Sự Hoán Cải Nội Tâm Đích Thực - Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVI Thường Niên A
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM A
SỰ HOÁN CẢI NỘI TÂM ĐÍCH THỰC
Ed 18,25-28 ; Pl 2,1-11 ; Mt 21: 28-32
Trong thực tế, đời sống Kitô hữu tồn tại một mối nguy hiểm cho đức tin đó là sự tự kiêu tôn giáo, lấy làm yên chí về những việc tốt của mình. Giáo hội qua các bản văn Kinh thánh được tuyên đọc hôm nay, lưu ý mọi người chống lại mối nguy hiểm đó. Hành động của mỗi người phải thể hiện niềm tin của mình, làm vì tin chứ không dùng môi miệng để minh chứng niềm tin của mình. Nói hay mà không làm thì không có ích gì. Người tội lỗi, người không biết vâng lời Chúa nhưng ăn năn hối cải tin theo Chúa, thực thi Lời Chúa thì có phúc hơn bội phần những người vâng lời Chúa dễ dàng nhưng không thực hành.
Trong Phụng vụ, rất thường khi chúng ta nói lên lời Amen, có nghĩa là xin vâng, là tin theo. Thế nhưng, lời thưa Amen có thực là lời thưa thực hiện trong cuộc đời hay chỉ là lời thưa đầu môi chót lưỡi ?
II. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
1. Bài đọc I : Ed 18,25-28
Con người chịu trách nhiệm về vận mạng của mình
Con người được Thiên Chúa tạo dựng và trao cho quyền tự do ; vì thế, có trách nhiệm về những hành vi của mình. Sẽ phải chịu số phận đau khổ nếu làm điều xấu ; ngược lại, nếu biết làm điều tốt, biết thực tâm đứng lên từ bỏ điều sai trái thì sẽ được hạnh phúc.
a. Không chối bỏ trách nhiệm tập thể được xây dựng trên nền tảng đời sống cộng đoàn, tiên tri Êgiêkiel vẫn khẳng định trách nhiệm cá nhân của mỗi người ; chính tự thân mỗi người sẽ trở nên công chính hay tội lỗi trước mặt Chúa.
b. Cũng vậy, Tiên tri Êgiêkiel nhấn mạnh, trên trái đất này không có gì thực sự có được hay bị mất đi mãi mãi : người công chính có thể bị sai đường và hư mất ; người tội lỗi biết thay đổi cuộc sống sẽ được cứu.
c. Chúng ta hãy sống trong tình thân thiết với Thiên Chúa ; hãy nắm giữ đừng đánh mất lòng trung tín của mình. Chúng ta là những tội nhân, hãy từ bỏ tội lỗi quay trở về trong tự do để đi vào khung trời tình yêu của Thiên Chúa.
2. Bài đọc II : Pl 2,1-11
Lời kêu gọi nên một trong khiêm nhường và yêu thương
Muốn mang lại giá trị hiệp nhất huynh đệ hoàn toàn cho các thành viên trong cộng đoàn Kitô hữu, Thánh Phaolô giáo huấn mọi người khiêm nhường trong tinh thần phục vụ nhau, sống vì mọi người như Chúa Giêsu Kitô đã tự hủy vì nhân loại.
a. Trong cộng đoàn Philipphê có thể tồn tại những sự phân hóa. Thánh Phaolô khuyên nhủ các thành viên cố gắng sống tâm tình của chính Chúa Giêsu nhằm mang lại cho cộng đoàn sự hiệp nhất sống động và đích thực.
b. Để làm được điều đó cần phải làm theo cách Chúa Giêsu đã làm : Thánh Phaolô đã viết lên bài ca, lấy ý từ những thánh thi phụng vụ của cộng đoàn Kitô hữu, ca ngợi sự tự hạ và vâng lời cách anh hùng của Đấng Cứu Thế.
c. Cộng đoàn sẽ trở nên sống động, phát triển, an vui và năng động nếu như các thành viên biết sống vì nhau ; biết đặt trọng tâm cuộc sống của mình trong bác ái, khiêm nhu, cảm thông lẫn nhau, chính mỗi người là quà tặng, là hồng ân cho nhau.
3. Tin mừng : Mt 21,28-32
Dụ ngôn hai người con
Dụ ngôn giới thiệu hình ảnh hai người con, một người nói vâng với người cha nhưng cuối cùng không làm gì ; một người đã thực hiện điều mà trước đó đã từ chối. Dụ ngôn như lời giải thích cho sự khác biệt giữa việc đi theo cái đúng và cái sai.
a. Hai người con tượng trưng cho hai hạng người Do Thái thời Chúa Giêsu : những người tội lỗi hay dửng dưng không giữ lề luật và qui định của tiền nhân ; và những người công chính luôn tuân giữ lề luật tiêu biểu là các luật sĩ và biệt phái. Cả hai hạng người này đều là con cái Chúa.
b. Hạng người nói không nhưng thực sự lại vâng lời. Hạng người biết vâng nhưng thực sự lại không vâng. Vâng ở đây là vâng lời Thiên Chúa, tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Những người mau mắn vâng nhưng sau lại không làm gì là người không tin vào Chúa Giêsu, từ chối hoán cải. Khiêm tốn hơn, những người tội lỗi, ý thức tình trạng khốn khổ của họ, tin vào Chúa Giêsu và thay đổi cuộc sống.
c. Dụ ngôn hai người con cho chúng ta thấy rằng không thể đánh giá con người qua thái độ bên ngoài, qua thiên kiến, nhưng cần nhìn vào chính thực tế đời sống và hơn nữa đời sống tôn giáo để biết rõ tâm hồn con người. Chính bản thân mỗi người cũng vậy phải biết hoán cải cuộc sống tin theo Chúa, thực thi ý Chúa mới là con cái Chúa đích thực.
II. GỢI Ý BÀI GIẢNG
1. Cách sống, biểu lộ thâm tâm con người :
Qua dụ ngôn hai người con, Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng xét đoán giá trị đạo đức của một con người theo lời nói, theo các cam kết lý thuyết hay nguyên tắc. Người con đầu từ chối lời cha, sau đó hối hạn và đi làm ; còn người con thứ hai mau mắn vâng lời, nhưng lại chẳng làm gì. Trong hai người, người con đầu là người mới thực sự biết vâng lời. Trong thực tế cuộc sống tôn giáo, người ta thường có thái độ dễ vâng lời Chúa, mau mắn vâng lời nhưng thực hành thì lại không có. Gọi dạ bảo vâng nhưng không làm là cách sống của nhiều Kitô hữu. Cho nên, muốn đánh giá môt con người không phải là điều dễ dàng. Chính cuộc sống, cách sống của mỗi người sẽ biểu lộ thâm tâm họ. Chính Thiên Chúa cũng đã khẳng định Ta cần tấm lòng chứ không cần hy lễ. Thiên Chúa nhìn thấu tâm can mỗi con người.
Mỗi Kitô hữu hôm nay cần phải nhìn nhận lại thái độ sống của mình có thực tâm sống theo Chúa hay không ? Con người dễ bị cám dỗ chạy theo những giá trị hời hợt bên ngoài, bằng lòng với một vài việc đạo đức nào đó hay với vài lời kinh nguyện rồi yên chí là đã sống vâng lời Chúa. Cần phải có thái độ và cách sống thực tâm đối với Chúa.
2. Hoán cải, cơ hội cho con người :
Người con đầu từ chối lời cha, sau đó hối hận và đi làm theo ý cha mình. Thái độ hoán cải đó thật cần thiết, nhờ đó, mọi lỗi lầm trước đây đã được xóa bỏ, giá trị cuộc sống của anh được nâng lên. Biết nhận ra lỗi lầm, hối hạn hoán cải và làm theo ý Chúa là điều quan trọng đối với Chúa. Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào vào Nước Trời. Tội làm cho con người xa Chúa, nhưng một khi biết ăn năn thì vẫn được thứ tha. Và nhiều khi chính tội lỗi cũng có thể được sử dụng để trở về với Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn mở cửa lòng thương xót để chờ đón tội nhân hoán cải. Ngài đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Hoán cải luôn là cơ hội để làm lại cuộc đời, là cơ hội cho mỗi người vươn lên trên đường nên thánh.
Với Thiên Chúa điều quan trọng không phải là khởi điểm, là những lần từ chối đã qua, là các tội chồng chất, quan trọng là nhìn lại những tiếng không của mình để đổi thành tiếng vâng ; nhìn lại những lỗi lầm đã qua để từ bỏ biến đổi cuộc sống nên công chính hơn. Điều này luôn làm được với ân sủng của Thiên Chúa.
III. LỜI NGUYỆN TÍN HỮU :
Mở đầu : Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục mời gọi chúng ta đến cộng tác trong công cuộc loan báo Tin mừng giữa vườn nho thế giới. Chúng ta cùng đến với Ngài để nói lên tiếng đáp trả và những trăn trở trong sứ vụ của chúng ta.
1. Sự tín trung là một trong những điều cần thiết trong cuộc đời Kitô hữu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các bậc tu trì luôn biết trung tín mãi với lời đáp trả của các ngài trong đời sống dấn thân phụng sự Chúa và phục vụ mọi người.
2. Hiện nay, có không ít người Công giáo đang quên sứ vụ mình đã lãnh nhận khi lãnh các bí tích khai tâm. Xin cho những người lầm đường lạc lối, những người đã không ít một lần nổi loạn, khước từ thánh ý Chúa biết can đảm đứng lên để sống cuộc đời mới theo cung cách của Tin mừng.
3. Nền "văn hóa báo công" đã và đang làm cho không ít người trở nên gian dối trong lời nói và việc làm. Chúng ta cùng hiệp lời cầu xin cho đời sống của mỗi người Kitô hữu chúng ta luôn là một sự hòa điệu giữa lời nói và việc làm như dấu chứng của Tin mừng sự thật giữa thế giới hôm nay.
Lời kết : Lạy Chúa, Chúa biết rõ sự yếu đuối và mỏng dòn của mỗi chúng con. Xin ban ơn trợ lực để mỗi người Kitô hữu chúng con luôn nhận ra sự thật này để thường xuyên hoán cải và làm mới lại đời sống của chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng