Clock-Time

Suy Niệm Chúa Nhật III Phục Sinh A - Lm. Phaolô Hoàng Mạnh Huy

Lc 24: 13-35 Trong câu chuyện đàm thoại giữa hai môn đệ và người lữ hành xa lạ trên đường Emmau hôm na
 SUY NIỆM CHÚA NHẬT



CHÚA NHẬT III PHỤC SINH - NĂM A


Lc 24: 13-35
 
Lạy Chúa xin hãy ở lại với chúng con

Kính thưa anh chị em,

Đức tin của chúng ta luôn luôn có một đối tượng để tin, và đối tượng đó chính là Đức Giêsu Kitô. Nhờ Đức Giêsu Kitô mà đức tin của chúng ta được nuôi dưỡng và sống động. Đối với các tông đồ ngày xưa cũng như thế. Họ đã tin vào một Giêsu Nazareth là cứu Chúa của họ. Thế nhưng Giêsu Nazareth đó bị giết chết khiến cho họ trở nên mất niềm hy vọng.

Trong câu chuyện đàm thoại giữa hai môn đệ và người lữ hành xa lạ trên đường Emmau hôm nay, thánh Luca đã kể rằng một trong hai môn đệ đã nói: “Lúc đó chúng tôi đã hy vọng rằng….” (Luca 24: 21). Như vậy có nghĩa là lúc đó chúng tôi ĐÃ TIN, chúng tôi ĐÃ THEO, chúng tôi ĐÃ HY VỌNG….thế nhưng bây giờ, hiện nay thì những hy vọng, những hành động đã tin, đã theo đó đã qua đi rồi, không còn nữa. Cái chết của Chúa Giêsu là một chấm hết đối với họ: hết mong "công hầu khanh tướng", hết giấc mơ của một nước Israel thịnh vượng và họ trở về làng cũ tức là trở về với nỗi thất vọng ê chề.

Giữa lúc u tối đó, Chúa hiện đến đồng hành với các ông như một người lữ khách, nhưng các ông không nhận ra và chỉ xem như là một hành khách lạ. Để rồi chính vị lữ khách ấy đã tìm cách giải thích kinh thánh cho các ông hiểu và trao cho các ông niềm hy vọng mới, để cho các ông có thể thốt lên: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Đây là một lời mời thật lòng của các môn đệ. Bởi vì, lúc đó trời đã tối rồi. Tuy nhiên, câu nói đó ta cũng có thể hiểu nó không chỉ diễn tả màn đêm buông xuống của vũ trụ vạn vật khi về đêm, nhưng có lẽ nó cũng diễn tả MỘT TÌNH TRẠNG TÂM HỒN. Đó là tình trạng tâm hồn u sầu, buồn bã của 2 môn đệ trên đường Emmau, tâm trạng của sự thiếu vắng niềm tin, tâm trạng của sự thất vọng ê chề.

Tâm trạng đó, có lẽ không phải chỉ là ở nơi 2 môn đệ Emmau, mà đó cũng chính là tâm trạng của toàn thể các môn đệ và cũng là tâm trạng của chúng ta ngày hôm nay khi chúng ta đánh mất niềm hy vọng trong cuộc sống.

Chính trong tâm trạng ấy các ông cần một niềm hy vọng, cần một người để chia sẻ và an ủi. Thật may mắn, giữa lúc lạc lối như vậy, các ông đã gặp được người có khả năng đáp ứng những khát vọng đó. Vì thế, như vỡ oà trong niềm vui sướng, các ông đã thưa với người “lữ khách” rằng: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”.

Lời mời ấy có thể rất cần thiết cho chính chúng ta ngày hôm nay, khi chúng ta đang gặp phải thử thách, thất vọng. Những lúc cuộc đời của chúng ta gặp thất bại, có những cay đắng, chán nản đến độ chúng ta đâm ra nghi ngờ Thiên Chúa, không cần Thiên Chúa nữa, chúng ta cần bắt chước hai môn đệ thốt lên lời nguyện xin, để củng cố tâm hồn mình: "Lạy Chúa hãy ở lại với con”. Tuy nhiên, đôi khi thực tế lại ngược hoàn toàn, khi cuộc đời chúng ta gặp trắc trở, cầu xin hoài mà Chúa không thay đổi trắc trở ấy cho chúng ta, nên chúng ta thường đẩy Chúa ra xa khỏi tâm hồn c húng ta. Cầu nguyện là để Chúa ban ơn mà sao Chúa vẫn cứ im lặng trước nỗi đau của mình, thế nên, ở nơi Chúa chẳng thấy niềm hy vọng gì hết. Tâm trạng của chúng ta trong những giờ phút như vậy giống như là Chúa đã chết rồi, và tâm trạng đó cũng giống như là tâm trạng của các môn đệ cho rằng Chúa đã chết và không còn hy vọng gì nữa nơi vị thầy từng được họ coi là thần thánh, là cứu cánh của cuộc đời. Chính vì thế nên, hiếm khi chúng ta mời Chúa ở lại khi chúng ta buồn phiền, thất vọng. Đó là điều thường xảy ra nơi mỗi con người chúng ta.

Điểm mấu chốt khiến cho 2 môn đệ trên đường Emmau có lại niềm hy vọng, là cho dẫu họ đi về với tâm trạng buồn phiền, thất vọng ê chề, nhưng may mắn cho họ là họ vẫn còn mở rộng tâm hồn ra để đón chào người Lữ Khách, chính nhờ điều đó nên người lữ khách mới có cơ hội để giải thích kinh thánh, cũng như dùng hành động bẻ bánh để mở con mắt đức tin cho họ tin vào sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong từng hoàn cảnh, từng giây phút và trong mọi biến cố buồn vui của họ. Chúa sống lại, giờ đây không phải mang tính chất hữu hình nữa, nhưng đi xâu hơn, xa hơn, đó là Chúa phục sinh hiện hữu trong tâm hồn của họ. Nhờ đó họ bừng tỉnh với niềm hy vọng và sống niềm hy vọng đó trong tương quan với các tông đồ khác với hành động: chạy về báo tin cho các môn đệ khác biết là mình đã gặp Chúa phục sinh.

Chúng ta cũng vậy, trong những lúc thất vọng ê chề, chúng ta không nên oán trách Chúa, nhưng chúng ta hãy mở lòng ra để Chúa đi vào tận cõi sâu nhất của tâm hồn, để Chúa dẫn dắt chúng ta qua các mối tương quan cần thiết, chính nơi đó Chúa sẽ bắt đầu giải thích cho chúng ta hiểu những hoàn cảnh tâm hồn của chúng ta. Kinh nghiệm bản thân mỗi người chúng ta đều đã từng trải qua, có những lúc chúng ta tưởng như Chúa không quan tâm đến chúng ta, không đón nhận lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng thời gian trôi qua, khi nỗi đau đã nguôi ngoai và sau đó chúng ta nhìn lại tất cả mọi sự việc, bấy giờ chúng ta mới thốt lên rằng: Cám ơn Chúa vì Chúa đã không theo ý con mà theo sự khôn ngoan và yêu thương của Chúa mà giờ đây con đã cảm nhận được rằng, nếu lúc bấy giờ Chúa theo ý con thì giờ này chắc con đã thất bại ê chề rồi. Đó là kinh nghiệm của tôi, nhưng cũng có thể là kinh nghiệm của anh chị em và đó cũng là lúc Chúa đang giải thích các vấn nạn đã xảy ra cho chúng ta giống như 2 môn đệ Emmau.

Anh chị em thân mến,   Thiên Chúa vẫn ở bên cạnh chúng ta đó thôi, nhưng bởi vì chúng ta đã đóng cửa tâm hồn mình lại với những oán trách, những thất vọng, những lý lẽ của con người, đó là chúng ta thường đi tìm những lý do để giải thích cho những thất bại, những đau khổ, những lỗi lầm của mình. Chính vì có quá nhiều những cản trở đó nên cửa tâm hồn chúng ta không còn chỗ cho Chúa có thể đi vào và ở lại với chúng ta. Thật vậy, chỉ khi chúng ta mở rộng lòng mình ra mời Chúa ở lại bằng những mối tương quan, sự bao dung, sự tự hối, sư khiêm nhường và lòng vị tha, thì lúc bấy giờ chúng ta mới có khả năng đương đầu được với những thất vọng và đau khổ trên bước đường đời.

Ngạn ngữ trung hoa có câu: “Nhật Nguyệt tuy minh, nan chiếu phúc bồn chi hạ” (Mặt trời mặt trăng tuy có sáng nhưng khó mà chiếu vào chiếc chậu úp). Ánh sáng của mặt trời cũng như ánh sáng Giêsu, tuy sáng và có đó, nhưng nếu người ta không chịu tiếp nhận thì cũng vô ích, nó cũng giống như ánh sáng chiếu vào một chiếc chậu úp thôi.

Để có thể mời Chúa ở lại trong tâm hồn, trước tiên, chúng ta hãy mở rộng lòng mình ra để đón nhận những hạn chế của mình, những khiếm khuyết của mình, nhờ đó chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận những người xung quanh, và Chúa thì đang hiện diện trong các mối tương quan với anh chị em.

Xin Chúa cho chúng con luôn biết mời Chúa ở lại trong tâm hồn, để rồi đoạn đường Emmau của chúng con trở thành niềm hy vọng và động lực cho cuộc sống của chúng con. Lạy Chúa xin hãy ở lại với chúng con. Amen.

Cao Nhất Huy