Suy niệm Chúa Nhật Phục Sinh B - Lm. Alfonso
CHÚA NHẬT PHỤC SINH
NGÀY 04-04-2021

Bài Ðọc I: Cv 10,34a.37-43
“Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nazaréth. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Đấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”. Đó là lời Chúa.
Đáp ca: Tv 117,1-2.16ab-17.22-23
Đáp: Đây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó (c.24).
1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”. – Đáp.
2) Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. – Đáp.
3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. – Đáp.
Bài đọc II: Cl 3,1-4
“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Đức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang. Đó là lời Chúa.
Hoặc đọc: 1 Cr 5, 6b-8
“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, anh em không biết sao? Chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột! Anh em hãy tẩy trừ men cũ để nên bột mới; anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Đức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật. Đó là lời Chúa.
Ca tiếp liên
Các Kitô hữu hãy tiến dâng
lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.
Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:
Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.
Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,
tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.
Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe
bà đã thấy gì trên quãng đường đi?
Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống
và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,
thấy các thiên thần làm chứng,
thấy khăn liệm và y phục.
Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,
Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.
Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!
Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.
Alleluia, alleluia! (1Cr 5,7b-8a) – Lễ Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô đã hiến tế; vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. – Alleluia.
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (20,1-9)
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết. Đó là lời Chúa.
Suy niệm:
Có câu nói chúng ta thường nghe trong các phim xưa rằng “sống phải thấy người, chết phải thấy xác”. Vậy mà có khi con người ta lại lấy cái xác để biện hộ cho sự sống. Chẳng hạn báo chí cuối năm 2019 đưa tin một người phụ nữ tên Jeanne Souron-Mathers ở Utah, Mỹ đã giấu thi thể người chồng Paul Mathers trong tủ lạnh trong suốt mười năm để trục lợi tiền trợ cấp của người chồng quá cố. Tuy nhiên, với trình thuật Tin mừng về sự kiện Chúa Phục Sinh, sự kiện ngôi mồ trống lại là một dấu chỉ minh chứng cho việc Chúa Kitô sống lại.
Khi Chúa Giêsu được an táng trong mồ, các người Pharisêu, Kỳ Lão và Luật sĩ sợ rằng sẽ có người đến ăn cắp xác Chúa Giêsu và phao tin Người sống lại nên đã đề nghị với tổng trấn Philatô cho lính canh giữ mồ nghiêm ngặt. Họ còn cho niêm phong cửa mồ bằng một một tảng đá to tướng với hy vọng để kết thúc huyền thoại về tử tội Giêsu Nazaréth. Thế nhưng Chúa sống lại đã mở toang cửa mồ khiến những người lính canh gác sợ hãi chạy tán loạn.
Trình thuật Chúa nhật đại lễ Phục Sinh mà chúng ta vừa đọc cho biết khi vừa hết ngày Sabath, “Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối”. Sự phục sinh của Chúa được tỏ hiện với việc vén mở hình ảnh ngôi mộ trống mà đoạn văn biểu thị qua hình ảnh ánh hừng đông. Nhưng trời còn tối ý muốn nói trong lòng người nữ môn đệ, niềm hy vọng về việc theo Thầy đã tắt ngấm. Bà đi ra mồ từ sáng sớm với mục đích khóc thương Thầy, một người tốt lành như thế mà bị xử án chết. Hay như mấy chị em có đi ra mồ cũng chỉ để xức thuốc thơm và ướp lại một cái xác chưa kịp thối rữa, vì hôm an táng Thầy gần tới giờ của ngày lễ Vượt Qua nên họ đã khâm liệm một cách vội vã.
Vừa đến nơi, Mađalêna đã thấy tảng đá lăn ra khỏi mồ. Bà rất hoang mang, liền chạy về báo cho người Tông đồ Cả và Tông đồ mà Chúa Giêsu quý mến nhất hay biết sự việc. Dồn dập theo đó là những nghi vấn trong bà bộc phát thành lời: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu?” Quả là lòng bà còn mê tối nên không nhận ra được dấu chỉ của sự phục sinh.
Hai môn đệ thân tín đã mau mắn chạy ra mồ. Simon-Phêrô bước vào trong mồ trước. Ông thấy nào là những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây lại không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. những gì cần thiết cho một người chết giờ đây lại được để ngăn nắp, có một sự sắp xếp lại gọn gàng. Trong đầu ông giờ đây lại là một chuỗi những câu hỏi Tại sao như vậy, sao kỳ lạ vậy?
Với những phân tích lý luận của lý trí, thật khó cho Phêrô có thể nhận ra Chúa Phục Sinh. Nhưng Gioan, người môn đệ Chúa yêu, có thể nói vì lòng quý mến Thầy, đã chạy tức tốc đến mồ, nhanh hơn cả Phêrô. Và rồi dù bước vào sau Phêrô, ông thấy và ông tin. Khi yêu thương ai, lòng con người ta luôn nghĩ đến người ấy, nhớ về người ấy, đánh động bởi những cử chỉ, hành động, lời nói của người ấy cho dù hoàn cảnh bắt buộc phải xa cách nhau. Với tiếng nói của con tim, của tình thầy trò thúc đẩy, người môn đệ Chúa yêu hồi tưởng lại về lời Kinh Thánh rằng Đấng Cứu Thế sẽ sống lại từ cõi chết, về việc Người liên hệ với hình ảnh tiên tri Giona ở trong bụng cá ba ngày, rằng Người qua cuộc khổ nạn mới bước vào vinh quang phục sinh. về tiên báo một đền thờ là thân thể Người bị phá hủy và sẽ được xây lại trong ba ngày. Và như với giác quan thứ sáu thúc đẩy, trực giác của người môn đệ Chúa yêu đã sớm cảm nhận được sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu ngay giây phút này để Gioan xác tín rằng Chúa đã phục sinh.
Ngày hôm nay, trước dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Corona, con người ta chẳng đặng đừng phải sống giãn cách xã hội để tránh lây lan, có nơi còn buộc phải cách ly xã hội khiến cho nhiều người bị vướng lại từ nơi cách ly chưa thể về nhà được, các thánh đường không thể cử hành đại lễ Chúa Phục Sinh với số đông tín hữu tham dự được, nhưng không vì thế mà năm nay không có sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Với việc Người được Cha cho sống lại từ trong sự chết nhờ quyền năng Thánh Thần, Chúa Phục Sinh đã hơn hai ngàn năm nay vẫn tiếp tục hiện diện và đem lại sự sống nơi từng gia đình. Khi các thành viên từ trẻ thơ chập chững tập đi, người lớn, đến người già đau yếu đi lại khó khăn cùng quây quần bên màn hình tham dự Thánh lễ trực tuyến, Chúa Phục Sinh đang vun đắp sự sống và tình thương xuống mọi người trong gia đình vì cử chỉ yêu thương, quây quần và sẻ chia của họ. Mọi người đều cảm nhận được mối tình thân, làm mới lại tình cảm gia đình, đó chẳng phải là ánh sáng của Chúa Phục Sinh tỏa lan hơi ấm trong gia đình họ sao. Chúa vẫn có cách để ban sự sống vĩnh cửu của Ngài xuống trên những người tin vào Chúa. Amen.
Suy niệm
Bài Đọc thứ I với diễn từ của thánh Phêrô là một bản tóm tắt Tin Mừng, nhắc chúng ta nhớ rằng chính lời chứng của Phêrô, vị được Chúa Giêsu đặt làm người lãnh đạo Giáo hội và của Tông đồ đoàn là những người mục sở thị cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Đức Kitô. Các ngài đã làm chứng cho chúng ta về đức tin vững chắc vào Đức Kitô Phục Sinh.
Đức Kitô đã được Thiên Chúa dùng quyền năng Thánh Thần mà cho sống lại vào ngày thứ nhất trong tuần, sau ngày Sabáth. Như thế, kể từ sau sự kiện Chúa Kitô phục sinh đã đem lại cho ngày của Chúa một ý nghĩa mới. Kiểu nói đó nhằm nói lên rằng thế giới đã bước vào một thời điểm mới, ngày thứ nhất trong tuần, ngày Chúa nhật là ngày Người chiến thắng tội lỗi và sự chết.
Vào ngày thứ I trong tuần, Maria Mađalêna, người phụ nữ đã đứng dưới chân thập giá Đức Giêsu mà thánh Gioan cho biết: “Bà đi đến mộ từ sáng sớm, lúc trời còn tối”. Bà đã chứng kiến cuộc mai táng của Người, đế ý nhìn ngôi mộ và xem thi thể Người được đặt như thế nào. Sáng ngày, bà đi viếng mộ lúc trời còn tối. Sáng ngày thứ I diễn tả việc Chúa Kitô, mặt trời công chính đã phục sinh, ánh mặt trời đã ló dạng. Nhưng “trời còn tối” muốn nhắm đến tâm trí của bà còn u mê, chưa nhận ra được Chúa đã sống lại.
Trước ngôi mộ trống và tảng đá lấp mồ đã được lăn ra một bên là câu chuyện khai mào đức tin của các Tông Đồ vào biến cố Phục Sinh. Khi người ta muốn chứng minh cho một điều gì đó, thông thường người ta hay dùng nguyên tắc lấp đầy như một bằng chứng. Tuy nhiên, với việc “phát hiện ngôi mộ trống” là mặc khải đầu tiên gây kinh ngạc, các vị tông đồ của Chúa dám nói lên kinh nghiệm về Đấng Phục Sinh bằng nguyên lý của sự “trống rỗng”, kinh nghiệm này đã khai mở lòng trí của họ để hiểu Kinh Thánh.
Chứng kiến sự kiện ngôi mộ trống kèm với việc Phêrô và Gioan còn thấy băng vải liệm và khăn che đầu được cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Cảnh tượng này nói lên rằng nếu thi thể bị đánh cắp, chẳng tên trộm nào mà không mau chuồn đi, và băng vải liệm có lẽ đã bị quăng tứ tung hay vò lọn. Việc băng vải và khăn liệm được xếp gọn gàng chỉ có thể là kết quả của một người sống với một chân lý về sự sống. Hơn nữa, thánh sử Gioan còn muốn cho thấy rằng băng vải và khăn liệm và những vật dụng dành cho người chết, là sự nô lệ của quyền lực, của Tử Thần thì nay không còn có thể trói buộc Chúa Giêsu vì Người đã phục sinh.
Thánh Gioan vì tình yêu mến dành cho Thầy rất nhiều nên đã nhanh nhảu chạy đến mồ trước. Và dẫu cho ngài nhường cho Phêrô vào trước để tỏ lòng tôn kính quyền lãnh đạo Tông Đồ trưởng nơi thánh Phêrô, thì với những gì Gioan quan sát được, ngài đã “trông mặt mà bắt hình dong”. Như chương trình trò chơi truyền hình Chiếc nón kỳ diệu mà đài VTV1 từng chiếu với người dẫn chương trình Lại Văn Sâm, người chơi có thể đoán được hình nền chỉ với một ít sự kiện. Giờ đây, Gioan cũng đã đoán được hình nền, dù chưa bước vào trong mộ, và dù chỉ đứng bên ngoài liếc nhìn vào bên trong trong khi chờ đợi thánh Phêrô, Gioan “cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó…Gioan đã ấn tượng với dấu chỉ này tới mức: “Ông thấy và ông tin”. Nhưng ông thấy gì? Chẳng thấy gì hết. Có gì đâu mà thấy. Tuy vậy điều ông thấy đã dẫn ông tới chỗ tin. Người môn đệ được Chúa yêu này chỉ “thấy cái tối thiểu”, tuy nhiên, thánh nhân lại “tin tối đa”. Đó chính là nhờ độ nhạy bén của con tim, người môn đệ Chúa yêu đạt đến niềm tin; tuy nhiên, thánh nhân cũng cần lý trí soi sáng. Lời ghi nhận “Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Kitô phải chỗi dậy từ cõi chết” ám chỉ đến tiến trình các môn đệ giải thích biến cố Phục Sinh của Chúa Kitô nhờ ánh sáng Cựu Ước.
Tại một nghĩa trang nọ, có mội ngôi mộ rất được chú ý, đó là ngôi mộ được làm bằng đá hoa cương, bên dưới đúc xi măng cột sắt rất kiên cố. Ngôi mộ được nhiều người chú ý vì đó là ngôi mộ của một người phụ nữ giàu có. Trong chúc thư, bà yêu cầu người ta xây cho bà một ngôi mộ kiên cố, để nếu có sự sống lại của người chết, thì bà vẫn nằm yên dưới mộ. Trên mộ, bà ta xin được ghi: “Đây là ngôi mộ sẽ không bao giờ mở ra”. Thời gian trôi qua, ngôi mộ xem ra vẫn kiên cố. Thế nhưng một hôm có một hạt giống rơi vào khe đá của ngôi mộ, gặp đất bên dưới, nó bắt đầu nẩy mầm, lớn lên thành cây, rễ của nó đâm xuyên qua ngôi mộ để rồi cuối cùng làm cho quan tài của người đàn bà vỡ ra.
Câu truyện trên đây diễn tả tình yêu vô bờ của Thiên Chúa đối với con người, khi cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết để mở ra cho con người lối đi vào sự sống vĩnh cửu với Ngài. Con người có thể chối bỏ và khước từ Thiên Chúa, nhưng với muôn ngàn cách thế mà con người khôn lường được, Thiên Chúa vẫn tiếp tục theo đuổi con người. Con người tưởng mình có thể lẩn trốn được Thiên Chúa, nhưng qua một hạt giống nhỏ bé, tình yêu của Ngài vẫn tiếp tục len lỏi vào tâm hồn của con người.
Lạy Thiên Chúa là Chúa của sự sống. Vinh quang, danh dự và niềm vui của ngài là cho con người được hưởng sự sống đời đời. Cho dù con người có loại bỏ Thiên Chúa Ngài vẫn luôn theo đuổi và chờ đợi con người đáp lại tình thương của Ngài để được sống với Ngài. Xin cho qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô Con Thiên Chúa, mỗi người chúng con nhận ra tình Chúa yêu thương chúng con vô bờ. Amen.
Lm. Alfonso