Chúa Nhật II Phục Sinh C- Lm. Antôn Hà Văn Minh
Tin Mừng Ga 20, 19-31: Quả thật, trong mầu nhiệm Phục sinh, chúng ta chiêm ngắm dung mạo của Đấng yêu thương chúng ta
Tin Mừng Ga 20, 19-31
19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! "20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.21 Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến.25 Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin."26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em."27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin."28 Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! "29 Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! "30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
SUY NIỆM
Để đáp ứng điều Chúa Giêsu đã thổ lộ cùng thánh nữ Faustina: "Ta ước ao Chúa nhật thứ nhất sau lễ Phục sinh sẽ là lễ Lòng Thương xót” (Nhật ký số 229), Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 30/4/2000 đã công bố thiết lập lễ Lòng Chúa thương xót được cử hành vào Chúa nhật II Phục sinh. Qua Thánh lễ kính Lòng Chúa thương xót, Chúa Giêsu muốn Giáo Hội đưa dẫn những linh hồn bạc nhược trong trong tội được đắm mình trong suối nguồn tình yêu của Chúa, để nhờ đó họ được chữa lành. Chúa Giêsu đã tỏ bày cho thánh nữ: Ta muốn tuôn đổ những ngọn lửa tình thương này xuống trên các linh hồn ấy.
Trong tâm tình đó, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh khi tuyên bố thiết lập lễ kình Lòng Chúa thương xót: hôm nay Tôi muốn loan truyền sứ điệp này cho thiên niên kỷ mới. Tôi quảng bá sứ điệp này, cho mọi người, để họ càng ngày càng hiểu biết hơn về thánh nhan chân thật của Thiên Chúa và dung mạo đích thực của anh chị em mình. Thực vậy, tình yêu Thiên Chúa và tình yêu anh chị em không thể tách lìa nhau, như bức thư thứ nhất của thánh Gioan Tông Đồ đã nhắc nhở chúng ta: ‘Căn cứ vào điều này mà chúng ta biết được chúng ta yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người’ (1Ga5:2). Ở đây, thánh Tông Đồ nhắc cho chúng ta chân lý của tình yêu, chỉ cho chúng ta thấy mức độ và tiêu chuẩn để tuân giữ các điều răn ấy.
Quả thật, trong mầu nhiệm Phục sinh, chúng ta chiêm ngắm dung mạo của Đấng yêu thương chúng ta, yêu cho đến cùng, yêu đến nỗi sẵn sàng hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc cho muôn loài. Việc hiến dâng mạng sống được trình bày qua cuộc khổ nạn đau thương: thân xác bị đánh đòn tan nát, đầu đội mão gai, tay chân bị đóng đinh, và cạnh nương long bi đâm xuyên thâu. Đó là những dấu tích của một tình yêu cứu chuộc có một không hai.
Vì thế, Thánh Toma đã không ngần ngại tuyên bố: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin."Qủa thật Đức Kitô phục sinh phải là Đấng đã được treo trên Thánh Giá, Đấng đã vì yêu thương mà hiến dâng tất cả. Cho nên Đấng Phục sinh không ai khác hơn cũng phải là Đấng đã chết vì yêu. Không có dấu tích của tình yêu thì phục sinh nào có ý nghĩa gì?Bởi sự phục sinh là cách thế biểu tỏ của một Tình yêu tràn đầy Lòng thương xót, luôn mong muốn cho con người được dự phần vào sự sống vĩnh cứu.
Do đó, khi tỏ mình cho thánh nữ Faustina, Chúa Giêsu đến trong bộ dạng của Đấng Phục sinh: Chúa mặc chiếc áo trắng với cánh tay phải giơ lên như đang chúc lành. Tay trái của Ngài đụng vào cạnh sườn bị đâm thủng, để lộ trái tim, nơi mà hai ánh sáng chiếu tỏa ra, một tia màu đỏ và một tia màu trắng lạt, diễn tả nước và máu chảy ra từ cạnh sườn từ trên Thánh giá, nguồn mạch của các bí tich mang lại ơn cứu độ. Đó là dấu tích một vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót, luôn kiến tạo mọi phương thế để lôi kéo con người về với ơn cứu chuộc. Lòng thương xót này của Thiên Chúa là trụ cột nâng đỡ đời sống Giáo Hội. Cho nên Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khẳng định: “Tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải được thấm đẫm sự dịu dàng; không một sứ điệp và chứng từ nào của Giáo Hội trước thế giới lại có thể vắng bóng lòng thương xót”.
Mừng mầu nhiệm Phục sinh của Chúa, chúng ta không chỉ hỉ hoan vì sự sống lại, nhưng còn là cơ hội để chúng ta học cách sống yêu thương, bởi chính nơi biến cố Phục sinh chúng ta nhận ra Lòng Chúa quá bao dung, sẵn sàng tha thứ hết mọi tội khiên. Chính nhờ đi sâu vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, chúng ta mới học được yêu là thế nào . “Nhìn lên Chúa, nên một với Thánh Tâm hiền phụ của Người, chúng ta mới có thể nhìn vào anh chị em chúng ta bằng một ánh nắt mới mẻ, với một thái độ xả kỷ và liên đới, quảng đại và tha thứ. Tất cả đây là lòng thương xót” (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II). Quả thật, nói như Đức Phanxicô: “không có chứng từ của sự tha thứ, thì đời sống sẽ cằn cỗi không sinh hoa trái, như bị cô lập trong vùng hoang mạc trống vắng. Vì thế đã đến lúc chúng ta phải thực thi phận vụ hân hoan loan báo sự tha thứ. Đã đến lúc trở về với điều căn bản là mang lấy những yếu hèn và khó khăn của anh chị em chúng ta. Sự tha thứ là động lực làm bừng lên sức sống mới và truyền thêm can đảm để giữ vững niềm hy vọng cho tương lai”.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ vì sự cứng tin của Tôma, nhờ đó khi suy niệm đến Mầu nhiệm Phục sinh, chúng con luôn được chiêm ngắm về lòng thương xót của Chúa qua các dấu tích yêu thương in đậm trên thân thể Chúa Phục sinh. Và đó cũng là bài học dạy chúng con luôn biết hy sinh, dẹp bỏ tự ái, để luôn tỏ bày lòng thương xót đến với tha nhân, quảng đại tha thứ và kiến tạo một mối tương giao tràn ngập yêu thương – Amen
Lm. Antôn Hà Văn Minh