Clock-Time

NGÀY CỦA CON NGƯỜI - #Chương 17 - Nước Trời ẩn giấu

Ngày chung kết của Nước Trời là ngày nào? Ngày đó có cận kề không? Ngày đó còn xa không? Ngày đó hoặc Giờ đó, theo Giêsu nói, “không một ai có thể biết, cả thiên thần trên Trời, cả Người Con, không một ai ngoại trừ Cha” (Mc 13, 32)...
SÁCH NÓI CÔNG GIÁO

Tác phẩm: Nước Trời Ẩn Giấu


Tác giả: Eloi Leclerc -Ofm
Chuyển ngữ: Nt.Trần Thị Quỳnh Giao-Fmm

 

#Chương 17: NGÀY CỦA CON NGƯỜI




 

Thực hiện: Trang Sách nói Công giáo của Truyền Thông Giáo Phận Phú Cường

 Giờ đây, Giêsu giảng dạy ở Giêrusalem. Mỗi ngày Người ở trong Đền Thờ, không ngại đương đầu với kẻ thù. Người trả lời những câu hỏi của họ, đẩy lùi những công kích, vạch trần những dối trá của họ. Không hề lo sợ, cũng như không hề ngạo nghễ. Người còn cố gắng để đem họ về với sự hoán cải. Nhưng lời mời gọi của Người mỗi ngày mỗi mang sắc thái nguy kịch hơn. Người biết rằng, thời gian của Người được tính từng giờ, và cái chết của Người đã được quyết định.

         Ngày kia, Người nói dụ ngôn sau đây: “Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con ta”. Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi” (Mt 21, 33-39).

         Dụ ngôn này là một biên bản với một nhận định đau đớn. Như tất cả những người được Thiên Chúa sai đi, Giêsu vấp phải sự không thông cảm và sự khước từ của con người. Người biết chính xác điều gì đang chờ Người. Tư cách làm “Con” không hề bảo vệ Người. Trái lại, tư cách này lại làm cho Người mang thêm nhiều hận thù.

         Cùng luận chiến với những người Pharisêu và các lãnh đạo tư tế, Giêsu vẫn tiếp tục giảng dạy cho môn đệ mình. Đặc biệt Người nói với họ về Ngày chung kết của Nước Trời và cũng là ngày mà Người sẽ trở lại. Bởi Người sẽ trở lại, nhưng ngày đó, với tư cách là một thẩm phán. Và Giêsu nhấn mạnh về sự cần thiết thức tỉnh và sẵn sàng. Người môn đệ phải là một người lính gác. Người đó phải luôn luôn sẵn sàng khi Thầy mình trở lại.

         Ngày chung kết của Nước Trời là ngày nào? Ngày đó có cận kề không? Ngày đó còn xa không? Ngày đó hoặc Giờ đó, theo Giêsu nói, “không một ai có thể biết, cả thiên thần trên Trời, cả Người Con, không một ai ngoại trừ Cha” (Mc 13, 32). “Điều quan trọng không phải là biết thời gian, nơi chốn mà Cha đã ấn định, nhưng là canh thức và chuẩn bị cho Giờ đó. Phúc cho người tôi tớ mà Ngày đó sẽ thấy họ sẵn sàng phục vụ và đèn chiếu sáng cầm ở tay! Phúc cho các trinh nữ khôn ngoan ngay cả giữa đêm khuya sẽ sẵn sàng đón tiếp vị hôn thê và cùng đi vào với Người trong ánh sáng!... Vậy phải thức tỉnh bởi các ngươi không biết được khi nào chủ nhà sẽ đến. Vào buổi chiều ư? hay là giữa đêm khuya? Hay gà gáy hay sáng sớm ư? Chỉ sợ rằng chủ nhà đến bất thình lình và thấy các ngươi đang ngủ. Điều Thầy nói với anh em, Thầy nói với tất cả mọi người: Hãy tỉnh thức!” (Mc 13, 35-37).

         Và điều tốt đẹp nhất để chuẩn bị cho Ngày quyết định đó, là làm nảy sinh ân ban Nước Trời. Khốn cho người tôi tớ chôn vùi ân ban đó và đã không để sức sống mới này trỗi dậy. Trái lại, phúc cho kẻ bằng cả cuộc đời của mình, trở thành chứng nhân của lòng âu yếm của Thiên Chúa giữa con người.

         Trong việc giảng dạy này, theo như Matthêu cho thấy, xem như có một cuộc đi lên đến tận đỉnh cao, khi tác giả Tin Mừng khơi dậy trước, Ngày Phán Xét cuối cùng. Toàn sứ điệp của Giêsu, cách nào đó, xem như được lấy lại và được cấu thành cách diệu kỳ trong trang Phúc Âm này, nơi đó, một ánh sáng vĩnh cửu đã bừng lên: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? “Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”” (Mt 25, 31-40).

         Việc gợi lại Ngày Phán Xét này, trước tiên, làm chúng ta lưu ý đến khía cạnh long trọng và phổ quát của nó: Con Người trở lại trong vinh quang, hộ tống bởi các thiên thần, ngồi trên ngai vua Trời; trước mặt Người, tụ tập các muôn dân. Chính Người tách nhân loại làm hai. Cuối cùng, chính Người, nhân danh Cha, xếp đặt vương quốc một cách triệt để: “Hỡi những kẻ đã được Cha ta chúc phúc, hãy đến, Người nói với những kẻ được tuyển chọn, hãy nhận Nước Trời làm gia nghiệp của mình, Nước Trời đã được chuẩn bị cho các ngươi từ thưở tạo thiên lập địa”. Hành vi cuối cùng này mặc khải ý nghĩa của việc sáng tạo. Nó mang tầm cỡ vũ trụ. Qua đó, vũ trụ đã thực sự hoàn thành. Chính trên nền tảng hùng vĩ này mà biểu lộ khía cạnh lạ thường của việc phán xét. Đúng vậy, việc phán xét này làm nổi bật tính nhân bản đen tối, đớn đau của Con Người: một nhân loại đồng hóa với bản chất nhân loại của con người khốn cùng nhất, nghèo túng nhất. “Ta đói khát và ngươi đã nuôi dưỡng ta…” do đó, những người được tuyển chọn, ngạc nhiên: “Điều đó xảy ra khi nào?” trong câu đáp của Thẩm Phán tối cao, chói ngời cao điểm của toàn trang Phúc Âm này: “Thật vậy, ta nói với các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”, vị Phán xét đích thực, Người tách người này với người kia, Người vạch biên cương dứt khoát giữa những người được tuyển chọn và những người bị nguyền rủa, chính là tình yêu. Một tình yêu rất cụ thể. Đó phải là tình yêu giúp con người trong nỗi khốn cùng và đau khổ của họ. Và chính dựa trên tình yêu này, và chỉ tình yêu này mà thôi, không gì khác, mà định mệnh cuối cùng của con người được thể hiện. Không thể nào đón nhận ân ban của Nước Trời mà không chính mình tự mở ra với luồng khí thương xót và âu yếm đã làm cho Thiên Chúa đến gần với chúng ta và nhờ đó, làm cho chúng ta tràn đầy lòng thương xót và âu yếm với người anh em của mình. Tự mình đóng kín với luồng khí này, thì cũng là tự mình đóng khung với sự gần gũi mới mẻ của Thiên Chúa.

         Chúng ta đang ở trước một trong những trang quan trọng và đảo lộn nhất của Phúc Âm. Điều mà Giêsu đã nói trước đây, dành riêng cho môn đệ, thì ở đây, Người trải dài trên mọi con người. Điều này có giá trị ngay với cả những kẻ không biết Người và cả những kẻ chưa hề được biết Người trên Trái đất này:
 
Định mệnh cuối cùng của con người liên quan đến Nước Trời, được thể hiện trong tương giao với những con người khác. “Con người là bí tích của Thiên Chúa cho con người” (Roqueplo).

         Ở đây, Giêsu tự giới thiệu như thừa kế của các Ngôn Sứ Israen. Lời giảng dạy của Người tiếp nối lời giảng dạy của họ. Đối với Người như đối với họ, chân lý tôn giáo về con người, về tương giao với Thiên Chúa-Giao Ước, ngang qua tương giao đạo đức với con người kia. Chỉ qua sự lưu tâm nhân từ, khoan dung, độ lượng hay cứu giúp tha nhân mà con người tìm gặp được Thiên Chúa. Thiên Chúa Giao Ước, tự mặc khải mình, trong tất cả chiều cao của sự thánh thiện của Người, nơi người ngoại kiều, người nghèo khổ, người bị chà đạp… khi tiếp đón người kia trong nỗi tuyệt vọng vô nhân đạo của nó, con người tự để mình được đón nhận bởi Đấng Hoàn Toàn Khác. Lời giảng dạy này của các Ngôn Sứ, Giêsu lấy lại cho chính bản thân mình ở đây, nhưng Người cho nó một chiều sâu mới mẻ.

         Đúng vậy, Người không chỉ hài lòng làm lan tỏa xa hơn, việc quan tâm đến người khác và nỗi khốn cùng của nó. Người còn tự phác họa mình, như người được hưởng nhờ tính ân cần không biên giới đó. Người đồng hóa mình với người bé nhỏ nhất, đang có nhu cầu. Người hiện hữu dưới những nét của người đói khát, của người ngoại kiều, của người bệnh hoạn, của kẻ tù đày đến nỗi điều làm cho một trong những người đó, chính là làm cho Người vậy. Ở đây, Giêsu cho thấy chân lý cuối cùng của sứ điệp của mình. Chân lý này vượt hẳn ý nghĩa đạo đức mà đôi khi người ta gán cho văn bản này. Khi đồng hóa mình với người bé mọn nhất trong nỗi khốn cùng, Thầy không chỉ khơi lên “một nét giống nhau bên ngoài và có điểm đặc thù giữa Người và kẻ khốn cùng, nhằm khơi dậy lòng quảng đại đạo đức đối với những người khốn cùng nhất”. Quyết tâm của Người đi xa hơn. Cần phải lưu ý rằng, sự đồng hóa giữa Giêsu với những kẻ bé mọn nhất, làm nên một truyền thống rất cổ; truyền thống này là một đặc nét của lời giảng dạy của Người như Mc 9, 37 cho thấy. Bản văn của Matthêu chứa đựng “những nét nguyên thủy đến độ khó có thể gán chúng cho một ai khác, ngoài trừ, đó chính là Thầy” (Manson). Vì vậy, cần phải thấy trong sự đồng hóa này của Giêsu, với toàn thể nhân loại đau khổ, một lời mặc khải cơ bản. Lời mặc khải này cần được hiểu theo ánh sáng của chính sứ điệp cơ bản của Người. Giêsu loan báo Nước Thiên Chúa đến gần, Người làm điều này từ chính trải nghiệm của Người trong sâu thẳm nhất của mình. Thế nên, trong Người, Thiên Chúa đã đến gần con người, cách triệt để, đến nỗi Người đã mang lấy thân phận con người của chúng ta. Không phải một thân phận trừu tượng, phi thời gian, nhưng là một thân phận trong điều kiện cụ thể và lịch sử của nó.

         
Qua Giêsu, Thiên Chúa đã cưới lấy thân phận yếu đuối, đau khổ và chết chóc của chúng ta, Người đã ôm lấy vào mình, nỗi khốn cùng của con người, của toàn thể con người. Và qua đó, Người đã biến nỗi khốn cùng này, thành con đường của sự đến gần của Người và là nơi chốn mặc khải của Người. Đến nỗi, khi chúng ta đón tiếp người khốn cùng, thì đích thực, chính Người mà chúng ta đón tiếp. Chúng ta tưởng rằng chúng ta đã thể hiện lòng khoan dung. Nhưng, chính lòng khoan dung của Người đón chúng ta trước, chính lòng âu yếm của Người đến với chúng ta.

         Phanxicô thành Assidi viết trong Di Chúc của người: “… Trước đây, thấy những người phong hủi là điều làm cho tôi cay đắng đau khổ. Nhưng chính Thiên Chúa đã dẫn đưa tôi đến với họ và tôi đã thể hiện lòng khoan dung với họ. Và khi trở về, điều làm cho tôi cay đắng trước đây, đã biến thành sự diệu kỳ trong tâm hồn và thể xác của tôi...”. Nụ hôn đối với người phong hủi vẫn luôn là sự hiệp thông với lòng âu yếm của Cha. Trong Giêsu, mối dây không thể cắt đứt được, giữa lòng âu yếm này và nỗi khốn cùng của con người, được thể hiện, đến nỗi lòng âu yếm đến với chúng ta qua nỗi khốn cùng của con người và chúng ta không thể hiệp thông với lòng âu yếm này mà không hiệp thông với nỗi khốn cùng kia. Kẻ đóng kín con tim của mình với nỗi khốn cùng của anh em đồng loại, thì tự mình loại trừ mình khỏi lòng âu yếm của Cha, nghĩa là khỏi Nước Trời. Trái lại, kẻ mở con tim của mình với nỗi khốn cùng của người anh em mình, thì để tuôn trào trong chính bản thân, luồng khí âu yếm tràn ngập đến từ Cha, ngang qua bản tính nhân loại của Giêsu. Như vậy, việc phán xét mà Con Người công bố, không đến từ một quyết định bên ngoài con người; nó chỉ cho biết điều mà con người đã trở thành, khi đón tiếp hay khước từ sự gần gũi mới mẻ của Thiên Chúa, đã cống hiến cho chúng ta, ngang qua Giêsu, dưới nét bị thương tích của con người.


Xem thêm các phần khác:

- Nước trời ẩn giấu: https://tinyurl.com/2p8ftej9

- Mỗi ngày một câu chuyện: https://tinyurl.com/jdf9hhdr
- Đạo yêu thương: https://tinyurl.com/2khhj55n
- Hạnh phúc trong tầm tay: https://tinyurl.com/w23fwpk8
- Để gió cuốn đi: https://tinyurl.com/9rezvabv
- Giải đáp thắc mắc Phụng vụ: https://tinyurl.com/nbupr9dm
- Những người lữ hành trên đường hy vọng: https://tinyurl.com/6ffj2wyp
- Viết cho em: https://tinyurl.com/ycam6yyt
- Nói với chính mình: https://tinyurl.com/tfvd4w7j

 

Sống Đạo - sách nói Công giáo giới thiệu đến Quý độc giả Audio sách hay “Nước Trời ẩn giấu” của tác giả Eloi Leclerc -Ofm - Chuyển ngữ: Nt.Trần Thị Quỳnh Giao-Fmm. Audio book “Nước Trời ẩn giấu của tác giả Eloi Leclerc -Ofm, được Kênh Podcast Sách nói Công giáo của truyền thông Giáo phận Phú Cường truyền tải dưới hình thức audio và video. Những Audio book Sách hay này sẽ giúp Quý độc giả tiếp cận gần hơn và dễ hơn với những Audio sách hay: Văn kiện Hội Thánh, Kinh Thánh, Giáo Lý, Giáo luật, Sách đạo đức, sách làm người, Lời hay ý đẹp .....

 

Để nghe những Audio Sách hay và theo dõi những video của Sách nói Công giáo, xin Quý độc giả cùng Like và Subscribe tại đây: 
Website Sách hayhttps://www.sachnoiconggiao.com 
Facebook: 
https://www.facebook.com/truyenthongphucuong/
Youtube sách hayhttps://www.youtube.com/c/SachNoiCongGiao-SachHay

Sống Đạo là thể hiện đức tin qua hành động mỗi ngày trong cuộc sống, tức là sống theo gương Chúa Giêsu và thực thi lời Ngài dạy. Chúng ta không thể tự mình sống đạo tốt được, nhưng cần đến gương các thánh nhân, là những kinh nghiệm sống đức tin, đời sống đạo đức sẽ giúp chúng ta trên đường hoàn thiện sống đạo. Kênh SỐNG ĐẠO – SÁCH NÓI CÔNG GIÁO, chỉ là một cây cầu nối giúp quý độc giả tìm đường đến với Chúa Giêsu trong ước ao trở nên hoàn thiện trong đời sống đạo.


Xin cảm ơn quý Quý độc giả đã lắng nghe và ủng hộ.