Suy Niệm Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên A (Mt 5:1-12a) - Lm Alfonsô
Suy Niệm Lời Chúa
CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN A
Ngày 29/01/2023
Nguồn bản văn bài đọc: UBPT/HĐGMVN ấn bản 1973
Bài Ðọc I: Sp 2,3; 3,12-13
“Ta sẽ để sống sót lại giữa ngươi, một dân tộc khiêm tốn và nghèo hèn”.
Trích sách Tiên tri Sôphônia.
Hãy tìm Chúa, hỡi tất cả các người hiền lành trong nước, là những kẻ tuân giữ luật Chúa; hãy tìm công lý, hãy tìm sự khiêm nhường, nếu các ngươi muốn được che chở trong ngày thịnh nộ của Chúa. Ta sẽ để sống sót lại giữa ngươi một dân tộc khiêm tốn và nghèo hèn, biết tin tưởng vào thánh danh Chúa. Kẻ sống sót của Israel sẽ không làm điều bất công, sẽ không nói dối, miệng chúng sẽ không nói lời phỉnh gạt, vì chúng sẽ được chăn dắt và nằm ngủ không bị quấy rầy. Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 145,7.8-9a.9bc-10.
Ðáp: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ (Mt 5,3).
Xướng: Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. Ðáp.
Xướng: Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân; Thiên Chúa che chở những khách kiều cư.
Xướng: Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời. Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua từ đời này sang đời khác.
Bài Ðọc II: 1 Cr 1,26-31
“Thiên Chúa đã chọn những điều hèn hạ đối với thế gian”.
Trích thư thứ nhất của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, anh em hãy xem ơn kêu gọi của anh em: Vì (trong anh em) không có mấy người khôn ngoan theo xác thịt, không có mấy người quyền thế, không có mấy người sang trọng. Nhưng điều mà thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những người khôn ngoan phải xấu hổ; điều mà thế gian cho là yếu hèn, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những gì là mạnh mẽ phải hổ ngươi. Thiên Chúa đã chọn những điều hèn hạ đối với thế gian, những điều bị khinh chê, những điều không không, để phá huỷ những điều hiện hữu, hầu mọi xác thịt không thể vinh vang trước mặt Người. Chính do Người mà anh em ở trong Chúa Giêsu Kitô, Ðấng do Thiên Chúa, đã trở nên sự khôn ngoan, sự công chính, sự thánh hoá và sự cứu rỗi cho chúng ta, ngõ hầu, như đã chép: “Ai tự phụ, thì hãy tự phụ trong Chúa”. Ðó là lời Chúa.
Alleluia, alleluia (Lc 19,38) – Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 5,1-12a)
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”. Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Đường xá mấy bữa sau Tết kẹt xe vì người từ dưới quê đang trở lại các khu công nghiệp. Người nông dân vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, học sinh cặm cụi học hành, mọi người tất bật trở lại nhịp sống làm việc sau Tết… tất cả đều mong muốn có được hạnh phúc. Thậm chí một số người vướng vào ma túy cũng vì nghĩ rằng nàng tiên nâu sẽ mang lại hạnh phúc, hay cờ bạc cá độ vì nghĩ rằng kiếp đỏ đen sẽ đem lại hạnh phúc. Ngay cả người đi ăn trộm cũng nghĩ để trả món nợ, để có tiền tiêu xài, họ nghĩ đơn giản “một năm ăn trộm sẽ bằng ba năm làm” và điều đó đem lại cho mình hạnh phúc. Có thể nói, trong thâm tâm, ai cũng đi tìm hạnh phúc.
Trong những ngày đầu xuân, chúng ta thường mơ ước hạnh phúc và cầu chúc nhau niềm hạnh phúc. Trên cửa nhà một số gia đình, chúng ta còn thấy họ dán hình chữ Phúc. Nhưng tìm hạnh phúc ở đâu? Ai chỉ cho biết con đường dẫn đến hạnh phúc? Đó là câu hỏi của mọi người.
Bài Giảng Trên Núi được thánh sử Mátthêu thuật lại, diễn ra vào buổi đầu của sứ vụ Chúa Giêsu ở Galilê. Cảnh núi non theo nghĩa Kinh Thánh chính là khung cảnh vĩ đại tượng trưng cho núi Sinai mới, mà Chúa Giêsu là Môisen mới, cùng với việc công bố Lề Luật của Giao ước mới. Chủ đề bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu chính là hạnh phúc.
Các Mối Phúc Thật là một sự loan báo về hạnh phúc, với chữ đầu tiên của tất cả các câu trong “bài giảng trên núi” là “Phúc thay”. Đây là một “Tin mừng tóm lược toàn bộ Tin Mừng”. Ngay cả những người nghèo khó, bị khinh miệt, loại trừ, những người thất vọng ê chề, những người lầm than vất vưởng đều có thể có được niềm hạnh phúc, bởi vì hạnh phúc thật trước tiên không phải là sự giàu sang, thành công hay hưởng thụ, lạc thú... Và Chúa Giêsu muốn chỉ cho các môn đệ, những ai muốn theo Người phương thế trở thành những người hạnh phúc.
Thế nhưng, hạnh phúc mà Chúa Giêsu nói đến không phải kiểu “ngồi chờ sung rụng” hay là sự an nhàn hưởng thụ hoặc lánh đời. Hạnh phúc ấy cũng không phải là quyển sách chỉ ra 7 bước làm giàu, 5 bước trở thành nhà lãnh đạo, 4 bước trở thành tỷ phú hay 3 bước để thành công… Không, hạnh phúc mà Chúa nói đến không loại trừ những nghịch cảnh và sự đau khổ. Và hạnh phúc ấy là lời hứa của Thiên Chúa ban cho những ai dám sống điều Người mời gọi. Chính vì thế, Tin Mừng không phải là để chúng ta đi tìm hạnh phúc nhưng là lời hứa và quà tặng hạnh phúc vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người để họ được hạnh phúc. Hạnh phúc đây chính là sự sống của Thiên Chúa ban cho con người. Chúng không biến đổi hoàn cảnh chúng ta đang sống chẳng hạn từ giàu thành nghèo hay từ nghèo ra giàu, nhưng chỉ ra một lối thoát là cho ta nghe được lời mời.
Có một số người nghĩ rằng tôn giáo là thuốc phiện để xoa dịu nỗi khổ đau của con người, vì chỉ là sự hứa hẹn cho cuộc sống đời sau. Nếu hiểu như vậy thì thật thiếu sót, vì nhìn lại các mối phúc, chúng ta bắt gặp hạnh phúc diễn ra không những mai sau mà còn “từ bây giờ”. Nước Trời đang ở giữa anh em, không phải chỉ là một hạnh phúc chỉ được hứa cho đời sau.
“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”
Với thánh sử Matthêu, ngài ý thức sự nghèo nàn đơn thuần về vật chất tự nó không phải là một nhân đức, không mang lại ơn cứu độ. Tâm hồn những kẻ trắng tay có thể chai cứng, bị đầu độc trở nên xấu xa, hay trong thâm tâm họ đầy sự thèm khát của cải, bị của cải bên ngoài xâu xé làm cho họ dần quên Thiên Chúa nên đối với họ “có thực mới vực được đạo”. Còn với người giàu có thì dễ bị cám dỗ bởi nghĩ rằng “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, họ dễ nghĩ rằng tất cả những gì tôi có được là do trình độ, vốn liếng và khả năng biết làm giàu. Cho nên thánh Matthêu ghi rõ “phúc cho ai có tinh thần nghèo khó” là kể cả người sang hay hèn đều có thể được chúc phúc.
Theo nhà chú giải Tassini, “hạnh phúc” trong Kinh Thánh là tiếng ca ngợi những người biết làm cho ơn Chúa ban trở nên sinh lợi, nên họ cảm thấy hạnh phúc ngay từ bây giờ, và nếu họ luôn trung thành với con đường đã chọn, họ sẽ được nhìn nhận là người công chính trong giờ phán xét. Vì “sự khó nghèo” mà mối phúc nhắm tới không phải là sự khó nghèo về vật chất, nhưng là thái độ tinh thần của một người tự nhận tất cả những gì mình có được đều là do bàn tay nhân từ và lòng quảng đại của Thiên Chúa, và ngay cả người nghèo vì hoàn cảnh cũng biết sống một niềm phó thác vào bàn tay Chúa quan phòng. Biết nhận ra tất cả những gì mình có được là do ơn Chúa ban, người có tinh thần nghèo khó biết làm cho ơn Chúa ban trở nên sinh lợi qua việc nhớ đến những hoàn cảnh xung quanh mình để rồi, ngay cả một người giàu có hay nghèo khó cũng có thể sống một tinh thần nghèo khó được như lời Chúa mời gọi “Nhận nhưng không, hãy cho nhưng không”. Còn Potel thì chú giải: “Người Kitô hữu trước hết nhìn nhận rằng mình đã mãnh nhận sự sống từ Thiên Chúa mà Chúa Giêsu dạy phải nhận ra và yêu mến Cha. Sự nghèo khó tinh thần chính là chấp nhận rằng sự sống là quà tặng của người Cha trên trời ban cho. Thiên Chúa tự hiến một cách vô vị lợi mà không cần lời khen ngợi để chuộc lấy con người trong tội lỗi và sự chết của con người. Một điều nghịch lý là sự khiêm nhường Kitô giáo triệt để này lại tạo nên phẩm giá của một con người và của tất cả mọi người được Thiên Chúa ưu ái dường bao.
Nhận ra hồng phúc ấy, chúng ta được mời gọi sống chứng chân Tin mừng, và càng sống chứng nhân, chúng ta càng nhận được mối phúc của Chúa. “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,10). Đây là lời của Chúa không hề giấu giếm về tình trạng Hội thánh mà họ đang sống. Hội Thánh trở thành đối tượng bị bách hại, bị bách hại vì Kitô hữu dám sống “lẽ công chính”, sự công chính của Thiên Chúa. Chính Đức Kitô bị đóng đinh là người công chính bị bách hại. Người trở thành mẫu mực cho sự công chính và ơn cứu độ. Vì thế, lời chúc phúc là lời mời gọi từng người cũng như cho toàn thể Hội Thánh bước theo Đấng bị đóng đinh.
Chúa Giêsu còn thêm: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12). Lời chúc phúc dành cho những ai bị bách hại vì đức tin bị tố cáo, đấu tố, bêu rếu vì Chúa Giêsu Kitô. Người hứa ban niềm hạnh phúc và phần thưởng lớn lao xứng đáng cho những ai đã sống như thế.
Như vậy, qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh sử Matthêu đã trình bày lời dạy của Chúa Giêsu về các Mối Phúc là một bài giáo lý Kitô giáo ngắn gọn, theo cách thức khắc vào tâm trí những nguyên tắc và việc thực thi lý tưởng sống riêng biệt của Kitô giáo. Và bí quyết vào Nước Trời đã được tỏ cho biết. Vấn đề còn lại là chúng ta hôm nay có đủ khôn ngoan và bản lãnh để sống điều mà Chúa đã đề nghị với chúng ta hay không. Chúa Giêsu không chỉ rao giảng về các Mối Phúc mà chính Người đã sống các Mối Phúc ấy vì chính Người là Tin Mừng. Người đã sống nghèo khó, khiêm nhường, hiền hòa, nhân từ, kiến tạo hòa bình, bị bắt bớ để dẫn đưa những ai thực hành các mối phúc ấy sẽ bước vào chính đời sống của Thiên Chúa. Thánh Augustinô viết: “Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên con khắc khoải cho tới khi tìm được an nghỉ trong Chúa.” Câu hỏi đặt ra cho mỗi người chúng ta hôm nay là tôi có tìm được hạnh phúc nơi Thiên Chúa chưa. Hay tôi vẫn “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt?” Vâng, Nước Trời là phần thưởng cho những ai biết làm cho mình trở nên xứng đáng với Nước ấy nhờ thái độ nội tâm và nhờ cách thức sống sứ điệp Tin Mừng.
Trong bài giáo lý tại buổi tiếp chung sáng thứ Tư 25/1/2023, khi nói về việc Chúa Giêsu được sai đi loan báo tin vui cho người nghèo khó, Đức Thánh cha Phanxicô nói rằng chúng ta không thể nói về Chúa Giêsu mà không có niềm hạnh phúc, và khi thiếu vắng niềm vui, thì không thể loan truyền Tin mừng, bởi vì chính từ ngữ Phúc Âm, Tin Mừng đã nói rằng đó là tin tốt lành, một lời loan báo về niềm vui, niềm hạnh phúc vì nhận ra con người được Thiên Chúa yêu thương. Ước gì mỗi người chúng ta nhận ra Tin mừng Chúa biến đổi chúng ta để chúng ta cũng biết rao giảng Tin mừng ấy cho anh chị em mình bằng:
* Tinh thần nghèo khó: biết nhận ra sự nghèo nàn của nội tâm mình, nhận biết rằng mình không là gì cả, tất cả những gì ta có là của Chúa ban…
* Cư xử hiền lành, biết nhường biết nhịn và mềm mỏng với mọi người…
* Chấp nhận sầu khổ hơn là gây khổ đau cho người khác…
* Khao khát trở nên người công chính,
* Đầy lòng xót thương, đối xử nhân ái với mọi người…
* Tâm hồn trong sạch, không chất chứa điều tà, điều gian ác, điều bất công…
* Chung tay xây dựng hoà bình, sống hoà thuận với mọi người cũng như làm cho mọi người hoà thuận với nhau…
* Sẵn lòng chịu bách hại vì sống công chính thanh liêm…