Clock-Time

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên C - Niềm tin và thương xót

Tin mừng Lc 17: 11-19: Bài tin mừng còn đưa chúng ta đến bài học không thể thiếu trong cách sống đức tin của mình. Phúc âm kể lại: “Trên đường đi Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê...

SUY NIỆM CHÚA NHẬT

CHÚA NHẬT TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN C


NIỀM TIN VÀ THƯƠNG XÓT

chúa nhật XXVI thường niên C


Tin mừng Lc 17: 11-19



1. Naaman là tướng chỉ huy quân đội nước Aram. Vì là vị tướng nên Naaman có nhiều quyền hành, đầy đủ mọi phương tiện, chung quanh có rất nhiều người hầu cận. Nhưng xảy ra là Naaman phải mang trong mình một chứng bệnh phong cùi thật khủng khiếp. Lúc này ông phải chấp nhận sự thật của kiếp sống: Từ vinh quang nay ông phải rơi vào vực thẳm, từ giàu sang nay ông bị mọi người xa tránh, từ chỗ được trọng vọng nay ông phải chấp nhận những lời mỉa mai. Thật là khổ đau cho Naaman. Thế nhưng nhờ niềm tin mà Naaman không tuyệt vọng: trong lúc đau khổ ông đã tìm đến tiên tri Êlisê. Với thái độ khiêm tốn và kiên nhẫn, Naaman đã nghe lời tiên tri Êlisê xuống dòng sông Giođan tắm đến bảy lần. Với đức tin được thể hiện qua việc làm của Naaman, Thiên Chúa đã cho ông được bình phục. Lúc này Naaman tin rằng Chúa đã cứu ông, Chúa đã giải thoát ông khỏi mọi bất hạnh của cuộc sống.

2. Như Naaman chúng ta hãy đến với Chúa trong mọi hoàn cảnh, nhất là những lúc cay đắng nhất của cuộc sống. Hãy để đức tin dẫn chúng ta đến cùng Chúa. Hãy để đức tin khơi lên niềm hy vọng vào Chúa là Đấng giải thoát con người khỏi mọi sự dữ. Hãy để đức tin đưa chúng ta đến niềm xác tín vào Chúa là tất cả. Hãy để đức tín hướng đời sống chúng ta, nhất là trong lúc tăm tối nhất. Điều quan trọng là chúng ta có biết nhận ra Chúa đến với Chúa trong những lúc nghiệt ngã của cuộc sống không, hay là trong lúc này chúng ta phó mặc sự sống của mình cho những thứ gì không phải là Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Kinh nghiệm câu chuyện Naaman cho chúng ta bài học không thể đánh mất được: Ông đã tìm Chúa trong lo âu và gian khổ, lúc này Chúa đã đáp lời ông, Chúa đã đưa ông từ vực thẳm tiến đến miền ánh sáng của sự tự do.

3. Bài tin mừng còn đưa chúng ta đến bài học không thể thiếu trong cách sống đức tin của mình. Phúc âm kể lại: “Trên đường đi Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. Lúc người vào một làng kia thì có mười người phong đón gặp người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương xót chúng tôi”. Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế. Đang khi đi thì họ được sạch” (Lc17,11-14).

Thời Chúa Giêsu những người nào mắc bệnh phong cùi thì họ rất đau khổ. Đau khổ vì phải mang trong thân xác chứng bệnh ác quái, nhưng phần lớn họ rất khổ đau về tinh thần. Khi mắc bệnh thì những người phong cùi phải bỏ gia đình, người thân, bạn bè để sống một nơi riêng biệt. Về phần tôn giáo thì họ bị coi như là ô uế, bị loại khỏi cộng đoàn. Mọi sinh hoạt tôn giáo lúc này đối với họ xem như là cắt đứt. Lúc này những người phong cùi phải đối diện với cuộc sống mà tương lai quá mù mịt. Vì thế không có gì lạ khi gặp Chúa từ đằng xa họ đã đồng thanh kêu lên: “Lạy Thầy Giêsu xin dủ lòng thương xót tôi” (Lc 17, 13). Chính tiếng kêu ấy đã đem đến tương lai tươi sáng cho những người phong cùi. Lúc này Chúa Giêsu đã đón nhận lời kêu xin của họ. Chúa Giêsu thương cảm cho những đau đớn trong tâm hồn và thể xác của họ. Chúa Giêsu đã ôm ấp bệnh tật của họ trong thân xác của Ngài. Chúa Giêsu đã xoa dịu và chữa lành vết thương tâm hồn và thân xác của những người phong cùi, không phân biệt là người Do Thái hay là Samaria, người cùng niềm tin hay khác niềm tin.

4. Lòng thương xót của Chúa không phân biệt đối tượng. Lòng thương xót của Chúa không ngừng tuôn chảy đến từng nỗi đau của con người. Lòng thương xót của Chúa vẫn tuôn tràn đến những mảnh đời khốn cùng nhất trong lòng xã hội. Đó là nét độc đáo mà chúng ta khám phá từ trong bài Tin mừng. Nhưng sự khám phá kỳ diệu này không ngừng kêu gọi chúng ta phài sống cách kỳ diệu trước những mảnh đời bất hạnh mà hằng ngày chúng ta gặp gỡ họ trên mọi nẻo đường. Chúng ta cùng noi gương Chúa Kitô: Hãy mở đôi tai để lắng nghe tiếng những người khổ đau van xin. Hãy nhanh nhẹn đôi chân đến với những người bần cùng trong xã hội. Hãy mở đôi bàn tay để phục vụ tận tình những người cùng khổ. Hãy mở con tim yêu thương để trao cho người bất hạnh lòng thương xót vô điều kiện của Chúa Giêsu. Hơn bao giờ hết Giáo hội và Thế giới ngày hôm nay rất cần chúng ta trao ban cho nhân loại một Chúa Kitô sống động qua thực hành niềm tin của mình. Ước gì chúng ta hãy ra đi đến với mọi người bằng đời sống như chính Đức Kitô đã sống.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ hằng nâng đỡ chúng con. Amen.
                                                     

             
Lm. Giuse Nguyễn Minh Chánh