Suy Niệm Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên Năm B - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Gioan đã phàn nàn với Chúa Giêsu rằng, có ai đó không thuộc về nhóm mười hai đã làm dấu lạ nhân danh Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản vì người ấy không theo chúng ta.”..
SUY NIỆM CHÚA NHẬT
CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM B
NGÀY 26/09/2021
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (9,38-43.45. 47-48)
38 Khi ấy, ông Gio-an nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”.39 Đức Giê-su bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.41 "Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.42 "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt.44 [ ]45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục.46 [ ]47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục,48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.
Suy Niệm
“Ai không chống lại chúng ta, là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9,38-48)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Gioan đã phàn nàn với Chúa Giêsu rằng, có ai đó không thuộc về nhóm mười hai đã làm dấu lạ nhân danh Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản vì người ấy không theo chúng ta.”
Rõ ràng trong đầu óc ông có tư tưởng phe phái và cố chấp. Ông sợ thiên hạ chia sẻ quyền lực của mình. Gioan cho rằng, chỉ có các ông mới là những người được hưởng đặc ân, được tham dự vào sứ vụ của Thầy, cho nên ông muốn ngăn cấm người ta trừ quỷ.
Gioan tưởng như vậy là đúng, bởi vì những người đó không phải tông đồ Chúa cho nên họ không có quyền nhân danh Chúa mà làm phép lạ. Nhưng Đức Giêsu bảo đừng ngăn cấm họ vì “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta".
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy cái óc ghen tỵ đã có sẵn trong con người từ thuở rất xa xưa, nó vẫn còn tiếp tục ở trong con người ngay trong thời Tân Ước. Nó ở ngay trong những con người vốn là những người thân cận của Chúa, như chính thánh Gioan một tông đồ được Đức Giêsu yêu thương nhất.
- Chúng ta có thể ganh tỵ khi thấy người khác cũng làm được một việc hay việc tốt như mình hoặc còn hay hơn, tốt hơn mình nữa.
- Chúng ta có thể ghen tỵ chỉ đơn giản là họ không thuộc phe nhóm của mình.
- Chúng ta có thể ghen tỵ bè phái vì danh Chúa: nghĩa là những người tín hữu Chúa, những người có đạo ghen tỵ với những người không có đạo khi những người không có đạo làm được những điều hay điều tốt.
Dù ghen tỵ cách nào đi nữa thì chúng ta vẫn bị Chúa khiển trách như đã khiển trách Gioan: “đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay cả sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”
Cha Anthony De Mello, một linh mục Ấn Độ, Dòng Tên, đã kể câu chuyện “Chúa Giêsu đi xem bóng đá” trong tập truyện “Bài ca của loài chim” (The Song of Bird) như sau:
“Nghe Đức Giêsu than phiền là Ngài chưa một lần nào được xem một trận bóng đá, chúng tôi liền đưa Ngài đến xem một trân đấu rất gay go giữa hai đội tuyển Tin Lành và Công Giáo. Khi đội Công Giáo làm bàn trước 1- 0, Đức Giêsu hoan hô vang dội và tung cả mũ lên trời.
Vài phút sau, trong một đợt phản công đẹp mắt, đội Tin Lành đã gỡ một đều (1-1), Đức Giêsu cũng reo hò và tung mũ lên trời. Một khán giả ngồi bên cạnh lấy làm khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu, ông ta hỏi Ngài:
- Này ông bạn, ông ủng hộ bên nào? Chúa Giêsu trả lời: “Tôi à? tôi không ủng hộ bên nào cả. Tôi đến đây là để thưởng thức trận đấu mà thôi”.
Người khán giả tỏ vẻ khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu lại càng bực hội hơn. Ông quay sang người bên cạnh và nói nhỏ: “Hắn ta là một tên vô thần!”
Trên đường về nhà, chúng tôi nói với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, những người có tôn giáo thật là buồn cười, họ tưởng rằng Chúa chỉ đứng về phía họ và chống lại tất cả những ai không thuộc về tôn giáo của họ”.
Chúa Giêsu gật đầu tỏ ý đồng tình. Ngài bảo: “Đó là lý do tại sao Thầy không ủng hộ đội tuyển Tin Lành hay đội tuyển Công Giáo, mà chỉ ủng họ các cầu thủ thôi, dù họ thuộc bất cứ đội tuyển nào”.
Anh chị em thân mến,
Tuy là câu chuyện vui, nhưng nó lại mang sứ điệp của Tin Mừng hôm nay.
Gioan đã ngăn cản người khác trừ quỉ. Ông tưởng là ông có công lớn, ông đem khoe với Chúa Giêsu, nhưng ông không ngờ được phản ứng quyết liệt của Chúa: “Đừng ngăn cản người ta làm gì! Vì không có ai nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu Thầy. Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.
Không ai có đặc quyền đặc lợi trong sứ vụ của Chúa Giêsu! Tất cả đều bình đẳng, tất cả đều là anh em trong tình yêu của Ngài: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Tiêu chuẩn để theo Chúa Giêsu, làm môn đệ Ngài chỉ có bấy nhiêu! Và chúng ta thấy có nhiều người trong xã hội hôm nay, bên Ðông cũng như bên Tây, da trắng cũng như da màu, nghèo cũng như giàu. Họ nuôi dưỡng cô nhi quả phụ, chăm lo bệnh nhân, người già cả, trẻ bé thơ, bụi đời, xì ke, ma tuý, aids. Họ cổ võ hoà bình, chống chiến tranh, bất công xã hội, lập nhà thương, xây dựng trường học, xoá đói giảm nghèo, phân phát thuốc men miễn phí. Tất cả đều đang thi hành sứ mệnh của Chúa giữa đồng loại. Việc làm của họ nhắc nhở chúng ta phải gạt bỏ mọi khuynh hướng chia rẽ bè phái.
Tinh thần của Ðức Kitô, quả thật, đã bẻ gãy mọi rào cản, đạp đổ mọi tường thành mà linh mục, tu sĩ, giáo dân chúng ta đã dựng nên. “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Lạy Chúa, xin cho tinh thần của Chúa luôn tác động nơi cuộc sống mỗi người chúng con. Amen.
1. Khuynh hướng bè phái và muốn độc quyền của các tông đồ
Một trong những khuynh hướng rất thông thường nơi con người, đó là óc bè phái và ham muốn độc quyền. Khuynh hướng này được biểu lộ nơi các môn đệ Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Trên con đường loan báo Tin Mừng, các môn đệ Ngài thấy có những người không thuộc nhóm của mình lại nhân danh Ngài mà làm được những phép lạ như trừ quỉ, chữa bệnh… Theo quan niệm của các ông, chỉ những ai ở trong nhóm 12 như mình mới có quyền nhân danh Thầy mình để làm phép lạ, trừ quỉ, chữa bệnh… Nếu có ai khác làm điều ấy được, lập tức các ông nhận thấy độc quyền của mình bị xâm phạm. Có lẽ các ông cảm thấy bực bội vì điều ấy nên đã cố ra tay ngăn cản họ. Đức Giêsu đã tỏ ra không tán thành khuynh hướng bè phái muốn độc quyền ấy của các ông.
2. Cám dỗ mang tính bè phái và độc quyền nơi người Kitô hữu
Trong đời sống Kitô hữu, nhiều khi chính chúng ta cũng bị cám dỗ bởi não trạng bè phái và ham muốn độc quyền như các môn đệ Đức Giêsu. Chẳng hạn những người cùng tin vào Đức Giêsu và cùng nhận Ngài là Cứu Chúa, theo thời gian, bị phân thành nhiều giáo phái khác nhau. Việc bị phân hóa như thế là một việc hết sức tự nhiên nếu không muốn nói là tất yếu, vì tất cả mọi tôn giáo, mọi trường phái tư tưởng, nghệ thuật, v. v… đều bị phân hóa theo thời gian theo định luật đa dạng hóa của tự nhiên. Theo tôi, nếu không bị phân hóa như thế thì đó mới chính là điều lạ thường. Đương nhiên, giáo phái nào cũng tự cho mình là đúng đắn nhất, là gần với chân lý nhất. Tiếp xúc với các tín đồ của nhiều giáo phái khác nhau, tôi không hề thấy một giáo phái nào lại cho rằng có một giáo phái khác đúng hơn mình. Điều này cũng chẳng làm tôi ngạc nhiên hay bất mãn chút nào!
Dù khác nhau - chủ yếu là trong tiểu tiết - các giáo phái vẫn hết sức giống nhau trong đại thể. Giáo phái nào cũng đều tin và tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Giáo phái nào cũng chủ trương phải sẵn sàng dấn thân theo Ngài với tất cả tình yêu, lòng nhiệt thành của mình. Giáo phái nào cũng đều tuyên xưng: «Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ» (Rm 10,9). Giáo phái nào cũng chủ trương: «Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa thì sẽ được cứu thoát» (Rm 10,13). Suy niệm của JKN
3. Thật là một gương xấu vĩ đại
Nhưng thật là một điều trớ trêu và là một gương xấu vĩ đại trước những người ngoài Kitô giáo, khi mà:
- một đằng Đức Giêsu - Đấng mà mọi giáo phái Kitô giáo đều tôn thờ, đều nhận là Chúa, là Thày - đã tuyên bố: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau» (Ga 13,35).
- đằng khác, các giáo phái Kitô giáo lại coi nhau như là ngoại đạo! Các giáo phái nói xấu lẫn nhau, mạt sát lẫn nhau, kết án lẫn nhau, một vài trường hợp khủng bố lẫn nhau! Nhiều giáo phái Kitô giáo phủ nhận khả năng được cứu rỗi của những người thuộc giáo phái khác, cho dù tất cả đều tin và tuyên xưng những điều căn bản y hệt như nhau! Dường như giáo phái nào cũng muốn hạn chế hoặc chỉ dành riêng sự cứu rỗi cho những ai theo giáo phái của mình! Đó là điều tôi lấy làm lạ, làm ngạc nhiên hết sức, và không thể chấp nhận được!
Đây quả là một gương xấu vĩ đại, một điều mỉa mai cho Đức Giêsu và cho tất cả các giáo phái Kitô giáo, vì gương xấu này là một phản chứng nặng nề đối với những người ngoài Kitô giáo, khiến họ không thể chấp nhận được một tôn giáo như thế! Ước gì các giáo phái Kitô giáo đều đọc và suy nghĩ câu Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay: «Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn».
4. Coi chừng chính kẻ kết án lại là kẻ độc ác, thiếu tình thương
Khi nghe một người Kitô hữu thuộc một giáo phái nào đó quả quyết chắc chắn rằng những Kitô hữu trong những giáo phái khác với họ đều không được cứu rỗi, thì tôi hỏi người ấy: «Vậy anh có muốn điều anh quả quyết như thế là đúng không?» Nếu anh ta trả lời rằng muốn, thì tôi nói: «Vậy thì anh quả là độc ác! Một đằng Thiên Chúa muốn tất cả mọi người đều được cứu rỗi (x.1Tm 2,4), Còn anh lại muốn chỉ những ai trong giáo phái của anh mới được cứu rỗi. Anh sẵn sàng chấp nhận những người khác giáo phái của anh không được cứu rỗi, tức sa hỏa ngục. Vậy thì anh mới chính là người đáng sa hỏa ngục đầu tiên, vì nơi anh không có tình thương! Vì tình thương mới là điều quan trọng nhất phải có để vào thiên đàng, để hợp nhất với Đấng mà bản chất là tình thương».
Nếu anh ta mong rằng điều anh ta nghĩ là sai, thì tôi bảo: Như vậy là anh rất nhân từ, có tình thương! Tốt lắm! Phần tôi, tôi chắc chắn rằng Thiên Chúa còn nhân từ và nhiều tình thương hơn anh gấp tỷ lần. Ngài có đủ quyền năng và đủ cách để giải quyết cho những Kitô hữu khác giáo phái với anh được cứu rỗi. Vì thế, anh hãy phó mặc số phận của những người theo giáo phái khác trong tay Chúa và hãy an tâm! Anh hãy lo cho chính bản thân anh thì tốt hơn, vì nếu anh không có tình yêu, anh không thể vào thiên đàng được đâu! Điều Chúa muốn nơi anh chính là anh hãy coi các Kitô hữu khác giáo phái với anh là đồng đạo, và coi cả những người khác tôn giáo với anh nữa là anh em. Anh hãy yêu thương họ và hãy mong ước những điều tốt lành nhất cho họ!
5. Điều quan trọng nhất để vào được thiên đàng là tình yêu
Điều quan trọng để vào được thiên đàng là đức tin. Nhưng điều còn quan trọng hơn nữa là tình yêu. Thánh Phaolô viết: «Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến» (1Cr 13,13). Khi lên thiên đàng, đức tin, đức cậy không còn vì không cần thiết nữa, chỉ riêng «đức mến không bao giờ mất được» (1Cr 13,8). Thiên đàng được định nghĩa là nơi hạnh phúc, trong đó mọi người hoàn toàn đối xử với nhau bằng tình thương. Nếu có ai còn ích kỷ hay thiếu tình thương mà lọt vào đó ắt người đó sẽ làm ô nhiễm ngay bầu khí hạnh phúc của thiên đàng. Chính vì thế, theo tinh thần đoạn Tin Mừng Mt 25,31-46, khi phán xét, Thiên Chúa chỉ phán xét về cách cư xử của ta có tình thương hay không mà thôi. Cứ nhìn vào đời sống thực tế thì biết, chúng ta dễ hạnh phúc ở bên những người biết yêu thương hơn là bên những người có niềm tin. Thực ra, niềm tin đích thực tất yếu phải dẫn tới tình yêu. Thế giới này đã từng điêu đứng khổ sở vì những cuộc chiến tranh tôn giáo, thậm chí ngày nay vẫn còn. Những cuộc chiến tranh ấy nổ ra không phải do con người thiếu đức tin cho bằng thiếu tình thương. Có thể nói: đức tin cộng với lòng ích kỷ (tức thiếu tình thương) sẽ thành óc bè phái. Óc bè phái chính là nguyên nhân của chiến tranh. Vì thế, đức tin phải đi đôi với đức mến hay dẫn tới đức mến mới là đức tin đích thật. Niềm tin không dẫn tới tình yêu, thật ra, chỉ là niềm tin giả tạo, tương tự như «đức tin không có việc làm là đức tin chết» (Gc 2,17.26). Như vậy, một Kitô hữu có đầu óc bè phái, muốn độc quyền được cứu rỗi, nghĩa là muốn loại trừ những Kitô hữu khác giáo phái mình, không muốn họ hưởng hạnh phúc đời đời, thì Kitô hữu ấy rõ ràng là thiếu tình thương. Mà thiếu tình thương thì làm sao vào thiên đàng được? Suy niệm của JKN
Khi ấy có một số người không thuộc nhóm 12 tông đồ. Họ thấy Đức Giêsu làm nhiều phép lạ, rồi họ thấy các tông đồ tuy không phải là Chúa nhưng nhờ danh Chúa mà cũng làm phép lạ được. Thế là họ cũng nhân danh Đức Giêsu và họ cũng làm được một số phép lạ. Thấy vậy, tông đồ Gioan bực tức, đã ngăn cấm họ và báo cáo lại cho Đức Giêsu biết. Gioan tưởng cấm vậy là đúng, bởi vì những người đó không phải tông đồ Chúa cho nên họ không có quyền nhân danh Chúa mà làm phép lạ. Nhưng Đức Giêsu bảo đừng ngăn cấm họ. Và Đức Giêsu còn nói một câu rất hay mà chút nữa chúng ta sẽ suy gẫm, Chúa nói “Ai không chống lại Ta thì thuộc về Ta”.
Qua câu chuyện trên, điều chúng ta nên lưu ý là: cái óc ganh tỵ đã có sẵn trong con người từ thuở rất xa xưa, nó vẫn còn tiếp tục ở trong con người ngay trong thời Tân ước. Nó ở ngay trong những con người vốn là những người thân cận của Chúa, như ông Giôsuê sau này sẽ lãnh đạo dân Chúa tiến vào Đất Hứa, như chính thánh Gioan một tông đồ được Đức Giêsu yêu thương nhất. Đó là óc ganh tỵ bè phái vì danh Chúa. Nói “Óc ganh tỵ bè phái vì danh Chúa “bởi vì ganh tỵ có tới ba cấp bực:
. Cấp thứ nhất là ganh tỵ: đó là thói xấu khiến cho người ta khó chịu bực bội khi thấy người khác cũng làm được một việc hay việc tốt như mình hoặc còn hay hơn, tốt hơn mình nữa.
. Cấp thứ hai là ganh tỵ bè phái: là ganh tỵ với người không thuộc phe nhóm của mình.
. Cấp thứ ba là ganh tỵ bè phái vì danh Chúa: nghĩa là những người tín hữu Chúa, những người có đạo ganh tỵ với những người không có đạo khi những người không có đạo này làm được những điều hay điều tốt.
Phải nhìn nhận rằng người có đạo thường mang đầu óc tự tôn. Họ lý luận rằng bởi vì Chúa của mình là toàn năng, toàn thiện cho nên đạo của mình phải là đạo tốt nhất, hay nhất. Do đó chỉ có đạo của mình mới có thể làm được những việc hay việc tốt. Khi thấy những người không có đạo dự tính làm điều này điều nọ thì nghĩ thầm rằng chúng nó sẽ chẳng làm nên trò trống gì đâu. Thế nhưng người ta đã làm việc thành công, thì khi đó những người có đạo tức bực, tìm cách nói xấu, xuyên tạc để hạ giá thành quả của những người kia vì họ không thuộc đạo của mình. Trong quá khứ, chúng ta đã thấy có những vụ thiên tai bão lụt. Các tổ chức bác ái công giáo đã hết lòng quyên góp cứu trợ. Những người công giáo rất hãnh diện với những cuộc cứu trợ do Giáo Hội Công giáo đứng ra tổ chức. Cũng có những nhóm khác cũng làm việc từ thiện cứu trợ như vậy, nhưng một số người Công giáo tỏ ra nghi ngờ và khinh chê việc làm của những nhóm kia cho rằng họ sẽ chẳng làm tới đâu, có làm được thì cũng mất mát, tham ô tùm lum, phẩm vật cứu trợ không hoàn toàn tới tay các nạn nhân. Đó là một thí dụ về cái óc ganh tỵ bè phái vì danh Chúa.
Nhưng Chúa không chấp nhận như thế đâu. Đức Giêsu đã đưa ra một nguyên tắc “Ai không chống lại Ta thì phải kể như là thuộc về Ta”. Nguyên tắc này độc đáo vì nó đi ngược lại với nguyên tắc người ta vẫn thường theo từ trước tới giờ. Người ta thường nghĩ “Ai không theo ta tức là kẻ chống ta”, hoặc “Ai không phải là bạn ta thì là kẻ thù của ta”, hay hơn nữa “Ai làm bạn với kẻ thù ta thì cũng là kẻ thù của ta”. Những nguyên tắc vừa kể biểu lộ một tâm lý tự tôn và độc tôn: chỉ có phe nhóm của mình là hay, loại trừ tất cả những ai không thuộc về phe nhóm mình. Còn nguyên tắc của Đức Giêsu là một nguyên tắc cởi mở, rộng lượng, nới rộng vòng tay hợp tác: tất cả mọi người, miễn là họ không chống lại ta, cho dù người đó không thuộc đạo ta, cũng phải coi là bạn của ta; cũng phải hợp tác với họ.
Giữa xã hội ngày nay, con số những người có đạo chỉ là một con số nhỏ. Nếu những người có đạo cứ khư khư với đầu óc tự tôn và độc tôn thì họ sẽ trở thành lẻ loi, sẽ bị cô lập giữa xã hội. Còn nếu những người có đạo biết thực hành nguyên tắc của Đức Giêsu đề ra thì họ sẽ sống chan hòa với những người khác, sẽ có rất nhiều cơ hội để cùng với những người khác thực hiện biết bao nhiêu điều tốt mà Chúa muốn họ làm.
Vả lại, Chúa đâu phải chỉ muốn cho những người có đạo làm việc tốt, mà Chúa muốn cho mọi người đều làm việc tốt. Chúa cũng đâu có cần những người có đạo chúng ta khi làm được một việc tốt thì phải dán nhãn hiệu đạo lên việc tốt đó, phải ký tên mình lên việc tốt đó. Điều mà Chúa muốn là có những việc tốt đã được làm.
Chúng ta hãy cố gắng sống theo tinh thần Tin Mừng Chúa: đừng ganh tỵ, đừng giữ đầu óc bè phái… nhưng cố gắng sống chan hòa với mọi người, cùng với mọi người thực hiện những điều tốt, những việc làm có ích cho tha nhân, cho xã hội.
Người khán giả tỏ vẻ khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu lại càng bực hội hơn. Ông quay sang người bên cạnh và nói nhỏ: “Hắn ta là một tên vô thần!”
Trên đường về nhà, chúng tôi nói với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, những người có tôn giáo thật là buồn cười, họ tưởng rằng Chúa chỉ đứng về phía họ và chống lại tất cả những ai không thuộc về tôn giáo của họ”.
Chúa Giêsu gật đầu tỏ ý đồng tình. Ngài bảo: “Đó là lý do tại sao Thầy không ủng hộ đội tuyển Tin Lành hay đội tuyển Công Giáo, mà chỉ ủng họ các cầu thủ thôi, dù họ thuộc bất cứ đội tuyển nào”.
Anh chị em thân mến,
Câu chuyện này tuy là tưởng tượng, nhưng nó lại mang sứ điệp của Tin Mừng hôm nay.
Gioan đã ngăn cản người khác trừ quỉ. Ông tưởng là ông có công lớn, ông đem khoe với Chúa Giêsu, nhưng ông không ngờ được phản ứng quyết liệt của Chúa: “Đừng ngăn cản người ta làm gì! Vì không có ai nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu Thầy. Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta”.
Không ai có đặc quyền đặc lợi trong sứ vụ của Chúa Giêsu! Tất cả đều bình đẳng, tất cả đều là anh em trong tình yêu của Ngài: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Tiêu chuẩn để theo Chúa Giêsu, làm môn đệ Ngài chỉ có bấy nhiêu! Và chúng ta thấy có nhiều người trong xã hội hôm nay, bên Ðông cũng như bên Tây, da trắng cũng như da màu, nghèo cũng như giàu. Họ nuôi dưỡng cô nhi quả phụ, chăm lo bệnh nhân, người già cả, trẻ bé thơ, bụi đời, xì ke, ma tuý, aids. Họ cổ võ hoà bình, chống chiến tranh, bất công xã hội, lập nhà thương, xây dựng trường học, xoá đói giảm nghèo, phân phát thuốc men miễn phí.
Tất cả đều đang thi hành sứ mệnh của Chúa giữa đồng loại. Việc làm của họ nhắc nhở chúng ta phải gạt bỏ mọi khuynh hướng chia rẽ bè phái.
Tinh thần của Ðức Kitô, quả thật, đã bẻ gãy mọi rào cản, đạp đổ mọi tường thành mà linh mục, tu sĩ, giáo dân chúng ta đã dựng nên.
“Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta”.
Lạy Chúa, xin cho tinh thần của Chúa luôn tác động nơi cuộc sống chúng con.
Amen ( Lm. Jude Siciliano, OP)
Thuộc về Ðức Ki-tô
Bài Tin Mừng hôm nay đề ra cho chúng ta hai sứ điệp :
Sứ điệp thứ nhất
Người xua đuổi quỷ là người tốt; họ là đối thủ hữu hiệu chống lại cái ác, và do vậy, họ được liên kết cách thực sự với Ðức Ki-tô. Có thể gặp thấy những người này ở khắp nơi, kể cả ở ngoài số những môn đệ chính thức của Ðức Ki-tô.
Nét đặc trưng của người môn đệ Ðức Ki-tô là không được ngăn cản những người này hoạt động, viện cớ rằng họ không nhận quyền từ Ðức Ki-tô.
Sứ điệp thứ hai
Ðức Giê-su yêu cầu chúng ta phải là những người trung tín đến mức phải loại trừ tất cả những gì gây trở ngại cho việc gắn bó với Người. Những ai nghĩ rằng bình an và sự công chính của Thiên Chúa là điều có thể thực hiện, cho dù phải trả giá là một cái chân hay một con mắt, những người ấy trở thành anh hùng trong lịch sử nhân loại. Ðây không phải là trường hợp những người quá bận tâm để cứu lấy những đồ đạc của mình, và được đánh đổi bằng một vài thoả hiệp.
Chúng ta hiểu rằng hai sứ điệp này không dễ thực hiện. Tuy nhiên, trong lý thuyết, nó cũng cho chúng ta cảm thấy vui thích. Sứ điệp thứ nhất phù hợp với tinh thần thoáng đạt, bao dung mà con người ngày nay đang hướng đến. Sứ điệp thứ hai phù hợp với tính trung thực đang được khuyến khích khắp nơi.
Nhưng phải chăng Ðức Giê-su chỉ nói với chúng ta như thế ?
Ðể ý một chút, ta nhận ra một điểm chung : thuộc về Ðức Ki-tô. Kẻ trừ quỷ phải "nhân danh Ðức Giê-su", kẻ bé nhỏ nhận ly nước "vì thuộc về Ðức Ki-tô" và kẻ có những chọn lựa là để "vào trong Nước Thiên Chúa".
Như thế, trong mọi hoạt động, dù ăn, dù uống, dù làm việc gì, ta cũng phải nhận ra dấu vết của Thiên Chúa và của Ðức Giê-su, Con Thiên Chúa. Chúng ta phải để cho ngọn lửa Thánh Thần thanh luyện các phán đoán và cách ứng xử của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta nhận ra cách tích cực nơi chính mình và nơi người khác - dù người ấy còn xa lạ với Ki-tô giáo - dấu chỉ của Thần Khí Ðức Giê-su. Thần Khí luôn mời gọi chúng ta sống thánh hơn, và do đó, tinh thần thoáng đạt hơn. Thánh Kinh luôn mời gọi chúng ta chân thành hơn, và như vậy, tự do hơn...