Clock-Time

Hình Ảnh Đức Kitô Vinh Quang

Với thân phận yếu đuối phải chết, cuộc đời con người hầu như tiến bước trong đêm tối. Cuộc đời xem ra được hình thành từ nghi ngờ, sợ hãi và nước mắt.
 
Hình Ảnh Đức Kitô Vinh Quang
 
Với thân phận yếu đuối phải chết, cuộc đời con người hầu như tiến bước trong đêm tối. Cuộc đời xem ra được hình thành từ nghi ngờ, sợ hãi và nước mắt. Chúng ta cần một chút ánh sáng chiếu soi vào bóng tối của mỗi người. Ánh sáng ấy đến từ đâu?

Cuộc biến hình của Chúa Giêsu cho chúng ta câu trả lời: Chính Người là ánh sáng. Ngay khi vừa loan báo về cuộc khổ nạn của mình cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã cho thấy vinh quang rực rỡ của Người. Sống kết hiệp với Người thì ngay trong đau khổ sẽ có ánh sáng chiếu tỏa từ Người, từ trái tim của Người làm cho chúng ta đựơc hạnh phúc, được vui sống. Khi ấy chúng ta cũng sẽ thốt lên như Phêrô: "Lạy Chúa, chúng con được ở đây thì tốt lắm."

I. Tìm Hiểu Lời Chúa

1. Bài đọc I: St 15, 5-18

 
Giao Ước Với Abraham
 
Thiên Chúa ký kết một giao ước với Abraham, theo ngôn từ của giao ướic này thì Thiên Chúa hứa ban cho ông có một dòng dõi đông đúc và một miền đất phì nhiêu làm gia sản. Mặc dầu đã già và vợ không sinh nở được, nhưng Abraham vẫn tín thác hoàn toàn vào lời hứa của Thiên Chúa.

1.     Một cảnh tượng dị thường để đóng dấu cho giao ước. Để nắm bắt được ý nghĩa của biến cố này, cần phải hiểu rõ về những lễ nghi thực hành của một lễ ký kết giao ước theo văn hóa Phương Đông, khi hai người hay hai hai bên muốn hợp tác với nhau. Ở Cận Đông cổ đại, khi giao ước với nhau, đôi bên đi qua giữa những mảnh thịt đầy máu và cầu cho mình số phận mà các con vật bị xẻ đôi này phải chịu, nếu họ vi phạm điều cam kết.

2.     Ở đây, chính Thiên Chúa đã mời gọi và chủ động ký kết giao ước với Abraham, khi chỉ có một mình Thiên Chúa, dưới biểu tượng lửa đi qua các con vật bị xẻ đôi. Như thế, đây là một giao ước đơn phương từ sáng kiến giao ước đến tương lai của giao ước đều do Thiên Chúa chủ động thực hiện. Với Abraham, Thiên Chúa chỉ cần ông tin mà thôi.

3.     Thiên Chúa là Đấng trung tín không thay đổi, chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng phó thác mọi sự trong tay của Ngài. Trình thuật Kinh Thánh cho thấy Abraham đã tin vào Thiên Chúa, ông tin vào những lời hứa của Chúa sẽ được thực hiện. Ông đã tin nên Chúa đã cho hành động ấy là một công nghiệp, kể ông là người công chính ( Đnl 24, 13; Tv 106, 31). Từ đó, Thánh Phaolô kết luận rằng con người được cứu độ, nên công chính vì tin chứ không phải vì công kia việc nọ.

2. Bài đọc II: Pl 3, 17-4,1

 
Sự biến hình của Kitô hữu

Thánh Phaolô thúc giục mạnh mẽ các công sự của Ngài, những tín hữu Philipphê phải sống không như những người Do thái thù nghịch với thập giá Đức Kitô nhưng như những công dân của nước Trời, theo hình ảnh của Đức Kitô. Tất cả sẽ được người biến đổi nênh giống như thân xác vinh quang của Người.

1.     Thánh Phaolô, theo như Ngài nói, đã gặp phải một đau khổ lớn lao, một sự buồn sầu ứa lệ, là vì có những người gọi là sống theo Đức Kitô, nhưng họ lại chỉ muốn chọn lựa theo những sự dưới đất để rồi lấy cái bụng là Chúa tể của mình.

2.     Trái lại, qua bí tích Thanh Tẩy Kitô hữu trở nên công dân của Nước Trời phải đồng hóa với Đức Kitô, phải biến đổi trong Người, đồng thời, phải khuân theo những cách cư xử của Người như Thánh Phaolô đã sống.

3.     Thánh Phaolô mời gọi hãy "vững vàng trong Chúa." Vững vàng trong Chúa là thái độ tin tưởng và theo Chúa để Người hướng dẫn, biến đổi trong mọi nghịch cảnh của cuộc sống. Vững vàng trong Chúa là thái độ biết từ bỏ mọi sự thế gian, từ bỏ chính mình để trung thành theo Đức Kitô.

3. Tin mừng: Lc 9, 28-36

 
Chúa Giêsu Biến Hình

Tin mừng hôm nay ghi lại một khung cảnh vừa hùng vĩ vừa huyền nhiệm: Chúa Giêsu biến hình trước các môn đệ thân tín.

1.     Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, Người đưa theo ba Tông đồ: Phêrô, Giacôbê và Gioan. Đang khi cầu nguyện 'dung mạo Người biến đổi khác thường'. Chỉ có Luca ghi lại rõ Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện và cuộc biến hình sảy ra đang khi Người cầu nguyện, như thể là kết quả của cầu nguyện.

2.     Như các biến cố khác trong cuộc đời của Chúa Giêsu, biến hình cũng qui chiếu vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Sự kiện Người biến hình như một chứng từ củng cố cho niền tin của các môn đệ trước cuộc khổ nạn sắp tới của Người.

3.     Qua bí tích Thanh Tẩy, Kitô hữu cũng được biến hình với Đức Kitô, nghĩa là cũng chiếu tỏa vinh quang của Người cho con người và thế giới hôm nay. Nhưng vinh quang chỉ thực sự tỏ rạng khi băng qua những đau khổ và sự khiêm hạ của thập giá.

II.Gợi Ý Suy Niệm

1. Biến Hình, lời khích lệ đức tin: Cuộc biến hình của Chúa Giêsu là lời đáp trả của Chúa Cha đối với việc Người chấp nhận chịu tử nạn vì tình yêu. Trước khi biến hình Chúa Giêsu đã loan báo với các môn đệ về cuộc thương khó sắp đến của Người. Người biết Người đang tiến đến Giêrusalem đón nhận cái chết theo ý muốn của Chúa Cha để cứu chuộc nhân loại. Đáp lại sự vâng phục đầy tình yêu của Chúa Giêsu, Chúa Cha sẽ ban lại vinh quang, danh dự và quyền uy tối thượng cho Người. Biến hình là hình ảnh báo trước vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu mà Chúa Cha sẽ dành cho Người. Khi nghe Thầy mình tuyên bố về cuộc khổ nạn, các Tông đồ mà đại diện là Phêrô đã cảm thấy bất an, lo âu và muốn tháo lui. Các ông đã ngăn cản Người lên Giêrusalem. Cho nên, việc Người biến hình cho các ông thấy trước vinh quang mà người sẽ nhận được sau khổ nạn là lời động viên các ông hãy can đảm đón nhận những biến cố bi thương sắp sảy đến; là lời khích lệ đức tin các ông hãy kiên tâm, bền đỗ đến cùng.

Trong đời sống đức tin, việc theo Chúa Giêsu sống vâng phục Thánh ý Chúa Cha luôn là những thách đố, những thập giá phải vác, chúng ta hãy tin chắc rằng tương lai sau sự vâng phục, sau khổ nạn luôn là niềm vui và vinh quang lớn lao. Như Abraham đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa để can đảm dấn thân lên đường theo lời Chúa và đã trở nên Cha của những kẻ tin; như lời Thánh Phaolô khẳng định: theo Đức Giêsu Kitô Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người, ngày nay mỗi Kitô hữu cần trung thành với đức tin của mình và bền tâm vững chí hy vọng vào lời hứa của Chúa.

2. Biến Hình, lời mời gọi dấn thân theo Đức Giêsu Kitô: Trong biến cố biến hình, Chúa Cha đã xác nhận Chúa Giêsu chính là "Con yêu dấu của Chúa Cha" và mời gọi hãy nghe lời Người. Đây là lời mạc khải cho biết về thân phận của chính Chúa Giêsu, Người là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa. Vì thế, việc nghe lời Người là điều tất yếu. Nghe theo Người là chấp nhận vác thập giá, chấp nhận khổ đau vì phần rỗi của tha nhân. Nghe Người là cộng tác với Người để đưa tình yêu cứu độ đến với mọi người. Nghe Người là lên đường dấn thân mang ánh sáng Tin mừng chiếu soi vào trong cuộc đời đầy tăm tối của sự dữ, của tội lỗi và của sự chết chóc. Sau khi biến hình trên núi với một thoáng vinh quang, một chốc lát ngập tràn hạnh phúc, Thầy trò lại xuống núi để tiếp tục hành trình lên Giêrusalem đến tận đồi Canvê. Đây chính là lúc để các môn đệ xác tín vào quyết định dấn theo theo Thầy mình vào cuộc khổ nạn. Đã nghe báo trước cuộc khổ hình, đã thấy trước vinh quang Thầy sẽ có sau khổ giá vậy mà các Tông đồ vẫn sợ hãi, trốn chạy, thế mới hay: Nghe theo Chúa Giêsu, đi con đường của Người không phải dễ dàng đơn giản cứ muốn là được. Đòi hỏi mỗi người phải mạnh chí trong đức tin, bền gan trong đức cậy và sắt son trong đức mến mới có thể đi trọn được.

Biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, biết là phải nghe lời Người nhưng thực tế cuộc sống, Kitô hữu ngày nay đã làm gì? Đã sống như thế nào để có thể nói được là đã tin nghe và dấn thân theo Người trên đường khổ giá?

3. Biến Hình, lời nhắc nhở con người nhớ mình là hình ảnh của Thiên Chúa: Ngay từ khởi đầu, con người đã được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Nghĩa là nơi con người đã được mang lấy những phẩm chất cao quí, vinh quang của Thiên Chúa. Vinh quang ấy nơi Thiên Chúa không bao giờ thay đổi hay bị suy giảm mất đi theo thời gian. Với con người cũng vậy, Thiên Chúa muốn cho những phẩm giá cao quí ấy tồn tại mãi mãi và không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, con người đã phản bội lại tình yêu Thiên Chúa; tội lỗi đã làm lu mờ đi hình ảnh của Thiên Chúa nơi mỗi người, làm suy giảm thận chí mất đi những phẩm giá cao quí mà Thiên Chúa đã ban tặng khi tạo dựng. Chúa Giêsu đã đến để phục hồi phẩm gía con người là hình ảnh của Thiên Chúa bằng cuộc tử nạn và phục sinh của Người. Hơn thế nữa, không chỉ mang hình ảnh, mang những phẩm giá của Thiên Chúa, con người còn đựơc nâng lên địa vị làm Con Thiên Chúa như Người. Lời Chúa Cha mạc khải trong biến cố biến hình về Chúa Giêsu: Đây là Con yêu dấu của Ta cũng sẽ là Lời Chúa Cha nói với mọi người ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh tẩy.

Vì thế, Biến hình còn là lời Thiên Chúa nhắc nhở con người về thân phận của mình, tất cả đựơc dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, qua cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu tất cả đã trở nên Con Thiên Chúa. Vậy phải sống thế nào để luôn chói sáng những phẩm giá của một người con. Cuộc Biến hình của Chúa Giêsu phải được mỗi người tiếp nối trong hiện tại này, để qua chúng ta mọi người nhận biết vinh quang của Thiên Chúa là Cha chúng ta.
 
Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng - Bài Giảng Lễ