Suy niệm Chúa Nhật II Phục Sinh A - Lòng Chúa Thương Xót được tỏ bày qua biến cố Phục Sinh
Tin mừng Mt 20: 19-31: Sự Phục sinh của Chúa Kitô là câu trả lời cho chúng ta về những bất hạnh, nỗi truân chuyên và các khổ đau mà chúng ta đang gánh vác...
SUY NIỆM CHÚA NHẬT
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH A
CHÚA NHẬT LÒNG THƯƠNG XÓT
LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
ĐƯỢC TỎ BÀY QUA BIẾN CỐ PHỤC SINH

Tin mừng Mt 20: 19-31
SUY NIỆM
Trong những ngày qua dân cư mạng chuyền cho nhau xem bức ảnh một phóng viên quỳ trên bãi cỏ và bên phải ông là thi thể một em bé . Phía sau là đoàn xe bốc cháy nghi ngút. Đó là phóng viên ảnh Abd Alkader Habak đang tuyệt vọng và đau đớn vì nạn nhân tấn công khủng bố. Bức ảnh ghi lại một vụ nổ do một kẻ đánh bom tự sát đã tiếp cận đoàn xe gồm 10 chiếc chở nhàng nghìn người sơ tán khỏi hai thị trấn Fuaa và Kafray, ở Syrie vào ngày 15-4-2017. Ông Habak kể: “Không có từ nào có thể diễn tả chuyện gì xảy ra. Tôi đang đứng gần một xe phân phát đồ ăn cho trẻ em. Tôi chỉ đứng cách vụ nổ vài mét khi đó. Máy quay của tôi rơi xuống đất, còn tôi ngã xuống đường”. Chiến tranh đã giết chết hàng triệu trẻ em. Các em chẳng có tội gì nhưng phải đón nhận những cái chết quá bi thương. Đứng trước cảnh tượng đau thương như thế có người bật khóc: Thiên Chúa nhân lành ở đâu? Đức Phanxicô trong bài giảng lễ Phục sinh 2017 cũng đã chia sẻ nỗi niềm này: thách đố đối với nhiều người là nếu Chúa đã sống lại từ trong cõi chết, “tại sao những điều này cứ tiếp tục xảy ra: bao nhiêu là bi kịch, rồi đến bệnh tật, nạn buôn bán người, khai thác con người, chiến tranh, những hủy diệt, những cuộc tàn sát, những trò trả thù, những hận thù?”, Đức Thánh Cha cũng đặt câu hỏi: “Chúa ở đâu?”.
Thay vì đi tìm câu trả lời tại sao, bởi: “Không một ai trong chúng ta được hỏi: tôi có hài lòng với những gì đang xảy ra trên thế giới không?” Đức Thánh cha đã đưa ra một chỉ dẫn về một niềm hy vọng khi nhìn vào biến cố Phục sinh: Trong thứ văn hóa loại bỏ thời nay, người ta thường vứt bỏ những gì bị cho là không cần thiết hoặc không còn hữu dụng. Và hãy thử nghĩ xem, Chúa Giêsu là phiến đá bị loại bỏ, thế mà kỳ thực Người là cội nguồn sự sống. Từ đó chúng ta có thể nhận ra : chúng ta, những viên sỏi nhỏ, là những người đã bị ném vào một trái đất tràn ngập những đau khổ, và thảm kịch này, nhưng với niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta vẫn có lý do để sống giữa những cơn hoạn nạn khủng khiếp như vậy. Với niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta vẫn có được một cảm thức vượt được lên trên những thực tại cay đắng của đời thường: có những bức tường đấy, nhưng cũng có cả một chân trời; có cuộc sống, có niềm vui, bất chấp là cũng có thập giá cùng với những mơ hồ nảy sinh từ đó.
Quả thật, sự Phục sinh của Chúa Kitô là câu trả lời cho chúng ta về những bất hạnh, nỗi truân chuyên và các khổ đau mà chúng ta đang gánh vác. Khi tạo dựng nên chúng ta Thiên Chúa đâu muốn chuáng ta lâm vào hoàn cảnh tang thương này, tất cả chỉ vì tham vọng của con người. Nhưng Thiên Chúa nào đâu chịu để cho tình thương của Ngài yên ngủ, lòng thương xót của Ngài thôi thúc Ngài phải ra tay hành động để cứu vớt con người. Và thật là kỳ lạ tình thương của Chúa. Ngài đã giải thoát nỗi khổ đau của con người bằng chính sự khổ đau mà Con của Ngài đón nhận. Vào ngày Thư Sáu Tuần Thánh suy niệm về những cực hình mà Chúa Giêsu chịu, thì quả thật những nỗi khổ đau mà chúng ta gánh vác so ra chẳng là chi cả.
Thật vậy, Chúa không câm lặng, dửng dưng trước những bất hạnh của chúng ta, trái lại Lòng Chúa quặn đau, và xót xa vì sự khốn cùng của chúng ta, cho nên Thiên Chúa Cha đã ra như mù như điếc trước nỗi đau cùng cực của Người Con Chí Ái để mong sao nhân loại này được tìm thấy lại nguồn hạnh phúc. Sự tự hiến của Đức Kitô trên Thập giá biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại, và tỏ cho con người hiểu rằng, con ngừoi chỉ có thể được cứu sống do chính bởi Lòng thương xót này. Và sự Phục sinh của Chúa Kitô là hoa quả của lòng thương xót mà Thiên Chúa trao ban cho nhân loại, vì chính sự thương xót này mà Thiên Chúa dẫn đưa nhân loại vượt qua mọi khổ đau để đạt tới được sự sống đích thật.
Khi ban chúc bình an cho các môn đệ Chúa cho các ông xem tay và cạnh sườn, điều đó nói lên rằng, bình an đích thật chỉ có thể xuất phát từ Lòng thương xót của Chúa. Dấu đanh nơi tay chân, và vết thương nơi cạnh sườn là dấu chỉ của một sự tự hiến tột cùng cho con ngừoi vì yêu thương, và từ tình yêu này, sự sống đã được phục hồi, và sự sống đến từ tình yêu luôn chan chứa niềm hoan lạc và bình an vì sự sống đó không bao giờ còn đối diện với khổ đau và bất hạnh.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn tín thác vào Lòng Chúa xót thương để nhận ra rằng, Chúa không để chúng con một mình trong thế gian đầy đau thương này, nhưng trái lại Chúa luôn đòng hành với chúng con, và sự phục sinh của Chúa là bảo chứng cho chúng con biết rằng, tình thương Chúa không bao giờ để chúng con hư mất nếu chúng con thực sự tín thác vào Chúa . Amen
Lm Antôn Hà Văn Minh