Lề Luật Của Đức Kitô - Suy Niệm Chúa Nhật XV Thường Niên C
Tin Mừng Lc 10: 25-37 Với dụ ngôn người Samaria nhân hậu, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết thực thi tình yêu thương phục vụ tha nhân. Họ là những người đang ở bên chúng ta, đang hiện diện và đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống này. Họ vẫn đang hiện diện nhưng vì nhiều lý do cá nhân mà đôi mắt chúng ta xem ra đã không thấy họ.
SUY NIỆM CHÚA NHẬT
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN C
NGÀY 14/07/2019
LỀ LUẬT CỦA ĐỨC KITÔ
Xem ra trong cuộc sống những gì ở gần nhất thì mình lại thờ ơ và dễ dàng quên lãng. Lời Chúa, lề luật của Thiên Chúa cũng ở ngay trong chính mỗi người không đâu xa, thế nhưng sống và giữ Lời Chúa, lề luật Chúa có lẽ lại là việc khó khăn. Thậm chí có người thờ ơ, quên lãng. Môsê khẳng định với dân chúng rằng Lời Chúa không ở đâu xa, không ở trên trời cũng như dưới biển nhưng ở ngay môi miệng và ngay trong lòng người. Với dụ ngôn người Samaria nhân hậu, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết thực thi tình yêu thương phục vụ tha nhân. Họ là những người đang ở bên chúng ta, đang hiện diện và đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống này. Họ vẫn đang hiện diện nhưng vì nhiều lý do cá nhân mà đôi mắt chúng ta xem ra đã không thấy họ.
I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA : Tin Mừng Lc 10,25-37
I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA : Tin Mừng Lc 10,25-37
Ai là người thân cận ?
Giới răn yêu thương đòi hỏi phải yêu mến Thiên Chúa như người Cha và yêu mọi người như chính mình. Thế nhưng, cần phải đi đâu để tìm kiếm người mình phải yêu thương. Dụ ngôn người Samaria nhân hậu sẽ giúp chúng ta hiểu rằng tình yêu phải mở rộng đến mọi người không loại trừ ai và tha nhân chính là những người chúng ta gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày.
a. Lề luật của Do Thái giáo đã qui định rõ ràng phải yêu thương tha nhân. Tuy nhiên, những luật sĩ, người giải thích lề luật, lại tìm cách để giới hạn khái niệm về tha nhân là ai. Vấn đề này đã gây nhiều tranh cãi trong giới Rabbi. Theo quan niệm đương thời thì tha nhân là người đồng hương, đồng đạo còn người ngoại đạo là người ô uế, thờ ngẫu tượng thì không được đụng đến vì như thế là sai luật vì sẽ bị ô uế.
b. Người luật sĩ đến hỏi Chúa Giêsu để thử Người nhằm tìm cách bắt bẻ Người : Làm thế nào để được sống đời đời ? Ai là người anh em để mình yêu thương ? Ông muốn tranh luận về lý thuyết nhưng Chúa Giêsu đã hướng vấn đề theo ý Người. Điều cốt yếu không phải là biết ai là đối tượng của lòng yêu mến mà là có yêu thực sự hay không. Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến hành động vì tình yêu. Chính tình yêu làm cho chúng ta trở nên anh chị em của mọi người ; mọi người, không phân biệt một ai, xuất thân từ đâu, đều trở nên anh chị em của mình. "Ai là anh em của tôi ?" Câu trả lời không phải là một khái niệm lý thuyết trừu tượng từ sách vở mà là câu trả lời đến từ tình yêu sống động của tấm lòng mỗi người.
c. Người Samaria trong dụ ngôn dù là người ngoại đạo, không biết gì về lề luật như người Luật sĩ, cũng chẳng có tư cách của thầy trợ tế Lêvi hay thầy Tư tế. Thế nhưng, ông đã sống được giới răn quan trọng nhất của Chúa. Với Kitô hữu ngày nay, dụ ngôn giúp chúng ta đặt lại con tim và hành vi bác ái của mình : chúng ta đang yêu như thế nào ? Tình yêu có giúp mình trở nên người của mọi người không ?
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Tìm kiếm và sống tình yêu giữa đời thường :
Trong thực tế tìm kiếm và sống đúng đòi hỏi của tình yêu không phải là điều đơn giản. Người luật sĩ chắc chắn am hiểu luật, thế nhưng, khi nhận được câu trả lời của Chúa hãy làm đúng luật yêu thương mà ông đã biết, ông lại tìm cách bào chữa cho mình. Ông bào chữa vì ông không thấy được đâu là đối tượng để ông yêu mến. Anh em tôi là ai ? Người thân cận tôi là ai ? Trong mắt người Do Thái thì đối tượng là những người tốt, người đồng đạo… nghĩa là có những đối tượng bị loại trừ khỏi con tim yêu thương của họ. Chúa Giêsu thì khác hẳn, một khi đã yêu thì không phân biệt một ai. Qua dụ ngôn người Samaria nhân hậu, Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó, anh em mình chính là những người khổ đau, nghèo đói, bệnh tật… chung quanh chúng ta. Đối tượng để chúng ta yêu mến không ở đâu xa mà ở ngay cạnh mình, trên đường mình đi, ngay nơi mình ở. Tìm kiếm và sống tình yêu ngay giữa đời thường của mình. Yêu đi rồi sẽ biết ai là anh em của mình hay nói cách khác chính tình yêu sẽ biến đổi mọi người thành anh chị em của nhau, thân thiết với nhau.
Với Kitô hữu hôm nay, câu chuyện Tin mừng gợi cho chúng ta cách sống đức tin của mình như thế nào ? Nhất là mối tương quan tình yêu với mọi người chung quanh. Yêu mến Thiên Chúa trong nhà thờ không đủ nếu không yêu mến Ngài trên đường đi và trong anh chị em chung quanh. Dâng lễ mà không yêu người, đối với Thiên Chúa là điều không thể chấp nhận được.
2. Sự thờ ơ vô cảm của lòng người bóp chết tình yêu :
Chắc hẳn không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu trong dụ ngôn người Samaria nhân hậu đã đưa ra hình ảnh của thầy Trợ tế Lêvi và thầy Tư tế đối lập với người Samaria nhân hậu. Chắc chắn đó là sự kiện thường thấy trong sinh hoạt của người Do Thái lúc bấy giờ. Vì khi dùng dụ ngôn, Chúa Giêsu luôn lấy những hình ảnh đời thường để giúp mọi người hiểu chân lý đức tin. Ở đây không nhằm đi vào phân tích nguyên nhân tại sao họ có thái độ như thế, nhưng chủ ý muốn nói đến thái độ vô cảm thờ ơ của họ trước đau khổ của người khác. Họ là những người có luật, hiểu luật yêu thương thế mà họ lại không thực hiện ; trong khi đó, người Samaria không biết luật đó, không biết đối tượng tình yêu của mình thì ông lại biết sống vì yêu.
Ngày nay, sự thờ ơ dửng dưng, thái độ vô cảm trước nỗi đau của anh em đồng loại xem ra là căn bệnh của thời đại, của nhiều người, trong đó có cả người Kitô hữu. Báo đài đã lên tiếng về vấn đề này trong mọi môi trường của cuộc sống. Thái độ ấy đã và đang bóp nghẹt lòng người ; đã và đang đẩy biết bao người vào trong đau khổ bất hạnh ; đã và đang làm phân hóa xã hội. Kitô hữu chúng ta sống và làm gì trước hiện tượng đó ?
3. Tình yêu, con đường của sự sống : "Tôi phải làm gì để được sống đời đời ?"
Đó là câu người Luật sĩ đã hỏi Chúa Giêsu, và câu trả lời của Chúa Giêsu thật là kinh điển dựa vào luật yêu thương : Ngươi hãy đi và làm như vậy. Câu trả lời kinh điển không thể khác hơn được, tình yêu đưa tới sự sống đó là chân lý của niềm tin Kitô giáo. Hình ảnh người Samaria trong dụ ngôn cho thấy một cách cụ thể tình yêu đã mang lại sự sống như thế nào. Nạn nhân bị cướp dọc đường nếu như không gặp được người Samaria mà chỉ gặp toàn những người như thầy Tư tế, Trợ tế thì chắn chắn anh ta không thể sống được, nhưng nhờ lòng bác ái mà anh đã được cứu sống. Chúa Giêsu chính là người Samaria nhân hậu đối với chúng ta. Người rời bỏ ngai tòa Thiên Chúa để đến cứu chữa, giải thoát chúng ta khỏi vết thương và sự chết do tội lỗi gây ra. Chúa đã đến vì yêu để cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Ngày nay, đến lượt mỗi người Kitô hữu chúng ta phải tiếp tục là người Samaria bên cạnh tất cả những người chúng ta gặp trong cuộc sống mình.
Xã hội và con người bất hạnh khổ đau hôm nay có gặp được người Samaria nhân hậu hay không ? Con người hôm nay có tìm được sự sống và hạnh phúc hay không ? Câu trả lời cần đến trái tim nhân hậu của mọi người nói chung, và nhất là của Kitô hữu chúng ta. Những ai lâm cảnh thiếu thốn, khổ đau đều có quyền đòi Kitô hữu yêu thương bằng hành động cụ thể.
III. LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
Mở đầu : Anh chị em thân mến, yêu thương là giới luật của Thiên Chúa. Ngài đã trọn tình yêu thương chúng ta. Trong tình yêu Thiên Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin.
1. Chúa Giêsu đã thiết lạp Giáo hội để tiếp nối Người yêu thương chăm sóc nhân loại khổ đau. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Giáo hội thực sự là nhà, là nơi mọi người tìm thấy được sự yêu thương chăm sóc và ủi an qua sự đón tiếp chân thành của mọi thành phần trong Giáo hội.
2. Ngày nay vì sự thờ ơ, vô cảm của lòng người, vì sự ích kỷ vụ lợi mà nhiều người, nhiều nơi trên thế giới phải rơi vào thảm cảnh của chiến tranh, đói khổ, lạc hậu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các quốc gia không chỉ lãnh đạo bằng sự khôn ngoan, tài trí mà còn bằng con tim biết yêu nước thương dân. Nhờ đó, mọi người được hưởng tự do, công lý và hòa bình.
3. Mến Chúa yêu người luôn là một đòi hỏi thúc bách của Chúa đối với Kitô hữu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết sống yêu thương bằng hành động bác ái hy sinh cụ thể dành cho anh chị em. Xin cho mọi người được trở nên những người Samaria nhân hậu cho anh chị em chung quanh.
Lời kết : Lạy Thiên Chúa là tình yêu, Chúa luôn mời gọi chúng con yêu thương nhau. Xin Chúa gia tăng đức ái, giúp chúng con biết quan tâm, mau mắn, giúp đỡ anh chị em khó khăn bên cạnh với tất cả khả năng và tấm lòng của mình. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng