Suy Niệm Lời Chúa
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH
Ngày 08/01/2023
Ca nhập lễ: x. Ml 3: 1; 1 Sb 19: 12
Này Chúa Tể càn khôn ngự đến, tay nắm trọn vương quyền, thế lực và vinh quang
Bài đọc 1: Is 60: 1-6
Vinh quang của Đức Chúa chiếu toả trên ngươi.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
Đứng lên, bừng sáng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi, vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông. Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng dạ ngươi hớn hở tưng bừng, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi. Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha: tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa.
Đáp ca: Tv 71: 1-2.7-8.10-11.12-13 (Đ. x. c.11)
Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương, trao công lý Ngài vào tay Thái Tử, để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý, và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn. Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.
Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ả-rập, Xơ-va, cũng đều tới tiến dâng lễ vật. Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự.
Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ.
Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
Bài đọc 2: Ep 3: 2-3a.5-6
Nay mầu nhiệm được mặc khải là các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.
Thưa anh em, hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô. Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. Mầu nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.
Tung hô Tin Mừng: Mt 2: 2
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng: Mt 2: 1-12
Từ phương Đông chúng tôi đến bái lạy Người.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”. Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”
Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật với các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
Ca hiệp lễ: x. Mt 2: 2
Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện ở Phương Đông, và chúng tôi mang của lễ đến bái thờ Người.
SUY NIỆM
NGẪU TƯỢNG TRONG THỜI ĐẠI MỚI
“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?”
---/---
Lễ Hiển Linh được cử hành vào Chúa Nhật thứ hai sau lễ Giáng Sinh, là một trong những lễ trọng lâu đời nhất Kitô giáo. Mục đích chính là cử hành việc Đấng Cứu Thế xuất hiện, tỏ mình cho thế gian, với tư cách là Thiên Chúa thật, là Con Người thật và là Vua muôn vua. Chúa tỏ mình ra để những ai tin vào Con Người thì có thể tìm kiếm và thờ lạy Ngài.
Ở đây, chúng ta thấy các nhà Chiêm tinh là dân ngoại, không được tuyển chọn và không được biết mạc khải. Nhưng họ lại là những người đầu tiên phát hiện ra sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Họ cũng là những người đầu tiên lên đường tìm kiếm Ngài. Họ từ bỏ thú vui, an toàn và nhàn nhã đang có, cũng không ngại đường sá xa xôi, vất vả, mà lên đường tìm kiếm và bái lạy vị Vua muôn vua. Trong khi đó, các Kinh Sư và Thượng Tế là những người hiểu biết Thánh Kinh, được mạc khải cho biết rành rẽ nơi Chúa sinh ra “tại Bêlem, miền Giuđê” (Mt 2: 6), nhưng họ lại không màng tìm kiếm để bái lạy Người. Đáng trách nhất là vua Hêrôđê, ông đã lợi dụng “sự bái lạy” để toan tính cho mục đích đen tối của mình là giết hại Hài Nhi: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người” (Mt 2: 8). Nhưng trước sự gian dối và mục đích đen tối đó, Thiên Chúa thấu rõ lòng ông và báo mộng cho các nhà chiêm tinh “là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình” (Mt 2: 12).
Trong cái toan tính của Hêrôđê cho chúng ta thấy, khi con người không tôn thờ Thiên Chúa, thì sẽ tôn thờ chính mình; mà khi tôn thờ chính mình thì tất nhiên sẽ gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài. Đó cũng là một hình thức đi ngược lại với giới răn đầu tiên, cũng là quan trọng nhất: “Thờ phượng và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự” . Đi ngược lại với giới răn này có nghĩa là con người tôn thờ ngẫu tượng và lìa bỏ Thiên Chúa, “là khước từ quyền chủ tể duy nhất của Thiên Chúa” (GLHTCG 2113) để chiếm giữ và độc tôn quyền lợi cá nhân của mình.
Khi nghe đến từ “ngẫu tượng” , chúng ta thường nghĩ đến những bức tượng hoặc hình vẽ, rồi chúng ta tôn chúng lên làm “thần”. Tuy nhiên, các ngẫu tượng của thiên niên kỷ mới này, thường ẩn nấp dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngẫu tượng và thần ngoại lai ngày nay không còn là hình ảnh “Con Bò Vàng” (Xh 32) năm xưa nữa. Người ta đã thay thế “Con Bò Vàng” bằng sự tham lam, tiền bạc, danh tiếng hay thành công trong mắt thế gian. Một số khác thì theo đuổi sự coi trọng của người khác như là mục tiêu quan trọng nhất của họ. Một số lại tìm kiếm sự thoải mái và an nhàn…
Hiểu được các ngẫu tượng của thiên niên kỷ mới này, giúp chúng ta nhận biết được các ngẫu tượng đang “giấu mặt” dưới nhiều hình thức để ra sức cám dỗ chúng ta. Ngẫu tượng đó có thể là bất cứ thứ gì chúng ta đặt nó ở trên Thiên Chúa trong cuộc sống của mình, bất cứ thứ gì chiếm vị trí của Thiên Chúa trong lòng chúng ta, chẳng hạn như: tài sản, sự nghiệp, mối quan hệ, sở thích, giải trí, mục tiêu, lòng tham, lạc thú, khiêu dâm… Tuy nhiên, những ngẫu tượng này lại rất dễ nhầm lẫn, bởi vì: Một số điều chúng ta biết rõ ràng là tội lỗi thì lại dễ tránh, nhưng cũng có nhiều thứ chúng ta tưởng là tốt đẹp, chẳng hạn như: các mối quan hệ hoặc sự nghiệp là tốt đẹp trong cuộc sống mưu sinh, nhưng lại ẩn chứa một nguy cơ tiềm tàng biến những thứ đó trở thành “Chúa” của chúng ta. Thánh Phaolô khuyên bảo: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10: 31). Nghĩa là, cho dù làm bất cứ điều gì tốt đẹp, mà không có mục đích là tôn vinh Chúa, thì sẽ dẫn đến nguy cơ chúng ta sẽ “thờ ngẫu tượng”. Vua Hêrôđê là một tiêu biểu cho điều này. Ngoài mặt ông ra vẻ là tìm kiếm để bái lạy Chúa, nhưng trong thâm tâm thì lại không.
Còn chúng ta thì sao? “Chúa” của chúng ta thật sự là ai?
Chúng ta thích làm từ thiện để tôn vinh Chúa hay để người khác tôn vinh mình? Chúng ta có dám bỏ bớt công việc để tham dự Thánh Lễ không? Chúng ta muốn ăn mặc lịch sự và kín đáo khi đến nhà thờ, hay thích ăn mặc đẹp và khiêu gợi để người khác nhìn mình? ... Nếu không cẩn thận, chúng ta có nguy cơ tôn thờ Thiên Chúa như “cái cớ” để tìm lợi ích cho bản thân, đánh bóng chính mình. Vua Hêrôđê đã làm như thế để qua mắt các nhà Chiêm tinh, nhưng Chúa thấu suốt lòng ông. Đó là bài học nhãn tiền! Chúng ta có thể qua mắt người đời, nhưng đối với Thiên Chúa thì không thể.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết đặt Chúa làm ưu tiên trên hết mọi sự. Xin Chúa cũng giúp chúng con biết sống ngay thẳng với chính mình, với tha nhân và với Chúa, để nhờ đó chúng con có thể tôn thờ Chúa một cách chân thật trong cuộc sống hằng ngày của con. Amen.
Cao Nhất Huy