Sau bài ca Tám Mối Phúc Thật, Giêsu bắt đầu giảng dạy quần chúng. Lời giảng dạy này, Mathêu và Luca trình bày lại cách khác nhau. Mathêu cho thấy Giêsu, qua một bài diễn văn dài, nơi đó qui tụ và được sắp xếp nhiều bài học khác nhau mà Thầy đã đưa ra, trong nhiều tình huống khác nhau. Việc soạn thảo này được bắt đầu bằng một câu hỏi cơ bản và là trọng tâm của toàn bộ bài giảng: Đối diện với Tin Mừng về Nước Trời, Lề Luật giữ vai trò nào? Làm thế nào để dung hòa những đòi hỏi không thể tiêu diệt được của Lề Luật với tính nhưng không tuyệt đối của Nước Trời? Đối với Phúc Âm, phải chăng Lề Luật giữ một vai trò tương giao giữa con người với Thiên Chúa? Chúng ta hiểu rằng, ý thức về nguồn cội Do Thái, Mathêu đặc biệt chú tâm đến lời giáo huấn của Giêsu đáp ứng với câu hỏi đó.
Đúng vậy, đối với một người Do Thái sốt sắng, Lề Luật là một điều gì đó rất quan trọng. Được trao tặng bởi Thiên Chúa cho Môsê, Lề Luật diễn tả ý chí tối hậu và thánh thiện của Người. Như vậy, Lề Luật phải gợi hứng và điều khiển toàn cuộc sống, không chỉ trong tương giao của con người với Thiên Chúa, nhưng cũng diễn tả tương giao giữa người với người. Lề Luật đã nói: “Ngươi không được giết người, ngươi không được nói dối, ngươi không được ngoại tình, ngươi phải thờ cha kính mẹ...”. Việc tuân thủ Lề Luật trùng hợp với việc tôn trọng những quyền lợi cơ bản của con người, đồng thời diễn tả việc thờ phượng Thiên Chúa Độc nhất.
Chúng ta sẽ không bao giờ nói cho đủ về sự vĩ đại của Lề Luật. Đúng vậy, Lề Luật dạy chúng ta rằng, tính Toàn Năng của Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ và điều khiển thế giới không là một sức mạnh mù quáng, hoặc một ý chí quyền lực, nhưng Lề Luật cốt yếu là một ý chí tinh thần, và đạt đến tầm mức cao nhất của sự sáng tạo trong việc tạo thành một trật tự luân lý, cũng như sự biểu lộ trung tín nhất nơi con người. Có lẽ đó là một trong những ý tưởng quan trọng nhất và phong phú nhất mà Thánh Kinh đã đem đến cho loài người.
Người Do Thái sùng đạo lấy Lề Luật làm niềm thú vị và là bài ca muôn thuở của họ. Lề Luật phải chăng là con đường của sự sống và của hạnh phúc? Khi lấy lệnh truyền của Thiên Chúa làm của mình, con người thực thi công lý và có được tình bằng hữu cùng với đặc ân của Thiên Chúa. Trái lại, kẻ muốn xa lánh Lề Luật thì cũng xa lánh Thiên Chúa và tự chuốc lấy nỗi giận hờn của Người:
“Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân
Chẳng bước vào đường dân tội lỗi,
Không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,
Nhưng vui thú với Lề Luật Chúa,
Nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.
Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước,
Cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh
Cành lá chẳng khi nào tàn tạ,
Người như thế làm chi cũng sẽ thành.
Ác nhân đâu được như vậy:
Chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay
Nên ngày xử án bọn ác nhân làm sao đứng vững,
Quân tội lỗi đâu được họp đoàn với chính nhân.
Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính.
Còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong”
(TV 116)
Không thể nào tự hào có được tình bạn hữu với Thiên Chúa ngoài Lề Luật. Lề Luật là con đường duy nhất nối kết con người với Thiên Chúa; duy chỉ có việc thực thi Lề Luật mới có thể làm cho con người có được ân ban của Thiên Chúa.
Như vậy, câu hỏi được đặt ra là: Lề Luật sẽ như thế nào với việc công bố Tin Mừng Nước Trời, được hoàn toàn đặt để dưới dấu hiệu của tính nhưng không, của ân ban Thiên Chúa? Nếu chính Thiên Chúa đã đến gần con người, đến gần mỗi người không phân biệt, không lưu tâm đến công sức, chỉ trong một động thái thuần nhân hậu, thì Lề Luật kể từ nay còn ý nghĩa gì? Lề Luật phải chăng trở thành vô hiệu khi loan báo Tin Mừng.
Theo Mathêu, đó chính là câu hỏi mà Giêsu sẽ phải đề cập đến sau khi công bố Tám Mối Phúc Thật. Xem như cách Người tuyên bố: “Đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Lề Luật hoặc lời các ngôn sứ, Thầy đến không phải là bãi bỏ nhưng là để kiện toàn. Thầy bảo thật với anh em trước khi trời đất qua đi thì một chấm, một phẩy trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi cho đến khi mọi sự sẽ được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy và dạy người ta làm như thế thì sẽ được gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và làm như thế thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời. Thầy bảo cho anh em biết nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và Pha-ri-sêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5, 17-20).
Như vậy, rõ ràng tương giao giữa Phúc Âm và Lề Luật được trình bày không phải bằng từ ngữ cắt đoạn và chống đối, nhưng là hoàn thành và vượt lên trên. Và Giêsu cho những ví dụ cụ thể việc thi hành Lề Luật: “Anh em đã nghe Lề Luật dạy người xưa rằng: chớ giết người, ai giết người thì đáng đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc thì đáng bị đưa ra trước thượng hội đồng” (Mt 5, 21-22)... “Anh em đã nghe luật dạy rằng chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5, 27-28).
Điều đáng lưu tâm nhất chính là uy quyền mà Giêsu dùng để nói: “Còn Thầy thì Thầy bảo...”. Chính với tư cách uy quyền mà Giêsu muốn thực thi Lề Luật, có nghĩa là hoàn hảo hóa nó; Giêsu muốn đem Lề Luật đến tầm mức hoàn hảo. Người làm điều đó qua hai cách thức. Trước tiên, bằng cách nội tâm hóa nó, Người đặt để việc hoàn thành Lề Luật không chỉ trong sự tương hợp bên ngoài, mà còn là, và trước hết, trong con tim, trong thái độ nội tâm. Kẻ nuôi dưỡng trong lòng mình những cảm xúc tội lỗi thì đã vi phạm Lề Luật. Dưới cặp mắt của Giêsu, sự vui vẻ sẵn sàng và hướng của con tim, đó là điều thiết yếu.
Điều này, Người thường xuyên nhắc đi nhắc lại trong những lần thảo luận với người Pharisêu. Người luôn luôn nhấn mạnh về phẩm chất của con tim. Khi làm như vậy, Giêsu giải thoát Lề Luật khỏi tính pháp chế triệt để cùng với chủ nghĩa tập quán của nó; Người luôn luôn hướng Lề Luật về tính gợi hứng đích thực cũng như sự hoàn hảo đích thực của nó. Sự hoàn hảo này chủ yếu nằm ở tình yêu. Duy chỉ có người yêu mới hoàn thành Lề Luật.
Đàng khác, Giêsu hoàn hảo hóa Lề Luật bằng cách mang cho tình yêu một chiều kích sung mãn: đó là chiều kích phổ quát, tình yêu tha nhân phải trải dài trên mỗi con người, ngay cả những người thù địch. Tình yêu đó phải là một ý chí muốn sự lành cho tất cả mọi người. Một lòng khoan dung phổ cập: “Các ngươi đã học biết: “Răng đền răng, mắt đền mắt...” còn Thầy, Thầy bảo anh em đừng chống cự người ác” (Mt 5, 38). “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù, còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em Đấng ngự trên trời. Vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5, 43-45).
Các bản văn này cho thấy trong chiều hướng nào Giêsu hoàn thành Lề Luật và thăng hoa nó. Nhưng, tính mới mẻ của bài giảng trên núi không nằm trong những đòi hỏi đó, hơn là trong cách thức mà Giêsu đặt làm trọng yếu và trong ý niệm mà Người đã mang cho nó. Chúng ta đã thấy tính uy quyền mà Giêsu dùng để nói. Uy quyền này dựa trên điều gì? Điều gì đã cho phép Người nói: “Người ta nói với anh em..., còn Thầy, Thầy nói với anh em...”. Âm giọng này không phải của người diễn giải Lề Luật. Không phải bằng cách tìm hiểu Lề Luật như các kinh sư và thầy dạy mà Giêsu biện phân và nói về Lề Luật, Người nói với một uy quyền tối thượng về ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng do một sự hiểu biết riêng tư, trực tiếp về ý muốn này của TC, đó là ý muốn của Cha, trực tiếp được cảm nghiệm, trở thành Luật đối với Người. Việc quy chiếu tối thượng đối với Giếsu là ý muốn của TC, như Người nhận thức được trong tương giao mật thiết với Cha. Cuối bài diễn thuyết, Người sẽ nói rõ: “Vấn đề là làm theo ý Cha tôi, Đấng ngự trên trời” (Mt 7,21). Nói cho đúng, toàn bài giảng trên núi, theo tường thuật của Mathêu, đều quy chiếu về ý muốn này của Cha. Nó tóm gọn trong câu này: “Anh em hãy hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng Hoàn hảo” (Mt 5,48).
Như vậy, qua chính kinh nghiêm mật thiết của Người về sự hoàn hảo của Cha mà Giêsu nói về Lề Luật. Vậy mà, sự hoàn hảo này được khám phá như một lòng khoan dung thuần túy, như một thứ tình yêu nhưng không và giàu lòng xót thương của con người, như một kế hoạch phổ quát của ơn cứu độ. Đó là đạo đức học, làm nền tảng gợi hứng và căn bản của Giêsu. Thế giới của Người là thế giới của ý chí đầy yêu thương của Cha, như nó trực tiếp biểu hiện với Người trong sự gần gũi của TC với con người. Và như vậy, mọi thứ đều được thay đổi. Đúng vậy, qua đó, Giêsu nâng thính giả của mình vượt lên trên Lề Luật; Người dẫn đưa họ vào thế giới của tương giao riêng tư của Người với Cha mình. Lời giáo huấn của Người với ý thức đặc thù, với tính thân mật độc nhất, như một nguồn suối sự sống tràn đầy ánh sáng mới, như một cảm xúc mới và sáng tạo mà Người muốn truyền đạt. Và như vậy, toàn bài diễn thuyết trở thành Phúc Âm, nghĩa là Tin Mừng của Nước Trời.
Điều này mang một tầm quan trọng hết sức lớn lao. Ngay cả khi Giêsu nói về Lề luật, Người vẫn luôn giữ lối nhìn cốt yếu sứ điệp của mình. Dưới cặp mắt của Người, Lề luật không bao giờ là tiên quyết và tột điểm trong tương quan của con người với TC. Từ nay, điều chủ yếu là sự gần gũi mới mẻ của TC với con người: việc đến gần, tuyệt diệu, mới mẻ, và hoàn toàn nhưng không, mà chính Người đã trải nghiệm trong chính bản thể Người. Nói ngắn gọn, đó chính là ân ban của Nước Trời. Qua Giêsu, Thiên Chúa đã đến gần con người như chưa bao giờ có; Người yêu thương họ với một tình yêu cao thượng, tự do và nhưng không. Đó là điều mới lạ, khai mào cho Nước Thiên Chúa. Kể từ nay, tương giao của con người với Thiên Chúa không còn dụa trên nền tảng đòi hỏi cấp bách của Lề luật, nhưng dựa trên mạc khải của lòng trắc ẩn.
Và ngược đời thay, chính trong ánh sáng mới mẻ này mà cái nhìn của Giêsu về lề luật tìm thấy ý nghĩa kiện toàn của nó. Phúc Âm thánh Luca ghi lại một câu của Giêsu nhắc nhở đến câu của Mathêu (Mt 5,48), nhưng có lẽ sát nghĩa hơn với bản văn nguyên thủy: “Các ngươi hãy khoan dung như Cha các ngươi là Đấng Khoan dung” (Lc 3,36). Câu này tóm gọn tất cả tư tưởng của Giêsu. Nó hướng về một tình yêu tiên khởi và nhưng không, vượt lên trên lề luật, đi trước mọi công nghiệp của con người. Nhưng kể từ hôm nay, tình yêu ấy phải gợi hứng và là khuôn mẫu của mọi tương giao với kẻ khác. Duy thứ tình yêu này diễn tả mọi ý muốn của Cha. Như Cha, đã đến gần chúng ta với một tình yêu nhưng không, thì chúng ta cũng phải đến gần tha nhân, bằng cách để mình thúc giục bởi lòng khoan dung nhân hậu.
Lòng khoan dung nhân hậu ở đây, không chỉ giới hạn việc thứ tha các lỗi lầm. Nó là một khuynh hướng nội tâm tổng quát, cơ bản hơn, làm cho con người gần với tha nhân, quan tâm, có lòng xót thương và biết cứu giúp trước mọi nỗi khốn cùng. Trước hết, nó là lòng nhân hậu tự buộc mình không xét đoán và lên án: “Anh em chớ xét đoán, thì anh em sẽ không bị xét đoán, không lên án, thì anh em sẽ không bị lên án; tha thứ thì anh em sẽ được thứ tha” (Lc 6,37). Lòng khoan dung này cũng là, và nhất là, một lòng quảng đại và hào phóng không giới hạn như chính Chúa vậy: “Ai đoạt áo ngoài của anh em thì cũng đừng cản nó lấy cả áo trong. Ai lấy cái gì của anh, thì đùng đòi lại. Ai xin anh em, thì hãy cho...” (Lc 6,29b-30). “ ...Anh em hãy cho, thì sẽ được TC cho lại. Người sẽ đong cho anh em đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo anh em” (Lc 6,38). Sự hào phóng này phải trải rộng đến mọi người: “Anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em; hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em...” (Lc 6,27-28). “Anh em hãy yêu kẻ thù; hãy làm ơn cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy phần thưởng dành cho anh em ở trên trời sẽ lớn lao và anh em sẽ là con Đấng Tối cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6,35).
Một sự hào phóng như thế chỉ hiểu được dưới ánh sáng của Tin Mừng; nó chỉ có ý nghĩa trong tương quan với biến cố mà chính Giêsu là chứng nhân, và người mang sứ điệp cách đặc biệt: qua Người, Thiên Chúa đã liên kết với con người vô chừng mực. Giêsu mời gọi những người đang lắng nghe Người, lấy mẫu gương về lòng quảng đại của Cha. Thước đo tràn đầy mà Người nói đến ở đây, chính là ân ban của Nước Trời, tràn ngập nơi Người, để rồi tràn lan trên toàn thể nhân loại. Giêsu chờ đợi ở những môn đệ của mình, phải mở ra với sự tràn đầy này, để chính họ cũng sẽ đổ tràn đầy trên người khác, hầu luồng khí yêu thương nhân hậu này, đến từ Cha, cũng sẽ thể hiện trong cuộc sống của họ; và nhờ đó, chính họ sẽ dịch chuyển vào hành vi thần thiêng nhưng không này của Thiên Chúa. Như vậy, họ sẽ sống ân ban Nước Trời, và qua đó, họ sẽ thực sự là Con của Đấng Tối Cao.
Cắt đứt khỏi ân ban Nước Trời, đem về bình diện của lề luật, những đòi hỏi của Giêsu sẽ không thể nào thi hành nổi và trở thành không tưởng. Nhưng Giêsu không còn ở thế giới Lề luật nữa. Người đã ngang qua một ngưỡng cửa. Một chân trời mới đã được mở ra: chân trời của sự hào phóng và vô chừng của ân ban TC, như chúng đã bùng phát trong việc liên lạc ân cần niềm nở không hạn chế của Cha đối với Đấng mà Người gọi là Con yêu Quý của Người. Cuối cùng, tất cả bài diễn thuyết của Giêsu là một lời mời gọi thách thức Ân huệ này, và mời gọi đặt để cuộc sống của chúng ta trên nền tảng Người. Như cách Người muốn nói với chúng ta “Điều mà TC đã làm cho anh chị, anh chị hãy làm cho anh em mình. Người đã đón tiếp anh chị, anh chị hãy đón tiếp họ đi. Người đã tha thứ cho anh chị, anh chị hãy tha thứ cho họ. Hãy biểu lộ và để tuôn trào, lòng hào phóng của Cha trong mọi cuộc gặp gỡ và tương giao của anh chị. Anh chị cũng hãy đi vào gợi hứng thần thiêng này của Thiên Chúa. Hãy trở thành ánh sáng cho người anh em. Anh chị sẽ không thu gặt của cải châu báu ở trần gian, nhưng anh chị sẽ như Cha: khoan dung nhân hậu với mọi người, huy hoàng sáng chói. Đúng vậy, anh chị cũng sẽ là ánh sáng của thế gian và muối của trần thế”.
“Như Cha”, “Như Cha anh em” những cụm từ này nhấn mạnh toàn phần giáo thuyết của Giêsu, là một lời mời gọi đi vào thế giới của người Con và chia sẻ cuộc sống thân mật với Người. Tác giá Tin Mừng Mathêu đã được gợi hứng khi đem kinh “Lạy Cha” vào trong phần diễn thuyết của Người. Có thể xem đây, trong lời giáo huấn của Người, đặc trưng nổi bật của toàn bài giảng trên núi. Kinh “Lạy Cha” không là một công thức cầu nguyện như những kinh nguyện khác; Kinh này diễn tả tương quan mới mẻ mà Giêsu muốn thiết lập giữa Thiên Chúa và con người, đi từ kinh nghiệm làm Con của chính Người: “Khi cầu nguyện, anh em đùng lải nhải như dân ngoại: họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì trước khi anh em cầu xin. Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời. Xin làm cho Danh Cha được vinh hiển, triều đại Cha mau đến; Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con...” (Mt6,7-9). Tôi sẽ có dịp trở lại với kinh này vì đây là chóp đỉnh của giáo huấn và là sứ điệp của Người. Chỉ cần để ý đến vị trí mà Mathêu nêu ra ở đây làm sáng tỏ cách đặc biệt bài giảng trên núi. Diễn thuyết này của Giêsu biểu lộ, trong ánh sáng, như một lời mời san sẻ cuộc sống con thảo của Người: Người dẫn đưa ta đi vào ngay trung tâm của chính tương giao của Người với Cha.
Với tầm cao này, Lề Luật còn có ý nghĩa nữa không? Dĩ nhiên, Lề luật không bị hủy bỏ, nhưng Lề luật được biến đổi. Dưới góc cạnh mới của Phúc Âm, kể từ nay, Lề luật, trong một gợi hứng mới, vượt trổi Lề luật; ngược lại, nó kiện toàn vượt hẳn mọi ranh giới. Từ vựng đúng nhất và cũng là gan dạ nhất đã được nói ra, liên quan đến vấn đề này, có lẽ là của Nietzsche: “Đức Giêsu-ông viết- nói với đồng hương Do thái của Người: Lề luật dành cho những người nô lệ. Hãy yêu, hãy yêu Thiên Chúa như Ta đã yêu Người, với tư cách là Con: đạo đức, luân lý: ăn thua gì, khi chúng ta là Con Thiên Chúa?” (Par-dela le Bien et le Mal).
“Anh em hãy nói năng và hành động như những người sẽ bị xét xử theo luật tự do. Vì Thiên Chúa không thương xót khi xét xử kẻ không biết thương xót. Còn ai thương xót, thì chẳng quan tâm đến việc xét xử” (Gc 2, 12-13).
Như vậy, ngay trung tâm của tương quan thân mật của Giêsu với Cha mình, Người đã loan báo cho con người một tương lai mới đến từ Cha. Người dẫn nhập họ vào trong thi ca của Người, để họ có thể diễn tả chính bản thân của họ qua các động thái “như các thánh vịnh thúc giục họ nhảy múa”. Sự gần gũi của Thiên Chúa phải làm tái sinh mọi tương giao nhân loại, đượm tính nhưng không và hào phóng của Người. Một xã hội mới phải được sinh ra. Tự do và huynh đệ.
Các thính giả của Giêsu lắng nghe lời này đến từ nơi nao. Con tim của họ bắt đầu reo hò, theo một nhịp điệu khác, tự do hơn, nhẹ nhàng hơn. Xem như mọi lo âu, mọi nỗi sợ, bỗng chốc biến mất. Điều xúc động nhất là khi nghe Giêsu lập đi lập lại những lời đơn giản này: “Cha của anh em Trên Trời...” hoặc “Cha anh em thấy trong bí mật...”. Người nói từ “Cha”, không những với một lòng nhiệt huyết nhưng với biết bao đơn sơ! Xem như, đã từ lâu lắm rồi Người vẫn ở trong bí mật của Cha! Đó là cảm tưởng mà Người gợi lên như vậy đó. Người đã không nói: “Phải làm theo ý Cha ở Trên Trời” đó sao (Mt 7, 21).
Từ “Cha”, một từ trong ngôn ngữ loài người, đơn giản, bình thường, có thể đã sờn và đôi khi còn tối nghĩa, trong môi miệng Người xem như đã đi vòng quanh đối với người mới lạ: Từ “Cha” này, đã băng qua bao không gian bao la bát ngát đầy trìu mến; nó đến từ xa, nguyên vẹn, tinh tuyền và tỏa sáng, “như mặt trời mọc lên trên những người lành và kẻ dữ”.