Clock-Time

Suy Niệm Chúa Nhật XIV Thường Niên Năm B - Lm Antôn Hà Văn Minh

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi phá bỏ những định kiến cổ hủ và dứt khoát, vượt qua những sự ganh đua có hại. Ngài khẳng định: “Nếu không bỏ qua những khác biệt cần được giải quyết thông qua đối thoại bác ái và trung thực, chúng ta sẽ không thể bắt đầu một giai đoạn mới trong quan hệ giữa các Giáo hội của chúng ta, được đánh dấu bằng cách bước lại gần nhau hơn, bằng cách mong muốn tiến những bước thực sự về phía trước, bằng cách thực sự chịu trách nhiệm về nhau hơn. Nếu chúng ta vâng theo Chúa Thánh Thần, Đấng là tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa và là Đấng đem lại sự hài hòa cho sự đa dạng, thì Người sẽ mở đường cho một tình huynh đệ đổi mới.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM B

ĐỊNH KIẾN: NGUYÊN NHÂN GÂY GÃY ĐỔ SỰ HIỆP THÔNG


LỜI CHÚA: Mc 6: 1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người. Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân,

SUY NIỆM

Người đồng hương của Chúa khi đặt vấn đề: Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? không phải để thán phục, để nhận ra con người đích thật của Chúa Giêsu, để hãnh diện vì một người đồng hương kiệt xuất, nhận ra một vị thiên sai được xuất thân từ giữa họ. Họ đặt vấn đề vì nghi ngờ, vì định kiến: con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa. Ngay như ông Nathanael khi được Philipphê giới thiệu về Chúa Giêsu, ông không ngần ngại đưa ra lời nhận định: "Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được? (Ga 1, 46).

Vâng, chính định kiến đó đã ngăn cản người đồng hương của Chúa vượt ra khỏi mạc cảm về sự nhỏ nhoi của mình. Định kiến đã làm họ trở nên u tối và quên đi những việc kỳ diệu Chúa đã thực hiện trong lịch sử Dân Israel, họ đã quên việc Chúa đã chọn ông Gideon để giải cứu Israel khỏi tay người Median, mà thân thế của ông Gideon được ông thú nhận như sau: "Ôi, thưa Ngài, con lấy gì mà cứu Ít-ra-en? Này dòng họ con thấp kém nhất trong chi tộc Manasse, mà con lại nhỏ nhất trong nhà cha con” (Tl 6, 15). Vâng, lịch sử dân Do Thái là lịch sử bắt đầu từ những con người nhỏ nhoi, không có danh phận trong xã hội lại được một bàn tay lớn lao không cùng dẫn dắt. Tuy nhiên những người đồng hương của Chúa vẫn sống trong định kiến về sự thấp kém của ngôi làng nhỏ bé Nazareth với những lao động bình thường ở đó. 

Định kiến đó đã xói mòn đức tin để rồi họ không còn nhận ra tình thương của Thiên Chúa và các việc kỳ diệu Ngài thực hiện. Định kiến đó đã làm cho họ đánh mất niềm hy vọng để rồi cứ kéo lê cuộc sống trong sự oán trách, than van về số phận, tâm hồn bị đóng kín để không còn chỗ cho lời yêu thương của Thiên Chúa vang vọng tới. Người đồng hương đã chối từ Tin Mừng Nước Trời mà Chúa Giêsu mang tới vì họ không thể tin được một con người xuất thân từ một gia đình lao động tầm thường mà lại có thể lại vị Thiên Sai. 

Định kiến đó không dành riêng cho người đồng hương của Chúa Giêsu, nhưng nó luôn hiện diện trong cuộc sống của mọi thời đại. Quả thật, càng ngày người ta càng muốn loại bỏ đức tin vào Thiên Chúa, bởi nói như Đức Bênêđictô XVI: Thiên Chúa quá vĩ đại, Ngài không thể nhập thể làm người trong một con người quá nhỏ nhoi. Ngài quá lớn để không thể một tư tưởng, một ngôn ngữ nào có thể diễn tả được. Cho nên, việc Thiên Chúa đi vào trong thân phận một con người quá nhỏ bé, quá hạn hữu thì không thể có được, không thể tin được, và nhất là càng không thể tin một Giêsu chết trần truồng trên Thập giá là con Thiên Chúa và là Thiên Chúa được. Dưới con mắt của thế trần, Thiên Chúa vẫn luôn là một Thiên Chúa uy quyền ngự chốn cao sang, cho nên người thời đại hôm nay vẫn còn đó nụ cười mỉa mai của những tên linh ngày xưa khi hành hạ Chúa: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi” (Lc 23, 37), hay là sự châm biếm của tên gian phi: "Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” (Lc 23, 39). Định kiến của con người đã làm cho trí lòng của họ ra tăm tối để không thể hiểu được rằng, đối với Thiên Chúa thì không thể là không được (x. Lc 1, 37), bởi Ngài là tình yêu. Tình yêu luôn có những sáng kiến kỳ diệu để mang lại sự sống cho con người, một thụ tạo được dựng nên giống hình ảnh của Ngài. 

Đức Bênêđicto XVI đã mời gọi chúng ta hãy can đảm phá đổ định kiến để chân nhận rằng, “đức tin Kitô giáo mang lại cho ta sự an ủi lớn lao, đó là Thiên Chúa rất lớn, nhưng lại có thể trở nên bé nhỏ. Và chính việc Ngài có thể trở nên bé nhỏ, có thể cúi xuống, đã thực sự đi vào một con người, đã mặc lấy xác phàm, không phải mặc như mặc một chiếc áo rồi lại cởi ra, nhưng là trở nên chính con người đó. Đó là một chiều kích hoàn toàn không ngờ về sự lớn lao của Thiên Chúa”. Bởi khi mặc lấy xác phàm Thiên Chúa tỏ bày Ngài đầy quyền năng, Ngài thực hiện điều con người không thể nghĩ tưởng được, Ngài thực hiện quyền năng không phải để tỏ bày mình là một Đấng quyền năng, nhưng là để nói lên tình yêu Ngài dành cho con người. Vâng, vì yêu Thiên Chúa như quên đi chính mình, để rồi nói như đức Bênêđictô XVI trong thông điẹp Thiên Chúa là Tình Yêu: Trong cái chết thập tự của Người, việc ''Thiên Chúa quay lại chống đối chính mình'' đạt đến mức tuyệt đỉnh, khi Người tự hiến chính mình, để nâng con người lên và cứu độ họ - đó là tình yêu trong hình thức triệt để nhất. Hãy đi ra khỏi định kiến được đúc nên bởi kiêu ngạo, tự phụ, ích kỷ để nhận ra tình yêu Thiên Chúa.

Định kiến về đức tin không chỉ ngăn cản con người gặp gỡ Thiên Chúa mà còn tạo ra sự kỳ thị giữa con người với nhau.  Khi biểu lộ thái độ khinh khỉnh với Đức Giêsu, người đồng hương của Chúa cũng bày tỏ sự kỳ thị với gia tộc của Chúa, họ coi từ một gia đình lao động nghèo như thánh Giuse thì chẳng có gì đáng phải nể trọng, chẳng có gì để phải quan tâm. Định kiến đã ngăn cản họ không nhìn thấy trong sự khiêm cung nhỏ hèn của Gia đình thánh gia lấp lánh ánh vinh quang cao trọng của ân sủng Chúa đang phủ kín các ngài.

Định kiến đó cũng tạo ra nhiều ngăn cách khó đến gần giữa bao con người có chung một đức tin, có chung một con đường về nhà Cha. Định kiến đã tạo ra sự kỳ thị làm nảy sinh bao hận thù, chia rẽ, ngay cả trong đời sống đức tin, ngăn cản kết nối tình bạn, và phá vỡ sự hiệp thông trong đức ái. Định kiến chỉ là những viên gạch xây dựng nên lâu đài để tự nhốt mình vào đó và chẳng làm sao kiến tạo được mối tương giao bằng hữu, nó chỉ mang lại sự cô đơn cho chính mình, và gây ra bao nhiêu muộn phiền cho tha nhân. Chẳng hạn, vì lý do hoàn cảnh lịch sử, người công giáo Việt Nam cũng chịu nhiều đau khổ nhức nhối, bị kỳ thị vì định kiến, hay là trong khi đại dịch đang hoành hành, thay vì cùng nắm tay nhau để tạo ra sức mạnh chống dịch, chúng ta lại tạo ra sự kỳ thị vì định kiến gây ra sự chia rẽ trong xã hội. Những người không may bị lây nhiễm vius Covid -19, họ đâu có lỗi gì, tại sao lại đối xử tệ với họ qua những lời khích bác, bôi nhọ?

Là người Kitô hữu chúng ta được mời gọi hãy vượt qua định kiến bằng việc kiến tạo một con tim tràn đầy nhịp yêu thương, bởi chỉ có yêu thương mới giúp chúng ta khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Và khi nhận ra sự hiện diện của Ngài chúng ta sẽ nhận ra rằng, cuộc sống của chúng ta quả thật là một ân ban trọng đại. Vào ngày 19-6-2021 trong bài phát biểu ngỏ lời với phái đoàn của Toà Thượng phụ Constantinople do Đức tổng giám mục Emmanuel dẫn đầu, theo truyền thống, về Roma tham dự lễ hai thánh Phêrô và Phaolô, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi phá bỏ những định kiến cổ hủ và dứt khoát, vượt qua những sự ganh đua có hại. Ngài khẳng định: “Nếu không bỏ qua những khác biệt cần được giải quyết thông qua đối thoại bác ái và trung thực, chúng ta sẽ không thể bắt đầu một giai đoạn mới trong quan hệ giữa các Giáo hội của chúng ta, được đánh dấu bằng cách bước lại gần nhau hơn, bằng cách mong muốn tiến những bước thực sự về phía trước, bằng cách thực sự chịu trách nhiệm về nhau hơn. Nếu chúng ta vâng theo Chúa Thánh Thần, Đấng là tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa và là Đấng đem lại sự hài hòa cho sự đa dạng, thì Người sẽ mở đường cho một tình huynh đệ đổi mới.”

 Lm Antôn Hà Văn Minh