Clock-Time

Ơn Gọi Kitô Hữu - Chúa Nhật V Thường Niên C

Tin mừng Lc 5: 1-11: Thánh Luca kể lại việc Đức Giêsu sau phép lạ mẻ cá trên hồ Tibêria đã mời gọi một số ngư phủ theo Người để trở nên những Tông đồ là những kẻ chài lưới người.
SUY NIỆM TIN MỪNG

CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN C

ƠN GỌI KITÔ HỮU

NGÀY 10.02.2019

 



Tin Mừng Lc 5:1-11

Is 6,1-2a.3-8 ; 1Cr 15,1-11 ; Lc 5:1-11

Qua Bí tích Thanh tẩy, Kitô hữu được trao ban một sứ mạng làm sứ giả Tin mừng. Mỗi Kitô hữu là một người được chính Chúa mời gọi làm cho Nước Chúa trị đến. Mỗi người phải quan tâm đến ơn gọi và sứ vụ loan báo Tin mừng của mình làm sao để cuộc sống mình luôn thể hiện những giá trị Tin mừng, nhờ đó, lôi kéo đựơc người chung quanh theo Chúa.

I. Tìm Hiểu Lời Chúa

1. Bài đọc I : Is 6, 1-2a, 3-6


     * Ơn Gọi Của Isaia

Chúa nhật vừa qua chúng ta đã nghe đọc bản văn về ơn gọi của Tiên tri Giêrêmia. Hôm nay, chính Tiên tri Isaia nói cho chúng ta biết ông đã được Thiên Chúa gọi như thế nào và đã giao phó cho ông sứ mạng nào.

Khi Isaia đang cầu nguyện trong đền thờ thì ông nhận được một thị kiến lớn lao : Thiên Chúa mạc khải cho ông sự thánh thiện và vinh quang của Người.

Đối diện với màu nhiệm lớn lao này, Isaia khám phá ra lòng thương sót của Thiên Chúa. Với môi miệng nhơ uế làm sao ông có thể mang Lời Thiên Chúa, nhưng môi miệng ông sẽ được Thiên Chúa thanh luyện. Ông đã manh dạn thưa vâng : Lạy Chúa! này con đây.

Thiên Chúa tìm kiếm những cộng sự cho công trình Cứu độ của Ngài. Nhưng để được gọi cần thiết phải gặp gỡ với Thiên Chúa: gặp Ngài trong đức tin và cầu nguyện là điều cần thiết triệt để, để làm tròn sứ mạng được uỷ thác.

2. Bài đọc II : 1Cr 15, 1-11

      * Ơn Gọi Của Phaolô

Sau khi nhắc lại rằng sự Phục Sinh của Đức Kitô là một trong những cứ liệu nền tảng của đức tin, Thánh Phaolô khẳng định trang trọng : Ngài là chứng nhân của Đức Kitô. Ngài đã thấy Đức Kitô Phục Sinh.

Không chuẩn bị gì cho sứ vụ tông đồ, thận chí còn là người miệt mài truy bắt các môn đệ của Đức Kitô, Phaolô đã phải cúi đầu trước một sự thật hiển nhiên : Đức Kitô đã hiện ra sống động với ông.

Cùng lúc khám phá ra ý nghĩa và tầm quan trọng về sự phục sinh của Đức Giêsu; được Thần khí soi dẫn, Phaolô đã hiểu rằng ông có sứ mạng công bố điều này, đặc biệt là cho các dân nước ngoài Do Thái.

Ngày nay, có nhiều dòng tư tưởng khác nhau tìm cách rút ra từ sự phục sinh của Đức Kitô những sự giải thích không có gì là chính thống. Chúng ta cần phải gắn bó với đức tin của Hội Thánh để sống đúng kho tàng đức tin mà các Tông đồ đã để lại.

3. Tin Mừng : Lc 5, 1-11

      * Ơn Gọi Của Các tông Đồ


Thánh Luca kể lại việc Đức Giêsu sau phép lạ mẻ cá trên hồ Tibêria đã mời gọi một số ngư phủ theo Người để trở nên những Tông đồ là những kẻ chài lưới người.

Sau khi giảng dạy dân chúng từ trên thuyền của Phêrô, Đức Giêsu nói các ông thả lưới. Cho đến lúc ấy, các ngư phủ đã hoài công vất vả mà không được gì. Ngay ở lần thử đầu tiên các lưới đã đầy cá muốn rách.

Phêrô và các bạn đã bị lôi cuốn. Được Chúa mời gọi không chần chừ, các ông đã bỏ mọi sự để theo Người. Các ông sẽ không bao giờ quay trở lại nữa.

" Chài lưới người" … Tất cả mọi Kitô hữu không ngoại trừ ai đều được mời gọi để trở nên "kẻ chài lưới người". Mỗi người theo khả năng, nghề nghiệp, văn hóa của mình đều được Thiên Chúa kêu mời hãy thả lưới.

II. Gợi ý Suy Niệm

1. Kitô hữu, một ơn gọi :
Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay trình bày về ơn gọi của ba người mà cuộc đời của họ trước khi được Chúa gọi khác nhau, cũng chẳng có gì là nổi bật, thận chí còn thù địch với Chúa : Isaia, một quí tộc Israel; Phaolô, một người Biệt phái nhiệt thành hăng say bắt bớ các môn đệ Đức Giêsu; và Phêrô cùng các tông đồ đầu tiên, những anh chài lưới tầm thường bên hồ Tibêria. Tuy nhiên qua ơn gọi của các ông, chúng ta cũng nhận ra ơn gọi của mỗi người chúng ta hôm nay, ơn gọi Kitô hữu. Khi nhận lãnh bí tích Thanh Tẩy, không chỉ đơn giản là tin vào Chúa, theo Chúa để trở nên thành viên trong Nước Chúa mà cơ bản đó còn là một ơn gọi để dựng xây Nước Chúa. Nghĩa là cũng như Isaia, cũng như các Tông đồ, cũng như Phaolô, Kitô hữu cũng được mời gọi lên đường loan báo Tin mừng của Chúa đến cho người khác. Kitô hữu cũng chính là những kẻ nhận lãnh sứ mạng đi chài lưới người, đi chinh phục tâm hồn người ta về với Chúa. Xuất thân từ mọi thành phần trong xã hội với nhiều hoàn cảnh, với nhiều khả năng khác nhau, nhưng đều có chung một đức tin, một tình yêu và một ơn gọi, ơn gọi làm Kitô hữu để sống niềm tin vào Thiên Chúa. Thể hiện niềm tin đó qua việc loan báo công trình yêu thương cứu độ của Thiên Chúa cho anh chị em chung quanh.

Kitô hữu là người được gọi để sai đi loan báo; Kitô hữu là các tông đồ của ngày hôm nay. Chúng ta đã ý thức và đón nhận ơn gọi Kitô hữu như thế nào? Hãy tự hỏi lòng mình hôm nay với tư cách Kitô hữu tôi là ai? Tôi đang làm gì để loan báo Tin mừng của Chúa?

Ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi của tình yêu : Nhìn vào các Tông đồ, vào Phaolô hay vào Isaia nếu theo tâm lý bình thường chắc khó mà gọi họ trở nên những cộng sự của mình được vì xem ra chẳng có tài cán hay đức độ gì cả. Thận chí như Phêrô là anh chàng chài lưới quê mùa dốt nát, một Phaolô nhiệt tình bắt đạo là kẻ thù của Kitô Giáo thời các Tông đồ. Thế nhưng, tất cả đều được Chúa tuyển chọn. Vì sao Chúa lại chọn những con người như vậy để sai đi loan báo Tin mừng cứu độ? Không phải vì họ giỏi, không phải vì họ có thế lực cũng không phải vì họ đạo đức thánh thiện hơn những người khác mà chỉ đơn giản là vì Chúa chỉ muốn chọn những ai Chúa muốn. Và Chúa chọn chỉ vì Chúa yêu mà thôi. Chính vì tình yêu mà các ông được chọn. Chúa chọn để minh chứng tình yêu hải hà của người, yêu cả kẻ thù. Với Kitô hữu cũng vậy, được gọi vì yêu và được gọi để sai đi làm nhân chứng và loan báo tình yêu. Ơn gọi Kitô hữu cũng như ơn gọi Tông đồ xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa để ra đi loan báo tình yêu của Người. Một Tình yêu dám chết cho người mình yêu; một tình yêu được thể hiện tròn đầy trong màu nhiệm nhập thể và màu nhiệm Tử Nạn_Phục sinh của Người. Vì yêu, Người đã dám chết cho tội lỗi nhận loại và sống lại để mang lại sự sống, hạnh phúc và tình yêu bất tử cho nhân loại.

Kitô hữu, ơn gọi của tình yêu nên mỗi người trước hết phải khám phá, phải sống huyền nhiệm tình yêu Thiên Chúa để rồi một khi đã được yêu, thì sẽ biết yêu và dám yêu đến cùng. Kiếp sống Kitô hữu không yêu là kiếp sống thừa.

 1. Sống ơn gọi Kitô hữu trong hoàn cảnh hôm nay : Giáo Hội Việt Nam qua thư chung của Hội Đồng Giám Mục năm 2003 mời gọi dân Chúa hãy đáp lại lời mời gọi "Ra khơi" của Đức Thánh Cha, qui hướng lời cầu nguyện và hoạt động của Hội Thánh tại Việt Nam vào việc "Loan báo Tin Mừng". Trong thư chung này Hội Đồng Giám Mục đã trình bày khá chi tiết và rõ nét đường hướng loan báo Tin mừng của cả Giáo Hội Việt Nam cũng như phần việc cụ thể của mỗi Kitô hữu. Sống ơn gọi Kitô hữu ngày nay chính là tìm ra cách thế phù hợp để loan báo Tin mừng. Chúng ta cùng trích một số tư tưởng trong thư chung để suy gẫm, tìm hiểu cách sống ơn gọi Kitô hữu thiết thực và hiệu quả trong bối cảnh hôm nay. Trước hết là hãy trở về với nguồn mạch ơn gọi nơi chính Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, qua việc bắt chước Người : Noi gương Chúa Giêsu Kitô Chúa Giêsu là sứ giả Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất … Để rao giảng Tin Mừng, Ngài đã không biết mệt mỏi đi đến khắp mọi nơi, tiếp xúc với tất cả mọi hạng người, thực hiện rất nhiều việc lạ lùng để làm chứng Nước Chúa đã đến. Xác định rao giảng Tin Mừng theo ý Chúa Cha là lẽ sống (x. Mc 1,38; Lc 4,43) nên Ngài hiến trọn cuộc đời, đến tự nguyện hy sinh cả mạng sống, chấp nhận cái chết tủi nhục trên Thánh Giá để hoàn thành thánh ý Chúa Cha. (TCHĐGMVN, 2003, số 3). Đồng thời, trung thành với truyền thống của Hội Thánh sơ khai. Chúa Giêsu đã thiết lập và uỷ thác cho Hội Thánh nhiệm vụ loan báo Tin Mừng (x. Mc 16,15; Mt 28,19-20). Lệnh truyền này đã trở thành sứ mạng chính yếu của Hội Thánh Chúa Kitô. Hội Thánh không hiện hữu cho mình nhưng cho con người và với con người. Hội Thánh hiện hữu là để loan báo Tin Mừng và làm cho những ai thành tâm đón nhận Tin Mừng trở nên môn đệ Chúa Kitô (x. Mt 28,19) đồng thời quy tụ cho Thiên Chúa mọi con cái tản mác về lại một mối (x. Ga 10, 52). (TCHĐGMVN, 2003, số 4). Từ đó, Hội Đồng Giám Mục đã đề ra những cách thế phù hợp với những cách sống năng động như cầu nguyện. Nêu gương sống lương tâm công giáo. Trước khi rao giảng bằng lời nói, hãy rao giảng bằng đời sống. Người tín hữu giáo dân hãy nỗ lực cùng với đồng bào xây dựng một nếp sống lành mạnh trong khu phố xóm làng, loại trừ mọi tệ đoan tật xấu. Đăc biệt hãy nêu gương tôn trọng sự sống, tôn trọng phẩm giá con người, sống theo lương tâm ngay thẳng làm chứng về sự hiện diện của Nước Thiên Chúa. Thăm viếng thân hữa các thành viên tôn giáo bạn. Việc thăm viếng các thành viên tôn giáo bạn và nhất là thăm viếng các gia đình cũng như cá nhân ngoài công giáo là trình bày Phúc Âm một cách cụ thể. Thăm viếng để chúc mừng khi vui, an ủi khi buồn, nâng đỡ khi gặp hoạn nạn là những trang Phúc Âm sống động giúp anh chị em ngoài công giáo nhận rõ chân dung Chúa Giêsu Cứu Thế và hiểu biết đạo Chúa một cách chính xác hơn. Và Làm việc bác ái, việc bác ái cụ thể được thấy qua những cứu trợ thiên tai, giúp đỡ người nghèo về mọi mặt. Việc bác ái trong lâu dài phải nhắm đến phát triển toàn diện, giúp người nghèo có một đời sống xứng đáng với phẩm giá con người, vì "Phát triển là tên gọi mới của hòa bình" (x. Progressio Populorum). Những hoạt động xã hội bác ái là những lời rao giảng dễ được đón nhận,

III. Lời Cầu Chung

* Lời Mở : Anh chị em thân mến, chúng ta đựơc Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô yêu thương mời gọi và sai đi loan báo Tin mừng của Chúa. Trong niềm vui tri ân, chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện chân thành cho Hội Thánh và cho mọi người chúng ta.

  1. Ngày nay, sứ mạng Tông đồ được tiếp nối qua các Đức Giám Mục trong Giáo Hội. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, cho hàng Giám Mục và cho hàng giáo sĩ luôn hằng say nhiệt thành trong sứ mạng loan báo Tin mừng bằng đời sống yêu thương phục vụ của mình.

  2. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam thân yêu của chúng ta trong năm thánh Truyền Giáo này thu hoạch được một mùa lúa bội thu nhờ ơn Chúa và nhờ lòng nhiệt thành của mọi thành phần dân Chúa nỗ lực sống đức tin.

  3. Mỗi Kitô hữu đều được gọi để trở nên những kẻ chài lưới người, thu phục nhân tâm về cho Chúa, cho Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người, mọi nhà trong cộng đoàn chúng ta luôn tràn đầy ơn Chúa để biết sống yêu thương, hiệp nhất làm gương sáng lôi kéo mọi người tìm về với Chúa.

* Kết Nguyện : Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương chọn gọi chúng con trở nên môn đệ của Đức Giêsu Kitô để loan báo Tin mừng cứu độ của Chúa cho mọi người. Chúng con xin Chúa gia tăng ân sủng và nghị lực để ai nấy đều nhiệt thành ra khơi là cho danh Thánh Chúa vinh hiển và nước Chúa ngày càng phát triển. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng