Clock-Time

Suy Niệm Chúa Nhật Tuần I Mùa Vọng A (Mt 24:37-44) - Lm Alfonsô

Khởi đầu của Năm phụng vụ là một Mùa Vọng, mùa của sự đợi chờ. Sắc màu tím được dùng trong phụng vụ mùa vọng không phải là màu tím của u buồn ảm đạm, mà là màu tím xanh biểu tượng của sự trung tín, của sự đón đợi. Và từ Mùa Vọng: Adventum được lấy từ tiếng Latinh có nghĩa là sự đến. Chúa Giêsu không giới thiệu mình cho chúng ta như một người của quá khứ, nhưng như một người của tương lai. Cũng vậy, việc Người quang lâm như một biến cố tương lai.

SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG A
NGÀY 27/11/2022

(bản văn các bài đọc – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973)

Bài đọc I: Is 2,1-5

“Thiên Chúa quy tụ các dân tộc trong nước Người, để hưởng bình an đời đời”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Điềm Isaia con trai của Amos đã thấy về Giuđa và Giêrusalem. Điềm sẽ xảy ra trong những ngày sau hết, là núi của nhà Chúa được xây đắp trên đỉnh các núi, và núi ấy sẽ cao hơn các đồi, và các dân nước sẽ đổ về đó. Nhiều dân tộc sẽ đến và nói rằng: “Hãy đến, chúng ta hãy lên núi Chúa và lên nhà Thiên Chúa của Giacóp. Người sẽ dạy chúng ta đường lối của Người, và chúng ta sẽ đi theo ý định của Người”; vì luật pháp sẽ ban ra từ Sion, và lời Chúa sẽ phát ra từ Giêrusalem. Người sẽ xét xử các dân ngoại và khiển trách nhiều dân tộc. Họ sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa; người ta cũng sẽ không còn thao luyện để chiến đấu nữa. Hỡi nhà Giacóp, hãy đến, và chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5. 6-7. 8-9

Đáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”(c.1).

1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi.

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên.

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Đavít.

4) Hãy nguyện cầu cho Giêrusalem được thanh bình, nguyện cho những kẻ yêu mến ngươi được an ninh. Nguyện cho trong thành luỹ được bình an, và trong các lâu đài của ngươi yên ổn.

5) Vì anh em và bằng hữu của tôi, tôi nguyện chúc: bình an cho ngươi! Vì nhà Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tôi khẩn cầu cho ngươi những điều thiện hảo.

BÀI ĐỌC II: Rm 13, 11-14

“Phần rỗi chúng ta gần đến”.

Bài trích thư thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, biết rằng thời này là lúc chúng ta phải thức dậy. Vì giờ đây, phần rỗi chúng ta gần đến, hơn lúc chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng. Chúng ta hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ganh tị. Nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và chớ lo lắng thoả mãn những dục vọng xác thịt. Đó là lời Chúa.

Allêluia, Allêluia (Tv 84,8): – Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. All.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 24,37-44).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Trong thời ông Noe xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. Cũng như trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy. Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Và có hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, còn người kia bị bỏ rơi. Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. “Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến”. Đó là lời Chúa.

Suy niệm

Một năm Phụng vụ mới bắt đầu. Năm nay là năm A, vì thế mà chúng ta sẽ nghe các bài đọc Chúa nhật năm nay được trích Tin mừng theo Thánh Matthêu.

Khởi đầu của Năm phụng vụ là một Mùa Vọng, mùa của sự đợi chờ. Sắc màu tím được dùng trong phụng vụ mùa vọng không phải là màu tím của u buồn ảm đạm, mà là màu tím xanh biểu tượng của sự trung tín, của sự đón đợi. Và từ Mùa Vọng: Adventum được lấy từ tiếng Latinh có nghĩa là sự đến. Chúa Giêsu không giới thiệu mình cho chúng ta như một người của quá khứ, nhưng như một người của tương lai. Cũng vậy, việc Người quang lâm như một biến cố tương lai.

Chúa Giêsu đã dẫn dụ sự kiện Đại hồng thủy thời ông Noê với bức tranh của xã hội đang khi mà người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, làm việc thường nhật... là những chuyện rất ư là tự nhiên. Trong khi mà ông Noê bắt đầu đóng tàu trên núi cao, một điềm báo tai họa sắp ập xuống bằng trân lụt thì những người khác đang hít thở niềm vui của cuộc sống mà không một chút mải mai bận lòng ngày ấy. Mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu, người ta không ngờ rằng “thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy.”

Hiện nay xã hội cũng đang trải qua một “trận đại hồng thủy” kinh tế sau trận dịch covid và chiến tranh xảy ra khiến một số doanh nghiệp không thể cầm cự được nên lâm vào phá sản, một số xí nghiệp khác không có đơn hàng khiến nhân viên “bỗng dưng” thất nghiệp, tiền tệ quốc tế lạm phát làm phát sinh sự tăng giá các mặt hàng một cách đột ngột, dầu khí và những nguyên liệu thiết yếu nhất giờ đây cung cấp cầm chừng khiến việc đi lại và làm ăn của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ... Và tài sản mà con người nắm giữ để mong có sự an toàn, sự hưởng thụ vật chất một cách thỏa mãn hài lòng thì giờ đây dường như đều bị cuốn trôi hết!

Chúa Giêsu không khiển trách vì người ta yếu đuối và tội lỗi, nhưng khiển trách vì con người ta lại “không biết sớ hãi gì cả”, không lo đến chuyện chính yếu. Con người ta đón lấy tai họa không phải vì hạnh kiểm họ xấu, mà vì không biết phòng xa. Họ có vẻ tin là mình bất tử mà không nhận ra thân phận hữu hạn của con người mình. Qua những biến cố, sự kiện đó là một lời cảnh tỉnh cho mỗi chúng ta khám phá ra rằng chúng ta cần đến Chúa, Đấng cầm quyền sinh tử.

Chúa Giêsu không đe dọa cho người ta sợ hãi nhưng Người mời gọi sống tỉnh thức, hãy luôn trong tư thế sẵn sàng chờ đón ngày Người trở lại một cách đột ngột như thế để xét xử thế gian. Khi mà hai người ở cùng một chỗ, làm cùng một việc, có thể có những số phận khác nhau, người này “được đem đi” để vui hưởng hạnh phúc Nước Trời, người khác “bị bỏ lại” để chịu án phạt. Vậy chúng ta phải chuẩn bị lòng mình sẵn sàng thế nào kẻo không kịp.

Chuyện kể rằng vào năm 79 trước công nguyên, núi Vésuve bất thình lình phun lửa dữ dội, chôn vùi thành phố Pompei phồn vinh dưới một lớp nham thạch dầy tới 7 mét. Năm 1748, sau 18 thế kỷ, người ta bắt đầu khai quật thành phố xấu số này. Giữa bao dinh thự đổ nát, bao đồ vật ngổn ngang, bao người chết đau đớn hỏang sợ, người ta ngạc nhiên tìm thấy xác của 38 người lính La mã đang thi hành nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trong lúc xẩy ra tại họa khủng khiếp đó. Điều đáng nói là những người lính này đang tuần canh, tay còn cầm gươm, đi trong tư thế thi hành nhiệm vụ mặc dù cái chết kề bên.

Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Người đến “thăm chính thức” chúng ta trong lúc ta bận rộn những chuyện thường ngày nhất, tại nơi ta làm việc tại nhà ta, ở nới ta ăn uống, trong các mối tương giao hàng ngày. Lúc lào ta cũng hãy dặn lòng mình sẵn sàng chờ đón Chúa. Tỉnh thức không hề có nghĩa là trang bị cho nhiều hệ thống an ninh, rào chắn để được an toàn. Nhưng tỉnh thức, chính là “sẵn sàng” để hướng về Chúa bằng một đức tin, đức cậy nhờ đó mà ta không để mình buông xuôi và bất cần. Nhờ tỉnh thức mà ta sẽ không phải nói câu “giá mà tôi đã biết trước” vì đã quá muộn rồi, như câu ngạn ngữ phương Tây: “Người không lo xa, ắt sẽ buồn gần”.

Lạy Chúa, mùa Vọng là một thời gian mở ra cho chúng con chờ đợi Chúa. Xin cho chúng con luôn sống trong tâm thế của người sẵn lòng chờ Chúa đến trong vinh quang. Amen.