Mùa Chay - Mùa Canh Tân - Suy Niệm Chúa Nhật V Mùa Chay C
Tin mừng Ga 8: 1-11: Câu chuyện người đàn bà ngoại tình cho thấy Chúa Giêsu biểu lộ niềm cảm thông và lòng thương xót như thế nào đối với người tội lỗi, đồng thời cũng mạc khải sứ mạng của Người : không phải đến để lên án người tội lỗi, nhưng để giao hòa họ với Thiên Chúa và với anh em.
.jpg)
Is 43,16-21 ; Pl 3,8-14 ; Ga 8,1-11
Các tuần trước Phụng vụ Lời Chúa mời gọi hoán cải và giao hòa với Thiên Chúa. Sự hoán cải và giao hòa chỉ có thể được thực hiện tốt đẹp khi chúng ta vui nhận cải cách chính đời sống nội tâm của mình.
"Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một quả tim mới! Đặt vào lòng chúng con thần khí mới của Ngài!" Đó phải là tiếng khẩn cầu của mỗi người. Tiếng khẩn cầu được cụ thể hóa bằng nỗ lực canh tân đời sống nội tâm để con tim có khả năng mở ra thế giới của Thiên Chúa, thế giới của tình yêu.
I. Tìm Hiểu lời Chúa
1. Bài đọc I : Is 43, 16-21
"Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một quả tim mới! Đặt vào lòng chúng con thần khí mới của Ngài!" Đó phải là tiếng khẩn cầu của mỗi người. Tiếng khẩn cầu được cụ thể hóa bằng nỗ lực canh tân đời sống nội tâm để con tim có khả năng mở ra thế giới của Thiên Chúa, thế giới của tình yêu.
I. Tìm Hiểu lời Chúa
1. Bài đọc I : Is 43, 16-21
Một Cuộc Xuất Hành Tuyệt Vời
Dân Do Thái bị lưu đày ở Babylon. Thật là một bi kịch dài hàng năm trời! Isaia loan báo cuộc lưu đày đau khổ này sẽ chấm dứt, Thiên Chúa không bỏ rơi dân Người : một cuộc xuất hành mới dẫn đưa dân về Giêrusalem, một sự đồng hành kỳ diệu ngạc nhiên hơn nữa.
Tiên tri Isaia khởi đầu bằng việc gợi lại kỷ niệm về những sự can thiệp của Thiên Chúa dành cho dân Người trong thời kỳ vượt qua sa mạc thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập.
Luôn luôn trung thành, Thiên Chúa sẽ dẫn đưa dân của Người khỏi sự cầm giữ của Babylon. Người sẽ làm hơn những gì Người đã làm trong qua khứ.
Bản văn Kinh Thánh này là một bài học về niềm hy vọng. Bị giam hãm trong tội lỗi, chúng ta sống lưu đày xa Thiên Chúa. Lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ không bao giờ chê bỏ chúng ta nhưng luôn dẫn đưa chúng ta về quê hương đích thực của mình, nơi đó chính là Nước Trời, Giêrusalem mới.
2. Bài đọc II : Pl 3, 8 –14
Hành Trình Chạy đến Đức Kitô
Trong đoạn thư gửi tín hữu Philipphê này, Thánh Phaolô nói với chúng ta cách ngắn gọn, Ngài đã thực hiện ra sao hành trình thiêng liêng của mình : Kể từ ngày nhận biết Đức Kitô, với Ngài tất cả đã hoàn toàn biến đổi. Biết Đức Kitô là mối lợi lớn lao hơn cả.
Dưới con mắt của Phaolô không có gì có gía trị hơn là việc nhận biết Đức Kitô. Thà chấp nhận thua thiệt tất cả để được Người chiếm hữu, để được Người hướng dẫn và để được trở nên giống Người.
Có một sự đòi hỏi phải thông phần vào cuộc thương khó và sự chết của Đức Kitô để rồi được phục sinh với Người. Thông phần cuộc thương khó là chấp nhận những thua thiệt, coi mọi sự như phân bón. Được Người chiếm hữu thì chắc chắn tương lai sẽ chiếm được phần thưởng từ trời cao trong Người.
Những lời của Thánh Phaolô hàm chứa một niềm hy vọng lớn lao, mở ra một tương lai tốt đẹp cho những ai tin vào Đức Kitô. Cuộc đời là một hành trình tin và chạy đến cùng Đức Kitô. Trên hành trình đó, hãy quên đi chặng đường quá khứ đã qua để chỉ biết nhắm tới đích điểm là Đức Kitô.
3. Tin mừng : Ga 8, 1-11
Người Đàn Bà Ngoại Tình
Câu chuyện người đàn bà ngoại tình cho thấy Chúa Giêsu biểu lộ niềm cảm thông và lòng thương xót như thế nào đối với người tội lỗi, đồng thời cũng mạc khải sứ mạng của Người : không phải đến để lên án người tội lỗi, nhưng để giao hòa họ với Thiên Chúa và với anh em. Người là Đấng Cứu Độ.
Theo luật Môsê, người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình phải bị nén đá đến chết. Chúa Giêsu bênh vực người phụ nữ này.
Trước sự gài bẫy, thái độ khiêu khích của những người Biệt phái và Luật sĩ, Chúa Giêsu bình tĩnh đưa ra phán quyết : ai vô tội thì hãy ném đá người đàn bà tội lỗi trước đi. Không một nguyên cáo nào dám cho mình là vô tội, tất cả lặng lẽ rút lui, bắt đầu là những người lớn tuổi. Không ai có quyền kết án người khác, vì tất cả mọi người đều là tội nhân. Chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền xét xử, mà án xử của Thiên Chúa là lòng khoan dung tha thứ.
" Ta không kết án chị, chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa." Tất nhiên khi tha thứ cho người đàn bà phạm tội bị bắt quả tang, không phải Chúa Giêsu dung thứ cho tội, để mạc cho người ta phạm tội. Chắc chắn Thiên Chúa không thỏa hiệp với tội lỗi, với ma quỉ. Người có sứ mạng đến để tiêu diệt chúng, nhưng lại cứu với người tội lỗi và mở ra cho họ một con đường mới. Con đường này đòi hỏi tội nhân phải từ bỏ con đường tội lỗi, làm lại cuộc đời để sống thánh thiện.
II. Gợi Ý Suy Niệm
1. Canh tân cuộc sống, một biểu hiện lòng thương xót của Thiên Chúa : Chúa Giêsu trước mặt người phụ nữ không hiện diện như một quan tòa, nhưng là một vị Thiên Chúa đầy tình yêu thương. Tình yêu đã đưa Người thoát khỏi các dục vọng bè phái, thúc đẩy Người tha thứ nhưng không cho người phụ nữ. Và với tình yêu ấy cũng chắc chắn sẽ thúc đẩy người phụ nữ hoán cải và canh tân cuọc sống mình. Thiên Chúa không kết án nhưng lại thứ tha và mở ra một vận hội mới để hối nhân có thời cơ, điều kiện làm lại cuộc đời. Như thế, canh tân cuộc sống trước hết đó chính là một cơ hội Thiên Chúa ban cho con người. Ân hụê này Thiên Chúa ban vì Ngài là tình yêu, Ngài không muốn cho bất cứ ai phải diệt vong. Canh tân cuộc sống được hiểu như một biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại để thấy rằng, nỗ lực canh tân không chỉ là chuyện cá nhân mà là mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Việc canh tân không chỉ là việc riêng của mỗi người mà là việc của cả Thiên Chúa lẫn con người. Do đó, sẽ thêm hy vọng, thêm niềm tin để thực thi canh tân. Cuộc sống của tôi dù có tội lỗi đến đâu đi nữa vẫn có Chúa đồng hành cùng tôi để dẫn tôi vượt qua khổ lụy tội đời tiến tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thánh Thần Thiên Chúa chính là tác nhân canh tân của thế giới, của Giáo Hội và của mỗi người. Lời khẩn cầu xin Ngài đến canh tân bộ mặt địa cầu phải là lời tha thiết từ cõi lòng mỗi người tước hết xin Ngài canh tân chính mình. "Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một quả tim mới! Đặt vào lòng chúng con thần khí mới của Ngài!"
2. Canh tân cuộc sống, một khát vọng đổi đời : Trong xã hội chúng ta đang sống hôm nay, con người trải qua biết bao thảm cảnh khổ đau : nghèo đói, thất học, bần cùng đến chiến tranh, tệ nạn xã hội. Con người như bị chôn vùi dưới đáy vực thẳm. Ai ai cũng khao khát vươn lên, ai ai cũng mang một khát vọng đổi đời. Đấy là một ước mơ chính đáng, một khao khát đúng đắn. Thiên Chúa luôn sẵn lòng thoả mãn ước mơ đó của nhân loại. Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy nguyên nhân của thảm cảnh cuộc đời là vì con người tội lỗi và muốn giam hãm nhau trong tội lỗi, trong đau khổ. Những người Biệt Phái và Luật sĩ và cả đám đông dân chúng đều là những người tội lỗi, vậy mà họ lại không biết cảm thông tha thứ cho người phụ nữ. Đau buồn hơn họ còn lợi dụng tình trạng của chị ta để gài bẫy bắt tội Chúa Giêsu. Đối với họ không bao giờ có khát vọng đổi đời và ngay cả khát vọng của người khác họ cũng dập tắt. Họ luôn chìm ngập trong u mê, trong lầm lạc tọi lỗi của mình. Từ kinh nghiệm ấy, cho thấy rằng để có thể canh tân cuộc sống cần phải có khát vọng đổi đời. Khát vọng đổi đời chỉ đến khi biết nhận ra thảm cảnh cuộc đời của mình, của tha nhân.
3. Canh tân cuộc sống, một từ bỏ quá khứ tội lỗi để khởi sự tương lai tươi sáng : Với lời tha thứ : 'chị hãy về và đừng phạm tội nữa', Chúa Giêsu đã mở ra một tương lai mới cho người phụ nữ. Chị vẫn trở về với đời sống thường nhật của mình, nhưng không phải trong tình trạng tội lỗi cũ nữa mà đã sang trang mới, một cuộc sống mới không phạm tội. Như thế, có nghĩa là một đời sống dứt bỏ qua khứ tội lỗi và những hệ luỵ của nó, để rồi từ đây là một đời sống thánh thiện, hoàn lương chu toàn nghĩa vụ của mình đối với gia đình cách tốt đẹp. Canh tân cuộc sống đòi hỏi một điều tất yếu là phải dứt khoát từ bỏ tội lỗi, từ bỏ những đam mê bất chính và xây dựng một cách sống mới phù hợp Tin mừng. Đổi mới cuộc đời, làm lại cuộc đời tất cả chỉ là ngôn từ, là khẩu hiệu môi miệng nếu ngay từ trong tâm khảm không có một nỗ lực quyết tâm từ bỏ quá khứ sai lầm. Canh tân là một hành trình dài xuyên suất cuộc đời chứ không phải là một hành vi nhất thời, một cảm xúc tự phát hay một thái độ vào hùa theo phong trào. Từ bỏ luôn luôn là một mất mát, một chọn lựa mà Kitô hữu phải thực thi cả đời. Măc lấy con người mới trong Đức Kitô sống theo Thần Khí của Người luôn là một nỗ lực không ngừng. Vì con người vốn dĩ là yếu đuối, cuộc đời vốn dĩ luôn có cạn bẫy của ma quỉ.
Với Kitô hữu cuộc sống chúng ta hôm nay như thế nào? Có thực sự khao khát đổi đời? Ước muốn canh tân hay không? Hay chỉ là sự chậm chạp ngại thay đổi thích ở lỳ trong đam mê tội lỗi của mình?
III. Lời Cầu Chung
* Lời Mở : Anh chị em thân mến, Thiên Chúa qua Chúa Giêsu đã yêu thương tha thứ tội lỗi và kêu gọi đồng thời ban ơn để chúng ta sống đời sống mới. Với lòng biết ơn và tin tưởng vào tình yêu của Chúa, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
1. Sau Công đồng Vaticanô II, Hội Thánh không ngừng canh tân đời sống của mình. Chúng ta cùng cầu nguyện cho công cuộc canh tân của Hội Thánh ngày càng phát triển hơn trong thời đại chúng ta.
2. Xã hội và con người trong thế giới hôm nay không ngừng phát triển trên mọi lãnh vực. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo quốc gia có được một tinh thần đổi mới triệt để trong cách nhìn và trong hành động để đưa dân nước mỗi ngày một đi lên hơn.
3. Canh tân cuộc sống theo ánh sáng Tin mừng luôn là một đòi hỏi của Kitô hữu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong chúng ta đây luôn đón nhận được ơn Chúa để hàng luôn đổi mới cuộc sống của mình làm cho bản thân và gia đình cũng như cộng đoàn ngày càng thấm đượm những gia trị Tin mừng và tình yêu Thiên Chúa.
* Kết Nguyện : Lạy Chúa Giêsu Kitô, vì yêu thương Chúa đã đến để cứu độ chúng con khỏi vòng tội lỗi và mở ra cho chúng con cơ hội làm lại cuộc đời. Xin Chúa thương ban ơn Thánh của Chúa xuống trên mọi người để chúng con đủ sức, đủ ý chí mà canh tân cuộc sống theo ý Chúa muốn. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng