Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa - Alfonso
CHÚA NHẬT X – LỄ MÌNH MÁU CHÚA NĂM B
Bài Ðọc I: Xh 24,3-8
“Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi”.
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Môisen đến thuật lại cho dân chúng nghe tất cả những lời và lề luật của Chúa, và toàn dân đồng thanh thưa rằng: “Chúng tôi xin thi hành mọi lời Chúa đã phán”. Vậy Môisen ghi lại tất cả những lời của Chúa. Và sáng sớm, ông chỗi dậy, lập bàn thờ ở chân núi, dựng mười hai cột trụ, chỉ mười hai chi họ Israel, ông sai các thanh niên trong con cái Israel mang của lễ toàn thiêu và hiến dâng lên Chúa những con bò tơ làm hy lễ giao hoà. Môisen lấy một nửa máu đổ vào các chậu và rưới một nửa kia lên bàn thờ. Ông mở quyển giao ước ao đọc cho dân nghe và họ thưa: “Chúng tôi xin thi hành và tuân theo tất cả những điều Chúa đã phán”. Vậy ông lấy máu rẩy lên dân chúng và nói: “Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó”. Đó là lời Chúa.
Đáp ca: Tv 115,12-13.15-16bc.17-18
Đáp: Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa (c.13).
1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. – Đáp.
2) Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Tôi là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tì Ngài, Ngài bẻ gãy xiềng xích cho tôi. – Đáp.
3) Tôi sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. – Đáp.
Bài đọc II: Dt 9,11-15
“Máu Chúa Kitô tẩy sạch lương tâm chúng ta”.
Trích thư gởi tín hữu Do Thái.
Anh em thân mến, Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế cầu bầu mọi phúc lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê và tro bò mà người ta rảy trên kẻ ô uế còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Đức Kitô, Đấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống. Vì vậy Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc tội phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ. Đó là lời Chúa.
Ca tiếp liên:
Trước Alleluia, có thể hát hoặc đọc Ca Tiếp Liên Lauda Sion (trang 420), tất cả hoặc từ câu 21 (“Này đây bánh”) cho đến hết.
Alleluia, alleluia! (Ga 6,51-52) – Chúa phán: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời”. – Alleluia.
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 14,12-16.22-26).
Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: “Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: ‘Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?’ Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó”. Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.
Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa”. Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu. Đó là lời Chúa.
Suy niệm
Cả ba bài đọc trong phụng vụ Thánh lễ hôm nay đều nói tới Giao Ước. Giao ước, hay khế ước thông thường là giao kèo ràng buộc giữa hai bên, và có sự chấp thuận của cả hai với một sự tự do.
Bài đọc thứ I Trích Sách Xuất Hành trình bày Giao Ước được ký kết giữa Thiên Chúa và dân Do Thái. Giao Ước được đóng ấn bằng máu của con vật làm hy tế, được rảy trên hai phía ký kết: bàn thờ biểu trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, và mười hai thạch trụ tượng trưng cho mười hai chi tộc Israel. Qua Giao ước này, về phần mình, Thiên Chúa nhận dân Do Thái làm dân Ngài, Ngài đề nghị che chở bảo vệ dân. Về phía dân Do Thái được Thiên Chúa làm nguồn cội của mình, Ngài muốn dân cam kết tôn trọng và tuân giữ Luật Ngài được chứa đựng trong Thập Giới (Mười Điều Răn). Sự thỏa thuận của hai phía được đóng ấn bằng máu biểu tượng của sự sống. Nhưng rồi qua dòng thời gian, dần dà dân đã bất trung, xâm phạm giao ước. Để rồi Thiên Chúa hứa rằng Ngài sẽ lập lại giao ước.
Sang Tân Ước, Thiên Chúa sai Con Một của Ngài là Chúa Giêsu ký kết với Dân Ngài Giao ước mới. Giao ước này không phải được đóng ấn bằng máu con vật như trong thời Cựu Ước, mà là bằng chính Máu Người Con của Chúa. Chúa Giêsu không phải chỉ đóng vai trò là trung gian giao ước như ông Môisen, nhưng Người còn là chiên hiến tế nữa. Vào dịp Lễ Vượt Qua là một lễ lớn của người Do Thái được cử hành hàng năm như một lời nhắc nhở nhau và răn dạy con cháu đời sau về cuộc chạy thoát đầy gian nan để được Thiên Chúa giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập xưa kia. Trong bữa ăn đầy tính truyền thống ấy được tổ chức tại tư gia gồm có bánh miến, rượu nho, thịt chiên, rau đắng, kinh nguyện, Thánh vịnh, người cha gia đình là người cột trụ thực hiện nghi thức bằng cách kể lại câu chuyện năm xưa, giáo huấn con cái mình ý thức việc tổ tiên của họ đã được Thiên Chúa can thiệp và giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập như thế nào để được vào miền đất hứa tự do. Chúa Giêsu đã mượn dịp này để chuẩn bị cử hành lễ Vượt Qua của chính Người, giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi.
Trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu đã lặp lại hai cử chỉ theo nghi thức nơi người Do Thái để mở đầu và kết thúc bữa tiệc: “chúc phúc” trên bánh và trên rượu, như người cha trong gia đình làm cử chỉ này để phân phát phần cho mỗi người. Đầu bữa ăn, vị chủ toạ cầm bánh dâng lời chúc tụng Thiên Chúa: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, chúc tụng Chúa, Vua vũ trụ, Chúa đã tạo ra bánh từ ruộng đất! Rồi ông bẻ bánh, chia cho mỗi người đồng bàn một miếng; khi ăn bánh, mọi người đều nhận biết đó là một quà tặng của Thiên Chúa. Cử chỉ tượng trưng này rất đẹp: Mọi người đều ăn cùng một tấm bánh. Điều này nhấn mạnh việc đồng bàn sẽ thành một ý lực trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi sau này.
Cuối bữa ăn, người ta mang tới cho vị chủ toạ một ly rượu có pha nước. Ông cầm ly rượu trong tay, nâng lên, trong một lời đối thoại theo nghi thức, ông mời gọi người tham dự cũng tạ ơn Chúa: “Nào ta hãy tạ ơn Chúa, Người đã nuôi dưỡng ta no thoả! Mọi người đáp lời: “Chúc tụng Đấng đã dùng sự phú túc nuôi dưỡng ta và dùng lòng nhân hậu làm cho ta được sống!”. Rồi ông xướng kinh “chúc tụng”. Tạ ơn vì sự sáng tạo, vì giao ước và vì quà tặng Đất hứa, đồng thời cầu nguyện cho hiện tại và tương lai của Giêrusalem. Sau đó ông chuyển ly rượu cho mọi người tham dự.
Chúa Giêsu mượn bầu khí lễ Vượt Qua như thế để thực hiện cùng một nghi thức ấy. Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người”. Thánh sử Márcô biến bữa ăn Vượt Qua của người Do Thái, tưởng niệm biến cố lập quốc của dân Israel, phát triển thành một lễ Vượt Qua mới; bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ thành bữa tiệc Vượt Qua của Người mà Người chính là Chiên Vượt Qua đã bị sát tế như lời trích thơ gởi tín hữu Do Thái là bản văn Tân Ước duy nhất giới thiệu Chúa Kitô vừa là Thượng Tế đích thật vừa là tế vật đã hiến dâng chính máu của mình để đóng ấn Giao Ước Mới.
Câu chuyện về một bé trai tám tuổi lâm chứng bệnh nguy hiểm. Cả tháng trời em vật lộn với thần chết. Ca gia đình thở phào nhẹ nhõm khi các bác sĩ cho biết cuối cùng em đã qua cơn nguy kịch và dần bình phục. Và rồi chẳng bao lâu sau, tới lượt em gái của bé trai này lâm phải chứng bệnh như anh nó. Cả gia đình lại rơi vào cảnh âu lo ngàn nỗi. Các bác sĩ cho biết cách duy nhất để cứu sống bé gái là sử dụng máu của người anh mới khỏi bệnh. Không thể tránh né vấn đề, người ta phải hỏi ý kiến bé trai. Thoạt đầu em tỏ ra lo lắng, nhưng trong chốc lát, em đã mạnh dạn đáp lại: Vâng, con sẵn sàng hiến máu cho em con.
Quả thật, nhờ sử dụng máu của người anh mới được khỏi, tiếp cho em đang mê man, các bác sĩ đã cứu sống bé gái. Có điều, bé trai đã làm cho các bác sĩ và mọi người thân trong nhà ngẩn người ra khi nêu câu hỏi: Vậy ra, con vẫn còn sống à? Bé cứ tưởng ngay sau khi tiếp máu cho em, mình sẽ tắt thở và dầu nghĩ rằng sẽ mất mạng khi cho đi máu của mình nhưng nó đã đồng ý hy sinh mạng sống cho em.
Nơi cậu bé tám tuổi, ta chiêm ngưỡng một tình yêu sẵn sàng chết vì tình ruột thịt đã khiến cho tình thương của em trở nên cao cả.
Ngày lễ Mình và Máu Chúa Kitô hôm nay nhắc nhở chúng ta về việc Chúa Giêsu Kitô đã tự nguyện dùng chính Mình và Máu Người là nguồn lương thực thần thiêng nuôi dân chúng. Nếu như xưa kia ông Môisen đã dẫn dân Do Thái vào Đất Hứa thì nay Chúa Giêsu dẫn dắt nhân loại tiến vào quê hương vĩnh cửu. Nếu như giao ước cũ xác định dân là Dân Chúa, thì nay, nhân loại không chỉ là dân của Thiên Chúa mà còn là con cái của Ngài nhờ giá máu của Chúa Kitô, với mối tình không biên giới: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì người mình yêu mến”.
Mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta được tái hiện Hy tế Mình và Máu Chúa Giêsu trên bàn thờ. Thế nhưng, có lúc chúng ta thờ ơ với Lương thực Thần thiêng quý giá mà Chúa đã ban. Lòng sốt mến của chúng ta đối với Bí tích Thánh Thể bị giảm sút, dự lễ cho có và chẳng cần quan tâm đến việc xếp hàng lên rước Mình Thánh Chúa, hay lên rước lễ trong khi vương mắc tội trọng mà chẳng cần mau mắn xưng tội ngay hoặc chưa dọn lòng ăn năn tội.
Với Chúa nhật Mình và Máu Chúa, giờ đây chúng ta được mời gọi: Trước hết, là những bậc làm cha mẹ, ông bà, trong mùa dịch bệnh Covid này, các trẻ em không thể tới nhà thờ dự lễ, không thể học giáo lý, vậy chúng ta hãy là những Giáo lý viên tại gia dạy bảo các em về giá trị cao trọng của Mình Máu Thánh, nhắc nhở và khuyến khích con cháu mình thường xuyên tham dự Thánh Lễ và Rước lễ sốt sắng khi có thể tham dự Thánh lễ trở lại vì sự sống phần hồn con người rất cần được nuôi dưỡng bởi Lương thực Thần thiêng. Đừng tham dự Thánh lễ một cách máy móc theo thói quen, nhưng hãy đặt hết tâm tình mỗi khi dự lễ và Rước Lễ. Trong khi chờ đợi điều đó, chúng ta đón xem Thánh lễ trực tuyến cũng với một lòng sốt mến, gia đình ngồi lại với nhau, ngưng lại những công việc riêng, ao ước Chúa ngự bằng hình thức rước lễ thiêng liêng.
Về phần cá nhân, xin mượn lời sưu tầm sau đây về tâm tình của một người đã biết cách dự lễ và rước lễ sốt sắng: “Mỗi Thánh Lễ, tôi lại cảm thấy có điều gì đó cần thống hối cách đặc biệt. Mỗi Thánh Lễ, tôi lại thấy mình muốn đặt lên đĩa Thánh một chút cố gắng riêng tư, đau khổ, mơ ước, thao thức… Tôi không di dự Thánh Lễ với hai bàn tay trắng, nhưng với lễ vật là chính cuộc đời tôi. Trong mỗi Thánh Lễ, Lời Chúa lại tác động lên tôi, những lời nói đã nghe nhiều lần nhưng vẫn luôn mới mẻ. Mỗi lần rước Chúa là một lần tôi nhớ rằng Ngài đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho tôi, và tôi cũng phải trở nên tấm bánh bẻ ra cho anh chị em tôi” Amen.