Clock-Time

Suy Niệm Chúa Nhật Tuần V Mùa Chay Năm C (Ga 8:1-11) - Lm. Alfonso

Theo luật pháp Do Thái, người ta sẽ phải bị xử tử khi phạm vào ba tội này: thờ ngẫu tượng, sát nhân và ngoại tình. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, các Luật sĩ và Biệt phái dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Đã bắt quả tang thì phải có hai người nam nữ phạm tội. Thế nhưng, việc trọng nam khinh nữ trong xã hội lúc bấy giờ đã khiến người nữ này như một một phương tiện họ dùng để gày bẫy kết án Chúa Giêsu.

SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY Năm C
NGÀY 03/4/2022

Bài đọc 1: Is 43,16-21

“Đây Ta sẽ làm lại những cái mới và sẽ cho dân Ta nước uống”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa là Đấng mở đường dưới biển, mở lối đi dưới dòng nước; Chúa là Đấng dẫn dắt xe, ngựa, quân binh và dũng sĩ. Tất cả đều ngủ và không chỗi dậy nữa; chúng bị ngộp thở và tắt đi như tim đèn. Người phán: “Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng, và đừng để ý đến việc thời xưa nữa. Đây Ta sẽ làm những cái mới và giờ đây chúng sẽ xuất hiện, như các ngươi sẽ biết; Ta sẽ mở đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô khan. Thú đồng, muông rừng và chim đà sẽ ca tụng Ta, vì Ta đã làm cho hoang địa có nước và đất khô khan có sông, để dân yêu quý của Ta có nước uống; Ta đã tác tạo dân này cho Ta, nó sẽ ca ngợi Ta”. Đó là lời Chúa.

Đáp ca: Tv 125,1-2ab.2cd-3.4-5.6

Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c.3)

Xướng: 1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.

Bài đọc II: Pl 3,8-14

“Vì Đức Kitô, tôi đành chịu thua thiệt trong mọi sự, và tôi trở nên giống Người trong sự chết”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Người, tôi đành chịu thua thiệt, và coi mọi sự như phân bón, để lợi được Đức Kitô, và được ở trong Người, không phải do sự công chính của tôi dựa vào lề luật, nhưng do sự công chính bởi tin Đức Giêsu Kitô: sự công chính bởi Thiên Chúa là sự công chính bởi đức tin để nhận biết Người và quyền lực phục sinh của Người, để thông phần vào sự đau khổ của Người và trở nên giống Người trong sự chết, với hy vọng từ cõi chết được sống lại.

Không phải là tôi đã đạt đến cùng đích, hoặc đã trở nên hoàn hảo, nhưng tôi đang đuổi theo để chiếm lấy, bởi vì chính tôi cũng đã được Đức Giêsu Kitô chiếm lấy. Anh em thân mến, chính tôi chưa tin rằng tôi đã chiếm được, nhưng tôi đinh ninh một điều là quên hẳn đàng sau, mà hướng về phía trước, tôi cứ nhắm đích đuổi theo để đoạt giải ơn kêu gọi Thiên Chúa đã ban từ trời cao trong Đức Giêsu Kitô. Đó là lời Chúa.

Câu xướng trước Tin Mừng: Ga 8,12b

Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (8,1-11)

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Đó là lời Chúa.

Suy niệm 1:

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ trong chương trình ca nhạc Paris By Night số 45, ca sĩ Thế Sơn trình diễn ca khúc của nhạc sĩ Song Ngọc viết "Chuyện Người Đàn Bà 2000 Năm Trước" trích từ trang Tin Mừng mà hôm nay chúng ta vừa nghe. Một câu chuyện thật lạ lùng diễn ra tại xứ Do Thái kể về một phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Chị bị các Kinh sư và những người Biệt phái dẫn tới trước mặt Chúa Giêsu. Họ nói với Người: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môisen, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?" Bất đắc dĩ, Người lại bị đặt lên ghế thẩm phán để luận tội.

Chúng ta có thể hình dung những thái độ hí hửng, những nụ cười nhếch mép đầy ranh mãnh, kèm với lời nhỏ to chuyền tay nhau của những người đang muốn ghép tội Chúa Giêsu: lần này thì đừng hòng mà thoát. Họ đặt một câu hỏi bất ngờ, và lịch sự nhưng cũng đầy sự nham hiểm, vì đó chỉ là một cái cớ để họ gài bẫy Chúa Giêsu. Nếu Chúa Giêsu bảo “cứ ném đá đi” thì đây là dịp làm mất uy tín của Người, xoá tan niềm hy vọng của những người tội lỗi và thu thuế về lòng nhân hậu mà Chúa Giêsu rao giảng rằng “đến để cứu vớt chứ không phải để kết án”. Còn nếu Chúa Giêsu bảo “không được ném đá”, thì Người lại rơi vào một cái bẫy khác vì dám chống lại luật Môisen của cả một dân tộc Do Thái. Và chỉ chờ có thế, những kẻ gày bẫy này có dư bằng chứng để bắt bớ Người một cách công khai.

Chúa Giêsu bị đẩy vào thế làm quan tòa bất đắc dĩ, buộc phải ra một bản án xét xử thật nặng, bỗng nhiên Người trở thành Trạng sư với một bài biện hộ chỉ với một cử chỉ “Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất”. Trong lúc những người Biệt phái và Kinh sư rất hăm hở vì họ có dịp “mượn gió bẻ măng”, còn người thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình thì đang run rẫy trước lời tố cáo của họ, vì chị biết với bản án này, cái chết thảm thương dưới trận mưa đá theo luật Môisen đang chờ chị! Và câu trả lời của Chúa Giêsu là sự thinh lặng, Người mời gọi mỗi người hãy nhìn vào bên trong tâm hồn. Việc Chúa Giêsu giữ thái độ im lặng, cúi xuống viết trên đất là để tránh cho người phụ nữ đáng thương này thêm một ánh mắt xét đoán.

Vâng, nếu như những người đang có mặt trong buổi luận tội ngày hôm ấy thể hiện những cảm xúc khác nhau của bảy loại tình cảm nơi con người là Hỷ-Vui, Nộ-Bực, Ái-Yêu, Ố-Ghét, Ai-Buồn, Cụ-Sợ, Dục-Mong muốn, thì giờ đây, Chúa Giêsu đang dạy cho con người thêm một loại tình cảm nữa, tình cảm của Thiên Chúa đó là lòng thương xót. Thương xót là gì? Thưa là một tâm trạng đặc biệt vừa êm đềm ngọt ngào (thương), lại vừa đau đớn đắng cay (xót). Cảm giác vừa thương lại vừa xót ấy khi chúng ta đứng trước một người đáng thương mà người ấy lại vừa phạm một lỗi lầm. Vậy chúng ta lên án chăng? Không được, vì làm như thế là không thương. Bỏ qua chăng? Cũng không được, vì làm như thế là dung túng cho sự xấu. Vậy làm thế nào bây giờ?

Các nhà chú giải có một thời gian dài nghiên cứu và tranh luận xem Người viết gì trên đất, nhưng theo người viết suy niệm hôm nay, hành động của Chúa Giêsu mang ý nghĩa biểu tượng hơn là nội dung. Thứ nhất về phương diện bản án, trước một sự việc diễn ra mà người ta nóng vội hối thúc đi đến kết luận thì Chúa Giêsu mời gọi con người hãy để thời gian trả lời, chẳng phải trên thế giới này biết bao nhiêu bản án oan sai sao khi người ta hấp tấp luận tội. Thứ hai về phương diện tội nhân, chẳng phải tòa án ở đời bắt giam và xử án một người rồi thì người đó lại thường tái phạm sao? Do đó, chỉ tòa án lương tâm mới là nơi phân xử cho con người tốt hơn hết. Khi nào con người dành thời gian để nhìn vào chính nội tâm mình, bản thân có nhận ra lỗi lầm của mình thì mình mới quyết tâm chừa tội, quyết tâm phục thiện. Thứ ba về phần người tham dự phiên tòa, Người dạy chúng ta như lời Mẹ Têrêsa Calcutta nhận ra “Nếu chúng ta cứ chăm chăm phán xét người khác, chúng ta chẳng còn thời giờ để yêu thương họ”. Và thứ tư, Chúa viết trên đất mà không viết trên đá để tội lỗi con người cần được thứ tha, như dòng chữ viết trên đất rồi một cơn gió, hạt mưa sẽ làm nó mau chóng phai mờ và trôi đi, còn viết trên đá thì sẽ lưu tội lâu dài.

Và rồi, cuối cùng Chúa Giêsu đi đến phán quyết: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Câu trả của Chúa Giêsu rất bất ngờ, vì nằm ngoài mọi dự đoán của mọi người. Chỉ vỏn vẹn một câu vậy mà Người đã biến những cánh tay đang lăm le nắm chặt hòn đá trong tay chực xử tử người phụ nữ, giờ đây những bàn tay ấy từ từ lơi ra để hòn đá ấy nhẹ nhàng rơi xuống đất cùng sự rút lui dần. Đoạn Kinh thánh cho biết “họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất”, đến khi chỉ còn mình Chúa Giêsu với người phụ nữ.

"Họ đâu hết rồi? Không ai lên án chị nữa hay sao?" Lần đầu tiên từ lúc bị lôi tới đây, người phụ nữ ngẩng mặt lên. Thánh Augustinô chú giải: “Chỉ còn hai. Lòng thương xót và người được xót thương”. Chính lời Đáp ca nhấn mạnh đến sự kỳ diệu ấy: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ”. Tội nhân bị luận tội cách công khai giữa bàn dân thiên hạ một bảng án nằm trong khung tử hình, nay ngơ ngác thấy mình được tha bổng, kèm một lời dặn dò: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Chúa Giêsu không kết án mà lại mở ra cho chị một con đường đi về phía trước. Người không kết tội theo đáng tội của con người. Nhưng Người cũng không dung túng cho tội vì nếu bỏ qua như không có chuyện gì thì rồi tội nhân sẽ tiếp tục “ngựa quen đường cũ”. Hơn hết, Người cho kẻ có tội một cơ hội, tha cho về và không quên nhắc nhở đừng phạm tội nữa, tức là cho tội nhân một cơ hội để làm lại cuộc đời.

Trong bối cảnh cuộc hội thảo quốc tế về việc bãi bỏ án tử hình diễn ra tại Rôma được Cộng đồng Sant'Egidio tổ chức, có chủ đề “Vì một thế giới không án tử”, Đức Thánh cha Phanxicô đã kêu gọi “lương tâm của các nhà lãnh đạo chính phủ” để họ có thể tham gia vào “sự đồng thuận quốc tế về việc bãi bỏ án tử hình”. Ngài tái khẳng định về phẩm giá của tất cả mọi người, thậm chí cả những phạm nhân “vẫn có quyền bất khả xâm phạm đến sự sống, quà tặng của Thiên Chúa”. Theo ngài, một hệ thống hình sự ngày càng phù hợp với tầm nhìn của Thiên Chúa đối với nhân loại không cho phép tước bỏ khỏi các tội nhân cơ hội để chuộc lại lỗi lầm. Xã hội hiện đại giờ đây đã có các phương tiện chống lại tội ác mà không nhất thiết phải lấy đi khỏi các tội phạm khả năng hưởng ơn cứu độ.

Vâng, với các bài đọc Chúa nhật thứ V Mùa chay hôm nay, Giáo hội cho chúng ta nhận ra tinh thần Chúa Giêsu cử xử với con người bằng một lòng thương xót, qua đó Người cho chúng ta hiểu ý nghĩa của tội lỗi, nhận ra ý nghĩa về lòng thương xót của Thiên Chúa. Mỗi lần chúng ta phạm tội, mỗi lần thực hiện hành vi lỗi lầm là chúng ta làm tổn thương tình yêu của Thiên Chúa, Đấng dựng nên ta và yêu thương ta cách nhưng không, làm tổn thương “khuôn mặt” Thiên Chúa nơi chúng ta, Đấng đã dựng nên chúng ta giống hình ảnh Ngài. Cuộc đời quả thật không đơn giản là trắng hay đen. Chẳng lẽ mỗi lần ăn cắp thì mỗi lần chặt tay. “Ai nên khôn mà không khốn một lần”. Vì thế, tinh thần sám hối của mùa Chay thánh không dừng lại ở vẻ âu sầu, buồn bã về tội lỗi đã phạm nhưng mời gọi chúng ta hãy để những ngày đã qua của tội lỗi về phía sau lưng, để có thể bắt đầu lại cuộc sống mới, nhìn về ân sủng tình yêu của Chúa Kitô mà vươn tới phía trước đầy hy vọng. Thiên Chúa, Đấng không bao giờ đánh mất niềm hy vọng vào khả năng hoán cải của bất kỳ một ai.

Lạy Chúa, như lời thánh Giáo phụ Irênê đã quả quyết: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”. Xin Chúa cho chúng con học được cung cách của lòng xót thương mà Chúa đã đối xử với con người, để chúng con cũng biết đối xử bao dung với nhau, để kẻ lầm lỡ có cơ hội bước vào con đường hối cải, và mở cho con người một tương lai đổi mới cuộc đời, nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô như thánh Phaolô đã quả quyết mà chúng con được ơn cứu độ. Amen.

Suy niệm 2:

Theo luật pháp Do Thái, người ta sẽ phải bị xử tử khi phạm vào ba tội này: thờ ngẫu tượng, sát nhân và ngoại tình. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, các Luật sĩ và Biệt phái dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Đã bắt quả tang thì phải có hai người nam nữ phạm tội. Thế nhưng, việc trọng nam khinh nữ trong xã hội lúc bấy giờ đã khiến người nữ này như một một phương tiện họ dùng để gày bẫy kết án Chúa Giêsu.

Giờ đây, Chúa Giêsu phải đối đầu với một vấn đề nan giải: nếu Người kết tội người phụ nữ này phải bị ném đá cho đến chết theo luật thì rõ ràng là những lời dạy trước nay của người sẽ bị sụp đổ: nào là đến cứu chữa kẻ tội lỗi, đồng bàn với người thu thuế và người tội lỗi để nâng đỡ họ dậy không phải là cử chỉ yêu thương và nhân từ mà chỉ là đánh bóng thương hiệu. Và việc tuyên bố tội đó đáng bị xử tử, Chúa Giêsu sẽ đối diện với việc vi phạm luật pháp La mã, vì người Do Thái không có quyền kết tội tử hình hay xử tử bất cứ một ai. Còn ngược lại, nếu Chúa Giêsu bảo tha cho người phụ nữ ấy thì Người sẽ bị tố cáo là dạy cho người ta phá bỏ luật pháp Môisen, dung túng trước tội ngoại tình. Biệt phái và Luật sĩ Do Thái dùng cái bẫy hết sức tinh vi và bằng mọi thủ đoạn để kết tội Chúa Giêsu, để có trả lời đàng nào đi nữa, Người cũng sẽ bị dân chúng chống đối và kết tội. Như vậy, sau việc xử án họ dành cho người phụ nữ là việc họ đang toan tính một cuộc xử án dành cho Chúa Giêsu, mà đã có bản án sẵn đó là tử hình Người bằng hình thức đóng đinh.

Nhưng Chúa Giêsu đáp lại bằng một phản ứng rất gây ngạc nhiên. Người cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Sau đó tuyên bố : “Ai trong các ông sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Sự thinh lặng của Chúa Giêsu là một sự tế nhị của một Đấng Phán Xét dành cho tội nhân. Từ bao thế kỷ qua, các nhà chú giải Kinh Thánh đã nhọc công nghiên cứu mà vẫn không tìm ra nội dung Chúa Giêsu viết gì trên đất. Đối với thánh Gioan, việc ghi lại biến cố này, điều quan trọng không phải là nội dung Chúa Giêsu đã viết ra mà chính là sự thinh lặng của Người. “Cử chỉ không lời” của Chúa Giêsu lại là một sứ điệp muốn nói với các biệt phái và đám đông đến nghe Ngài giảng dạy và cả với người phụ nữ. Chỉ trong thinh lặng, con người ta được mời gọi trở về với cõi lòng mới có thể nghe được tiếng Chúa trong lương tâm mình.

Có thinh lặng chứ không phải sự ồn ào kết án của đám đông, người nữ mới có thể hồi tâm mà hoán cải tội lỗi. Có thinh lặng mới khiến từng người trong đám đông nhận ra thân phận tội lỗi bất toàn của mình. Đoạn Tin mừng dùng những từ rất hay: “Họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất” . Họ rụt rè xấu hổ, và nhận ra mình cũng đáng tội như ai nên mới có thể bao dung cho người khác và âm thầm rút lui.

Chúa Giêsu không nỡ lột mặt nạ tội lỗi của từng người ở chỗ công khai, thì Chúa cũng muốn họ đừng làm như thế đối với người anh chị em mình. Chúa không đưa con người ta ra xét xử dưới ánh sáng của Luật nhưng đưa người ta về lại với lương tâm. Chỉ khi đối diện với lương tâm, đối diện với lòng mình, thì mình mới có thể thay đổi được. Vì “người ta có thể lừa dối cả thế giới nhưng không thể lừa dối được chính mình”. Có những người phạm tội hình sự, trốn chui trốn nhủi, thay tên đổi họ. Nhưng mười hay hai mươi năm sau, họ cũng bước ra đầu thú vì tiếng nói lương tâm cắn rứt. Vâng, dưới mắt Thiên Chúa, tất cả mọi người đều là tội nhân, và cần phải được tha thứ. Như có lần Chúa bảo: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” (Lc 6,36-38).

Khi Chúa Giêsu ngẩng đầu lên “lần thứ hai thì chỉ còn mình Người đối diện với người phụ nữ”. Thánh Augustinô chú giải: “Chỉ còn hai. Lòng thương xót và người được xót thương”. Chúa Giêsu phục hồi nhân phẩm cho người phụ nữ: “Này chị”, một lời nói nhẹ nhàng, thay vì giam hãm chị trong quá khứ tội lỗi như các kinh sư và những người Pharisêu đã làm, Người thúc đẩy chị bước vào con đường hối cải, và mở cho chị một tương lai: “Không ai kết án chị sao? Tôi cũng vậy. Hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”. Quan tòa xét xử hữu hiệu không phải là để lưu đày hay loại trừ kẻ phạm tội ra khỏi xã hội lành mạnh, nhưng để khiến tội nhân trở thành người tốt. Giống như lương y không chê sự bẩn thỉu hay nhiễm trùng của bệnh nhân, nhưng là cứu giúp người bệnh bằng mọi giá.

Sách tiên tri Isaia mời gọi: “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông”. (Is 1,16-18) Vậy trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta hãy chạy với tòa Giải tội, thú nhận sai lỗi của mình trước mặt Chúa và quyết tâm sửa đổi. Lòng thương xót của Chúa sẽ phủ lấp muôn vàn tội lỗi của chúng ta và mời gọi ta đứng lên làm lại cuộc đời mới trong tình thương của Chúa để được hưởng hạnh phúc muôn đời. Amen.