Clock-Time

Suy Niệm Chúa Nhật Tuần XXXIII Thường Niên C (Mt 10:17-22) - Lm Alfonsô

Không phải mà tự dưng lễ kính Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam được phép mừng kính long trọng như vậy. Có thể nói, hơn hai mươi thế kỷ qua, chưa có một tôn giáo nào trên thế giới bị bách hại nặng nề, kinh khủng và lâu dài cho bằng Kitô giáo. Lần giở lại Sách Khâm Định Việt Sử thời Trung Cổ và Cận Đại cho biết trong vòng 300 năm, hạt giống Tin Mừng được gieo vào lòng đất Việt đã âm thầm mọc lên và sinh hoa kết trái.

Suy Niệm Lời Chúa
CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN C
NGÀY 13/11/2022

Bài đọc 1: Kn 3,1-9

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt.

 Bài đọc II: 1Cr 1,17-25

Anh em thân mến, Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không. Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh (Mt 10,17-22)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”. Ðó là lời Chúa.

Suy niệm

Chúa nhật ngày 19/6/1988, tại Rôma, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ II đã cử hành Thánh lễ tuyên phong 117 vị Tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh. Từ ngày ấy, Giáo hội hoàn vũ cử hành lễ kính nhớ các ngài vào ngày 24/11 hàng năm. Riêng Giáo hội Việt Nam còn cử hành lễ kính trọng thể vào Chúa nhật giữa tháng 11, trước lễ Chúa Kitô Vua.

Không phải mà tự dưng lễ kính Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam được phép mừng kính long trọng như vậy. Có thể nói, hơn hai mươi thế kỷ qua, chưa có một tôn giáo nào trên thế giới bị bách hại nặng nề, kinh khủng và lâu dài cho bằng Kitô giáo. Lần giở lại Sách Khâm Định Việt Sử thời Trung Cổ và Cận Đại cho biết trong vòng 300 năm, hạt giống Tin Mừng được gieo vào lòng đất Việt đã âm thầm mọc lên và sinh hoa kết trái. Kể từ khi có sự đặt chân của cha thừa sai Inêkhu vào năm 1533, tại làng Ninh Cường và Trà Lũ của đất Việt, tiếp theo là cha Gaspar da Cruz, Alexandre de Rhodes hay còn được quen gọi là cha Đắc Lộ, Pedro Marques v.v.. Với dòng thời gian, công cuộc loan báo Tin Mừng đã bị thử thách nặng nề với cái chết vì đạo đầu tiên của Chân phước Anrê Phú Yên. Ngài sinh năm 1625, được chính cha Ðắc Lộ rửa tội năm 15 tuổi, cùng lúc với bà mẹ góa và các anh chị, và chịu tử đạo vào năm 1544. Một trang sử loan báo Tin mừng cách hào hùng, nhưng cũng không thiếu nỗi đau thương và đẫm nước mắt của không chỉ 117 vị thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay, nhưng còn của bốn mươi vạn tín hữu khắp nơi trên đất Việt, chịu lưu lạc hay bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc.

Có nhiều lý do dẫn đến cảnh bách hại: vì ghen tương đố kỵ, hiểu lầm hay do những nguyên nhân chính trị đã khiến Hội thánh Việt Nam dâng cho Chúa không những 117 mà tới 130,000 chứng nhân anh dũng, đã nhận lấy cái chết để làm chứng và tỏ lòng trung thành với Chúa Kitô. Các vị tử đạo tại Việt Nam rất đa dạng, gồm đủ mọi thành phần trong dân Chúa và ngành nghề xã hội: các Giám mục, Linh mục, Linh mục thừa sai Pháp và Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Hà Lan, Ý… các chủng sinh, thầy giảng, các nữ tu và giáo dân, có những cụ già và thanh niên, từ giáo dân, ông trùm, ông quản…người làm nông đến chài lưới, từ thương lái đến lương y, từ học sinh đến thầy đồ, từ lý trưởng, cai tổng, binh lính đến quan văn, quan võ…

Nhà cầm quyền thời đó đã dùng mọi hình phạt dã man để khủng bố tinh thần các thánh Tử đạo Việt Nam. Các ngài chịu nhiều bách hại với mọi hình phạt dã man mọi thứ cực hình mà người ta có thể nghĩ ra được để khủng bố tinh thần các chứng nhân của Chúa Kitô. Hình phạt nhẹ thì bị gông cùm, xiềng xích, nhốt trong cũi, đánh đòn, bỏ đói, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng, bị lưu đày, phát lưu và phân sáp, và quyết liệt hơn thì bị voi giày, xử tử. Xin liệt kê một số hình phạt man rợ và bất công thời đó là:

Bá đao: bị lý hình dùng dao cắt xẻo từng miếng thịt trên thân thể cho dù 100 miếng. Cách chết này có 1 vị.

Lăng trì: chặt chân chặt tay trước khi bị chém đầu. Cách chết này có 4 vị.

Thiêu sinh: bị thiêu sống. Chết cách này có 6 vị.

Xử trảm: bị chém đầu. Chết cách này có 75 vị.

Xử giảo: bị tròng dây vào cổ và bị lý hình kéo hai đầu dây cho đến chết. Cách chết này có 22 vị.

Chết rũ tù: bị tra tấn, hành hạ đủ cách đủ kiểu, rồi bị bỏ đói cho tới khi kiệt sức và chết gục trong tù. Chết cách này có 9 vị.

Trong đó, không thể nào quên phong trào Văn Thân (1862), Cần Vương (1883) với chiêu “Bình Tây Sát Tả”, cho in chữ “Tả Đạo” lên má người đạo Chúa, phò vua tàn sát người Công Giáo mà họ lấy danh nghĩa là diệt “Tả đạo”, đạo sai trái để phân biệt với người lương là người tốt lành. Và còn chính sách theo kiểu “phân sáp”, một chính sách sâu độc của vua Tự Đức (1847-1883) gồm bốn mặt:

- Người công giáo phải đến ở trong các làng bên lương.

- Mỗi người Công giáo phải bị năm người lương canh giữ cẩn mật.

- Các làng Công giáo bị phá huỷ, của cải ruộng đất của người Công giáo bị tịch thu và giao vào tay những người bên lương, những người này sử dụng và nộp thuế lại cho Nhà nước.

- Ly tán vợ chồng Công giáo với nhau, con cái của người Công giáo thì phải để cho gia đình người lương nuôi. Với kế hoạch phân sáp của vua Tự Đức, 100 làng công giáo thành bình địa, 2,000 họ đạo bị tịch thu tài sản ruộng đất, 115 Linh mục Việt Nam và 10 giáo sĩ ngoại quốc bị giết, 80 Dòng Mến Thánh Giá bị phá tan, 2,000 nữ tu Mến Thánh giá phải tan tác,100 nữ tu Mến Thánh giá chết vì đạo. Dẫu vậy, các tín hữu Tử đạo Việt Nam đã anh dũng chịu đựng vì Chúa, luôn có bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, không có hình phạt nào có thể tách rời các Ngài ra khỏi tình yêu của Chúa. Tất cả đều mang trong mình một niềm tin son sắt, một tình yêu nồng cháy, một tinh thần can đảm quật cường, sẵn sàng chịu muôn ngàn thử thách vì danh thánh Chúa Kitô vì các ngài tin tưởng như Lời Chúa trích sách Khôn Ngoan: “Linh hồn những người công chính ở trong tay Thiên Chúa và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài” (Kn 3,1).

Các thánh tử đạo Việt Nam không phải những vị anh hùng theo kiểu người đời: Can đảm chết để bảo vệ một chủ nghĩa chính đáng hoặc không chính đáng nào đó, hoặc vì muốn được vinh quang mặc dù phải can đảm đương đầu với một cái chết tàn bạo hay ôm bom tự sát, liệt sỹ cho Tổ quốc. Không, các thánh tử đạo của Kitô giáo trao ban sự sống của các ngài vì tình yêu làm chứng cho đức tin. Các ngài là những người mà chúng ta hát lên bài: “Đây bài ca ngàn trùng dâng về Thiên Chúa, bài ca thắm đượm máu hồng, từng bao người anh dũng tiến lên hy sinh vì tình yêu”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con là con cháu luôn nhớ đến cha ông đã sẵn sàng lấy máu đào minh chứng cho đức tin can trường vào Ngài, để ngày nay, chúng con cũng dám sống đức tin ấy và vun tưới để cây đức tin ấy được triển nở trong lòng Giáo hội, nơi gia đình khu xóm, và để chúng con luôn ca tụng Chúa không ngừng. Amen.