Clock-Time

Suy Niệm Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm B – Lm. Antôn Hà Văn Minh

Chúa Giêsu không muốn để cho các môn đệ và dân chúng sống trong niềm hy vọng hão huyền này. Henryk Sienkiewicz qua nhân vật Petronius trong tác phẩm Quo Vadis đã bộc bạch: “Thế giới này tồn tại trên sự lường gạt, còn cuộc sống chỉ là ảo giác mà thôi”, Chúa Giêsu muốn giải phóng con người ra khỏi một cuộc sống được phủ kín bằng sự lừa bịp gian dối...

SUY NIỆM CHÚA NHẬT

CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM B

NGÀY 12/09/2021

Lm. Antôn Hà Văn Minh

LỜI CHÚA: Mc 8, 27-35

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”. Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.

SUY NIỆM

ĐỨC TIN ĐÍCH THẬT

Cuộc sống luôn tạo cho con người dệt lên nhiều ước mơ, nhưng phần nhiều chỉ cà nhữung ước mơ hão huyền. Chúa Giêsu đọc được những ước mơ đó nơi các môn đệ, các ngài nuôi niềm hy vọng với một sự khao khát lớn lao khi bước theo Chúa Giêsu, niềm khao khát đó được tỏ lộ cách rõ ràng qua lời khẩn cầu của Giacôbê và Gioan: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang" (Mc 10, 37). Đây không là niềm khao khát riêng của hai người con của ông Giêbêđê, nhưng của cả toàn dân Do Thái.

Quả thật khi Chúa Giêsu thực hiện nhiều phép lạ như xua trừ ma quỉ, chữa nhiều bệnh nhân, đặc biệt lúc Chúa làm cho năm chiếc bánh trở nên nhiều để nuôi hơn năm ngàn người ăn no nê, đã làm cho dân Do Thái phấn khích đến nỗi họ muốn tôn Người lên làm vua. Họ đặt trọn niềm hy vọng vào Chúa, ông Giêsu Nazareth đúng là Đấng mà toàn dân đang mong đợi, Đấng đến để giải thoát đất nước Israel khỏi sự áp chế của đế quốc Roma, và sẽ phục hồi sự cường thịnh của dân tộc đã trải qua một thời oanh liệt dưới triều đại David, triều đại Salomon. 

Chúa Giêsu không muốn để cho các môn đệ và dân chúng sống trong niềm hy vọng hão huyền này. Henryk Sienkiewicz qua nhân vật Petronius trong tác phẩm Quo Vadis đã bộc bạch: “Thế giới này tồn tại trên sự lường gạt, còn cuộc sống chỉ là ảo giác mà thôi”, Chúa Giêsu muốn giải phóng con người ra khỏi một cuộc sống được phủ kín bằng sự lừa bịp gian dối. Quỉ đã lừa bịp nguyên tổ, để nguyên tổ phạm tội chống lại Thiên Chúa và phải đón nhận hậu quả thảm khốc đó chính là sự chết. Vâng, chết là hậu quả của sự lừa bịp mà ma quỉ là nguyên nhân. Sự lừa bịp đó in đậm vào cuộc sống, để rồi con người luôn mãi nuôi dưỡng những ảo tưởng mà sự lùa bịp tạo ra. 

Khi hỏi các môn đệ: Người ta bảo Thầy là ai? Chúa Giêsu muốn giải thoát các môn đệ khỏi những ước mơ hão huyền được tạo ra bởi sự lừa bịp. Quả thật, câu hỏi của Chúa không là một sự thăm dò việc người ta đánh giá về uy tín của mình. Chúa không quan tâm đến điều đó, Chúa không cần bao nhiều phần trăm yêu mến và bao nhiêu phần trăm ghét Người. Người chỉ cần các môn đệ hiểu rõ Người là ai. Cho tới lúc này, gần ba năm theo Thầy các môn đệ vẫn chưa thể nhận ra bản chất đích thực về con người của Chúa, trong khi đó “giờ” của Chúa đã gần đến. Chúa cần phải tỏ rõ về căn tính của Người: “phần các con các con bảo Thầy là ai?”, một câu hỏi rất quan trọng nhằm loại trừ ra khỏi tâm trí các môn đệ về một hy vọng hão huyền về vai trò của Chúa Giêsu. Nhà chú giải Piere Grelot đã đưa ra lời giải thích về lời tuyên tín của Phêrô: Việc tuyên xưng Đấng Messias rất đơn sơ của thánh Phêrô theo thánh Marcô luu truyền, chắc chắn phản ánh đúng giây phút lịch sử, ở đây thuần tuý là việc tuyên xưng Đấng Messias dựa vào Do Thái giáo, theo đó Đấng Messias là một Đấng Messias chính trị”, có nghĩa Chúa Giêsu là Đấng được sai đến để phục hồi lại vương quốc Do Thái, Đấng giải phóng dân Do Thái khỏi ách nô lệ Roma. Vì thế, thánh Phêrô mới phản đối lại việc Chúa tuyên bố Người sẽ chiu khổ hình và chịu chết, và Chúa đã không ngần ngại trách cứ Phêrô: “Satan, hãy lui lại đàng sau Thầy”. Chúa Giêsu phản đối công khai về về một hy vọung lệch lạc vào bản thân Người. Người muốn các môn đệ hiểu rõ thế nào là Đấng Messias.

Quả thật, lời tuyên tin của Phêrô là khởi đầu cho việc mạc khải về bản chất đích thực của Đấng Messias: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại”. Đức Benêđictô XVI đã nhận định: Lời tuyên tín của Phêrô có mối liên quan trực tiếp đến bữa tiệc ly. Trong bữa tiệc ly mầu nhiệm tư tế của Đức Giêsu được nổi bật. Tước hiệu tư tế được đưa vào diễn từ về bí tích Thánh Thể và như tiên báo về mầu nhiệm Thập giá, tước hiệu này năm trong mầu nhiệm vượt qua như trọng tâm sứ vụ của Đức Kitô và cho thấy bản thân Đức Giêsu hoàn toàn khác với những hình thức thông thường của hy vọng vào Đấng Massias”. Khi hỏi các môn đệ: “còn các con các con bảo Thầy lài ai”, Chúa Giêsu đã mạc khải cho thấy sứ vụ đích thực của Người: Người đến trần gian không nhằm kiến tạo một vương quốc với những vinh quang phù du, Người kiến tạo vương quốc Nước Trời bằng chính cái chết tự hiến của Người trên Thập giá, điều mà các môn đệ không bao giờ nghĩ tới. Người không để các môn đệ rơi vào sự lừa bịp mà Satan đã giăng bẫy, Người đã nói đến cái chết và sự phục sinh của Người để các môn đệ hiểu rằng: sự thật về sứ vụ của Người chính là mang lại cho nhân loại vinh quang và sự sống bằng chính cái chết đau thương trên Thập giá và sự sống lại của Người, chứ không phải bằng chính những ảo tưởng về vinh quang và quyền lực của thế gian.

Nghe lại lời tuyên tín của Phêrô về Đức Kitô và lời mạc khải của Đức Kitô về bản chất đích thực của Đấng Messias là cơ hội để mỗi người chúng ta minh định lại đức tin của mình, và bản chất đích thực của đức tin đó. Chúng ta tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta hồng ân đức tin, bởi vì đức tin đích thật là một ân ban trọng đại Chúa ban tặng cho những ai Ngài coi là xứng đáng. Vâng, chúng ta được coi là xứng đáng vì Chúa đã trao ban hồng ân đức tin cho chúng ta, nhưng đức tin của chúng ta dành cho Chúa là loại đức tin nào, tin vào Chúa Giêsu theo tâm thức trần thế, hay theo tâm thức của Thiên Chúa? Tổng thống Hoa Kỳ ông Biden, hay như bà chủ tịch Hạ viện hoa Kỳ bà Pelosi luôn lớn tiếng tự hào mình là người công giáo nhưng họ luôn nỗ lực ủng hộ cho việc phá thai, một việc là đi ngược với đức tin công giáo. Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco đãc mạnh mẽ lên tiếng: “Hãy để tôi nhắc lại: không ai có thể khẳng định mình là một tín hữu Công Giáo sùng đạo mà lại tán đồng việc giết hại mạng sống những con người vô tội, chứ đừng nói đến việc buộc chính phủ phải trả tiền cho điều đó”, họ tin vào Chúa Kitô, nhưng là một Đức Kitô chính trị. Đức Cha Pabillo, Giám Quản Tông Tòa của Taytay, Phi Luật Tân, vượt qua mọi nỗi sợ hãi để lên tiếng về việc tổng thống Duterte cướp bóc công quỹ “kinh hoàng và tàn nhẫn” ngay khi đất nước đang phải vất vả đối mặt với đại dịch kinh hoàng, ngài nói: “Đó là một hành động tham nhũng trắng trợn, một cách vô tội vạ và không đoái hoài gì đối với mạng sống con người. … Giao dịch mờ ám này đã phơi bày thói đạo đức giả của Duterte, người đã thề chống tham nhũng và loại bỏ các quan chức ngay cả khi chỉ có 'mùi tham nhũng' trong bất kỳ cơ quan chính phủ nào”. Đức cha Pabillo đã biểu tỏ một đức tin sống động vào Chúa Kitô, Đấng đã dùng cái chết đau thương để giải phóng con người khỏi chết, đã chấp nhận đi vào trong mồ làm thân phận hạt lúa để mục nát, và từ đó mang lại sự sống mới cho nhân loại. Đó chính là đức tin công giáo đích thực, một đức tin mang lại niềm hy vọng đích thực, chứ không là một đức tin được che kín bằng lớp áo phù hoa lừa bịp giả dối – Amen