Clock-Time

TIẾNG THÉT RƠI VÀO THINH LẶNG - #Chương 20 - Nước Trời ẩn giấu

Khi đến Vườn Ôliu, Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy ở lại đây, trong khi Thầy đi cầu nguyện...” và Người đem theo Phêrô, Giacôbê, Gioan. Và Người bắt đầu cảm thấy sợ hãi và âu lo. “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được; hãy ở lại đây, tỉnh thức và cầu nguyện”. Và rồi, Người dấn sâu vào trong nỗi cô đơn và đêm tối, để cầu nguyện. Sấp mình xuống đất, Người nói “Abba! Cha ơi, Cha làm được mọi sự. Xin hãy cất chén này xa con...”. Lời kêu khẩn “Abba!” này, nói lên toàn con người và bản thể của Người, toàn cuộc sống sâu xa của Người...
SÁCH NÓI CÔNG GIÁO

Tác phẩm: Nước Trời Ẩn Giấu


Tác giả: Eloi Leclerc -Ofm
Chuyển ngữ: Nt.Trần Thị Quỳnh Giao-Fmm

 

#Chương 20: TIẾNG THÉT RƠI VÀO THINH LẶNG




 

Thực hiện: Trang Sách nói Công giáo của Truyền Thông Giáo Phận Phú Cường
 

“Lúc đó trời đã tối”. Gioan ghi chú cách ngắn gọn (Ga 13, 30b). Đêm khuya, không chỉ ở bên ngoài. Đêm khuya, bỗng chốc tràn ngập tâm hồn Giêsu. Viễn ảnh về sự hoàn thành sứ vụ, đã làm cho Người được sáng ngời, trong suốt buổi ăn chiều hôm đó, giờ đây, đã tan biến mất, để Người cô đơn, một mình trong đêm tối, đối diện với khủng khiếp, và kinh hoàng.

Khi đến Vườn Ôliu, Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy ở lại đây, trong khi Thầy đi cầu nguyện...” và Người đem theo Phêrô, Giacôbê, Gioan. Và Người bắt đầu cảm thấy sợ hãi và âu lo. “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được; hãy ở lại đây, tỉnh thức và cầu nguyện”. Và rồi, Người dấn sâu vào trong nỗi cô đơn và đêm tối, để cầu nguyện. Sấp mình xuống đất, Người nói “Abba! Cha ơi, Cha làm được mọi sự. Xin hãy cất chén này xa con...”. Lời kêu khẩn “Abba!” này, nói lên toàn con người và bản thể của Người, toàn cuộc sống sâu xa của Người. Từ ngữ Arameen, mà Marcô dùng lại ở đây, có lẽ, là từ mà Giêsu thường dùng khi Người trò chuyện với Cha. Mượn ngôn ngữ của những đứa trẻ, đây là một lời gọi đầy tín thác và yêu thương, trong đó, diễn tả tất cả tương giao thân mật và đặc thù của Giêsu đối với Cha mình. Nhưng trong giờ đen tối này, đó chỉ còn là một tiếng kêu đầy đau khổ, trên môi miệng của Người. Giêsu khẩn nài Cha lôi kéo mình ra khỏi cái chết, khẩn nài Cha đừng bỏ Người. Điều đang chờ đợi Người, Người biết rõ, đó là một sự kinh hoàng. Tính nhạy bén của Người chống cự lại. Người sợ hãi và kêu cầu. Nhưng lời kêu cầu của Người tan biến mất, trong thinh lặng của đêm khuya. Đàng xa kia, nhóm người môn đệ đang ngủ.

Từ ngày Gioan thanh tẩy Người, Giêsu không ngừng loan báo cho dân, sự gần gũi mới mẻ của Thiên Chúa. Người làm điều này, đi từ kinh nghiệm thân mật của Người: dưới ánh sáng của tương giao của Người với Cha. Người tự giới thiệu mình như kẻ được Cha sai đi, để làm cho con người gần gũi với Ngài, nhất là những người xa nhất. Thế mà giờ đây, chính Người lại cảm thấy đắm chìm trong cảm xúc xa vời và vắng bóng của Thiên Chúa. Như cách Thiên Chúa ruồng bỏ Người, và tất cả, toàn là đêm tối, ngoài trừ Thiên Chúa: Lẽ nào Cha đang ở đây sao? Sự gần gũi kỳ diệu này ở đâu? Phải chăng đó chỉ là một giấc mơ kỳ diệu, mà thực tế, là đau đớn và lạnh lùng, đã bị bẻ gãy, cách khắc nghiệt? Sự vắng bóng của Cha, chính là sự hấp hối của Con. Một sự hấp hối cho thấy Giêsu, là Con đến độ nào. Người không thể sống ngoài Cha. Người đang ở đây, như con cá bị quẳng ngoài nước. Và rồi mồ hôi máu dường như đến trên Người. Xem như người ta giật tâm hồn Người ra khỏi Cha, không bằng việc tra tấn mạnh nhất, có thể có được. Đó là giờ thinh lặng của Thiên Chúa. Giờ mà Thiên Chúa để cho con người hoàn toàn là con người, và tự mình quyết định lấy trong sự tự do hoàn toàn. Thiên Chúa không bảo ai phải cư xử như thế nào hay phải làm điều này và không làm điều khác. Con người có bổn phận mang lấy định mệnh của mình và cho nó một ý nghĩa. Nhưng đây cũng là giờ mà con người phải để cho Thiên Chúa là Thiên Chúa, trong việc phụng thờ mầu nhiệm của Người. Giêsu đã nài xin Cha dùng đến quyền năng trọn vẹn của Ngài, để giải thoát Người khỏi cái chết kinh hoàng của thập giá mà sự nguyền rủa của loại hình phạt này nói lên. Đúng, đây là lần đầu tiên và duy nhất, với tư cách là Con, mà Giêsu cầu xin Cha cho chính bản thân mình, cho chính sự cứu độ của mình. Nhưng rồi, Người lại suy nghĩ lại: “Không phải điều con muốn, lạy Cha, nhưng là điều Cha muốn”. Cần thời gian bao lâu, để Giêsu tự ý thức lại về mình và tìm lại hơi thở con thảo, đối với Cha, để nói được điều đó? Lời cầu nguyện của Người kết thúc bằng một sự phó thác hoàn toàn theo ý Cha. Người chỉ tìm thấy sức mạnh để chấp nhận cái chết của mình, để nhìn nó như là ý của Cha, như một kế hoạch nhiệm mầu của Cha mà Người phải thi hành. Như một hành vi, nơi đó, chính Cha dấn thân vào trong tận thâm tâm của Con. Đấng Khôn Ngoan đã nói lời kết, sau khi cầu nguyện, lời nguyện cầu đó, có giá trị hơn là lời của lúc ban đầu. Có lẽ bởi vì, vào cuối lời cầu nguyện, con tim của con người không còn như trước; con tim đó đã được đổi thay, được nhẹ nhàng, con tim đó đã quẳng vào trong Thiên Chúa, nỗi âu lo và quan tâm của mình. Nó đã tìm lại được sự bình an, trong sự phó thác tuyệt đối. Mạnh mẽ vào sự phó thác này, Giêsu trỗi dậy. Giờ đây, Người tự nộp mình cho kẻ thù.

Lính tráng các Thầy thượng tế đến để bắt Người trong đêm khuya, trong vườn, xa quần chúng. Sau một cuộc tra hỏi ngắn gọn về đêm, nơi ở của thượng tế Anna, Giêsu ra trước các kinh sư đang tụ tập, khi gà gáy. Vụ kiện buồn cười thật, bởi cái chết của Giêsu đã được quyết định rồi. Cần phải cứu vớt vẻ bên ngoài pháp lý và làm cho vị Toàn Quyền tin rằng “thể theo Luật, Giêsu phải chết”. Những lăng nhục đối với nạn nhân không thiếu trong đêm nay. Khi một quyền bính muốn đánh bại một con người, thì họ bắt đầu chà đạp nó, làm cho người đó bị ô uế, lấy đi khỏi họ mọi bề ngoài phẩm giá của họ, trước mặt xã hội cũng như trước mặt chính họ. Chúng làm cho họ như trở thành một nhân vật đê hèn, không xứng đáng được yêu thương. Đó là công việc làm từ muôn thuở của những chư hầu của những kẻ quyền hành.

Sau khi vị Kinh sư tuyên bố cái chết, mọi sự trở nên nhanh chóng. Phải làm cho xong với lễ Sabbat, là “một ngày lễ trọng” (Ga 19,31). Còn một rào cản cuối cùng: cần phải được vị Toàn Quyền ủng hộ, là người duy nhất có quyền làm cho bản án được chấp hành. Vì vậy, ngay từ đầu ngày, Giêsu được đem đến trước tòa Philatô. Ông này, khi thấy kẻ bị kết án, đã do dự. Ông dự định tha bổng cho Giêsu khi nhận thấy người này không có gì đáng trách, để phải chết, sau khi cho đánh đòn. Nhưng, ông lại lùi bước trước áp lực của người Do thái, và để làm họ hài lòng, ông trao Người cho họ, để chịu đóng đinh.

Kể từ lúc đó, guồng máy những người đao phủ bắt đầu làm việc. Vác Thập giá, Giêsu được dẫn đến nơi khổ hình, gọi là Golgotha. Ở đây, Người bị lột áo và bị đóng đinh. Hai kẻ cướp bị đóng đinh cùng với Người, một bên phải và một bên trái. Đây là một khổ hình đặc biệt man rợ, người bị kết án, chân tay bị đóng đinh, treo ở thân gỗ, chết dần, vì ngộp thở. Chỉ một từ có thể nói lên loại chết tàn bạo này: nỗi ghê rợn.

Sau ba giờ tra tấn, Giêsu hét một tiếng lớn: “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Ngài nỡ bỏ con”? Theo Marcô, đó là những lời duy nhất mà Giêsu nói trên Thập Giá. Sau khi nói những lời đó, Giêsu hét lên một tiếng lớn và trút hơi thở. Câu này của Tv 22 mà Marcô đặt để trên môi miệng của người bị đóng đinh, đặt ra nhiều câu hỏi. Đây phải chăng là một lời có tính lịch sử? Giêsu có thực sự nói lên lời đó không? Làm thế nào một người chết, vì ngộp thở, có thể nói lên những lời đó? Đằng khác, Luca và Gioan bỏ đi lời này, nhưng lại cho thấy ở nơi khác. Hai tông đồ này, phải chăng làm tăng lên số lời nói, cùng với Marcô?

Ở đây, chúng ta cần lưu ý một nhận xét quan trọng. Những tường thuật Phúc âm về cuộc khổ nạn của Giêsu, không phải là báo cáo để trình với những công an, hoặc những bài viết của những ký giả, kể lại sự kiện trong những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Những tường thuật này hoàn toàn khác với những thông tin đơn thuần khác. Những tường thuật này là một sự giới thiệu về cái chết của Giêsu, nhằm giúp hiểu biết hơn về đức tin. Điều này càng đúng hơn nữa, theo những truyền thống cổ, là những nguồn nguyên thủy của Phúc Âm của chúng ta ngày nay. Ngay từ đầu, cái chết của Giêsu đã được kể lại nhằm mục đích soi rọi cái nhìn đức tin. Điều này hẳn nhiên là như vậy, bởi cái chết này thật sự là một sự vấp phạm. Vấn đề không phải là tả lại cách đúng đắn, cách cụ thể, tất cả những gì xảy ra ngày hôm đó, để thỏa mãn tính tò mò, hay ngay cả lòng sốt sắng, nhưng để cho thấy và hiểu cái chết của Giêsu, như một biến cố nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa và liên kết với lịch sử cứu độ. Cách thức tốt nhất, là giới thiệu cái chết đó dưới ánh sáng của Cựu Ước, bằng cách dựa vào ngôn ngữ của các Thánh vịnh, vì vậy, ngay từ đầu, ý hướng thần học hướng dẫn việc soạn thảo những tường thuật này. Vì vậy, chúng ta cần hiểu những lời lẽ của Giêsu trên Thập Gía, không như những thông tin bình thường về những giờ phút cuối đời của Người, nhưng như một giải thích thần học chính xác về mầu nhiệm Đức Kitô chịu chết.

Có lẽ tường thuật về cái chết của Giêsu theo Tin Mừng Marcô, ẩn dấu dưới hình ảnh của Tv 22 là cổ nhất. Có thể và ngay cả chính xác rằng, trên bình diện biên tập, Marcô đã muốn giữ lại tiếng thét bị ruồng bỏ, là một lời có tính lịch sử, mà chính Giêsu đã thốt ra. Nhưng tầm quan trọng của tiếng thét của Giêsu đối với niềm tin Công Giáo, vượt hẳn vấn đề lịch sử của nó. Đúng vậy, điều quan trọng không phải là tiếng thét, nhưng là điều Giêsu nói và có nghĩa với cái nhìn của tình huống cụ thể lúc bấy giờ, và quả là quá thực tế, vì Giêsu đã phải chết trong sự ruồng bỏ. Trong khi đó, điều Ngài nói và muốn cho thấy ý nghĩa, trước hết rằng, khổ hình Thập Gía, là một sự vấp phạm cho lương tri của người Do thái. Một sự vấp phạm không những vì lí do đặc biệt tàn nhẫn và làm nhục, bêu nhọ và nhạo cười, và nhất là, vì tính tôn giáo của nó. Cái chết trên Thập Gía được xem như là lời nguyền rủa: “Đồ chết tiệt, kẻ bị nguyền rủa được treo trên cây gỗ” ( Ga3,13) (CV 5,30 10,39). Chết bị treo trên cây gỗ, là bị Thiên Chúa loại bỏ, tách ra khỏi Giao Ước, dưới cặp mắt của mọi người, là đồ vật bị Thiên Chúa nguyền rủa. Tiếng hét, bị ruồng bỏ này, kêu lên sự vấp phạm trước tình huống bị bỏ rơi tôn giáo mà Giêsu, vì nó phải chết “tại sao Người bỏ rơi Con”? Vâng, tại sao phải có cái chết quỷ quyệt như vậy?

Nhưng, khi lấy lại câu này của Tv 22 để diễn tả sự vấp phạm đó, thì tiếng thét và truyền thống Kitô giáo cổ nhất, cho thấy rằng, sự bỏ rơi, sự ruồng bỏ, nằm trong cái nhìn của Thiên Chúa, rằng nó là một phần thử thách của người Công Chính. Đồng thời, nó cũng là yếu tố cốt lõi, và do đó, nó không đối chọi với phẩm chất Mêsia của Giêsu, thì nó vẫn là yếu tố làm thành và biểu lộ tính chất Mêssia đó. Như vậy, khi dùng Kinh Thánh, đặc biệt với ngôn ngữ của các Thánh Vịnh về những lời than vãn, niềm tin Kitô giáo cổ nhất có thể vượt thắng được sự vấp phạm của Thập Gía. Hơn nữa, niềm tin đó, mang một ý nghĩa diễn giải trung thực nhất, về biến cố đã xảy ra.

Vậy chân lý sâu xa mà tiếng thét bị ruồng bỏ đó nói lên, là chân lý nào? Chân lý này chỉ có thể biểu lộ được nếu chúng ta kết nối lời cuối cùng của Giêsu với tất cả những gì mà các Phúc Âm cho ta biết về Người. Người bị khổ hình trên Thập giá, thét lên lời ruồng bỏ của Thiên Chúa đối với mình, là Con Người mà suốt cuộc đời, và cho đến tận cùng nỗi khổ đau và âu lo ở vườn Ôliu, đã không ngừng gọi Thiên Chúa là “Cha” với lòng tín thác và thân mật của người Con; là người biết rõ rằng, mình ở trong một tương quan độc nhất, thân mật với Thiên Chúa. Cho nên, khi Giêsu thét lên tiếng kêu la đó, với Thiên Chúa của mình, phải chăng, không chỉ là Thiên Chúa của những người Công Chính bị bắt hại của Cựu Ước, mà chính đó là Cha, “Cha” của Người mà Người sống mối hiệp thông trực tiếp và triệt để, mà từ đó, cũng qua Người, Người cũng đã lãnh nhận sứ vụ mặc khải cho con người, sự gần gũi, niềm nở, ân cần và đầy thương xót đó. Để muốn nói rằng, kinh nghiệm bị ruồng bỏ ở đây, trong Tv 22, ngay cả nếu kinh nghiệm liên hệ đến kinh nghiệm của người Công Chính bị bách hại trong Thánh Kinh, thì cũng đưa ra một chiều sâu khác. Chiều sâu này tràn đầy nội dung đặc thù đối với sứ điệp của Giêsu. Con Người treo trên Thập Gía, thét lên nỗi chơ vơ cô quạnh của mình, chính là con Người đã trải nghiệm sự gần gũi thâm sâu với Thiên Chúa: một kinh nghiệm độc nhất vô tận.

Nối kết với kinh nghiệm này, tiếng thét ruồng bỏ cống hiến cho chúng ta, sứ điệp của Người. Một sứ điệp và cũng là một sự kiện toàn. Giêsu chết trong sự ruồng bỏ, theo nghĩa mà lương tri Do thái hiểu, chính là Người bị loại bỏ khỏi dân tộc của Giao Ước, bị loại bỏ, bị nguyền rủa bởi Thiên Chúa, nhân danh Lề Luật; Người chết như một kẻ nghịch đạo, một người không có Thiên Chúa, bị quẳng vào tối tăm bên ngoài. Qua đó, người này tìm gặp lại con người phổ quát, trong sự nghèo khổ và xa cách Thiên Chúa; người tự đồng hóa với nhân loại hư mất, bị lề luật kết án. Khi Người chết, Người ở phía những người bị loại bỏ; Người ở cùng với tất cả những người bị ruồng bỏ của Thiên Chúa, cùng với tất cả những người-không-có-Thiên Chúa, Người lại là kẻ mang đến sự gần gũi và mới mẻ của Thiên Chúa, Người chết, như thơ của Phaolô gửi cho Do thái  ở ngoài cửa thành” ,“ngoài liều trại” (Hr 13,12-13). Giêsu cần phải biết và chấp nhận tình huống bị loại bỏ và nguyền rủa này, Người phải ngập chìm trong đó, để sứ điệp của Người trỗi dậy trong toàn ánh sáng và tìm thấy được cái kết của nó. Đúng vậy, sự gần gũi mới của Thiên Chúa với con người, không thực hiện bằng Lề Luật, nhưng nằm ngoài Lề Luật và hoàn toàn không lệ thuộc vào Lề Luật, nhắm đến lợi ích của tất cả nhũng ai sống dưới sự nguyền rủa của Lề Luật: chính tiếng thét bị ruồng bỏ này của Người Con, nói lên điều đó. Qua sự ruồng bỏ này, Giêsu ban tặng Thiên Chúa cho tất cả mọi người bị ruồng bỏ. Như vậy, Người khai mào một Giao ước mới và phổ quát, không còn dựa trên lề luật, nhưng dựa trên ân sủng. (Gl,13-14) Phaolô viết: “Đức Kiô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị ruồng bỏ vì lề luật, khi vì chúng ta, chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ! như thế là để nhờ Đức Kitô Giêsu, các dân ngoại cũng được hưởng phúc lành Abraham. Nhờ đức tin, chúng ta được nhận ơn Thiên Chúa đã hứa tức là Thần Khí” (Ga 3,13-14).

Dĩ nhiên, Giêsu không tìm cách thức đưa mình vào hoàn cảnh bị loại trừ. Nhưng sự trung tín của sứ vụ của Người đã đẩy đưa Người đến và khi sứ vụ nầy đòi hỏi Người thì Người đã đón nhận và đi vào trong sứ vụ đó. Người làm vì tình yêu Thiên Chúa và vì tình yêu con người. Vì trung tín với Cha và liên đới với con người. Khi làm như vậy, Người chu toàn sứ vụ và cho thấy rõ hoàn toàn sứ điệp của Người. Bởi khi Người tự để mình hòa đồng với những kẻ nghịch đạo, Người ở dưới sự nguyền rủa của Lề Luật, thì lúc đó Người lại gần gũi nhất với nhân loại hư mất; đồng thời, lại rộng mở nhất với Thiên Chúa. Ngay giữa lòng sự ruồng bỏ mà Người phải chịu, Giêsu vừa kết hợp với Thiên Chúa và với con người hơn. Như vậy, Người nối kết Thiên Chúa với con Người hơn nữa. Như vậy, Người trao ban Thiên Chúa cho con người và đem con người về với Thiên Chúa “chính vì vậy, trong sự liên đới với thế giới tội lỗi, sống trong sự ruồng bỏ của Thập Gía, mà việc tách rời với Thiên Chúa, được tháo gỡ, bởi vì ngay chính lúc đó, Giêsu lại hoàn toàn cởi mở triệt để hơn bao giờ hết với Thiên Chúa” (G. Rose, Jeus abandonne, Paris, 1983, p.132). Người chưa hề bao giờ gần gũi với Thiên Chúa như vậy, cởi mở với hành động của Ngài. Khi vì tình yêu, Người chấp nhận đi vào hoàn cảnh con người-không-Thiên-Chúa “vì vậy không phải một lời xét đoán của Thiên Chúa trừng phạt Giêsu, thay thế cho những tội nhân, mà là sự hiệp thông của Thiên Chúa được thiết lập bởi vì người Con được nhập thể, đã đi vào tận cùng nỗi khốn khổ của nhân loại,và kể từ nay –lúc người đi vào cung lòng của Ba Ngôi với tính cách của một con người- gần gũi với tất cả những ai xa Thiên Chúa” (G. Rose, Jesus abandonné, Paris, 1983, p.132)

Như vậy, Tin Mừng đạt đỉnh cao nhất trên thập giá. Khi chấp nhận chết giữa những người bị ruồng bỏ và những-người- không-Thiên Chúa, Giêsu muốn biểu lộ rằng, tương giao mới mẻ của Thiên Chúa với con người, được thực hiện ngay ở chính chỗ vắng bóng Người và trong sự nhưng không tuyệt đối. Ngang qua đó, Người trở thành Đấng Messia của mọi người. “Kể từ nay, mỗi con người có thể nhìn nhận, qua bất cứ tình huống xa xôi nào của Thiên Chúa, khuôn mặt của Đức Kitô bị bỏ rơi”. Và trong khuôn mặt này, sự gần gũi, mới mẻ và diệu kì của Thiên Chúa, được ban tặng cho họ. Phải chăng đó là ý nghĩa sâu sắc của những lời lẽ mà Luca đặt vào môi miệng của Đấng Bị Đóng Đinh, khi Người nói điều này với người bạn cùng chịu khổ hình với mình: “Đúng vậy, tôi nói với anh, ngày hôm nay, anh sẽ cùng với tôi ở Thiên Đàng”?

Tiếng thét ruồng bỏ mang một chiều sâu vô tận, không thể dò thấu được. Tiếng thét này sẽ không bao giờ ngưng cật vấn chúng ta. Ý nghĩa của nó vẫn còn luôn mãi, để được khám phá. Vì vậy, sau mọi giải thích mà người ta có thể đưa ra, trên bình diện nghiên cứu và thần học, thì nên chăng phải nín lặng, để vang dội lại, trong thinh lặng nội tâm, câu hỏi cuối cùng, xuất từ thập giá, với tất cả sức nặng của bóng tối và mầu nhiệm: “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Ngài bỏ rơi con?”. Cần phải để cho tiếng thét này, tiếng “Tại sao”ở lại với đêm tối của nhân loại, tồn tại với sự lặng thinh của nó. Chỉ cần cảm nghiệm nó, như một nỗi lòng xé toang. Và khi đó, có thể chăng, chúng ta được cho hé mở, được biết đến tính sâu thẳm, mà Con Thiên Chúa đã mang lấy, khi chấp nhận thân phận con người: Người đã đi đến tận cùng đêm tối của những ngờ vực,của những cật vấn của chúng ta, đến tận cùng sự thinh lặng của Thiên Chúa. Qua tiếng thét không lời đáp này, Người thật sự đã trở thành một trong chúng ta. Cũng qua Người, trong giờ phút này, tương giao với Thiên Chúa đã được sống như một loại vắng bóng. Lần này, chúng ta có thể nói được rằng, Người hoàn toàn ở về phía chúng ta. Người ở cùng với tất cả những ai, đang chống chọi trong bóng tối. Người đã đi xuống tận cùng hỏa ngục của chúng ta. Kể từ nay, không một ai có thể nói: “Nơi tôi ở, Người đã chưa đến; Người chưa xuống hẳn, tận sâu thẳm để tìm gặp tôi”. Bởi vì, không hề có sự suy tàn cũng như ruồng bỏ nào, mà Người chưa biết đến và chưa biến chúng, thành nơi chốn đặc thù của sự gần gũi của Thiên Chúa, nhờ chính sự hiện diện của Người. Vâng, Con Thiên Chúa đáng yêu, cần phải chết, trong đêm tối, qua những cảnh bơ vơ, để sự Phục sinh của Người, thật sự là sự phục sinh của tất cả chúng ta. Chưa hề bao giờ mà Người lại gần gũi với con người đến như vậy. Cũng chưa hề bao giờ chúng ta được gần gũi với Thiên Chúa như vậy. Người chưa hề để Thiên Chúa trở thành gần gũi với con người như vậy.

Giờ đây, mọi sự đã được hoàn tất. Sau “tiếng thét lớn”, thinh lặng lại trở về trên đồi Gôngôta. Nhưng thứ thinh lặng này, nơi đó Thiên Chúa đang nghỉ ngơi” đã trở thành ngôn ngữ của sự phi thường.

Lúc bấy giờ, Joseph d’Arimathie đến cùng với khăn liệm. Được Gioan giúp đỡ, ông tháo gỡ xác khỏi thập giá và đặt để gần đó, trong ngôi mộ được khoét trong đá tảng. Trời vừa tối và khắp thành phố, đèn đã lên; những tia sáng đầu tiên của ngày Sabat, bắt đầu ló rạng.

Xem thêm các phần khác:

- Nước trời ẩn giấu: https://tinyurl.com/2p8ftej9

- Mỗi ngày một câu chuyện: https://tinyurl.com/jdf9hhdr
- Đạo yêu thương: https://tinyurl.com/2khhj55n
- Hạnh phúc trong tầm tay: https://tinyurl.com/w23fwpk8
- Để gió cuốn đi: https://tinyurl.com/9rezvabv
- Giải đáp thắc mắc Phụng vụ: https://tinyurl.com/nbupr9dm
- Những người lữ hành trên đường hy vọng: https://tinyurl.com/6ffj2wyp
- Viết cho em: https://tinyurl.com/ycam6yyt
- Nói với chính mình: https://tinyurl.com/tfvd4w7j

 

Sống Đạo - sách nói Công giáo giới thiệu đến Quý độc giả Audio sách hay “Nước Trời ẩn giấu” của tác giả Eloi Leclerc -Ofm - Chuyển ngữ: Nt.Trần Thị Quỳnh Giao-Fmm. Audio book “Nước Trời ẩn giấu của tác giả Eloi Leclerc -Ofm, được Kênh Podcast Sách nói Công giáo của truyền thông Giáo phận Phú Cường truyền tải dưới hình thức audio và video. Những Audio book Sách hay này sẽ giúp Quý độc giả tiếp cận gần hơn và dễ hơn với những Audio sách hay: Văn kiện Hội Thánh, Kinh Thánh, Giáo Lý, Giáo luật, Sách đạo đức, sách làm người, Lời hay ý đẹp .....

 

Để nghe những Audio Sách hay và theo dõi những video của Sách nói Công giáo, xin Quý độc giả cùng Like và Subscribe tại đây: 
Website Sách hayhttps://www.sachnoiconggiao.com 
Facebook: 
https://www.facebook.com/truyenthongphucuong/
Youtube sách hayhttps://www.youtube.com/c/SachNoiCongGiao-SachHay

Sống Đạo là thể hiện đức tin qua hành động mỗi ngày trong cuộc sống, tức là sống theo gương Chúa Giêsu và thực thi lời Ngài dạy. Chúng ta không thể tự mình sống đạo tốt được, nhưng cần đến gương các thánh nhân, là những kinh nghiệm sống đức tin, đời sống đạo đức sẽ giúp chúng ta trên đường hoàn thiện sống đạo. Kênh SỐNG ĐẠO – SÁCH NÓI CÔNG GIÁO, chỉ là một cây cầu nối giúp quý độc giả tìm đường đến với Chúa Giêsu trong ước ao trở nên hoàn thiện trong đời sống đạo.


Xin cảm ơn quý Quý độc giả đã lắng nghe và ủng hộ.