Suy Niệm Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm A - Đức Kitô, Mục Tử Nhân Lành
Tin mừng Ga 10: 1-10: Chúa Giêsu mục tử nhân lành, Đấng duy nhất đưa con người đến hạnh phúc và sự sống đích thực
SUY NIỆM CHÚA NHẬT
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH A
ĐỨC KITÔ - MỤC TỬ NHÂN LÀNH
Trong Tin mừng hôm nay, Đức Kitô tự giới thiệu Người là vị mục tử nhân lành, hết lòng săn sóc đoàn chiên của mình. Người mục tử nhân lành biết từng con chiên của mình là mỗi người chúng ta. Đứng trước tình yêu của Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành, mỗi người Kitô hữu thêm niềm hy vọng, thêm niềm tin tưởng và nhất là gia tăng mạnh mẽ hơn tình yêu dành cho Người. Vui mừng hân hoan vì được làm chiên của Mục tử Giêsu Kitô, đó là thái độ của mọi Kitô hữu.
I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
1. Bài đọc I : Cv 2,14.36-41
Những Kitô hữu đầu tiên
Bản văn hôm nay là phần kết bài giảng của Thánh Phêrô ngày Lễ Ngũ tuần. Sau khi loan báo cho mọi người biết Đức Kitô mà mọi người đã giết chết nay Người đã sống lại và đi vào vinh quang, Thánh Phêrô thúc đẩy thính giả của ngài đến chỗ sám hối tội lỗi để đón nhận đời sống trong Thần Khí Đấng Phục sinh.
a. Nhờ lời rao giảng đầy lửa mến của Thánh Phêrô, một số đông dân chúng đã hối cải, gia nhập Hội thánh mới khai sinh và xin được thanh tẩy.
b. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Hội thánh đã cất cánh bay lên : Thánh Luca đưa ra con số những người mới quay trở về của ngày hôm đó ước khoảng ba ngàn người. Đó quả là một con số mơ ước.
c. Sức mạnh của lời rao giảng thật đáng kinh ngạc. Một bài giảng của Phêrô đã đưa hàng ngàn người vào Giáo hội. Tất nhiên tác nhân chính yếu chính là Chúa Thánh Thần. Mỗi người Kitô hữu phải mạnh tin và can đảm loan báo Tin mừng. Chính Chúa Thánh Thần sẽ làm cho việc rao giảng mang lại hoa trái tốt đẹp.
2. Bài đọc II : 1Pr 2,20-25
Mời gọi noi theo Đức Kitô
Theo lược đồ lá thư thứ nhất của Thánh Phêrô thì chương 2 là lời giáo huấn khuyên mọi người biết đón nhận đau khổ cách xứng đáng và độ lượng theo gương Chúa Giêsu.
a. Khi khuyên bảo phải biết nhẫn nhục chịu đau khổ trong các công việc lành, Thánh Phêrô không có ý muốn bảo phải cam chịu những bất chính ức hiếp con người nhưng theo ánh sáng Tin mừng là biết trở nên khiêm nhường nhỏ bé và yếu đuối trước mặt Thiên Chúa. Tin mừng chính là hạt mầm của sự giải phóng, của tự do.
b. Chịu đựng mọi sự theo gương Đức Kitô là hiệp thông tình yêu với Người ; là kết hợp với đau khổ của Người để làm nên giá trị cho những đau khổ mà bản thân mỗi người đang gánh nhận.
c. Chấp nhận chịu đau khổ theo gương Chúa Giêsu là một huyền nhiệm trong cuộc đời Kitô hữu. Đau khổ luôn có trong cuộc sống mỗi người, nếu biết đón nhận và nối kết với khổ giá của Chúa Giêsu, sẽ là giá thanh luyện và giải phóng con người khỏi nô lệ cho ma quỉ, tội lỗi và đam mê bất chính, và là khơi nguồn sự sống và niềm vui trong hy vọng.
3. Tin mừng : Ga 10,1-10
Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành và là cửa chuồng chiên
Để giúp thính giả hiểu mình là Đấng Messia được Chúa Cha sai đến, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh người mục tử và đàn chiên ; hình ảnh cửa chuồng chiên để làm sáng tỏ sứ mạng của Người đến yêu thương, chăm sóc cho nhân loại.
a. Chúa Giêsu dùng hình ảnh "mục tử" để nói về vai trò tôn giáo của Người nơi dân Do Thái. Với người Do Thái, hình ảnh đàn chiên, mục tử là những hình ảnh rất quen thuộc và nhiều ý nghĩa với họ, là dân có nguồn gốc là người du mục. Họ đã nhìn thấy nơi những thực tại quen thuộc ấy một biểu tượng giá trị cho những thực tại tôn giáo: Mục tử là hình ảnh mô tả đúng tình yêu của Giavê Thiên Chúa dành cho họ và đàn chiên là hình ảnh rỏ nét tương quan của họ đối với Ngài (x. Ed 34,11-16).
b. Ta là cửa chuồng chiên : bằng hình ảnh này, Chúa Giêsu khẳng định rõ ai muốn vào Nước Trời, muốn lãnh nhận ơn Cứu độ bắt buộc phải đi qua Người ; muốn đến với Chúa Cha phải qua Người. Như Người đã từng nói : "Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy."
c. Chúa Giêsu là mục tử biết từng con chiên và chiên Người nghe tiếng Người. Trong Giáo hội và trong dân Do Thái cũng luôn tồn tại hai hạng người : những người thực sự thuộc về Đấng chăn chiên, biết nghe và đáp lời Người. Và những người không biết nghe và đáp lời Người vì không thuộc về Người.
II. GỢI Ý BÀI GIẢNG
1. Tình yêu nơi Chúa Giêsu mục tử nhân lành, một tình yêu cá vị : Những từ ngữ Chúa Giêsu dùng : người mục tử biết và gọi đích danh từng con chiên, các con chiên theo sau người chăn vì biết tiếng của người ấy, các từ ngữ này diễn tả một tình yêu thương cá vị. Thiên Chúa là tình yêu, Ngài yêu thương tất cả mọi người nhưng không phải bằng một tình yêu chung chung, mà là một tình yêu đặc biệt dành cho mọi người và từng người. Ngài biết rõ từng người, từng hoàn cảnh và quan tâm từng người đều như nhau. Nơi Thiên Chúa không có sự thiên vị ai mà tất cả đều hưởng trọn vẹn tình yêu của Ngài. Chỉ có về phía con người có biết nghe theo Chúa, đi theo Ngài hay không mà thôi. Chính niềm tin của con người làm cho mỗi người đón nhận được ơn Chúa, tình yêu của Chúa khác nhau. Chúa luôn công bằng trong tình yêu dành cho mọi người.
Hiểu điều này để mỗi Kitô hữu nhìn lại đời sống đức tin của mình. Chính bản thân đã sống với Chúa như thế nào ? Chúa vẫn yêu tôi nhưng tôi đón nhận và đáp trả như thế nào ? Đừng vội vàng oán trách Chúa, so bì tị nạnh khi thấy người khác được nhiều ơn Chúa hơn. Tất cả đều được Chúa Giêsu mục tử nhân lành chăm sóc, lo lắng chu đáo.
2. Chúa Giêsu mục tử nhân lành, Đấng duy nhất đưa con người đến hạnh phúc và sự sống đích thực : Chúa Giêsu khẳng định : "Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào". Người tự ví mình là cửa chuồng chiên, ai qua cửa mà vào thì được cứu rỗi. Những hình ảnh ẩn dụ này nhằm mạc khải sứ mạng của Người là đến để ban tặng sự sống vĩnh cửu, hạnh phúc viên mãn cho nhân loại, đang lầm lũi bước đi trong bóng tối của tội lỗi, ma quỉ và sự chết. Chỉ có Chúa Giêsu, mục tử đích thực mới đưa nhân loại vào Nước Trời, cánh đồng bao la bát ngát, bằng cách tái sinh họ bởi nước và Thánh Thần. Cũng nơi Người, ai nấy đều tìm được thức ăn mang lại sự sống vĩnh cửu là Mình Máu Thánh của Người. Tìm được nguồn lương thực giúp mang lại hạnh phúc là lời Người, ánh sáng soi dẫn mọi người.
Tin và gắn bó với Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh thể, sống thực thi lời Người là những phương thế hữu hiệu và luôn có giá trị để đón nhận sự sống và hạnh phúc mà Người mang lại.
3. Nghe theo tiếng gọi của Chúa Giêsu mục tử nhân lành :
Từ dân Israel khi xưa cho đến trong xã hội hôm nay, luôn có những người tin theo Chúa Giêsu và những không tin theo Người. Tin theo Người thì được cứu rỗi, còn ngược lại thì không. Tin theo Chúa Giêsu là biết sống và thực thi lời Người. "Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta". Chiên đi theo mục tử vì quen tiếng của mục tử. Kitô hữu đi theo Chúa Giêsu vì quen tiếng của Người, hiểu lời của Người. Danh xưng Kitô hữu, các bí tích đã lãnh nhận không phải là những yếu tồ cần và đủ để được ơn cứu rỗi nếu như không tin và sống lời Chúa. Chính việc tin và thực hành theo lời Chúa là yếu tố quan trọng nhất. Mọi bí tích đều là bí tích đức tin nghĩa là đòi phải có đức tin mới mang lại hiệu quả. Kinh nguyện, dâng lễ cũng phải được khởi đi từ đức tin mới trở nên sức sống cho đời Kitô hữu.
Trước mặt Thiên Chúa thì những dáng vẻ bên ngoài không quan trọng mà chính là thái độ sống niềm tin của mình mới là điều quan trọng. Thái độ đó thể hiện ở chỗ biết nghe lời Chúa và mau mắn thi hành. Biết làm mọi sự theo sự hướng dẫn của lời chúa. Đó chính là điều cốt lõi để xác định mình có thuộc về đàn chiên của mục tử Giêsu hay không.
III. LỜI NGUYỆN TÍN HỮU :
Mở đầu : Anh chị em thân mến, tin tưởng vào Chúa Giêsu, mục tử nhân lành luôn yêu thương chăm sóc đoàn chiên, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.
1. Giáo hội chính là chuồng chiên rộng lớn của Thiên Chúa được Chúa Giêsu, mục tử nhân lành chăm sóc. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Giáo hội, cách riêng là Đức Giáo hoàng, các Đức Giám mục giáo phận, các linh mục trong giáo xứ và cộng đoàn luôn đi theo ánh sáng lời Chúa để các ngài thực sự là hình ảnh sống động và trung thực của Chúa Giêsu, mục tử nhân lành.
2. Ngày nay còn biết bao nhiêu anh chị em nghèo đói, bị áp bức, bị ngược đãi trong xã hội, chung quanh chúng ta. Chúng ta cùng cầu nguyện cho họ luôn được mọi thành phần trong xã hội và các nhà lãnh đạo quan tâm chăm sóc.
3. Chúa Giêsu đến để cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn hăng say học hỏi và nhiệt thành sống lời Chúa để có thể đón nhận và trao ban hạnh phúc, tình yêu và sự sống của Chúa cho mình và cho tha nhân.
Lời kết : Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng nhân ái, chúng con vui mừng được làm con chiên của Chúa dưới sự chăm sóc của Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành. Xin ban Thánh Thần cho chúng con để chúng con biết vâng nghe lời Người, can đảm sống lời Người là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng