SỰ TRỖI DẬY ÂM THẦM KÍN ĐÁO - #Chương 21 - Nước Trời ẩn giấu
Tác phẩm: Nước Trời Ẩn Giấu
Tác giả: Eloi Leclerc -Ofm
Chuyển ngữ: Nt.Trần Thị Quỳnh Giao-Fmm
#Chương 21: SỰ TRỖI DẬY ÂM THẦM KÍN ĐÁO
“Sự trỗi dậy âm thầm kín đáo”: tôi rất thích sự giao thoa của những từ này mà tôi tìm thấy được ở Pascal. Âm thầm kín đáo, đó là sự trỗi dậy của Giêsu, bởi vì nó được thực hiện không chứng nhân, trong đêm tối. Âm thầm kín đáo như những buổi vĩ đại của ban đầu, như nguồn suối, như chính hành vi sáng tạo. Nó không là tiếng nổ của buổi trưa hè, nhưng là lúc tảng sáng, ánh sáng tinh tuyền của bình minh.
Cũng âm thầm kín đáo, sự trỗi dậy không xuất từ bên ngoài, như một biến cố mà mọi người có thể thấy được và nhận định. Nó là một sự trào vọt sức sống, chạm đến nội tâm của chúng ta. Giả thiết, truyền hình có mặt lúc bấy giờ, cũng sẽ không quay được gì từ biến cố đó.
Trỗi dậy âm thầm kín đáo, bởi nó là một mầu nhiệm tôn giáo, chỉ được nói lên tính ẩn kín, qua việc mặc khải của Thập giá mà thôi. Sự trỗi dậy của Giêsu không chỉ là một cuộc trở lại đơn thuần với cuộc sống như Ladarô. Thiên Chúa không trở lại với sự sống trước cuộc khổ nạn của mình, xem như đã không hề có gì xảy ra, xem như Người đã không chết. Người không tự để mình đóng khung trong một khung cảnh thân thuộc của trước đó. Sự trỗi dậy không là sự phủ nhận của thập giá, là một sự phục tùng trên thập giá. Trái lại, sự trỗi dậy này, công bố cách mạnh mẽ rằng, Thiên Chúa ở cùng Đấng Bị Đóng Đinh, cho đến tận cùng sự ruồng bỏ của mình, rằng thập giá là cuộc khải hoàn của một Tình Yêu mạnh hơn sự chết, chứ không là một cuộc thất bại. Chính vì vậy, Đấng Phục Sinh không cho thấy điều gì khác ngoài những vết thương của mình. Người cho thấy những vết thương đó, như sự biểu lộ của vinh quang Thiên Chúa. Không thập giá, không các vết thương, chúng ta có thể nói đến vinh quang của Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ không biết từ này muốn nói gì. Bởi vì, Vinh Quang của Thiên Chúa, chính là sự huy hoàng của Tình Yêu Dâng Hiến của Người. Sự Phục Sinh trỗi dậy của Giêsu là sự biểu lộ cho vinh quang này: sự Phục Sinh đó cho ta thấy, trong Đấng Bị Đóng Đinh, mặc khải lớn lao về Thiên Chúa trong lịch sử, chiều cao và chiều sâu của Tình Yêu Thiên Chúa.
Có một cách nhận chân sự Phục Sinh của Đức Kitô, làm cho ý nghĩa của nó bị trống rỗng. Trong một bài viết của một tập sách, tôi đã được đọc suy tư này: “Giờ đây cần phải sống sự phục sinh chứ không còn sống việc đóng đinh nữa. Người Kitô hữu và những người tin vào Thiên Chúa, phần nhiều không còn muốn thấy bóng dáng của một thập giá đè bẹp họ, nhưng họ muốn tin vào một Thiên Chúa Hằng Sống”. Tôi không bảo đảm rằng, người viết những hàng này đã hiểu rõ mầu nhiệm của Thập giá, cũng như của sự Phục Sinh. Bởi cái chết và sự phục sinh là hai phương diện của cùng một mầu nhiệm. Tách rời thập giá với sự phục sinh đó là sai lầm, lắm lúc của quá khứ. Ngày hôm nay, coi chừng chúng ta lại rơi vào sai lầm trái ngược. Chúng ta không thể hiểu được sự Phục Sinh của Đức Kitô ngoài Thập giá. Ngay trong tâm điểm của sự phục sinh có tầm quan trọng của ý nghĩa thập giá. Tầm quan trọng này là cốt lõi cho kinh nghiệm phục sinh. Chính sự nổi bật này biến đổi sự vấp phạm, thành mầu nhiệm sự sống và tình yêu. Tin vào sự Phục Sinh là khám phá Thập Giá Vinh Quang.
Cũng không phải ngôi mộ trống hay những lần hiện ra của Đấng Phục sinh, có thể làm cho các môn đệ hết sợ hãi, hết thất vọng hay làm cho niềm tin của họ nảy sinh vào sự trỗi dậy của Giêsu. Chúng ta thấy rõ điều này, với phản ứng đầu tiên của họ. Các phụ nữ, sáng ngày Phục sinh, khám phá ngôi mộ mở ra và trống rỗng, đã đơn giản thét lên: “Người ta đã lấy mất Thầy của chúng ta khỏi ngôi mộ và chúng ta không biết họ để Người ở đâu” (Ga 20, 2). “Người ta đã lấy mất Thầy...”: đó là phản ứng hoàn toàn tự nhiên. Không hề mảy may có một ý nghĩ phục sinh thoáng qua đầu óc họ. Để rồi cuối cùng, khi ở trong vườn, Maria Macđala nhận ra Giêsu, thì cô ta cũng chưa thật sự đón tiếp Người như Đấng Phục Sinh; đúng vậy, phản ứng đầu tiên của cô là giữ chân Người lại, đặt Người lại trong khung cảnh gia đình, an toàn. Như cách sau một cơn ác mộng kinh hoàng, bỗng chốc cô gặp lại Người, không hơn không kém, Đức Kitô hôm qua, Người mà cô đã quen biết và yêu thương. Cùng một phản ứng như vậy ở các môn đệ Emmau, những người này nhìn nhận và chứng thực các sự kiện: ngôi mộ trống với những lần hiện ra. Nhưng họ vẫn chưa tin. Chỉ vì sự Phục sinh của Thầy không phải là một sự kiện nằm ngoài con người. Và nếu các môn đệ, cuối cùng đã tin, nếu họ thấy và nhận ra Đấng Phục sinh là bởi vì Giêsu đã mở trí tuệ của họ và cho phép họ vượt thắng được sự vấp ngã của thập giá bằng cách làm nổi bật ý nghĩa của nó, dưới cặp mắt của họ.
Câu chuyện của Luca kể lại sự tỏ mình của Đấng Phục sinh với các môn đệ Emmau, (Lc 24, 13-35) mang một giá trị kiểu mẫu để giúp hiểu rõ kinh nghiệm phục sinh. Tác giả Phúc âm cho thấy kinh nghiệm này, từ khi khởi đầu, đi từ đêm tối của ảo tưởng và nghi ngờ. Và ngay qua đó, tác giả khám phá sự phục sinh là như thế nào đối với các tín hữu tiên khởi.
Vậy có hai môn đệ đi về quê làng mình sau Lễ Vượt Qua; họ về quê làng Emmau. Trên đường đi, họ trò chuyện về những biến cố xảy ra tại Giêrusalem. Họ tự do trao đổi cho nhau nỗi buồn và thất vọng của mình. Đối với họ, không còn gì nữa. Họ đã đặt để niềm hy vọng vào Giêsu thành Nazaret. Nhưng những viễn tưởng đẹp đẽ về Nước trời, kết thúc bằng sự thất bại ê chề nhất. Giờ đây, họ quay lưng lại với Giêrusalem, nơi mà Thầy của họ bị đóng đinh như một kẻ gian ác và bị ruồng bỏ. Đối với họ cũng như đối với các môn đệ khác, giờ phân tán đã đến. Mỗi người đi về với nỗi cô đơn và đêm tối của mình, lê lết đôi chân trong cay đắng và tủi nhục. Trong khi họ trò chuyện với nhau, một người lạ mặt, cùng đi với họ trên con đường và ở giữa họ, “17 Ngài nói cùng họ: "Chuyện gì làm đề cho các ông đi đàng cùng trao đổi vậy?" Họ dừng lại, bộ mặt ảo não. 18 Một người tên Khêôpha đáp lại: "Duy chỉ có ông ngụ tại Giêrusalem mà lại đã không hay biết các việc xảy ra ở đó mấy ngày nay sao!" 19 Và Ngài hỏi: "Việc gì vậy?" Họ đáp: "Việc ông Giêsu Nazaret, người đã xuất hiện như một vị tiên tri quyền năng trong việc làm và lời nói, trước mặt Thiên Chúa và toàn dân; 20 làm sao các thượng tế và hàng đầu mục của chúng tôi lại đã nộp Ngài, cho Ngài bị án tử hình, và người ta đã đóng đinh thập giá Ngài. 21 Phần chúng tôi, chúng tôi đã hy vọng rằng chính Ngài là Ðấng sẽ giải thoát Israel. Nhưng với ngằn ấy cơ sự, nay đã là ngày thứ ba rồi, kể từ khi các việc ấy diễn ra! 22 Ðã hẳn, có vài người phụ nữ trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi hoảng hồn. Tảng sáng họ đi đến mồ; 23 Và không gặp xác Ngài, họ về phân phô là đã thấy thiên thần hiện ra nói rằng Ngài đang sống. 24 Có vài người trong chúng tôi đã đi tới mồ, và đã gặp thấy y như các phụ nữ đã nói, còn Ngài thì họ không được thấy!" (Lc24, 17-24).
Cuộc trò chuyện này bắt đầu trên đường đi, để kết thúc ở việc nhìn nhận Đấng Phục sinh, dẫn đưa chúng ta vào thao tác của kinh nghiệm vượt qua; nó giúp chúng ta sống những giai đoạn khác nhau, từ việc khai sinh rụt rè đến sự biểu hiện hoàn toàn của nó.
Các môn đệ bắt đầu nhớ lại cuộc gặp gỡ trước thời vượt qua của Giêsu, cùng với niềm hy vọng đã khơi dậy trong lòng họ. Không thể nào có được kinh nghiệm vượt qua mà không có ký ức về cuộc gặp gỡ ban đầu. Và cuộc gặp gỡ này mang hai khía cạnh, một đầy ánh sáng và một đầy bóng tối. Trước hết, đó là cuộc gặp gỡ phấn khởi của một “ngôn sứ quyền năng bằng việc làm và lời nói trước Thiên Chúa và toàn dân mình”. Các môn đệ thực sự đã được chinh phục và lóe mắt bởi quyền năng, bởi sức sống xuất từ Giêsu, khi Người chữa lành các bệnh nhân và giảng dạy quần chúng. Đối với họ, lúc bấy giờ, là cả một niềm hy vọng lớn lao cho cuộc bắt đầu: “Chúng tôi đã hy vọng vào Người là Đấng sẽ giải thoát Israel”. Đối với họ, Giêsu là vị ngôn sứ giải phóng. Người thật sự là người giải phóng đích thực đến nỗi Người nhắc lại với họ: “Môisen, người giải phóng mà người ta đã nói đến là vị ngôn sứ hàng đầu đầy quyền năng trong hành vi và lời nói” (Dt 34, 10-12). Và các môn đệ hy vọng rằng Giêsu thành Nazaret là người sẽ dẫn đưa họ đến cùng cuộc giải phóng, đã bắt đầu từ Môisen.
Thế mà niềm hy vọng này – và đó là khía cạnh thứ hai của cuộc gặp gỡ trước thời điễm vượt qua – thế mà niềm hy vọng này đã bị va chạm bởi sự vô lý, bởi cái chết của Giêsu. Va chạm và bị bẻ gãy. Hai môn đệ này đang còn bị sốc do cái chết trên thập giá mà thầy của họ phải chịu đựng, từ các quyền bình tôn giáo và chính trị. Một cái chết chỉ có thể cảm nhận được từ một lương tri Do thái, như một sự nguyền rủa của Thiên Chúa. Thật sự, họ không thể hiểu nổi. Họ hoàn toàn ở trong đêm tối. Vị ngôn sứ “quyền năng trong hành vi” đã không có khả năng tránh khỏi cái chết này. Tất cả mọi sự xem như chính Thiên Chúa đã bỏ rơi.
Tuy nhiên, các môn đệ nhìn nhận rằng các phụ nữ trong nhóm của mình, ngay từ sớm tinh sương, đã đến mộ và đã thấy ngôi mộ trống và một số bạn bè của họ cũng chứng thực như vậy. Nhưng điều này đã không đủ để thuyết phục các môn đệ. Bởi vì họ nói: “Còn Người thì họ không thấy ở đâu”. Vì vậy, lúc người lạ mặt cùng đi chung với họ trên con đường và muốn biết được chủ đề của cuộc trao đổi là gì, các môn đệ đang còn đóng khung trong kinh nghiệm tiền Phục Sinh, kinh nghiệm của một vị ngôn sứ quyền năng, đúng vậy, nhưng một thứ quyền năng cuối cùng chỉ nói lên sự yếu kém và trống rỗng trước cái chết. Nhục mạ, khổ đau và cái chết của Giêsu, đối với các môn đệ, cấu thành “điểm mù quáng” nơi đó tất cả đều rơi vào đêm tối. Các môn đệ tiến bước trong sự vô nghĩa của đêm tối này. Và như vậy, không một sự kiện nào, ngay cả sự kiện ngôi mộ trống, có thể soi sáng họ. Các sự kiện không làm thành ý nghĩa; các sự kiện sẽ không là gì, hết nếu không có ý nghĩa.
Luca nói: “Mắt họ bị cản trở để nhận ra được Người” (Lc 24,16). Kinh nghiệm Phục Sinh chỉ bắt đầu với sự biểu lộ ý nghĩa của cuộc Khổ nạn và cái chết của Giêsu. Bao lâu ý nghĩa này còn che giấu, Đấng Phục Sinh vẫn chỉ là một người lạ mặt đối với các môn đệ; họ không thể nào nhận ra được Người. Chỉ có sự vạch trần ý nghĩa của cái chết của Người, mới có thể làm tung tóe ánh sáng của Phục Sinh. Đấng Phục Sinh chỉ có thể để mình được nhận diện trong ánh sáng, đem đến ý nghĩa cho những khổ đau của Người và giúp cho thấy được sự kiện toàn của Tin Mừng.
Vì vậy, chính qua điểm “ mù quáng này” mà người lạ mặt sẽ cố gắng vén màn sự kiện. Đồng hành với họ trên nẻo đường, Người khám phá trước mặt mình phong cảnh của Kinh Thánh: “Cánh đồng mênh mông của Kinh Thánh” như Origene đã nói. “Bắt đầu từ Môisen và ngang qua tất cả các ngôn sứ” Người chỉ cho họ rằng “Đức Kitô phải đau khổ để đi vào vinh quang của mình”. Môisen và Elia cũng như tất cả những người khác đã vạch tất cả những con đường, con đường đó là một con đường xuất hành. Tất cả đã ngang qua sa mạc. Đức Kitô cũng phải theo con đường thử thách và đau khổ này, để tiến vào Đất Hứa, trong Nước Trời.
Từ cái chết nhục nhã và nguyền rủa mà Người đã phải chịu, chúng ta không nên kết luận rằng, Người không phải là Đấng Giải Phóng. Trái lại, chính ngang qua con đường này, mà Giêsu đã mở Nước Trời ra cho mọi người, và chính Người đã đi vào trong vinh quang của mình. Bởi vì, con đường loại trừ và nguyền rủa đã làm cho Người đến gần với toàn thể nhân loại. Bị đặt ra ngoài dân tộc Ítraen, loại trừ khỏi Giao Ước, đồng hình dạng với những người nghịch đạo, Người đã thực sự trở thành Đấng Mêssia của mọi người, đem đến cho tất cả, Tin Mừng của sự gần gũi, ân cần của Thiên Chúa. Vượt lên trên giới hạn của dân tộc được tuyển chọn, từ nay Giêsu là người mở Nước Trời cho toàn thể nhân loại. Và chính đây, là vinh quang của Người.
Như vậy, dần dần khi tiến bước trên nẻo đường, ngang qua Kinh Thánh, Người lạ mặt mặc khải cho môn đệ ý nghĩa của cái chết của mình, nhưng việc biểu lộ một ý nghĩa như thế không thể nào gói gọn trong một sự hiểu biết trí tuệ đơn thuần. Nó là một kinh nghiện sống. Một kinh nghiệm bao trùm toàn bản thể, khi kinh nghiệm đó chạm đến “ tận thâm tâm”. Sau này, các môn đệ đã nói “phải chăng con tim của chúng ta đã không bừng cháy lên trong mình, trong khi người nói chuyện với chúng ta trên đường đi và mở ra cho chúng ta biết ý nghĩa của Thánh Kinh đó sao?”. Việc mặc khải ý nghĩa không thể nào không mang một cảm xúc sâu đậm và mới mẻ khi tiếp cận với một sự hiện diện dâng hiến, để được cảm nghiệm từ bên trong, như một sự sung mãn của sức sống đặc biệt sáng tạo.
Đúng vậy, ở đây tỏ lộ khía cạnh sáng tạo của kinh nghiệm Phục Sinh. Các môn đệ đã vấp phải với cái phi lý của cái chết của Thầy mình và sự phi lý này, đã lôi kéo họ trên con đường chán nản và phân tán; họ bỏ trốn chạy khỏi Giêrusalem vì họ không còn chút hy vọng nào nữa; họ cũng chạy trốn khỏi các môn đệ khác. Nhưng chính từ tình huống phân tán và cô quạnh này mà họ được ban cho, nhờ tiếp xúc gần gũi với người lạ mặt, đã soi sáng họ về ý nghĩa của cái chết của Giêsu, giúp họ sống kinh nghiệm của một quyền năng đầy sức sống, sẽ tụ tập họ lại một lần nữa, tại Giêrusalem, và khai sinh thành lập một cộng đoàn mới giữa họ với nhau.
Kinh nghiệm sáng tạo này bắt đầu với việc mời gọi mà hai môn đệ nói lên với người lạ mặt, mà chính lời lẽ của ông này đã chạm đến họ tận sâu thẳm lòng họ. “Khi đến làng Emmau, họ năn nỉ mời Người qua đêm với. Họ nói: “Xin hãy ở lại với chúng tôi vì trời đã xế chiều và đêm đã gần đến”. Vì vậy, Người lạ mặt đi vào để ở với họ. Kể từ lúc đó, các môn đệ không còn đơn côi nữa: Họ đi từ nỗi cô đơn của những con người lạc lõng đến một cộng đoàn với Đấng Phục Sinh. Ngay cả khi chỉ có hai môn đệ, kinh nghiệm Phục Sinh vẫn luôn là một kinh nghiệm cộng đoàn. Hay đúng hơn nữa, kinh nghiệm này sinh ra cộng đoàn. Việc nhận chân được Đấng Phục Sinh và sự khai sinh của một cộng đoàn mới, đi đôi với nhau.
Việc nhận diện và việc khai sinh này là đỉnh cao trong câu chuyện của Luca khi ngồi cùng bàn với hai môn đệ, Giêsu cầm bánh, bẻ ra và chia cho họ. “Thế rồi mắt họ mở ra và họ nhận ra Người...”. Chỉ một cử chỉ san sẻ bánh đơn thuần của một con người, và rồi, bỗng chốc, ánh sáng Phục Sinh trào vọt trong con tim của các môn đệ. Giêsu có chăng một cách thức đặc biệt riêng của Người để bẻ bánh? Nhưng ngay cả cử chỉ này làm họ nhớ lại Giêsu trước Phục Sinh, thì ở đây, cử chỉ này mang ánh sáng của một chiều sâu khác. Thể hiện trên một nền khổ đau và chết chóc mà các môn đệ đã phải chịu đựng và không hiểu gì, cử chỉ thân thuộc này, sau mọi lời giải thích mà người lạ mặt đưa ra trên đường đi, bỗng làm nổ tung trong ánh sáng trọn vẹn ý nghĩa của cái chết của Thầy mình. Chính trong việc bẻ và chia sẻ bánh là cái chết của Giêsu, đã mặc khải cho họ, trong sự sung mãn ý nghĩa của nó: Nó không còn như một thất bại hay một sự bất lực, nhưng như một hành vi của một cuộc sống tự do dâng hiến và khi dâng hiến như vậy, Người sáng lập một cộng đoàn mới. Việc bẻ và chia sẻ bánh biểu lộ cho họ như một dấu chỉ của một cộng đoàn sống, mới, vươn lên, quanh Đấng Phục Sinh. Trong giờ phút này, các môn đệ trải nghiệm được sức mạnh của sự Phục sinh, sức mạnh chiếu tỏa từ Giêsu và họ nhận ra được Người. Chính đúng lúc này, người lạ mặt trở thành vô hình dưới cặp mắt của họ: kể từ nay Người đồng hình với Thần Khí, làm cho cộng đoàn mới được sống động. Và kể từ nay, Người cũng sẽ như vậy với chính chúng ta.
Trong tâm điểm của kinh nghiệm Phục Sinh có sự mặc khải về ý nghĩa cái chết của Giêsu, tôi vừa cho thấy điều đó khi liên hệ đến các môn đệ thành Emmau. Nhưng điều này cũng chính xác đối với các môn đệ khác, nếu chúng ta liên tưởng đến điều Gioan nói với chúng ta. Ngay chiều Phục Sinh, khi mà một số người giữa họ thấy được ngôi mộ mở ra và trống rỗng, thì họ vẫn tụ tập với nhau và mọi cửa đều khóa kín vì sợ người Do Thái. Họ bị đè bẹp bởi sợ hãi. Và này đây, Giêsu đến và đứng giữa họ; Người bắt đầu chúc bình an cho họ, là những người đang run sợ. Rồi không nói gì hơn, Người chỉ cho họ đôi tay và cạnh sườn của mình. Đây là cử chỉ biểu lộ. Giêsu Phục Sinh, tự giới thiệu mình không chỉ như một người sống động nhưng như một Đấng Bị Đóng Đinh. Và điều này làm nổi bật hơn nữa trong lần hiện ra thứ hai. Đúng vậy, Giêsu nói với Tôma: “Hãy đặt ngón tay của anh vào đây: đây là bàn tay của Thầy; đưa tay anh ra và đặt nó trong cạnh sườn của Thầy và đừng cứng lòng nhưng hãy tin”. Tại sao Giêsu nhấn mạnh để chỉ những vết thương của mình sau khi Người sống lại, và xem đó như là bằng chứng của sự Phục Sinh của mình? Có lẽ Người muốn đáp ứng nhu cầu của Tôma, đòi buộc một bằng chứng xác thực, cụ thể để tin. Nhưng điều này đi xa hơn nhiều. Giêsu chỉ có thể để mình được nhận diện như một Đấng Phục Sinh khi muốn mở tâm trí của các môn đệ với ý nghĩa của cái chết của Người. Người không có gì hơn để cống hiến với sức thuyết phục về căn tính của mình, ngoài những dấu ấn của cuộc thương khó và cái chết của mình. Cuộc Phục Sinh không phải là một loại bù lỗ, đẩy lùi vào bóng tối, ác mộng kinh hoàng đã trải qua; trái lại sự Phục Sinh là một biểu lộ huy hoàng của một tình yêu, đi đến tận cùng. Nó công bố rằng, tình yêu này, luôn luôn sống động bất diệt. Và cùng với sự Phục sinh đó, đó là sự gần gũi mới mẻ của Thiên Chúa, cống hiến cho thế giới, một cách quyết định. Ngày kia Gioan đã tóm gọn điều này trong một câu: “Và chúng tôi, chúng tôi đã nhận ra tình yêu mà Thiên Chúa đã có với chúng tôi và chúng tôi đã tin vào tình yêu này” (1 Ga 4,16a).
Xem thêm các phần khác:
- Nước trời ẩn giấu: https://tinyurl.com/2p8ftej9
- Mỗi ngày một câu chuyện: https://tinyurl.com/jdf9hhdr
- Đạo yêu thương: https://tinyurl.com/2khhj55n
- Hạnh phúc trong tầm tay: https://tinyurl.com/w23fwpk8
- Để gió cuốn đi: https://tinyurl.com/9rezvabv
- Giải đáp thắc mắc Phụng vụ: https://tinyurl.com/nbupr9dm
- Những người lữ hành trên đường hy vọng: https://tinyurl.com/6ffj2wyp
- Viết cho em: https://tinyurl.com/ycam6yyt
- Nói với chính mình: https://tinyurl.com/tfvd4w7j
Sống Đạo - sách nói Công giáo giới thiệu đến Quý độc giả Audio sách hay “Nước Trời ẩn giấu” của tác giả Eloi Leclerc -Ofm - Chuyển ngữ: Nt.Trần Thị Quỳnh Giao-Fmm. Audio book “Nước Trời ẩn giấu” của tác giả Eloi Leclerc -Ofm, được Kênh Podcast Sách nói Công giáo của truyền thông Giáo phận Phú Cường truyền tải dưới hình thức audio và video. Những Audio book Sách hay này sẽ giúp Quý độc giả tiếp cận gần hơn và dễ hơn với những Audio sách hay: Văn kiện Hội Thánh, Kinh Thánh, Giáo Lý, Giáo luật, Sách đạo đức, sách làm người, Lời hay ý đẹp .....
Website Sách hay: https://www.sachnoiconggiao.com
Facebook: https://www.facebook.com/truyenthongphucuong/
Youtube sách hay: https://www.youtube.com/c/SachNoiCongGiao-SachHay
Sống Đạo là thể hiện đức tin qua hành động mỗi ngày trong cuộc sống, tức là sống theo gương Chúa Giêsu và thực thi lời Ngài dạy. Chúng ta không thể tự mình sống đạo tốt được, nhưng cần đến gương các thánh nhân, là những kinh nghiệm sống đức tin, đời sống đạo đức sẽ giúp chúng ta trên đường hoàn thiện sống đạo. Kênh SỐNG ĐẠO – SÁCH NÓI CÔNG GIÁO, chỉ là một cây cầu nối giúp quý độc giả tìm đường đến với Chúa Giêsu trong ước ao trở nên hoàn thiện trong đời sống đạo.
Xin cảm ơn quý Quý độc giả đã lắng nghe và ủng hộ.