Clock-Time

Suy Niệm Chúa Nhật XXIII Thường Niên C - Lm. Antôn Hà Văn Minh

Tin Mừng Lc 14: 25-33 Đức tin Kitô giáo đòi hỏi người tín hữu phải có một sự chọn lựa khôn ngoan theo lời mời gọi của Tin Mừng.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM - C



 

Tin Mừng Lc 14: 25-33

 

25 Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:26 "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.28 "Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không?29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo:30 "Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng?32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà.33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.
 

 

SUY NIỆM


Một hiện tượng mới xảy ra ở Việt Nam là con số các em học sinh tự tử tăng, lý do các em bị sức ép tâm lý từ phía cha mẹ về vấn đề học hành. Cha mẹ nào cũng muốn con cái thi và đậu vào các trường đại học mà sau này sẽ kiếm được nhiều tiền hoặc có danh giá như là luật sư, bác sĩ…Bộ y tế và Bộ Giáo Dục & Đào Tạo đã công bố con số học sinh có ý định tự tử càng ngày càng cao, trong năm 2011-2015 cứ 5 em học sinh lại có một em có ý định tự tử, nguyên nhân chính dẫn tới ý định này chính là sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ vào con cái của mình, một kỳ vọng vì thành tích hay ước muốn một tương lai sáng lạn cho con cái của mình. Tuy nhiên, sự kỳ vọng này luôn vượt quá khả năng của con cái tạo ra một sức ép rất lớn làm cho các em luôn cảm thấy nặng nề trong cuộc sống và đi tìm cái chết như giải pháp để thoát khỏi sự ức chế này. Sự kỳ vọng này của cha mẹ được gọi là thiếu khôn ngoan.

Khôn ngoan trong đời sống luân lý Kitô giáo là một trong bốn nhân đức trụ. “Đức Khôn ngoan là nhân đức giúp lý trí sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh, phân  định  được điều thiện đích thực và lựa  chọn những phương tiện thích hợp để đạt tới điều thiện đó”. Đức khôn ngoan trực tiếp hướng dẫn sự phán đoán của lương  tâm. Người khôn ngoan quyết định và sắp đặt cách hành động của mình theo sự phán đoán này” (Sách GLCG số 1806). Đó là điều mà Lời Chúa hôm nay nhắn nhủ chúng ta: “ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”.

Quả thật, bước theo Chúa Giêsu là một chọn lựa khôn ngoan, bởi nói như Phêrô: “Thầy mới có những lời ban sự sống”, chính Chúa cũng đã khẳng định điều đó: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Cho nên chọn con đường theo Chúa Kitô, chính là biết định hướng cho cuộc đời của chúng ta. Đây là một định hướng đúng đắn, bởi ngoài Chúa Giêsu ra chúng ta tìm đâu được hạnh phúc và sự sống đích thật.

Thế nhưng, nếu chỉ dừng lại ở định hướng thôi chưa đủ, nhưng còn phải hành động. Bởi vì giá trị cuộc sống Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta quả là vô song, nên hành dộng của chúng ta cho việc bước theo Chúa cũng đòi hỏi một thái độ dứt khoát: “từ bỏ hết những gì mình có”. Cuộc đời chúng ta có những gì? Ông Gióp đã nói: “thân trần truồng tôi sinh ra từ lòng mẹ” (Gi 1, 21), điều đó có nghĩa là sự hiện hữu của chúng ta do bởi tình thương của Chúa, và những gì chúng ta đang có, thực ra nó thuộc về Chúa. Cái chúng ta có chăng là cái tôi, một cái tôi đã bị ô nhiễm bởi nguyên tội, nên chất chứa nhiều tự ái, ích kỷ, tham lam và nói như Đức phật đó là “lòng dục”, cái ham muốn, nguyên nhân của bao khổ đau. Vâng, trên con đường theo Chúa, từ bỏ mọi sự mình có không gì hơn là loại trừ tính kiêu căng, lòng tham vô đáy và hưởng thụ vô độ. Sự từ bỏ như thế là một sự khôn ngoan, điều mà Chúa Giêsu đòi hỏi. Bởi, chính khi từ bỏ như thế là chiếm hữu được hạnh phúc vô biên, từ bỏ cái tôi ích kỷ sẽ nhận được chính Đấng là nguồn mạch của sự sống.

Đức tin Kitô giáo đòi hỏi người tín hữu phải có một sự chọn lựa khôn ngoan theo lời mời gọi của Tin Mừng. Có nghĩa là “Không thể vừa là Kitô hữu vừa mang tinh thần thế tục. Tinh thần ấy dẫn chúng ta đến sự hư ảo, ngạo mạn, tự đắc. Và đó là một ngẫu tượng, chứ phải thuộc về Thiên Chúa” (Đức thánh cha Phanxicô). Sự chọn lựa như thế chính là một sự từ bỏ mà Chúa Kitô đòi hỏi.

Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức về việc từ bỏ, là người Kitô hữu chúng con không thể vùa vui thú với trào lưu thế tục, vừa cầu khẩn Nước Trời. Xin cho chúng con dứt khoát với tinh thần thế tục, để chỉ biết chọn Chúa mà thôi . Amen
 
 Lm. Antôn Hà Văn Minh