Clock-Time

Suy Niệm Chúa Nhật XII Thường Niên - Lm Antôn Hà Văn Minh

Sau trận bóng vòng loại Wold Cup với đội bóng UAE, H. Long có viết một bài nhận định về đội bóng Việt Nam đăng trên tờ báo điện tử Dân trí ngày 16-6-2021 với tựa đề: Đội Tuyển Việt Nam làm nên lịch sử: chiến thắng nỗi sợ hãi, tác giả bài báo viết: Khi ra "biển lớn", đội tuyển Việt Nam hiểu được thách thức.
SUY NIỆM CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN NĂM B


VƯỢT QUA NỖI SỢ HÃI ĐỂ XÂY DỰNG NIỀM HY VỌNG LỚN LAO


LỜI CHÚA: Mc 4: 35-40

Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”

SUY NIỆM

Sau trận bóng vòng loại Wold Cup với đội bóng UAE, H. Long có viết một bài nhận định về đội bóng Việt Nam đăng trên tờ báo điện tử Dân trí ngày 16-6-2021 với tựa đề: Đội Tuyển Việt Nam làm nên lịch sử: chiến thắng nỗi sợ hãi, tác giả bài báo viết: Khi ra "biển lớn", đội tuyển Việt Nam hiểu được thách thức. Có thể đoàn quân của HLV Park Hang Seo không thể làm nên điều thần kỳ. Nhưng điều quan trọng, họ cần chiến thắng được nỗi sợ hãi, để phá vỡ giới hạn của đội bóng. Và khi vượt qua được nỗi sợ hãi, sẵn sàng đương đầu với sóng gió, đó là lúc bạn đã giành chiến thắng!

Vâng, vượt qua nỗi sợ hãi là bắt đầu cho một hành trình để đạt tới thành công, đó cũng chính là điều mà Đức Kitô đã muốn dạy các môn đệ: đừng sợ trước sóng gió của biển cả, Người đã khiển trách các ông:  Sao các con sợ hãi thế. Chắc chắn không phải vô tình khi Chúa Giêsu bảo các môn đệ cùng với Người xuống thuyền ra biển khi cơn giông bão sắp xảy ra, hẳn là Người muốn các ông phải đối diện với cơn giông bão để chuẩn bị cho sứ vụ sau này. Giông bão hôm nay trên biển hồ chẳng là gì so với giông bão các ngài phải đối diện trên con đường loan báo Tin Mừng. 

Để có thể vượt qua những giống bão trên đường sứ vụ, ngay từ lúc này Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải học cách đối phó với giông bão của biển cả, đó là:  đừng sợ. Hãy biết một điều giữa phong ba bão táp Chúa vẫn hiện diện ở đó, nền tảng của thái độ: đừng sợ, chính là đức tin, tin có Chúa hiện diện và tín thác vào Người. Vâng, chỉ khi vượt qua nỗi sợ hãi với một niềm tin sắt đá vào sự hiện diện của Chúa, người môn đệ mới có thể vượt qua được bao nỗi khó khăn trên con đường loan báo Tin Mừng. Hãy nghe thánh Phaolô kể những nỗi gian truân mà ngài phải đối diện trên đường loan báo: “Năm lần tôi bị người Do thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh! Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?” (2Cor 11, 24-27). Khi đối diện với những nỗi gian truân như thế, Phaolô đã không để cho sự sợ hãi chi phối, ngài đã vuợt qua tất cả, ngài đã không sợ vì ngài luôn tín thác vào Đức Kitô. Ngài đã minh định: "Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô. Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo” (2 Tm 4,6-8).

Quả thật, bất cứ thời đại nào Giáo hội Chúa Kitô luôn đối diện với các cơn sóng dữ như muốn nhấn chìm con thuyền Hội Thánh, đặc biệt ngày hôm nay vào những thập niên cuối thế kỷ XX, và nhất là vào thập niên của thế kỷ XXI cơn sóng dữ chống lại Giáo hội nổi lên một cách dữ dội vì sự kiện bê bối lạm dụng tính dục trong hàng ngũ giáo sĩ. Đặc biệt ở Đức nhiều Giám mục run sợ trước làn sóng chống đối để rồi lên tiếng đòi cải tổ lại Giáo Hội, thay đổi Giáo lý truyền thống chấp nhận đồng tính luyến ái, bãi bỏ luật độc thân linh mục, dân chủ hóa Giáo Hội và truyền chức Linh Mục cho phụ nữ. Đặc biệt, Đức hồng y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục Munich và Freising, như không chịu nổi trước cơn sóng dữ này, ngài đã làm đơn từ chức với tâm trạng sợ hãi thất vọng cho rằng, Giáo hội rơi vào “ngõ kẹt, và đang ở đường cùng” về nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.  

 

Đức Kitô đã khiển trách các môn đệ: Sao các con sợ hãi thế, lời khiển trách mang âm giọng muộn phiền vì trong nỗi sợ hãi các môn đệ đã quên mất sự hiện diện của Chúa, và rồi làm sao có thể chu tất nhiệm vụ mà Chúa sẽ giao phó cho các ông sau nay. Đối diện với trận cuồng phong, các ông đã đánh mất niềm tin vào Thầy mình, giờ chỉ còn là những phản ứng tự nhiên của những con người đang sợ chết. Đức Thánh cha Phanxicô trong thơ trả lời không chấp nhận sự từ chức của hồng y Marx đã viết: Toàn thể Giáo hội đang khủng hoảng vì tội lạm dụng này, Giáo hội không thể tiến bước nếu không giải quyết cuộc khủng hoảng này! Thật vậy cuộc khủng hoảng này phải được giải quyết bằng đức tin, vượt nên trên chúng ta. Xã hội học và tâm lý học không thể giải quyết được. Các cuộc thăm dò và quyền lực của các tổ chức sẽ không cứu được chúng ta. Chúng ta sẽ không được cứu bởi uy tín của Giáo hội, vốn có khuynh hướng che giấu tội lỗi của mình; chúng ta sẽ không được cứu bởi sức mạnh của đồng tiền hoặc ý kiến của giới truyền thông, mà chúng ta thường quá phụ thuộc vào. Chúng ta sẽ được cứu bằng cách mở cánh cửa cho Đấng duy nhất có thể cứu chúng ta, và bằng cách thú nhận sự trần trụi của mình: 'Tôi đã phạm tội', 'chúng ta đã phạm tội' ...". Đúng vậy, cần phải tin vào Chúa để vượt qua nỗi sợ hãi mới có thể giải quyết khủng hoảng hiện tại. 

 

Vâng, chỉ có đức tin đưa chúng ta ra khỏi các cơn sóng dữ, thay vì sợ hãi chúng ta sẵn sàng đối diện với sự thật, để nhận ra sự yếu đuối của con người, sống khiêm cung tín thác vào Chúa, chứ không phải vào khả năng của con người, để rồi chúng ta can đảm tiến bước trong niềm hy vọng. Hơn bao giờ hết, trước khủng hoảng mà Giáo Hội đang đối diện, thay vì sợ hãi đòi hỏi phải cải cách Giáo Hội theo ý muốn của con người, chúng ta được mời gọi hãy tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu, và hãy để cho Người dẫn chúng ta đi. Đừng sợ, hãy vững tin, đức Phanxicô khẳng định: “Việc cải cách trong Giáo Hội vốn được thực hiện bởi những con người nam nữ không sợ hãi bước vào cuộc khủng hoảng và để mình được Chúa cải cách. Đó là cách duy nhất, nếu không chúng ta sẽ chẳng khác gì những ‘nhà ý thức hệ cải cách’, những người không đặt chính bản thân họ lên tuyến đầu”- Amen