Clock-Time

Lời Kêu Gọi Hoán Cải - Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Chay C

Tin mừng Lc 13: 1-9: Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật III mùa chay này giáo huấn Kitô hữu về việc thay đổi cuộc sống, 'hoán cải cuộc đời'. Chúa Giêsu mời gọi hoán cải là bước ra khỏi tội lỗi, can đảm chống lại những khuynh hướng xấu của bản thân và dấn thân theo những đòi hỏi của Tin mừng.

SUY NIỆM TIN MỪNG

CHÚA NHẬT TUẦN III MÙA CHAY - NĂM C

LỜI KÊU GỌI HOÁN CẢI

 



Xh 3,1-8a.13-15 ; 1 Cr 10,1-6.10-12 ; Lc 13,1-9.

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật III mùa chay này giáo huấn Kitô hữu về việc thay đổi cuộc sống, 'hoán cải cuộc đời'. Chúa Giêsu mời gọi hoán cải là bước ra khỏi tội lỗi, can đảm chống lại những khuynh hướng xấu của bản thân và dấn thân theo những đòi hỏi của Tin mừng. Mùa chay là thời điều chỉnh, lập lại trật tự nội tâm và nghiêm túc khám phá những giá trị làm cho con người thăng tiến. Cần phải xác tín, lên đường không chần chờ với tất cả nỗ lực để hoán cải, canh tân cuộc sống.

I. Tìm Hiểu Lời Chúa

1. Bài đọc I : Ex 3, 1-15

 
Bụi Gai Bốc Cháy

Thiên Chúa đã thấy cảnh khốn quẩn của dân Ngài bị phó mặc trên đất Ai Cập cho sự ức hiếp, và cái chết. Sau khi tỏ mình cho Môsê trên núi Sinai, Thiên Chúa trao phó cho ông sứ mạng giải phóng Israel.

Sợ bị quân của Pharaon vây bắt, Môsê trốn trong sa mạc Madian, chăn cừu cho cha vợ. Ông đã được thấy một thị kiến nhiệm màu : Bụi gai bốc cháy nhưng không bị thiêu rụi.

Thiên Chúa đã tỏ mình ra với ông : Ngài là Đấng Tự Hữu. Ngài trao phó ông sứ mạng giải phóng dân Ngài khỏi kiếp nô lệ Ai Cập và dẫn đưa dân về miền Đất Hứa.

Với mỗi Kitô hữu, hình ảnh bụi gai bốc cháythắp sáng lên trong cuộc sống mỗi người niền tin tưởng, niềm hy vọng : Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Ngài ở cùng chúng ta, Ngài giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi biến chúng ta trở nên người tự do đích thực.

2. Bài đọc II : 1 Cr 10, 1-6. 10-12

Phải Cảnh Giác

Thánh Phaolô cảnh tỉnh những người tự mãn, tự phụ cho mình có sức mạnh không bị sa ngã trước những cám dỗ. Gợi nhớ lại những sự bất trung của dân Do Thái không đếm xỉa gì đến sự tốt lành của Thiên Chúa, Thánh Phaolô cho thấy cần phải thận trọng trong cuộc sống đừng ỷ lại, đừng tự phụ.

Trong số những người tín hữu tại Corintô, có một số người tự kiêu về bí tích thanh tẩy của mình, về việc tham dự vào Tiệc Mình Máu Chúa, để rồi tự cho mình có khả năng tránh được tất cả nguy hiểm sa ngã.

Thánh Phaolô khuyên bảo họ hãy dè chừng, hãy coi gương của những người Do thái ngày xưa tuy cùng được sống trong ân nghĩa của Thiên Chúa nhưng nhiều kẻ đã phải chết, đã sống không đẹp lòng Chúa và phải chịu cảnh khốn khổ.

Mỗi Kitô hữu ngày nay, cần phải nhận ra sự yếu đuối của mình để đặt niền tin vào Thiên Chúa, vào ân sủng của các bí tích. Tránh xa sự tự mãn, chỉ biết cậy dựa vào sức mạnh cá nhân.

3. Tin mừng : Lc 13, 1-9

 
Sự Khẩn Thiết Của Việc Hoán Cải

Chúa Giêsu cảnh báo nghiêm khắc với các môn đệ và với mọi người về sự khẩn thiết của việc hoán cải và tính cần thiết của việc cảnh giác trước những nguy cơ sa ngã.

Dựa vào hai biến cố thảm thương : những người bị Philatô giết hại và những người bị tháp Silôê đè chết, Chúa Giêsu thúc giục người nghe hãy hoán cải, hãy sợ hãi những sự trừng phạt của Thiên Chúa giáng xuống trên con người.

Hoán cải luôn là điều khẩn thiết. Không thể dựa vào lòng khoan giãn nhân từ của Thiên Chúa để rồi từ chối hoán cải. Cây vả đã không sinh trái được thì sớm muộn gì cũng sẽ bị đốn bỏ.

Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng nhớ đừng quên rằng sự kiên nhẫn của Ngài là sự kiên nhẫn của một tình yêu có yêu cầu cao, đòi phải nỗ lực hoán cải, không ngừng canh tân cuộc sống, không được trì hoãn bất cứ gía nào, phải sinh hoa kết quả trong việc thay đổi lối sống.

II. Gợi Ý Suy Niệm

1. Hoán cải, một cách nhìn mới về thực tại nhân sinh : Trước những biến cố đau thương của người khác, người ta dễ bị cám dỗ giải thích một cách thiếu bác ái. Như trường hợp những người bị Philatô giết chết, thì mọi người dễ dàng qui kết do bởi họ có tội nên bị án phạt như thế. Hay như trường hợp của anh mù bẩm sinh được Chúa Giêsu chữa sáng mắt cũng vậy, người ta cho rằng đó là hậu quả tội lỗi của anh hoặc của cha mẹ anh. Trong thực tế ngày nay cũng không hiếm những kiểu qui kết, giải thích như vậy. Chúng ta thường được nghe những lối giải thích : 'Trời phạt, trời có mắt'; ' Đáng đời'. Khi nhìn thấy những sự đau khổ, thất bại, bi thương của người khác, người ta thường nhìn theo khía cạnh tiêu cực hơn là tích cực. Còn khi chính mình gặp hoạn nạn thì lại than trách 'Trời không có mắt; Thiên Chúa bỏ rơi tôi'; 'tôi có tội tình gì đâu sao Trời lại phạt tôi?'… Cần phải hết sức thận trọng khi giải thích những biến cố sảy ra trong đời sống quanh ta. Một biến cố có thể giải thích bằng nhiều cách khác nhau tuỳ theo tâm lý, tính tình, trình độ của mỗi người. Khôn ngoan nhất chính là biến theo lời dạy của Chúa Giêsu : biết dựa vào các biến cố sảy ra để mà hoán cải không ngừng. " Đừng tưởng những người đó tội lỗi hơn các người khác. Không phải thế đâu. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải thì tất cả cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy." Quả vậy, nhìn người mà ngẫm đến ta, người ta bị như thế tôi không bị phải chăng là hồng ân Chúa dành cho tôi? Người ta bị như thế có ý nghĩa gì và nhất là mang lại bài học gì cho tôi? Để rồi chân nhận rằng tôi chẳng tốt lành hơn ai. Chính tôi phải hoán cải, phải thay đổi nếu không thì còn tệ hại hơn ai hết.

Như thế, hoán cải giúp mở ra một cái nhìn mới về những thực tại nhân sinh để thông cảm hơn, quảng đại hơn với tha nhân và nghiêm khắc sửa đổi bản thân mình hơn.

2. Hoán cải, một cách nhìn của hy vọng : Sau lời mời gọi phải hoán cải nếu không sẽ bị huỷ diệt, Chúa Giêsu trình bày dụ ngôn về cây vả không trái ông chủ muiốn chặt nhưng người ta điền xin cho thời gian để chăm sóc tốt hơn hy vọng sẽ có trái. Qua dụ ngôn này cho thấy lòng nhân từ của Thiên Chúa, một mặt kêu gọi phải hoán cải mặt khác lại tạo điều kiện để con người có cơ hội hoán cải. Chính Thiên Chúa đã thấy sự khốn cùng của con người trong thảm cảnh của tội lỗi, sa đọa và sự chết, nên Ngài đã chủ động để Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến giải phóng và đưa con người vào trong sự tự do của con cái Chúa. Bài đọc I cho thấy tình yêu thương đó của Thiên Chúa khi Ngài trao phó cho Môsê sứ mạng giải phóng dân Israel ra khỏi kiếp nô lệ Ai Cập. Cũng tình thương hải hà ấy, Thiên Chúa đã trao phó sứ mạng giải phóng con người cho Đức Giêsu Kitô Con Một của Ngài. Như vậy, về phía Thiên Chúa thì Ngài luôn yêu thương mở ngỏ con đường yêu thương để đón nhận mọi người quay trở về vời Ngài. Vấn đề là từ phái con người có đáp trả tình yêu thương của Thiên Chúa hay không để mà sám hối quay trở về. Thiên Chúa không kết án, Thiên Chúa chỉ mời gọi hoán cải, nên hoán cải luôn là một niềm hy vọng. Vì nhờ hoán cải con người được sống và sống tốt hơn trong tình yêu Thiên Chúa.

Hoán cải không chỉ là đau buồn sám hối vì tội lỗi của mình, nhưng còn là một niềm hy vọng được sống, được làm lại cuộc đời. Hoán cải là một cách nhìn của hy vọng. Vậy nên, còn chần chờ gì nữa mà không hoán cải? Sai lầm ư, tội lỗi ư? Đừng lo âu buồn chán, that vọng! Hãy mau quay về Thiên Chúa đang chờ đợi, đang chăm sóc để chúng ta sinh hoa kết trái trong đời sống nhân đức.

3.Hoán cải, một cách nhìn thăng tiến : Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Corintô đã khuyến cáo đừng ỷ lại, đừng tự phụ hãy ý tứ kẻo sa ngã. Lời nhắc nhở của Thánh Tông Đồ hàm ý nhắc nhở phải nhận ra sự yếu đuối, mỏng dòn của bản thân để nỗ lực cậy trông, bám vào ơn Chúa mà tiến tới. Và từ đó cũng giúp hiểu thêm một cách nhìm mới về sự hoán cải. Thánh Nhân khuyên nhủ đừng chiều theo dục vọng, đừng than trách mà bị diệt vong, nhưng hãy biến đổi. Không chiều theo dục vọng để tâm hồn thanh thoát vươn lên theo đường lối thánh ý Chúa. Không lẩm bẩm than trách để biết nhận ra tình thương của Thiên Chúa, để biết được những yếu đuối của bản thân ngỏ hầu toàn tâm, toàn ý sửa đổi cuộc sống theo những giá trị của Tin mừng. Không đi theo con người xác thịt mà đi theo tinh thần mới trong Đức Giêsu Kitô nghĩa là phải sống một đời sống mới trong ân sủng của Thiên Chúa. Từ bỏ hay không chiều theo xác thịt để sống đời sống mới trong Đức Kitô đó chính là hoán cải, là đổi đời, đúng hơn là 'lên đời'. Như thế, hoán cải là một sự thăng tiến đời sống.

Hoán cải phải đi đến kết quả là sinh hoa trái tốt tươi trong đời sống, nghĩa là thăng tiến được bản thân trên mọi khía cạnh nhân bản cũng như tâm linh. Còn nếu không biến đổi, không tốt hơn thì không phải là hoán cải mà chỉ là sự dậm chân tại chỗ.

III. Lời Cầu Chung

* Lời Mở : Anh chị em thân mến, Thiên Chúa luôn yêu thương chờ đợi chúng ta là những tội nhân sám hối quay trở về với Ngài. Trong niềm tin tưởng vào tình yêu khoan dung của Thiên Chúa chúng ta cùng dâng lên Ngài những lời cầu xin.

1. Giáo Hội là nơi Chúa Giêsu Kitô bày tỏ tình yêu tha thứ cho con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Giáo Hội nhất là các vị chủ chăn luôn mang lấy tấm lòng từ bi hay thương xót của Chúa Giêsu Kitô.

2. Ngày nay nhiều người lầm đường lạc lối sa chân vào trong nhiều tệ nạn của xã hội. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những dự án, những chương trình của chính phủ về việc giải quyết những tệ nạn xã hội được phát triển tốt đẹp và những anh chị em lầm đường lạc lối sớm hoàn lương trở về với đời sống đúng phẩm giá làm người.

3. Hoán cải phải sinh hoa trái trong đời sống đạo đức. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết nỗ lực hoán cải cuộc sống theo thánh ý Chúa bằng việc từ bỏ những đam mê tật xấu và hang say sống theo những đòi hỏi của Tin mừng.

* Kết Nguyện : Lạy Thiên Chúa là Cha nhân lành, chúng con thật vui sướng đựơc làm con cái Chúa. Xin cho chúng con luôn đựơc Thánh Thần Chúa hướng dẫn để mau mắn sám hối khi lỗi lầm và không ngừng hoán cải thăng tiến cuộc sống theo Chúa Giêsu Kitô. Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.


Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng