Clock-Time

Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Chay - Lm. Alfonso

Tin mừng Lc 13: 1-9: Dụ ngôn cây vả cho ta thấy một Thiên Chúa ưu ái dành cho con người thấp hèn yếu đuối. 

SUY NIỆM TIN MỪNG

CHÚA NHẬT TUẦN III MÙA CHAY - NĂM C





Xh 3,1-8a.13-15 ; 1 Cr 10,1-6.10-12 ; Lc 13,1-9.


Bài đọc 1: Xh 3,1-8a.13-15

Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.

Lời Chúa trong sách Xuất hành.


Bấy giờ ông Môisen đang chăn chiên cho bố vợ là Gítrô, tư tế Mađian. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khôrếp. Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Môisen nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. Ông tự bảo: “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?” Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: “Môisen! Môisen!” Ông thưa: “Dạ, tôi đây!” Người phán: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh”. Người lại phán: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp”. Ông Môisen che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa. Đức Chúa phán: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật. Ông Môisen thưa với Thiên Chúa: “Bây giờ, con đến gặp con cái Israel và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?” Thiên Chúa phán với ông Môisen: “Ta là Đấng Hiện Hữu”. Người phán: “Ngươi nói với con cái Israel thế này: “Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em”. Thiên Chúa lại phán với ông Môisen: “Ngươi sẽ nói với con cái Israel thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia”. Đó là Lời Chúa. 

Bài đọc 2: 1Cr 10,1-6.10-12

Đời sống của dân Israel với ông Môisen trong sa mạc đã được chép lại để răn dạy chúng ta.

Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô.


Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Môisen. Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô. Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc. Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta. Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách, như một số trong nhóm họ đã lẩm bẩm kêu trách: họ đã chết bởi tay Thần Tru Diệt. Những sự việc này xảy ra cho họ để làm bài học, và đã được chép lại để răn dạy chúng ta, là những người đang sống trong thời sau hết này. Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã. Đó là Lời Chúa. 

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 13,1-9)

Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.

Rồi Đức Giêsu kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi”.
Đó là Lời Chúa.


Suy niệm CN III MC-C:

Chúng ta vừa nghe trình thuật Bài đọc I kể về một Thiên Chúa rất mực thương dân, Ngài đã chọn Môisen với kế hoạch giải phóng dân khỏi ách nô lệ Ai Cập. Lúc bấy giờ, vì sợ Pharaô lùng bắt, Môisen trốn trong sa mạc và làm nghề chăn chiên. Đang khi chăn chiên, một hôm bỗng Môisen được diện kiến Thiên Chúa. Ngài hiện ra với hình ảnh một bụi gai rực lửa nhưng không bị cháy rụi. Ngài gọi đích danh Môisen và nói: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ của dân Ta… Ta xuống giải thoát chúng…”

Thiên Chúa dùng Môisen đưa dân vượt qua Biển Đỏ an toàn. Ngài là Đấng quan phòng, yêu thương đồng hành và dẫn dắt dân dưới hình cột mây ban ngày, cột lửa ban đêm. Nhưng Bài đọc II cho chúng ta biết dân chúng lại sống không đẹp lòng Thiên Chúa. Họ đã quỵ ngã trong sa mạc vì chiều theo những dục vọng xấu xa. Tuy nhiên, Chúa không buông bỏ dân mà tiếp tục kêu mời dân hoán cải.

Và rồi trong cuộc sống, mỗi khi nhận thấy có một tai ương, ôn dịch, chiến tranh, hoạn nạn hay một biến cố xảy ra với ai đó, người ta dễ bị cám dỗ giải thích các biến cố cách thiếu bác ái như “Trời phạt nó”. Chẳng hạn, thời Chúa Giêsu, dân Do Thái bị đế quốc Rôma đô hộ. Nhiều người nổi dậy dùng vũ lực chống lại chính quyền Rôma và đã bị tổng trấn Philatô ra lệnh giết chết. Theo quan điểm của họ, những người này chết là đáng tội. Còn mười tám người Do Thái bị tai nạn lao động, tháp Silôác đổ xuống đè chết đang khi được thuê đào đường dẫn nước cho quân Rôma đế quốc áp bức, nên cũng là đáng tội.

Thực ra, khi một biến cố xảy ra có thể là do hấp lực trái đất, sự mỏng giòn của kiếp người, những sai lầm không tránh được. Nên tai nạn xảy đến với ai thì không nhất thiết do họ có tội hơn những người khác; trong khi những người khác dễ nghĩ mình sạch tội nên vẫn còn bình yên. Không khéo điều này đưa người ta đến sự tự cao và an toàn giả tạo. Chúng ta đừng gán ghép bất hạnh, nghèo nàn với tội lỗi, hay thành công và giàu sang là được ban thưởng. 

Chúa Giêsu coi biến cố đau thương của một sự việc tai nạn mất mát như một sứ điệp, một lời cảnh báo mạnh mẽ gửi đến mọi người, kêu gọi mau hối cải để khỏi chịu chung số phận: “Nếu các ngươi không hối cải, hết thảy cũng sẽ bị tiêu diệt như thế”. Vì biết đâu chừng đây có thể là cơ hội cuối cùng, trước khi cái chết ập xuống trên chúng ta. Vậy chúng ta cần hoán cải thế nào?

Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây vả được trồng trong vườn nho để ví về mỗi chúng ta. Một cây vả không có lợi về kinh tế lắm và cũng không có giá trị bằng cây nho, thế nhưng nó vẫn được trồng trong vườn nho. Dụ ngôn cây vả cho ta thấy một Thiên Chúa ưu ái dành cho con người thấp hèn yếu đuối. Ngài còn là người chủ vườn kiên nhẫn chờ đợi một năm, hai năm, rồi ba năm… Cây vả được đặc ân hơn, nhưng nó lại không tỏ ra xứng đáng được đặc ân đó.

“Nhất quá tam”, hay “quá tam ba bận” diễn tả sự kiên nhẫn chịu đựng của một người. Sau khi kiên nhẫn chờ đợi trong ba năm, ông chủ thất vọng vì cây vả không sinh trái nên ra lệnh cho chặt cây vả, để nó làm gì cho hại đất. Ông chủ không hề bốc đồng hay tàn ác khi đưa ra quyết định này. Ông đã chịu đựng ba năm, đã hy vọng, đã chờ đợi trái của nó, và cây vả chẳng làm ông mãn nguyện. Ông không vui gì khi quyết định chặt cây vả mà ông đã trồng, nhưng ông không muốn đầu tư cho một sự vô ích.

Anh làm vườn xin chủ gia hạn thêm một năm nữa thôi, vì anh còn chút hy vọng và muốn cho nó một cơ hội cuối. Anh sẽ chăm bón cẩn thận, và chờ đến mùa này năm sau. Anh kiên nhẫn, hy vọng nhưng cũng đòi hỏi cương quyết: nếu nó sinh trái thì tốt quá, còn không thì anh sẽ chặt theo ý ông chủ. Đó là thái độ của Thiên Chúa đối với tội nhân. Ngài vừa thôi thúc chúng ta mau mau hoán cải, vừa chấp nhận cho ta có thời gian trì hoãn.

Cây vả ấy muốn nói về mỗi chúng ta, tự bản thân chúng ta mới biết kết cuộc của cây vả. Vì thế mà đoạn Tin Mừng để mở ngõ cho mỗi người chúng ta viết lên phần sau đó: liệu cây vả ấy có ra trái như ông chủ mong đợi không là phần quyết định của mỗi chúng ta.

Khuynh hướng tự nhiên của con người là muốn được an phận. Vì thế mà một người được xem là tốt lành có thể bị rơi vào tình trạng tự mãn, sống ích kỷ mà không hay biết. Rất nhiều người cảm thấy bằng lòng với chính mình khi đi lễ mỗi tuần, rước lễ hàng ngày, xưng tội hàng tháng, tham gia công tác giáo xứ và đóng góp vào nhà thờ thường xuyên nên không cần sám hối… Giây phút này đây, chúng ta cần tỉnh thức với câu nói của thánh Phaolô: “Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10,12); Coi chừng, tới ngày phán xét, rất có thể họ sẽ bật ngửa khi nghe Chúa nói: “Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,23). 

Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta hãy ăn năn sám hối. Lời kêu gọi này không chỉ nhắm đến những kẻ tội lỗi mà nhắm đến mọi người không trừ một ai. Sám hối và thay đổi đời sống cũ không chỉ là lời nhắc nhở xa tránh sự dữ nhưng còn là lời mời gọi làm việc lành, sinh hoa trái tốt. Đây là lời kêu gọi nhắm đến mọi người. Người chủ muốn đốn cây vả không phải vì nó đã sinh ra những trái xấu, mà vì nó không sinh ra những trái vả như lý ra nó phải sinh. Một Kitô hữu mà sống không có Chúa Kitô thì không phải là Kitô hữu. Sống đạo không phải chỉ lo tránh tội, mà còn thực thi cái tốt, điều thiện. Kitô giáo không phải là một tôn giáo chỉ cấm những điều xấu không được làm, mà Giáo lý Hội thánh Công Giáo còn đòi buộc cả những điều tích cực “Điều gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì hãy làm cho người ta”.

Câu chuyện vào một đêm bão tuyết rơi lạnh lẽo, bỗng dưng có tiếng gõ cửa. Ông chủ khó chịu vì bị quấy rầy giữa đên khuya. Khi cánh cửa vừa mở, một người thanh niên dáng bụi đời đang run rẫy với một bàn tay xoè ra van xin, một bàn tay đỡ cây gậy trên vai treo ít đồ đạc cá nhân. Thấy đáng thương, ông chủ đưa tay với lấy ít bánh mì, vài đồng bạc lẽ trao cho hành khách. Nhận được của bố thí xong, người thanh niên quay gót. Khi đó chợt một ý tưởng đến trong đầu là có nên mời người đó vào nghỉ đỡ một đêm, nhà vẫn còn phòng khách trống. Tuy nhiên ông lại nghĩ nếu người này ở lại thì căn nhà sạch sẽ của mình sẽ bị dơ bẩn. Thế rồi ông vội vàng đóng kín cửa. Hai ngày sau, có người thợ đem đến một cây gậy làm bằng gỗ quý. Khi đã thương lượng giá cả, người bán gậy cho biết, anh là người thợ chuyên đào mộ ở nghĩa trang. Anh vừa chôn một người thanh niên vô gia cư mới qua đời. Tài sản anh ta chỉ là cây gậy, người thanh niên chết vì bị lạnh cóng, máu đông lại khi ngũ trên tuyết. Nghe đến đây, ông chủ tiệm cảm thấy xấu hổ. Ông hối hận vì điều tốt ông có thể làm cho người thanh niên nhưng ông đã không làm khiến cho anh phải chết rét. Ông chủ tiệm kết thúc câu chuyện với nổi thao thức: điều tôi ao ước là những sự dữ chúng ta làm có lẽ Thiên Chúa sẽ tha thứ. Nhưng những gì tốt chúng ta đã không làm, sẽ mãi mãi không được tha thứ.

Chúng ta được thôi thúc phải hoán cải ngay lúc này, khi đang còn thời giờ mới kịp. Mùa Chay là mùa thuận tiện nhất để thay đổi đời sống chúng ta, để trở về với Chúa và xin Ngài tha thứ. Đừng để mùa Chay năm nay trôi qua vô ích.

Lm. Alfonso