Giáo phận Nha Trang - Chú Giải - CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
Ma qủy thường dùng những lợi lộc gian ,danh lợi và quyền thế để cám dỗ ta bất trung với Chúa phạm các giới răn của chúa .Khi đó ta cần phải có tinh thần nghèo khó ,khiêm tốn và phó thác vào bàn tay quan phòng cuả Chúa.
"Thánh Thần thúc đẩy Chúa vào trong hoang địa và chịu cám dỗ"
BÀI TIN-MỪNG: (Lc 4,1-13).
I. Ý CHÍNH:
Bài Tin-Mừng hôm nay thuật lại chuyện Chúa bị ma quỷ cám dỗ để nêu lên lòng trung tín của Chúa Giê-su đối với Thiên-Chúa Cha.
II. SUY NIỆM:
1.”Chúa Giê-su được đầy Thánh Thần …":
Chuyện này xẩy ra sau khi Chúa chịu phép rửa ở sông Giođan. Vì thế Luca muốn nhấn mạnh đến vai trò hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi Chúa Giê-su. Đồng thời Luca cũng muốn nối kết việc cám dỗ với cuộc thần hiện sau phép rửa: chính trong địa vị là con Thiên-Chúa nhận lãnh Chúa Thánh Thần mà Chúa Giê-su chiến đấu và chiến thắng ma quỷ.
-”Và được Chúa Thánh Thần đưa vào hoang địa …":
Ở đây diễn tả việc Chúa Giê-su vào hoang địa là do Thánh Thần khởi xướng và hướng dẫn, cho nên Satan không có quyền chủ động trên Chúa Giê-su mà nó chỉ có thể ảnh hưởng trên Người từ bên ngoài, tức là trên nhân tính của Người mà thôi. Điều này chứng tỏ Chúa Giê-su bị cám dỗ là để trở nên đồng số phận với con người và Người đã thắng cơn cám dỗ là để nêu gương cho con người.
+ Hoang địa: Đối với Do Thái có hai ý nghĩa:
1. a. Nơi dân Do Thái được huấn luyện để đạt tới lý tưởng tôn giáo, nơi tĩnh tâm thanh tẩy.
2. b. Nơi dân Do Thái bị thử thách. Bị xử phạt vì đã than trách và bất phục tùng, nơi gặp nhiều cám dỗ và là nơi đền tội. Chúa Giê-su bị thử thách để làm chứng sự trung tín của Người đối với Thiên-Chúa Cha.
+ Suốt 40 ngày: Luca không nói đến”đêm" như Mt 4,2. Nhưng cả hai đều muốn nói đến Chúa Giê-su ăn chay và chịu cám dỗ trong suốt thời gian 40 ngày liên tiếp.
+ Khi nói đến con số 40, dường như các thánh sử muốn gợi lại lịch sử Israel trong sa mạc:
- Thời gian Môisen cầu nguyện trên núi (Xh 34,28).
- Bốn mươi năm dân Israel qua sa mạc (Ds14,34).
- Bốn mươi ngày Elia đi tới núi Horeb (1V 19,8).
Nhưng Chúa Giê-su như một Môisen mới, một Israel mới, Người đã chiến thắng cơn cám dỗ nơi sa mạc.
+ Và chịu ma quỷ cám dỗ: Với nhân tính, Chúa Giê-su cũng chịu đồng số phận như con người là chịu ma quỷ cám dỗ, nhưng Người đã chiến đấu và chiến thắng ma quỷ để nêu gương cho con người.
2.”Trong những ngày ấy, Người không ăn gì …":
Luca muốn nhấn mạnh đến nhân tính của Chúa Giê-su: Người có những yếu đuối của con người để nên giống con người và nhờ đó Người có thể nêu gương cho con người.
3.”Ma quỷ đến thưa Người: Nếu ông là con Thiên-Chúa …":
- Mt 4,2 gọi là”tên cám dỗ", còn Luca gọi là ma quỷ. Điều này muốn nói lên sở trường của ma quỷ là cám dỗ. Trong đời sống trần thế, Chúa Giê-su đã gặp nhiều tên cám dỗ (Mt 16,1; 29,3; 22,18.35).
- Nếu Ông là con Thiên-Chúa: chữ”nếu" ở đây không chỉ điều kiện, cho bằng chỉ lý do: Vì lý do Ông là Con Thiên-Chúa, nên Ông có thể dùng quyền Thiên Sai mà mưu lợi cho bản thân mình, nghĩa là để cứu mình khỏi một hoàn cảnh khó khăn: Khỏi đói! Điều thâm độc của ma quỷ là cám dỗ Chúa Giê-su thất trung với ý định của Thiên-Chúa Cha, vì nếu Chúa Giê-su lợi dụng quyền Thiên Sai để trục lợi cho bản thân mình thì Người không còn tuân theo thánh ý của Chúa Cha là dùng quyền Thiên Sai để cứu chuộc nhân loại nữa. Và như vậy là ma quỷ đã phá đỗ công trình cứu độ nhân loại của Thiên-Chúa.
-”Hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi": Ngày xưa trong sa mạc (Đnl 8,3), Thiên-Chúa đã cho dân Israel chịu đói khát để thử lòng họ, nhưng họ đã không tin tưởng nơi Thiên-Chúa và đã kêu trách. Nay Chúa Giê-su ở trong một hoàn cảnh tương tự như dân Israel: khi thấy đói Người cũng có thể tưởng là Chúa Cha đã bỏ rơi Người. Ma quỷ gợi ý đừng tin vào Thiên-Chúa nữa, nhưng hãy tin vào quyền làm phép lạ của mình để cứu mình khỏi đói. Đây là cám dỗ thứ nhất có tính cách thử thách lòng trung tín của Chúa Giê-su đối với chương trình Cứu Chuộc của Thiên-Chúa Cha.
4.”Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh":
Do cơn đói khát trong sa mạc (Đnl 8,3), dân Thiên-Chúa đã học cách tin tưởng và vâng lời Thiên-Chúa. Bây giờ Chúa Cha để cho Chúa Giê-su chịu đói là để Người thể hiện tinh thần tin tưởng và vâng phục Thiên-Chúa Cha. Vì thế con đường dẫn Chúa Giê-su đi tới vinh quang không đi theo lối biểu dương quyền lực như ma quỷ cám dỗ, nhưng qua nẻo vâng lời phục vụ và lắng nghe tất cả những lời do miệng Thiên-Chúa phán ra.
5.”Rồi ma quỷ đem Người lên cao hơn …":
"Lên cao hơn" hoặc”lên núi rất cao" ở Mt 4,10 mang ý nghĩa biểu tượng hơn là thực tế, và thực ra chẳng có nơi cao nào có thể từ đó nhìn thấy bao quát”tất cả các nước thiên hạ" được! Ở đây ma quỷ muốn đưa ra một hình ảnh trước mắt có thể hấp dẫn để kích thích sự ham muốn về quyền lực hầu có thể cám dỗ Chúa Giê-su.
6.”Vậy nếu Ông sắp mình thờ lạy tôi …":
Cám dỗ thứ hai này muốn gợi lên cho Chúa Giê-su một sự lựa chọn: Hoặc nhận quyền thống trị thế giới hiện tại ở đây và lúc này từ tay Satan, hoặc sau này nhận từ tay Thiên-Chúa, nhưng chỉ khi đã qua đau khổ và tử nạn.
7.”Ngươi phải thờ lạy Thiên-Chúa là Thiên-Chúa ngươi":
Chúa Giê-su đã chọn con đường thiết lập nước Thiên-Chúa: Chính Thiên-Chúa là Đấng phải tôn thờ chứ không phải Satan. Vì thế Người đã chinh phục thế giới không bằng sức mạnh trần thế nhưng bằng con đường Thập Giá. Chính vì sự lựa chọn chỉ”phụng thờ một mình Thiên-Chúa" mà sau này, khi tử nạn và phục sinh Người đã được vinh dự: mọi quyền lực trên trời dưới đất đều quy phục Người (Pl 2,8-11).
8.”Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem …":
Đây là cám dỗ thứ ba. Thứ tự cám dỗ thứ hai và thứ ba của Mt 4,1-11 bị Luca đảo ngược (4,1-13). Lý do là Luca muốn kết thúc câu chuyện cám dỗ tại Giêrusalem. Đối với Luca, Giêrusalem tự bản chất là nơi mà các lời loan báo cuộc khổ nạn và vinh quang của Đấng Cứu Thế phải được hoàn tất (Lc 9,31). Vì thế việc Chúa Giê-su chiến thắng các chước cám dỗ của ma quỷ ở đây, báo trước cuộc chiến thắng sự chết trong ngày phục sinh vinh quang của Người cũng tại đây.
9.”Nếu Ông là con Thiên-Chúa thì hãy gieo mình xuống":
Ma quỷ xuối giục Chúa Giê-su theo mình từ nóc đền thờ xuống để thử thách Thiên-Chúa: Vì lạm dụng sự che chở của Thiên-Chúa là tính cách khiêu khích Người, vì ép buộc Người phải ra tay bảo vệ mình. Nhưng Chúa Giê-su muốn phục vụ Thiên-Chúa, chứ không bắt Thiên-Chúa chiều theo ý mình. Chính vâng phục này sẽ đưa Chúa Giê-su đến cái chết tại chính thành Giêrusalem, nơi đã xảy ra cám dỗ thứ ba này. Chính tại đó Người đã tự hạ làm thân phận tôi tớ Thiên-Chúa. Nhưng cũng chính tại nơi đây Người cũng sẽ kinh nghiệm một cách hoàn toàn sự che chở của Thiên-Chúa, vì khi đến giờ của Người, Thiên-Chúa sẽ phục sinh và tôn vinh Người. Chính Chúa Giê-su không muốn khiêu khích để Thiên-Chúa ra tay che chở, nhưng Người trông chờ với lòng tin tưởng.
- Thử thách Thiên-Chúa là một đề tài thông thường trong Cựu Ước với hai ý nghĩa bổ túc cho nhau: không vâng lời Thiên-Chúa để xem Người nhẫn nại đến đâu, hoặc như ở đây, lạm dụng lòng tốt của Thiên-Chúa để mưu cầu lợi ích riêng.
10.”Ma quỷ rút lui để chờ dịp khác!":
Ma quỷ rút lui cho thấy sự thất bại của chúng, đồng thời cũng cho thấy cuộc chiến thắng đầu tiên của Chúa Giê-su, đánh dấu và tuyên bố cuộc vinh thắng dứt khoác vào biến cố tử nạn và phục sinh của Người. Đọc Tin-Mừng Luca, ta sẽ thấy Luca còn kể nhiều lần Chúa Giê-su chiến thắng ma quỷ trong việc chữa lành bệnh tật và trừ tà (54,11; 6,18; 7,21; 8,2; 10,18; 11,14-22 …)
III. ÁP DỤNG:
A. Ap dụng theo Tin-Mừng:
Giáo Hội muốn dùng bài Tin-Mừng hôm nay để nêu gương và khích lệ chúng ta phải biết tin tưởng vâng phục và tin cậy vào Thiên-Chúa để chiến đấu và chiến thắng những gian nan thử thách trong đời sống hàng ngày, nhất là đời sống đức tin.
B. Ap dụng thực hành:
1. Nhìn vào Chúa Giê-su:
a) Xem việc Người làm:
- Chúa Giê-su được đầy Thánh Thần khi chịu các phép Bí Tích, nhất là Bí Tích rửa tội và Thêm Sức, chúng ta cũng được nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Vì thế chúng ta phải tin tưởng và sống theo Chúa Thánh Thần hoạt động trong đời sống chúng ta.
- Được chúa thánh thần đưa vào hoang địa:Hoang địa là nơi tượng trưng cho những thử thách ,Chúa thường gởi cho ta những thử thách vì có lợi cho ta: 'vì ông đẹp lòng Chúa nên cần thiết cơn cám dỗ đến thử thách ông".(G12,13).
- Suốt bốn mươi ngày:Chúa nêu gương cho ta sự chịu đựng trong kiên trì bền đỗ, vì ai bền đỗ đến cùng sẽ được rỗi.
- Chúa chịu ma qủy cám dỗ: vì có chiến đấu mới có chiến thắng, có chiến thắng mới có vinh quang.
b) Nghe lời Chúa nói:
-”Người ta sống không chỉ cơm bánh , mà còn bằng Lời Chúa nữa": Chúa dạy ta phải biết gặp ý Chúa trong những đòi hỏi của đời sống tự nhiên .Đời siêu nhiên quan trọng hơn đời sống tự nhiên.
-”Ngươi phải thờ lạy Chúa là Chúa ngươi.Chúa đòi hỏi ta phải trung thành trong việc tin mến Chúa để phụng sự Chúa dù có phải mất mạng sống ở đời.
-”Ngươi đừng thử thách Chúa Thiên Chúa ngươi”:Đừng thử thách Chúa bằng cách đò Chúa phép lạ hay đòi dấu chỉ , nhưng chấp nhận những gì Thiên chúa gởi đến .Tìm thực hiện ý chúa chứ đừng đòi Chúa thực hiện ý ta.
2. Nhìn vào ma quỷ:
a. Ma qủy thường dùng những lợi lộc gian ,danh lợi và quyền thế để cám dỗ ta bất trung với Chúa phạm các giới răn của chúa .Khi đó ta cần phải có tinh thần nghèo khó ,khiêm tốn và phó thác vào bàn tay quan phòng cuả Chúa.
b. Ma qủy lợi dụng lời chúa để cám dỗ .Vì thế, có những người nhẹ dạ ,tự mãn nên hiểu sai Lời Chúa sinh ra”rối đạo". Vì thế cần phải hiểu đúng Lời Chúa. Đừng nắn lời Chúa để phục vụ ý riêng mình. noi gương Chúa Giê-su. Hãy dùng lời Chúa để chống lại các cơn cám dỗ.