Hy Sinh Vì Tình Yêu - Suy Niệm Chúa Nhật XXII Thường Niên A
Tin Mừng Mt 16: 21-27
Để là Kitô hữu, phải chăng chỉ cần tuyên xưng như Phêrô về Chúa Giêsu Kitô : "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống". Nếu thế là đủ thì quả thật quá dễ dàng để mang danh hiệu cao quí : 'Kitô hữu'. Tuyên xưng bằng môi miệng không quan trọng bằng tuyên xưng bằng chính cuộc sống. Lời tuyên xưng ngoài miệng phải là kết quả của cả một tâm hồn, một định hướng, một lẽ sống theo Chúa Giêsu Kitô.
Tin bằng cả cuộc sống mới có thể đón nhận được sức mạnh và uy quyền của Người. Tin bằng cả cuộc đời dấn thân mới có thể vác thập giá theo Người trên đường khổ nạn.
I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
1. Bài đọc I : Gr 20,7-9
Ngọn lửa Lời Chúa dày vò tâm can
Phải đương đầu với sự truy hại, Tiên tri Giêrêmia tự hỏi làm thế nào để có lòng can đảm để tiếp tục sứ mạng của mình ? Ông thừa nhận, chính Thiên Chúa đã quyến rũ ông. Lời của Chúa là một ngọn lửa dày vò, thôi thúc ông. Ông không thể nào không loan báo Lời Chúa.
a. Làm thế nào mà một người nhát đảm như Giêrêmia lại dám lên tiếng công bố những điều khủng khiếp, khích động và chế nhạo những kẻ truy hại mình ?
b. Chính Thiên Chúa đã chọn ông, đã quyến rũ ông. Thiên Chúa đã phá bỏ tính nhút nhát nơi ông, làm cho ông có khả năng chu toàn sứ mạng của mình cho đến cùng, đến độ tử đạo.
c. Đó chính là thái độ của Thiên Chúa đối với những người Ngài tuyển chọn. Ngài dùng họ, quyến rũ họ. Ngay từ lúc đó, Ngài giúp họ chiến thắng sự sợ hãi, làm cho họ can đảm bước vào một cuộc phiêu lưu lớn của một cuộc sống hoàn toàn cho đi.
2. Bài đọc II : Rm 12,1-2
Hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa
Thánh Phaolô khuyên dạy tín hữu từ bỏ những nếp sống theo thói đời để dâng hiến toàn bộ cuộc sống cho Thiên Chúa như một của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa.
a. Từ chương 12, (và thường phần cuối các lá thư của Thánh Phaolô) được gọi là phần khuyến thiện. Trong phần này, thánh nhân thường dùng để cầu nguyện, an ủi và khuyên bảo mọi người thực hiện những việc tích cực tốt đẹp trong đời sống.
b. Thiên Chúa tỏ lòng xót thương con người, để đáp trả đòi hỏi con người phải biết hiến dâng cuộc đời cho Chúa. Thánh Phaolô dùng từ ngữ 'hiến thân' để nói đến việc dâng hiến này. 'Thân mình' ở đây là toàn bộ cuộc sống, toàn thể con người sống động.
c. Của lễ dâng hiến Thiên Chúa không phải là lễ vật như của các tôn giáo khác là tiền của, vật chất… nhưng là chính bản thân, là cuộc sống. Của lễ đó sống động vì sống để dâng mình phục vụ Chúa trong anh chị em ; của lễ đó thánh thiện vì được hiến dâng cho Chúa và của lễ đó đẹp lòng Chúa vì sẽ được Ngài đón nhận.
3. Tin mừng : Mt 16,21-27
Phải theo Đức Kitô lên đồi Canvê
Sau khi đã loan báo cho các môn đệ biết về cuộc thương khó và tử nạn của mình, Chúa Giêsu báo trước cho các ông rằng chính các ông cũng phải theo Người trên đường thập giá.
a. Trong Tin mừng Matthêu, chúng ta thấy có ba lần Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Người (16,21 ; 17,22-23; 20,17-19). Sau mỗi lần loan báo đều có ghi lại phản ứng u mê, sai lầm và tiêu cực của các môn đệ trước lời loan báo này. Sau mỗi lần như thế Chúa Giêsu lại giải thích cho các ông hiểu thêm về sứ mạng của Người.
b. Đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Người cho các môn đệ. Người sẽ phải chịu những sự sỉ nhục và sự hành hình của thập giá trước khi đón nhận vinh quang phục sinh.
c. Khổ nạn là một yếu tố rất cần thiết trong công trình cứu độ của Chúa Giêsu. Đây là phần mầu nhiệm nhất, thâm sâu nhất và mới mẻ nhất trong cuộc đời tại thế của Chúa Giêsu. Đây cũng là cớ làm cho nhiều người vấp phạm, cớ vấp phạm cho dân Do thái, cho các Tông đồ và cho nhiều người qua nhiều thời đại. Qua cuộc khổ nạn của Chúa đã hình thành nên một qui luật chung cho những ai muốn làm môn đệ Người : Tình yêu Thiên Chúa đi ngang qua thập giá. Ai muốn làm môn đệ Đức Kitô phải vác thập giá mình mà theo Người.
II. GỢI Ý BÀI GIẢNG
1. Thập giá - con đường Kitô hữu phải đi :
Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ biết về con đường khổ giá Người sẽ đi, đồng thời, mời gọi cũng như báo trước cho các ông biết các ông muốn làm môn đệ Người thì cũng phải đi vào con đường thương khó ấy. Chúa Giêsu loan báo và đã thực hiện trọn vẹn con đường thập giá với cái chết nhục nhã trên đồi Canvê. Đến lượt các môn đệ và mỗi Kitô hữu ngày nay cũng thế, phải đi vào con đường thập giá. Thập giá là cách thế Chúa Giêsu thực hiện công trình ban ơn cứu độ cho nhân loại thì thập giá cũng là cách thế để chúng ta đón nhận ơn cứu độ và thông chuyển ơn cứu độ cho con người và thế giới.
Cuộc sống con nguời vốn dĩ đã đầy đau khổ, thử thách. Đó chính là thập giá mà Chúa Giêsu đã vác và muốn Kitô hữu cùng vác với Người. Làm sao tránh khỏi khổ đau, gian nan, thử thách của kiếp người đầy tục lụy ? Chả có cách nào từ chối chúng, vậy chi bằng hãy đón nhận trong niềm tin vào Chúa Giêsu, Người đã đi trước, vác thập giá trước và mang lại ơn cứu độ cho chúng ta. Kitô hữu cũng hãy vác thập giá với Người, chúng ta sẽ được biến đổi và nên hữu ích cho anh chị em chung quanh.
2. Thập giá - con đường chẳng ai muốn đi vào :
Sau khi nghe Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn, chính Phêrô, người trước đó đã mạnh miệng tuyên xưng đức tin của mình, vậy mà đã lên tiếng trước mọi người ngăn cản Chúa Giêsu. Mỗi người Kitô hữu cũng thế, cũng phản ứng như Phêrô ngại chạm trán với thập giá. Cô đơn, nghèo khổ, bệnh tật, bị khinh miệt… rất nhiều những thâp giá giữa đời thường hầu như không thể chấp nhận được với mỗi người chúng ta. Không ai muốn mình phải khổ cả, Chúa cũng chẳng muốn điều đó. Tuy nhiên, lời mời gọi vác thập giá mang ý nghĩa hiện sinh và tôn giáo sâu sắc : Nếu tin vào Chúa thì không có gì phải lo ngại cả. Chúa Giêsu cũng có lúc muốn từ chối thập giá, nhưng rồi hoàn toàn phó thác trong tay Chúa Cha, vâng lời Chúa Cha, để rồi đã hoàn tất công trình cứu độ yêu thương mang lại sự sống, tình yêu và hạnh phúc cho nhân loại.
Thập giá là con đường theo tâm lý thường tình thì không ai muốn cả. Nhưng trong niềm tin Kitô hữu can đảm bước vào, vì biết rằng đó là điều Chúa muốn, làm đẹp lòng Chúa và sẽ được Chúa tôn vinh. Kitô hữu chúng ta hãy can đảm vác thập giá theo Chúa Giêsu Kitô, không ngần ngại.
3. Thập giá - con đường đến vinh quang :
Khi loan báo về cuộc khổ nạn cũng như khi mời gọi các môn đệ vác thập giá theo mình, Chúa Giêsu cũng cho biết trước vinh quang phục sinh : ngày thứ ba Người sẽ sống lại ; ai liều mất mạng sống vì Thầy, thì sẽ được sống ; Con Người sẽ đến trong vinh quang, trả công cho mỗi người tùy theo việc họ làm. Như thế, thập giá, cuộc thương khó không mang sắc thái bi quan, thất vọng, chết chóc nhưng lại mở ra một niềm hy vọng, niềm vui và sự sống tích cực. Sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô đã nói lên tất cả giá trị, hiệu quả cao quí của mầu nhiệm thập giá. Qua thập giá đến vinh quang, đó là chân lý.
Trong cuộc sống đời thường có gì vinh quang, có gì thành công, có gì thành đạt mà không phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí bằng máu nữa ? Phải qua gian khó, thử thách mới tôi luyện con người nên trưởng thành ; phải qua vất vả mới có thể thành công ; phải qua thập giá mới đến vinh quang đích thực.
III. LỜI NGUYỆN TÍN HỮU :
Mở đầu : Anh chị em thân mến, con đường khổ giá chắc chắn không nhẹ nhàng, không thanh thản khi bước vào. Phải có ơn Chúa mới có thể đi trọn vẹn. Vậy giờ đây, chúng ta cùng sốt sắng dâng lời nguyện xin :
1. Những sự chống đối từ bên ngoài, những trào lưu phi luân lý và những rạn nứt nội bộ luôn là những thập giá mà Giáo hội khắp nơi phải gánh chịu, phải đương đầu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Giáo hội luôn mạnh mẽ tin tưởng vào Chúa, can đảm đấu tranh cho sự thật, gìn giữ và phát triển sự hiệp nhất.
2. Ngày nay biết bao người đã và đang phải đối diện với thập giá là nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh và biết bao sự khó khăn khác. Chúng ta cùng cầu nguyện cho đời sống của xã hội ngày càng gia tăng phát triển tình bác ái, sự hiệp thông chia sẻ giữa người giàu và nghèo ; giữa các nước phát triển và chậm tiến để mọi người thực sự được bình đẳng, thụ hưởng tự do, hòa bình, ấm no và hạnh phúc.
3. "Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy". Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người, mọi nhà trong cộng đoàn chúng ta được tràn đầy ơn Chúa để tất cả luôn tin tưởng, cậy trông và vui nhận vác thập giá theo Chúa.
* Lời kết : Lạy Chúa Giêsu Kitô, vì yêu mến chúng con, Chúa đã can đảm chấp nhận thập giá, chịu chết để ban ơn cứu độ cho chúng con. Xin cho chúng con biết can đảm theo Chúa, biết đón nhận và sống vì mọi người như là cách thế chúng con vác thập giá theo Chúa lên đồi Canvê. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.