Chúa Nhật VI Phục Sinh C - Bình an của Chúa Giêsu
Tin Mừng Ga 14: 23-29 Người ta thường chào nhau bằng “bình an” (shalom), nhưng ở đây sự bình an của Đức Giêsu để lại, không có ý nghĩa như lời chào thông thường
Bình an của Chúa Giêsu
Đức Giêsu nói với các môn đệ:”Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng”(Ga 14, 27).
Theo phong tục Do Thái, khi từ giã nhau, người ta thường chào nhau bằng “bình an” (shalom), nhưng ở đây sự bình an của Đức Giêsu để lại, không có ý nghĩa như lời chào thông thường, vì thế gian chỉ có thể cầu chúc bình an chứ không thể tự mình ban bình an được, còn Đức Giêsu chính Người ban bình an riêng của Người.
Bình an, ở đây không phải chỉ là vắng bóng bạo hành, không có chiến tranh, xung đột giữa các dân tộc và quốc gia khác nhau mà chính là sức khỏe, sự thịnh vượng, hạnh phúc sung mãn và ơn cứu độ. Và chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban bình an này.
Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Người nói đến một sự bình an nội tâm của con tim, của con người với chính mình và với Thiên Chúa.
“Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Các con đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi” (Ga 14, 27).
Trong cuốn sách Go Down to the Potter’s House của Donagh O’Shea, ông kể một câu chuyện về một ông vua có hai hoạ sĩ trong triều là hai đối thủ kịch liệt. Một ngày nọ, nhà vua nói: “Trẫm quyết định một lần cho xong để biết ai trong hai là hoạ sĩ giỏi nhất. Các khanh phải vẽ cùng một đề tài và như vậy, trẫm sẽ ở giữa để phán quyết và đề tài là sự bình an”.
Hai hoạ sĩ đồng ý, và một tuần sau trở lại với các bức tranh của họ.
Hoạ sĩ thứ nhất giới thiệu bức tranh của mình. Bức tranh cho thấy một phong cảnh thơ mộng với những ngọn đồi trùng trùng điệp điệp và một mặt hồ không gợn sóng. Toàn bộ phong cảnh nói lên sự hài hòa, bình an và tĩnh lặng.
Nhưng khi nhìn vào bức tranh, nhà vua quay lại nói với hoạ sĩ: “Bức tranh của khanh đẹp thật, nhưng nó làm ta buồn ngủ quá”.
Kế đó, hoạ sĩ thứ hai đã trình bày công trình của mình. Bức tranh cho thấy một thác nước chảy ầm ầm. Lối vẽ hiện thực làm cho người ta như nghe thấy tiếng gầm của thác nước khi va vào các tảng đá ở bên dưới hàng trăm thước.Nhà vua tức giận nói: “Nhưng đây không phải là cảnh bình an mà trẫm đã đề nghị”.
Hoạ sĩ không đáp lại nhưng xin nhà vua tiếp tục xem. Sau ít phút, nhà vua nhận ra một chi tiết quan trọng: ở giữa các tảng đá bên dưới thác nước, có một bụi cây mọc lên với một tổ chim trên cành. Khi nhìn kỹ, nhà vua thấy có một con chim trong tổ: một con se sẻ đang ấp trứng, đôi mắt lim dim. Nó đang chờ các con nó được sinh ra, một hình ảnh bình an thật tuyệt với.
Nhà vua rất thích thú khi kham phá ra điều đó. Quay lại người hoạ sĩ thứ hai, ngài nói: “Trẫm rất thích bức tranh khanh đã chuyển tải một điều rất quan trọng về bình an, đó là có thể sống trong bình an cả khi ở giữa cảnh ồn ào hỗn loạn của cuộc sống”.
Đức Giêsu đã nói về sự bình an trong suốt bữa Tiệc Ly. Người nói với các tông đồ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”.
Bình an ở đây là sự hiệp thông với Thiên Chúa. Và Đức Giêsu đã ở trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa Cha. Vì thế, Người có thể nói về sự bình an cả khi các kẻ thù đang siết chặt vòng vây xung quanh Người và ngay cả khi cận kề cái chết.
Bình an, không xao xuyến không sợ hãi chính là sự tín thác vào Thiên Chúa. Đó là điều mà người ta có thể có cả khi ở giữa sự xáo trộn, xung đột và những vấn đề chưa được giải quyết.
Đó chính là sự bình an mà Chúa muốn nói với các môn đệ và cũng là nói với mỗi người chúng ta: ”Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng”(Ga 14, 27). Amen
Lm. Giuse Đỗ Văn Thuỵ - TSVN