Clock-Time

Suy Niệm Chúa Nhật XXI Thường Niên Năm C -Qua được cửa hẹp

Tin mừng Lc 13:22-30: Qua đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe thấy Chúa Giêsu nói: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”. Vậy tức là phải dùng sức mạnh của mình hay sao?...
SUY NIỆM CHÚA NHẬT

CHÚA CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN NĂM C

 

QUA ĐƯỢC CỬA HẸP
 

 

Tin mừng 
 Lc 13:22-30

Qua đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe thấy Chúa Giêsu nói: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”. Vậy tức là phải dùng sức mạnh của mình hay sao? Sức của con người tới đâu mà qua được cửa hẹp vậy? Như thế ai mạnh sức (có sức khỏe tốt) người đó chen lấn đạp lên nhau, san bằng tất cả rồi mới vào được cửa chăng?

Có phải qua cửa hẹp tức là phải cưa bào đục đẽo, rách nát mình mẩy… mới lách mình vào cửa hẹp chăng? Càng nói càng ngại càng chán càng dửng dưng! Vì khó quá!

Trong lòng tin thì không phải tự con người chiến đấu mà có Chúa trong con người mình chiến đấu thay cho mình(có bài hát: ‘có Chúa trong ta ‘địch thù’ tan nát hết…’).

Và phải qua cửa để mà vào Nước Trời, như vậy thì Nước Trời như một thành phố có cổng ra vào hay một căn nhà có cửa vào ra chăng? "Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại”. Nếu Nước Thiên Chúa là chính Chúa thì cửa ở đâu? Bởi vì Chúa Giêsu đã nói: Nhà Cha tôi có nhiều chỗ ở, tức là cung lòng Chúa Cha bao la. Tình yêu thì không có ranh giới! chẳng cửa cổng gì cả!. Một là tôi đón tiếp Chúa vào nhà của tôi tức là đáy lòng sâu thẳm của tôi, hai là Chúa đưa tôi vào cung lòng yêu thương âu yếm của Ngài. Vậy thì bài Tin Mừng chỉ dùng những hình ảnh cho dễ hiểu … thế mà có người không hiểu! nghe mà không nghe!

Có người đi tìm cách vào mà không vào được, vậy thì có thể họ đi sai đường lạc địa chỉ hay là trên bước hành trình lại còn cứ nhởn nhơ, xem hoa bắt bướm ngắm ong chăng? Điều này có thể giải thích là trên bước đường tiến vào nhà Chúa, tiến vào trong cung lòng của Chúa. Chúng ta lại ham những thú vui trần tục mà quên mất đường về, hoặc là do những thú vui đó hấp dẫn quá nên mình quên Chúa và bỏ Chúa lại đó luôn.

Và rồi khi không vào được lúc đó lại cứ thế biện hộ: 'Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.' Nhưng Ngài vẫn dứt khoát mạnh mẽ từ chối: 'Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!'. Đáng buồn thật! Và có khi Ngài cũng chẳng cần phải đuổi xéo đi như vậy! Vì chúng ta quen ở đâu thì khoái ở đấy, quen sống ‘nhởn nhơ’ thì đến chỗ ‘nhởn nhơ’, chỗ khác e không hợp! Hằng ngày vẫn cứ lởn vởn trước mặt Ngài đấy, vẫn đi lễ, đi nhà thờ đấy, nhưng lại không đi vào sống cái tương quan thân thiện nghĩa tình thì đúng là không ‘biết’ thật (biết còn có nghĩa là yêu mến Ngài nữa!).

Không phải do sức của con người chúng ta mà có thể tìm và tiến vào được cung lòng của Chúa mà là do ân sủng của Chúa Thánh Thần “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải ; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả”. Để đi vào cái tương quan nghĩa tình, đó là đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện là gặp gỡ, đối thoại, tương quan thân thiện … cảm nếm được sự ‘ở lại’ trong nhau!

Với ân sủng của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta như thế nên tất cả “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”. Đó là niềm an ủi, và động lực giúp cho mỗi người chúng ta chiến đấu với bản thân mình mỗi ngày, để mình từ bỏ cái tôi của mình đi, để ân sủng của Chúa Thánh Thần dẫn đưa mình qua cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa.




Lm. Giuse Nguyễn Văn Phán