát, chiến tranh sẽ có thể tránh được, nếu tha thứ và lòng thương xót là cách chúng ta sống! Ngay cả trong gia đình, bao nhiêu gia đình chia ly vì không biết tha thứ cho nhau , bao nhiêu anh chị em mang lòng thù ghét nhau. Cần áp dụng tình yêu thương xót vào trong tất cả các tương quan của con người: giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, trong cộng đoàn của chúng ta, trong Giáo hội và cả trong xã hội và trong chính trị”.
Sự tha thứ mà Tin Mừng mời gọi là một hành trình không là chuyện đơn giản, đòi hỏi một ý chí và nghị lực tự bản thân, nói như cha Jean Monbourquette OMI là giáo sư Mục Vụ ở Ðại Học Saint-Paul ở Ottawa – Canada: Con đường của sự thứ tha trước tiên là đưa ra một quyết định đó chính là không trả thù. Không phải là một quyết định lấy theo đà hưng phấn nồng nhiệt của duy ý chí, mà là được đọc cho bởi ý muốn chữa lành và lớn lên. Jean Delumeau nói lên ý nghĩ của một thi sĩ Cuba bị tù của Fidel Castro trong hai mươi hai năm : "Ðối với ông, tha thứ chính là bẻ gãy mối bạo lực chằng chịt, là từ chối chiến đấu với những khí giới hận thù của đối phương, là vẫn cứ tự do hay là trở nên tự do ngay cả khi bị xiềng xích". Theo Cha Jean Monbourquette OMI, tha thứ không là quên đi, lý do: Việc quên đi biến cố đau thương, dù có thể quên được đi nữa, sẽ cản trở việc tha thứ, bởi vì chúng ta không còn biết mình tha thứ cái gì. Hơn nữa, nếu tha thứ có nghĩa là quên, thì cái gì sẽ xảy đến cho những người được phú bẩm một trí nhớ tuyệt vời ? Sự tha thứ không có lối vào tới họ được. Do đó, tiến trình của tha thứ đòi hỏi một trí nhớ tốt và một ý thức thật rõ ràng về điều xúc phạm ; nếu không, việc mổ xẻ con tim mà tha thứ đòi hỏi sẽ không còn có thể được nữa. Sự tha thứ giúp ký ức chữa lành. Với sự tha thứ, hoài niệm về thương tổn sẽ mất đi tính cay độc của nó. Biến cố đau thương sẽ dần dần bớt có mặt và ám ảnh ; vết thương sẽ dần dần liền sẹo ; sự gợi lại điều xúc phạm không còn gây đau đớn nữa. Chính vì thế, ký ức đã được chữa lành tự giải phóng và có thể đầu tư vào một cái gì khác hơn là tư tưởng làm tinh thần suy sụp của điều xúc phạm. Tha thứ không đòi hỏi chứng quên điều xúc phạm. Trái lại, khi nói như thế, họ đã can đảm vượt qua nỗi đau về sự xúc phạm, để thấy được sự tha thứ là một hành động chiến thắng được chính bản thân, can đảm đối diện với bản thân và từ đó nhận ra mình là ai, đó là cách thế dẫn đưa chúng ta tới chỗ toàn thiện.
Hơn nữa sự hiện hữu của mỗi người không ai là đơn lẻ trong thế giới nầy, mỗi người đều có mối quan với người khác. Chính trong mối tương quan này, mỗi người đều thể hiện hai trạng thái “cho” và “nhận”, “tha thứ” và “được thứ tha”. Vì thế Đức Phanxicô đã huấn dụ: “tôi chỉ có thể tha thứ khi tôi cảm thấy mình được thứ tha.Nếu bạn không ý thức được, không cảm nghiệm được rằng, bạn được tha thứ, thì không bao giờ không đời nào bạn có thể thứ tha. Luôn luôn cần có thái độ tha thứ trong hành xử với tha nhân. Tha thứ là tất cả. Tha thứ tất cả. Nhưng tôi có thể làm được như thế, chỉ khi tôi cảm nhận được tội lỗi của bản thân, chỉ khi tôi biết xấu hổ và nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Và khi ấy, tôi có thể kinh nghiệm được ơn tha thứ từ Thiên Chúa là Cha, và rồi tôi có thể tha thứ cho người khác. Bằng không, chẳng bao giờ tôi có thể tha thứ. Chúng ta không thể. Tại sao? Vì tha thứ thực sự là một mầu nhiệm”.
Hãy tha thứ, vì quá khứ không thể thay đổi, cong tương lai vẫn có thể thay đổi. Ôm chặt lấy quá khứ để hận thù, để nguyền rủa là ta đang để cho từng ngụm thuốc độc ngấm vào cuộc đời, và rồi kết quả của sự hận thù đó có lẽ ai trong chúng ta cũng có thể nhận ra. Vì vậy, lời mời của Tin Mừng hãy tha thứ, không chỉ là một thực hành mang chiều kích tâm linh, nhưng đó còn là một hành vi mang tính hiện sinh trong cuộc đời, rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng sự tha thứ là một điều mà con người nên thực hiện không những nó giúp cải thiện các mối quan hệ mà nó còn có ích cho chính người tha thứ. Nó cải thiện tâm trạng, sự lạc quan và mang tới trạng thái bình thản trong nội tâm mỗi người, nó giúp cải thiện cuộc sống bản thân, sống khỏe mạnh và có ích hơn. Roger Miller, nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về sức khỏe thần kinh cho biết: "Nếu chúng ta có thể khiến bản thân tha thứ, thì theo đúng nghĩa đen, chúng ta đang giúp bản thân chữa lành vết thương, thậm chí về mặt sinh lý với mức độ căng thẳng thấp hơn", và rằng: "Chúng ta phải nhận ra nếu không tha thứ, ta đang làm tổn thương chính mình".
Lạy Chúa, Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và hay tha thứ, xin đổ đầy trong con lòng thương xót của Chúa, để con biết thứ tha hơn là được tha thứ, để hương thơm của lòng thương xót Chúa lan tỏa đến với mọi người, và làm cho mọi người nhận biết rằng sự sống có được là do lòng Chúa xót thương, và mỗi người chúng con nỗ lực tỏ bày lòng thương xót Chúa qua một một trái tim rộng lượng luôn biết thứ tha - Amen