Clock-Time

Nhân Chứng Của Niềm Tin Phục Sinh - Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh

Tin mừng Ga 21:1-14: Khi hiện ra với các môn đệ bên hồ Tibêria, Chúa Giêsu giao phó cho Phêrô sứ mạng lãnh đạo Giáo Hội của Người. Ông đã đón nhận trách nhiệm như một cụôc tử đạo của mình.
SUY NIỆM TIN MỪNG

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH C

NHÂN CHỨNG CỦA NIỀM TIN PHỤC SINH

 

Cv 5,27b-32.40b-41 ; Kh 5,11-14 ; Ga 21,1-19

Chúng ta thực hiện việc tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô phục sinh. Nhưng đức tin của chúng ta có xác thực không? Để nhận định điều này, chỉ cần nhìn đến đời sống của mình : đức tin có làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân Tin mừng hay không? Chúng ta có thực sự đang là những chứng tá nhiệt thành của niền tin. Nhìn vào các Tông đồ, qui tụ quanh Phêrô, sau sự phục sinh của Chúa Giêsu, các ông luôn bận tâm đến việc đưa những chứng cứ niềm tin của mình vào Đức Kitô phục sinh đến với người khác. Không có gì ngăn cản được kế hoạch của các Ngài, làm tiêu tan đi nhiệt huyết của các Ngài. Các Ngài đi mạnh mẽ cho đến khi tử đạo. Nếu được niềm tin này kích hoạt, chúng ta cũng sẽ trở nên những chứng nhân của Đức Kitô mang đến cho thế giới sự tốt lành, chân lý và tình yêu của Người.

I. Tìm Hiểu Lời Chúa

1. Tin mừng : Ga 21, 1-19


Khi hiện ra với các môn đệ bên hồ Tibêria, Chúa Giêsu giao phó cho Phêrô sứ mạng lãnh đạo Giáo Hội của Người. Ông đã đón nhận trách nhiệm như một cụôc tử đạo của mình.

Bản văn được viết sau cái chết của Phêrô và được thêm vào Tin mừng thứ tư. Chương này nhắm mục đích làm nổi bật quyền tối thượng của Phêrô.

Mạc dầu chối Chúa ba lần, nhưng Chúa Giêsu vẫn trao cho Phêrô uy quyền tối thượng lãnh đạo Giáo Hội của Người. Sứ mạng này đòi hỏi nơi ông một tình yêu lớn lao : Con có yêu Thầy hơn những người này không? Nhiều nhà chú giải nhất trí Chúa Giêsu hỏi ông đến ba lần xem ra để bù lại ba lần ông chối Thầy. Nhưng theo Bulman và nhiều nhà chú giải khác thì việc lập lại này nhằn tăng phần long trọng. Việc lập lại có ý nói rằng Phêrô được chính thức trao phó nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Chúa.

Ngày nay, Đức Giáo Hoàng là người kế vị trực tiếp của Thánh Phêrô. Cần phải biết khiêm nhường yêu mến đón nhận sự giáo huấn của Ngài. Lắng nghe Ngài là lắng nghe chính Chúa Giêsu Kitô.

II. Gợi Ý Suy Niệm 

1. Sứ mạng của các vị Chủ Chăn, sứ mạng yêu thương : Không như các thủ lãnh của thế gian, không như các tổ chức của trần thế, Chúa Giêsu chọm người lãnh đạo Hội Thánh của Người không phải dựa trên tài đức, nắng lực lãnh đạo, sự khôn ngoan hay thế lực giàu có mà chỉ rất đơn giản là tình yêu, yêu chính Người, yêu phải hơn người khác. Chính vì tiêu chuẩn này mà Chúa đã hoàn toàn quên Phêrô là anh chàng phản bội Người để chọn ông là người lãnh đạo Hội Thánh. Một điều mà ở thế gian này không ai làm bao giờ. Đáp lại lời của Thầy, Phêrô cũng khẳng định tình yêu của ông dành Cho Thầy. Chắc chắn giờ đây ông đón nhận nhiệm vụ chăn dắt dân Chúa không vì danh vọng, không vì quyền lực. Ông đón nhận và thi hành chỉ vì yêu mến vâng lời Thầy mình mà thôi. Tình yêu Thầy đã thanh luyện ý hướng phục vụ của ông; tình yêu Thầy đã giúp ông can đảm nhận lãnh sứ vụ và tình yêu Thầy cũng đã thanh tẩy ông khỏi mọi tội lỗi. Trong Hội Thánh, mọi phẩm trật, mọi trách vụ đều phải đi vào quĩ đạo tình yêu này như Phêrô. Tất cả các Chủ chăn của Hội Thánh đếu mang lấy sứ mạng yêu thương. Đi ra khỏi yêu thương sẽ là cướp chứ không còn là mục tử.

Là con cái Hội Thánh, mỗi Kitô hữu có trách nhiệm vâng lời các Đấng Bản quyền của mình, nhưng trong đức tin thì cần phải biết yêu thương kính mến và luôn cầu nguyện cho các Ngài biết thực thi quyền bính của mình bằng yêu thương.

2. Tình yêu là mối dây liên kết trong Hội Thánh : Phêrô được mời gọi vì yêu để rồi thực thi quyền bích phục vụ anh em, phục vụ Hội Thánh nhờ sức mạnh của tình yêu. Cho nên, mối dây liên kết trong Hội Thánh, nhất là sự liên kết giữa chủ chăn và cộng đoàn làmối dây tình yêu. Chủ chăn yêu Chúa Giêsu Kitô, yêu mến anh chị em mà hết lòng tận tuỵ; Giáo dân yêu Chúa Giêsu Kitô nơi con người của vị mục tử để biết tôn trọng, biết vâng lời các Ngài. Nếu không yêu thương thì chắc chắn sẽ là quyền lực, là độc tài, là thống trị nơi các vị lãnh đạo. Nếu không yêu thương thì sẽ là oán ghét, là bôi nhọ và tố cáo nơi người tín hữu. Khởi từ Chúa Giêsu Kitô vị sáng lập Hội Thánh, qua các Tông đồ nền tảng của Hội Thánh cho đến mọi Kitô hữu luôn là một dòng chảy không ngừng của tình yêu. Đi ra khỏi dòng tình yêu ấy là ra khỏi Hội Thánh, là tách rời khỏi đàn chiên của Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, sống trong Hội Thánh, thuộc về Hội Thánh là phải sống và thực thi tình yêu. Nói yêu Chúa mà không yêu Hội Thánh, không tuân phục trong tình yêu huấn quyền của Hội Thánh đó là kẻ nói dối. Hội Thánh tuy là một tổ chức, một cơ cấu nhưng lại có đối tượng cụ thể là những con người từ chủ chăn cho đấn giáo dân nhỏ bé nhất. Vì thế, yêu Hội Thánh là phải yêu thương lẫn nhau, không có khái niệm chung chung, trừu tượng về Hội Thánh .

Ngày nay, mỗi người dù ở bất cứ cương vị nào trong Hội Thánh phải luôn tự hỏi lòng mình tôi đang sống với nhau, đang sống trong Hội Thánh có vì yêu hay không?

3. Nhận ra Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh hiện diện bằng Tình yêu : Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ bên bờ hồ mà các ông không nhận ra. Khi chứng kiến mẻ cá lạ chỉ có người môn đệ 'Chúa Giêsu yêu' mới nhận ra và nói với Phêrô : " Chính Thầy đó". Người môn đệ nhận ra Chúa không phải vì thấy trực tiếp mà vì thấy phép lạ Chúa làm. Không phải ai cũng nhận ra như ông. Đều là môn đệ nhưng chỉ có tình yêu (được Thầy yêu và chắc chắn ông cũng yêu thầy hơn các anh em khác) đã làm cho ông qua dấu chỉ phép lạ đã nhận ra Thầy mình. Cũng như chỉ nhìn thấy dấu chỉ mộ trống và khăn liệm mà ông đã tin Thầy mình sống lại. Tình yêu đã dẫn tới niềm tin, đã đưa tới chỗ nhận ra Chúa Giêsu phục sinh đang hiện diện sống động. Trong cuộc sống Kitô hữu để có thể cảm nghiệm và nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu phục sinh đòi hỏi không chỉ bằng đức tin đơn thuần nhưng là một đức tin được thắp sáng, được nuôi dưỡng bởi tình yêu. Tin cần thiết nhưng chưa đủ cần phải có con tim. Chính tình yêu đã cuốn hút con người về phía Thiên Chúa. Nhờ tình yêu người ta sống trong nhau; với tình yêu người ta luôn hiện diện bên nhau cho dù có phải xa cách nhau về không gian địa lý, một sự hiện diện thẳm sâu tận cõi lòng; trong tình yêu người ta luôn hướng về nhau.

Kitô hữu phải có tình yêu Thiên Chúa mới có thể nhận ra Người đang hiện diện, mới có thể luôn hướng về Người và mới có thể tin theo Người. Đức tin của mỗi người phải đi tới tình yêu và được tình yêu nuôi dưỡng mới có thể phát triển.

I. Lời Cầu Chung

* Lời Mở : Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu phục sinh vẫn đang hiện diện để trao ban tình yêu cứu độ của Ngừơi cho mỗi người chúng ta. Trong niềm vui tri ân chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa những ước nguyện chân thành của chúng ta.

1. Chúa Giêsu vẫn đang sống và hiện diện trong Giáo Hội, vẫn đang mời gọi Giáo Hội ra khơi. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, cho các Giám Mục và cho mọi thành phần dân Chúa luôn nhận ra và bước theo lời mời gọi của Người.

2. Người môn đệ được Chúa yêu đã nhận ra Người qua mẻ cá lạ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam chúng ta trong năm Thánh này ra khơi được những mẻ cá lạ và qua đó giúp cho nhiều người biết nhận ra và tin theo Chúa, để Giáo Hội Việt Nam thực sự chu toàn tốt đẹp sứ mạng Loan báo Tin Mừng được Chúa trao phó thực thi trên mảnh đất quê hương Việt Nam thân yêu.

3. Chúa Giêsu phục sinh đã trao phó sứ mạng chăn sóc dân Chúa cho Phêrô và các Đấng kế vị Ngài. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết yêu thương kính trọng và vâng lời các Giám mục, các linh mục của mình.

* Lời kết : Lạy Chúa Giêsu Kitô phục sinh, Chúa vẫn hằng hiện diện và đồng hành với chúng con. Chúng con xin dâng lời cảm tạ. Xin gia tăng tình yêu của Chúa cho chúng con để chúng con luôn biết kiến tạo và trao ban tình yêu cho nhau. Nhờ đó, xây dựng sự hiệp nhất yêu thương trong Giáo Hội ngày càng phát triển. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.


Lm Phanxicô Xavie Lê Văn Nhạc