Clock-Time

Suy Niệm Chúa Nhật Tuần XIX Thường Niên B - Lm. Antôn Hà Văn Minh

Sự biến đổi để đạt tới sự sống đích thật không cần đến bất cứ nghiên cứu khoa học nào, mà chỉ cần hành động đi ra khỏi chính mình, khỏi tính tự cao tự đại, ngước mắt lên trời và tin rằng, để có được một cuộc sống đích thật không tìm đâu ra ngoài tìm đến với Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đến trần gian, đã chết cho nhân loại và đã phục sinh để mang lại sự sống cho con người, Đấng đó đang ngự bên hữu Chúa Cha để dọn chỗ cho những ai tin vào Người sẽ cũng được dự phần vào sự sống trong Nước Chúa khi kết thúc cuộc sống trên dương thế này, và ngay thời gian này, Đấng đó đang hiện diện với nhân loại qua Bí tích Thánh Thể. 

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN NĂM B

LỜI CHÚA: Ga 6: 41-52

Khi ấy, những người Do-thái kêu trách Chúa Giêsu, vì Người đã phán rằng: “Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”. Họ nói: “Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: “Ta bởi trời mà xuống”. Chúa Giêsu trả lời cùng họ rằng: “Các ngươi chớ thì thầm với nhau. Không ai đến được với Ta nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: ‘Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo’. Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Ðấng bởi Thiên Chúa mà ra, Ðấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. “Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.

SUY NIỆM

CHÚA GIÊSU NGUỒN MẠCH BIẾN ĐỔI SỰ SỐNG

Chắc chắn Chúa Giêsu đã cảm nhận được sự giận dữ và chống đối của người Do Thái khi Người nói về Bánh hằng sống, Bánh được đúc nến không từ hạt lúa miến mà là bằng chính “thịt” của Người. Vâng, không chỉ người Do Thái phản đối, mà mọi người khi nghe đến tấm Bánh hằng sống chính là “Thịt Ta” chắc chắn cũng sẽ phản đối, bởi tư duy con người luôn bị giới hạn trong phạm trù của kinh nghiệm cuộc sống, và ma quỉ liên lỉ cám dỗ con người ra sức tìm kiếm những thực tại trần thế, và từ chối ngước mắt nhìn trời cao để khám phá cội nguồn và ý nghĩa đích thực của của cuộc sống.

Quả thật, lịch sử của con người là một lịch sử được viết lên bởi những khát vọng làm sao để biến đổi cuộc sống này, nhất là cho cuộc sống này được trường tồn, thế nhưng với bao nhiêu nỗ lực của trí khôn, những sáng kiến, tìm tòi, phát minh, cuộc sống con người cũng chỉ loanh quanh luẩn quẩn trong những tháng ngày vắn vỏi, những lo toan chất chứa bao muộn phiền, khổ đau và sợ hãi. Biết bao lần con người khắc khoải tìm cách thoát ra khỏi cảnh đời gian nan khốn khó và chết chóc, thế những từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, từ phát minh này sang phát minh khác, con người vẫn mãi mang trong mình sự giới hạn, mỏng dòn và hay chết.

Năm 1996, các nhà khoa học Ian Wilmut, Keith Campbell và các cộng sự tại Viện Roslin Edinburgh, Scotland đã nhân bản thành công con cừu với tên gọi Dolly. Dolly là động vật có vú được nhân bản vô tính đầu tiên và được tạo ra từ tế bào sinh dưỡng trưởng thành nhờ áp dụng phương pháp chuyển nhân. Việc tạo ra Dolly đã chứng tỏ rằng một tế bào được lấy từ những bộ phận cơ thể đặc biệt có thể tái tạo được cả một cơ thể hoàn chỉnh, các nhà khoa học hy vọng lịch sử về sự sống con người có thể được thay đổi, và một chân trời đầy ắp hy vọng trong việc chữa trị các căn bệnh hiểm nghèo. Thế nhưng niềm hy vọng đó tắt ngấm dần, cuộc sống con người vẫn luôn đối diện với nhiều nỗi lo âu vì những căn bệnh càng ngày càng nguy hiểm. Vâng, con người không thể nào thay đổi được bản chất của cuộc sống mỏng dòn trong thân phận làm người.

Niềm khao khát phát triển để thay đổi sao cho cuộc sống con người được tốt đẹp hơn là điều tốt và đáng khích lệ, nhưng sự phát triển đó không thể nào loại trừ sự hiện diện của Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, bởi bao lâu con người không nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa và quyền năng của Ngài, con người đang tự đặt mình vào con đường hư vong. Cho dẫu con người ngày hôm nay không giống con người cách đây năm mươi năm, hay một trăm năm, con người vẫn luôn là một sinh vật sống động in đậm hình ảnh Thiên Chúa, với một phẩm giá cao trọng được gọi là con Thiên Chúa, “được chính Thiên Chúa dạy bảo”. Cho dầu cuộc cách mạng số của tứ trụ GAFA (Google, Amazon, Facebook, Apple) với tham vọng thay đổi cuộc sống con người qua các con số toán học, GAFA đề nghị trong tương lai cấy dưới da một dạng mô hình tối ưu bằng con “chip” cho mắt thấy xa hơn, tai nghe rõ hơn, đề phòng được bệnh tật, gia tăng khả năng sống của con người, và như thế, con người không cần đến tôn giáo, và việc Thiên Chúa hiện hữu là dư thừa, nói như nhà phân tâm học C.G. Jung hay Drewermann: tôn giáo chỉ mang tính chữa trị, và khi khoa học đã có thể loại trừ tật bệnh, mang lại cho con người sự yên tâm cuộc sống thì không cần đến tôn giáo. Đó là một cái nhìn lệch lạc về tôn giáo, bởi bản chất tôn giáo không phải để chữa trị, “nhưng còn là một cái gì cao hơn thế, bởi nhân loại trong mọi cảnh huống vẫn không làm gì khác hơn là đi tìm một cái gì khác, đi tìm cái muôn thuở và cố gắng vươn tới đó. Cốt lõi của tôn giáo là con người vượt ra khỏi chính mình để nối kết với Đấng chưa biết, mà đức tin gọi là Thiên chúa, và khả năng con người vượt ra khỏi những cái có thể nắm, có thể đo, để đạt tới cái kết nối uyên nguyên đó” (Đức Bênêđictô XVI). Vì thế, Đức Bênêđictô XVI trong thông điệp Bác ái trong Chân lý đã nói: “hành động kỹ thuật chỉ tập trung vào chính mình xem ra phi lý, bởi lẽ nó hàm chứa sự phủ nhận dứt khoát ý nghĩa và giá trị đời sống. Không phải ngẫu nhiên khi con người khép kín cánh cửa với siêu việt, thì con người lại phải đối mặt với nỗi khó khăn là: làm sao hiện hữu lại có thể phát sinh từ hư vô, và làm sao trí tuệ lại được sinh ra từ ngẫu nhiên? Chỉ hoàn toàn cậy dựa vào kỹ thuật, lý trí không có đức tin sẽ tan biến trong ảo tưởng về sự toàn năng của nó. Đức tin không có lý trí sẽ có nguy cơ trở thành xa lạ với đời sống thường ngày của con người”

Biết rằng sẽ gặp chống đối, Chúa Giêsu vẫn nói cho Dân Do Thái hiểu rằng, khát vọng muốn thay đổi cuộc sống của họ chẳng bao giờ làm cho họ thoả lòng. Họ ước mong đạt tới sự sống đích thật mà chỉ đóng khung lối sống trong định kiến của mình, trong sự chờ đợi một phép lạ được Chúa thực hiện theo lòng mong ước của họ, chỉ dựa vào khả năng và trí khôn của con người, thì chắc chắn họ cũng chết như cha ông họ, mặc dầu cha ông họ đã được Môisen nuôi dưỡng bằng bánh manna, bánh từ trời rơi xuống. Bởi bánh manna được trao ban cũng chỉ là bánh bằng vật chất mau hư nát. Để đạt tới sự sống, Chúa Giêsu đã mạc khải rõ ràng cách thế biến đổi cuộc sống, biến đổi lối suy nghĩ, thay đổi cái nhìn để nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời này, cho dẫu là con bác thợ mộc Giuse, nhưng đó chính là Đấng Mêsia, Đấng được sai đến để biến đổi cuộc sống của nhân loại, biến đổi một cuộc sống hay chết để bước vào một cuộc sống vĩnh hằng.

Quả thật, chỉ có Đấng đến từ trời mới có thể biến đổi cuộc sống, mới có khả năng mang cho con người sự sống đích thật. Những tiến bộ và sự phát minh của con người cũng chỉ dựa vào những yếu tố vật chất, và bị chi phối bởi tham vọng, sự cao ngạo, và lợi nhuận cho nhà phát minh, những điều đó không thể nào mang lại sự trường tồn, bình an và hạnh phúc, chỉ có “Đấng đến từ Chúa Cha”, Đấng đó mới có thể làm thỏa lòng khát mong của con người, bởi “Đấng đến từ Cha” không nuôi trong mình bất cứ một tham vọng nào ngoài việc sẵn sàng hiến thân để biến đổi cuộc sống của con người, qua việc đúc nén cuộc hiến tế đời mình thành Bánh trường sinh hầu mang lại cho con người sự sống đời.

Do đó, sự biến đổi để đạt tới sự sống đích thật không cần đến bất cứ nghiên cứu khoa học nào, mà chỉ cần hành động đi ra khỏi chính mình, khỏi tính tự cao tự đại, ngước mắt lên trời và tin rằng, để có được một cuộc sống đích thật không tìm đâu ra ngoài tìm đến với Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đến trần gian, đã chết cho nhân loại và đã phục sinh để mang lại sự sống cho con người, Đấng đó đang ngự bên hữu Chúa Cha để dọn chỗ cho những ai tin vào Người sẽ cũng được dự phần vào sự sống trong Nước Chúa khi kết thúc cuộc sống trên dương thế này, và ngay thời gian này, Đấng đó đang hiện diện với nhân loại qua Bí tích Thánh Thể. Đó chính là nguồn lương thực nuôi dưỡng những kẻ tin trên đường lữ thứ trần gian, lương thực của sự sống đích thật, lương thực mang lại sự biến đổi từ sự chết sang sự sống, nói như thánh Augustinô: khi ta ăn cơm bánh, chúng ta biến đổi cơm bánh thành máu thịt của mình, nhưng khi chúng ta đón nhận Thánh Thể, thì chính Thánh Thể biến đổi chúng ta nên giống Chúa Kitô, để chúng ta cùng được sống với Người., bởi lương thực đó là bánh được đúc nến từ một tình yêu hiến thân trọng đại, tình yêu của Đấng đã treo mình trên Thánh giá để cứu chuộc muôn dân. Amen

Lm Antôn Hà Văn Minh